Kiến tạo và điều hành

NGUYỄN VẠN PHÚ 25/03/2014 03:03 GMT+7

TTCT - Chuyển từ một nhà nước “điều hành” sang nhà nước “kiến tạo phát triển” không hề là chuyện dễ dàng. Điều tốt nhất có thể làm ngay là chuyển từ khâu thiết kế chính sách.

Có lẽ nhiều người đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Phải chuyển mạnh từ Nhà nước điều hành nền kinh tế sang Nhà nước kiến tạo phát triển” trong một bài viết về nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 (*).

Những ví dụ khó

"Một nhà nước lo chuyện vĩ mô sẽ không bận rộn để tâm đến các chuyện quá vi mô"

Trong khi chờ đợi một sự giải thích cặn kẽ hơn nữa về nội hàm của “nhà nước kiến tạo phát triển”, có thể thấy việc chuyển từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo không phải là chuyện dễ dàng, một sớm một chiều mà làm được. Xin đưa ra hai ví dụ.

Nghị định 195/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản, trong đó có đề cập đến một trong những điều kiện để thành lập nhà xuất bản là trụ sở của nhà xuất bản phải có diện tích sử dụng từ 200m2 trở lên (điều 8, khoản 1.a).

Quy định chi li như thế (kèm với điều kiện có ít nhất 5 tỉ đồng, có đủ trang thiết bị để tổ chức xuất bản) là một dạng của nhà nước điều hành. Vì lo chuyện điều hành nên Nhà nước phải lo nhiều chuyện lắm, nhà xuất bản mà cơ ngơi nhỏ quá làm sao hoạt động, sách in xong về để đâu, nhân viên, biên tập viên ngồi đâu, chỗ nào tiếp nhà văn đến trao đổi bản thảo...

Trong khi nếu biết triết lý buông bỏ, cứ để mấy việc đó cho nhà xuất bản lo thì Nhà nước khỏe hơn biết bao nhiêu. Cái lo đó nó xưa cũ như tư duy của các ông bố bà mẹ thời trước, không dám cho con cái ra đường vì sợ bị kẻ xấu dụ dỗ.

Và vì lo điều hành nên Nhà nước theo đuổi mô hình trăm công nghìn việc đó, đâu có biết giờ đây người ta đã có thể outsource (thuê ngoài) hầu như mọi thứ. Sách thì thuê kho, giao tiếp thì qua mạng, trưng bày sách trên web, thậm chí tổ chức hội thảo về một cuốn sách nổi tiếng nào đó cứ thuê công ty tổ chức sự kiện lo hết mọi chuyện. Mắc gì Nhà nước phải lo nhà xuất bản có trụ sở rộng từ 200m2 trở lên?

Cũng trong nghị định này, loại hình sách điện tử được đề cập. Một lần nữa tư duy nhà nước điều hành được thể hiện rất rõ như một bà mẹ cả lo khi đòi điều kiện để xuất bản sách điện tử là phải “có máy chủ đặt ở Việt Nam”.

Chuyện đặt ra những yêu cầu khác như “có thiết bị, phần mềm phục vụ việc thiết kế, dàn trang, ghi dữ liệu trên các phương tiện điện tử”, “có đường truyền kết nối Internet được đăng ký hợp pháp để xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử trên mạng Internet” thể hiện quá rõ tư duy “cả lo” đã nói ở trên nên thôi, không bàn nữa vì nó hiển nhiên quá rồi.

Riêng chuyện “có máy chủ đặt ở Việt Nam” thì cần nói cho rõ ngọn ngành một chút. Mới nhìn qua, yