Không thể hiểu nghệ thuật chỉ bằng cảm tính

NGA LINH 06/12/2009 03:12 GMT+7

TTCT - Nghệ thuật và công chúng luôn là vấn đề của mọi thời điểm, ở mọi quốc gia. Đối với VN vấn đề này lại càng thêm nóng bỏng, khi mà nghệ thuật còn ở những điểm khởi đầu và công chúng còn tản mạn, mông lung.

Nhân Liên hoan phim VN lần thứ 16 sắp diễn ra tại TP.HCM, TTCT đã có cuộc trò chuyện với ba vị khách mời: nhạc sĩ Dương Thụ, nữ đạo diễn phim tài liệu Trần Lan Phương và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Thạch.

Phóng to
Nhạc sĩ Dương Thụ - Ảnh: Gia Tiến Đạo diễn Trần lan Phương - Ảnh: Lê Hồng Linh Nhà phê bình Phạm Xuân Thạch - Ảnh: Việt Dũng

Phim nhà nước, phim tư nhân và câu chuyện hoán đổi
Liên hoan phim VN lần 16 tổ chức tại TP.HCM
Liên hoan phim VN 15: Sẽ có giải thưởng của khán giả
Ban giám khảo còn nợ lời hứa
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 sẽ có giải vàng

Công chúng phim nghệ thuật còn rất hiếm

* Xin chào các anh chị, cuộc trò chuyện này sẽ đặt ra một vấn đề tưởng chừng rất cũ nhưng lại luôn luôn mới, đó là câu chuyện giữa công chúng và phim nghệ thuật VN. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là anh chị có phải là khán giả thường xuyên của phim VN, hay chỉ xem những phim có “xôn xao”?

- Nhạc sĩ Dương Thụ: Tôi xem phim của Đặng Nhật Minh, đạo diễn thuộc thế hệ tôi, và phim của các đạo diễn trẻ hơn như Nguyễn Thanh Vân, Lê Hoàng, Lưu Trọng Ninh. Tôi cũng xem phim của các bạn Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Bùi Thạc Chuyên, Ngô Quang Hải. Riêng phim của các đạo diễn Việt kiều tôi cố gắng tìm xem hầu hết, từ Trần Anh Hùng, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Tony Bùi tới Trần Hàm và một vài đạo diễn khác. Tôi yêu điện ảnh VN ngay khi còn học tiểu học (trước 1954), rất háo hức khi được xem phim màu đầu tiên (Bến cũ) và những phim do cô Ái Liên (Nghệ thuật và hạnh phúc), Kim Chung, Kim Xuân (Kiếp hoa) đóng... Tôi không xem phim VN vì tò mò.

- Đạo diễn Trần Lan Phương: Ồ! Câu hỏi này giống như đặt tôi giữa một vườn hoa quả rộng lớn, mà tôi thì chỉ có thể chọn một vài loại quả đúng sở thích hoặc vài thứ là lạ để thưởng thức mà thôi (cười).

- Nhà phê bình Phạm Xuân Thạch: Tôi hầu như không bỏ sót một phim nhựa nào. Còn phim truyền hình thì phần lớn là bỏ trước khi bộ phim kết thúc. Tôi vô cùng dị ứng với khuynh hướng Việt hóa kịch bản ngoại hoặc một số phim nhựa theo kiểu thị trường như Đẹp từng centimet hay Giải cứu thần chết.

Bông sen vàng - Liên hoan phim VN lần thứ 16

* Đây là lần thứ ba Liên hoan phim VN được tổ chức tại TP.HCM.

* 99 phim tham dự liên hoan gồm: 15 phim truyện nhựa, 11 phim truyện video, 20 phim hoạt hình và 53 phim tài liệu - khoa học.

* 15 phim truyện nhựa: Trăng nơi đáy giếng, Không cân sức (Tử hình), 14 ngày phép, Rừng đen, Trái tim bé bỏng, Được sống, Chơi vơi, Hoài vũ trắng, Mười, Huyền thoại bất tử, Đừng đốt, Em muốn làm người nổi tiếng, Giải cứu thần chết, Duyên trần thoát tục, Chuyện tình xa xứ sẽ được trình chiếu tại sáu cụm rạp Thăng Long, Fafilm, Đại Đồng, Đống Đa, Galaxy, nhà hát Hòa Bình.

* Lễ khai mạc: 20g30 ngày 8-12 tại trung tâm hội nghị White Palace.

* Lễ bế mạc: 20g ngày 12-12 tại nhà hát Hòa Bình.

(Hai buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên HTV9).

* Nhưng ở đây chúng ta đang nói về phim nghệ thuật. Đẹp từng centimet hay Giải cứu thần chết là một dòng phim khác, tạm gọi là phim thị trường, và đây cũng là dòng phim không thể thiếu trong đời sống. Xin cho biết quan niệm riêng của anh chị thế nào là một bộ phim nghệ thuật?

- Dương Thụ: Với tôi, phim được gọi là nghệ thuật không nằm ở đề tài hay ở những ý tưởng chính trị, văn chương hoặc triết học. Điện ảnh là nghệ thuật tạo dựng bằng hình ảnh chuyển động trong không gian ba chiều, có âm thanh và tiếng nói nhưng nó không kể câu chuyện bằng lời thoại có minh họa mà bằng hình ảnh và cách tổ chức hình ảnh. Để được gọi là phim nghệ thuật trước tiên nó phải là điện ảnh đã, rồi mới tính đến những gì nó tạo ra: tính tư tưởng và tầm ảnh hưởng xã hội. Những phim đơn thuần giải trí, được làm ra với tính cách một sản phẩm thương mại thì dù đạo diễn giỏi, kỹ thuật hoàn hảo, dàn diễn viên tuyệt vời cũng không thể coi là phim nghệ thuật.

- Trần Lan Phương: Với tôi, khi đến với một bộ phim, quan trọng là nó có đủ sức quyến rũ hay không, làm cho tôi có cảm giác ngơ ngẩn hay mở ra một thế giới khác đẹp hơn không. Điều đó mới là quan trọng.

- Phạm Xuân Thạch: Trước hết, đó là sự sáng tạo và dấu ấn cá nhân của tất cả thành viên tham gia vào làm phim. Dẫu vậy, quan trọng nhất vẫn là đạo diễn, diễn viên và quay phim. Thứ hai, đó là sự phát hiện. Một bộ phim phải có một cái mới: một gương mặt diễn viên mới, một ý tưởng quay và dựng mới. Một bộ phim có tính nghệ thuật phải là bộ phim mang đến một cái nhìn mới buộc người xem suy nghĩ về cuộc sống. Đừng đốt hay Trăng nơi đáy giếng là những phim như thế.

* Trong Liên hoan phim VN lần thứ 16 này, có nhiều phim được mang đi trình chiếu quốc tế, đoạt những giải thưởng quan trọng. Thế nhưng khi chiếu tại VN thì dư luận lại khác nhau, thậm chí trái chiều. Anh, chị nghĩ gì về công chúng phim nghệ thuật của VN hiện nay?

- Dương Thụ: Được gọi là công chúng của phim nghệ thuật thì tiêu chuẩn đầu tiên phải là người mê phim, có nghĩa là xem rất nhiều phim, phải có những hiểu biết căn bản về điện ảnh thông qua việc xem những bộ phim kinh điển, những bộ phim đương đại ở trình độ nghệ thuật cao, thông qua việc đọc những tài liệu về điện ảnh (sách, báo, tạp chí chuyên ngành...), tức là phải hình thành cho mình một chuẩn chung về cái hay, cái đẹp của điện ảnh - cái mà người ta gọi là có gu điện ảnh tốt. Công chúng như thế ở VN rất hiếm. Cho nên có dư luận trái chiều đối với những phim được đánh giá cao ở nước ngoài (thông qua các liên hoan phim) cũng là phải thôi. Hiểu được nghệ thuật không thể chỉ dùng cảm tính, phải có hiểu biết chung và có trình độ ở một mức nào đấy.

- Trần Lan Phương: Tôi tin vào công chúng. Bởi đơn giản, khi bạn mang đến cho họ nhiều loại hoa quả, họ sẽ biết phải làm gì để chọn được cho mình một loại hoa quả ưa thích và chất lượng ít ra như họ mong muốn.

- Phạm Xuân Thạch: Có một sự thật rằng chúng ta chưa có một lớp công chúng phim nghệ thuật. Điều đó là dễ hiểu thôi vì chúng ta có làm gì để tạo ra lớp công chúng ấy đâu. Hãy thử nhìn xem, ngoài hai trường nghề sân khấu điện ảnh ở hai miền, trong tổng số các trường đại học ở VN, có bao nhiêu trường có chuyên ngành điện ảnh học? Và hãy thử xem lại tình trạng giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông của chúng ta. Dường như chúng ta đang bận tâm đến việc đào tạo người làm điện ảnh hơn việc tạo nên một lớp công chúng có đủ trình độ để tiếp nhận điện ảnh tử tế.

Phóng to
Cảnh trong phim Đừng đốt - Ảnh do đoàn làm phim cung cấp

Vẫn còn sự thỏa hiệp giữa nghệ thuật và thị trường

* Theo anh chị, phim VN vẫn còn khiếm khuyết về điều gì?

Các diễn viên xuất sắc nhất qua 15 kỳ Liên hoan phim VN

- Diễn viên Huy Công: vai người tuần đường trong phim Ga (LHP lần 2-1973) và vai Cừ trong phim Đứa con nuôi (LHP lần 4-1977).

- Diễn viên Trà Giang: vai Nhân trong phim Ngày lễ thánh (LHP lần 4-1977), vai vợ ba Đề Thám trong phim Thủ lĩnh áo nâu và vai bà mẹ trong phim Huyền thoại về người mẹ (LHP lần 8-1988).

- Diễn viên Minh Châu: vai Nguyệt trong phim Cô gái trên sông (LHP lần 8-1988) và vai Liên trong phim Người đàn bà nghịch cát (LHP lần 9-1990)

- Diễn viên Hồng Ánh: vai Tâm trong phim Đời cát, vai cô giáo Giao trong phim Thung lũng hoang vắng (LHP lần 13-2001) và vai Quỳ trong phim Người đàn bà mộng du (LHP lần 14-2004).

- Dương Thụ: Những khiếm khuyết của điện ảnh VN (ở những phim mà tôi đã được xem) nếu có cũng chỉ bởi chúng ta còn ít những đạo diễn 3T (có tài, có tâm và có tầm). Dù có Đặng Nhật Minh, Trần Anh Hùng nhưng vẫn không đủ cho một nền điện ảnh của một đất nước gần 100 triệu dân, có một nền văn hóa lâu đời cất lên được tiếng nói của mình.

- Trần Lan Phương: Tôi thấy chẳng riêng gì VN, khiếm khuyết thì liên hoan phim nào trên thế giới chẳng có. Nhưng tôi luôn hi vọng và đặt niềm tin vào các đồng nghiệp của mình, và tôi chờ đợi những tín hiệu mới mang tính đột phá về mặt sáng tạo tích cực từ phía họ.

- Phạm Xuân Thạch: Tôi thấy người làm phim vẫn còn thiếu dũng khí và còn thỏa hiệp. Chơi vơi, tôi nghĩ vẫn là thỏa hiệp giữa thị trường và nghệ thuật. Sự kết hợp của Linh Đan, Hải Yến và Trí Nguyễn là ví dụ về sự thỏa hiệp đó. Trí Nguyễn là một diễn viên có tài, nhưng anh không phải là diễn viên dành cho những phim như thế. Tôi không nghĩ có nhà làm phim nghệ thuật nào lại nghĩ đến việc mời Tom Cruise đóng một trong những vai chính. Tại sao không tìm một gương mặt hoàn toàn mới, như là Đặng Nhật Minh đã tìm ra Tạ Ngọc Bảo cho Thương nhớ đồng quê? Và chúng ta thiếu một tầm vóc tư tưởng của những người dám suy nghĩ về cuộc sống bằng điện ảnh ngoài Đặng Nhật Minh, Trần Văn Thủy...

* Một điều ước cho phim Việt và công chúng Việt?

- Dương Thụ: Có nhiều phim cỡ Đừng đốt, Mùi đu đủ xanh, Mùa len trâu để giới thiệu với công chúng và các liên hoan phim quốc tế (nhất là được đề cử Oscar cho phim nước ngoài hay nhất). Và ước gì công chúng VN (số đông) ngoài nhu cầu giải trí, còn có nhu cầu thưởng thức phim nghệ thuật.

- Trần Lan Phương: Bỗng dưng tôi nghĩ về hình ảnh của nàng Bạch Tuyết ngủ trong rừng, không biết sau nhiều năm say ngủ thì dung nhan nàng hiện tại ra sao, có còn đủ sức làm lay động trái tim một hoàng tử nào không, để được đánh thức bằng một nụ hôn mãnh liệt và ngọt ngào.

- Phạm Xuân Thạch: Tôi mơ ước một nền điện ảnh mà người ta có thể đến rạp để xem phim về nông thôn như Thương nhớ đồng quê và xem phim tài liệu như người ta đã từng đi xem Chuyện tử tế và Hà Nội trong mắt ai.

Hồng Ánh, một tấm lòng với điện ảnh

Phóng to
Ảnh: Tiến Dũng

Để sống trọn vẹn với nghề, Ánh đã làm một cuộc “chinh chiến” bền bỉ suốt 14 năm trong khi những bạn diễn cùng thời đã từ giã điện ảnh lâu rồi.

Thật bất ngờ khi tổng kết sự nghiệp của Hồng Ánh tính đến thời điểm này, chưa một giải thưởng nào của điện ảnh VN ở lĩnh vực diễn xuất mà chị chưa nhận: từ Triển vọng điện ảnh đến Mai vàng, Cánh diều vàng, Bông sen vàng... Có cả hai dấu son: nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất LHP châu Á - Thái Bình Dương tại Hà Nội và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Dubai 2008.

Hiện Hồng Ánh đã gác lại nhiều lời mời giữa một năm rầm rộ của phim nghệ thuật VN để du học tại Singapore, quyết tâm khắc phục điểm yếu lớn nhất là tiếng Anh - cũng là rào cản lớn nhất đi vào con đường chuyên nghiệp hóa công việc của mình. Bước đường tiếp theo của Hồng Ánh đã dần hé lộ: chị đã manh nha tiếp cận vai trò nhà sản xuất dự án phim Đảo của dân ngụ cư của đạo diễn Thanh Vân và vài dự án khác.

Không chứng kiến cảnh Hồng Ánh đi phát vé mời cho ngày chiếu ra mắt Trăng nơi đáy giếng, gọi điện cho từng người để lấy ý kiến về vai diễn, bộ phim, không nghe chị chia sẻ xúc cảm với mỗi tác phẩm nghệ thuật mới của VN ra đời sẽ không thể biết Hồng Ánh đã “giữ lửa” với phim ảnh đến thế nào.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận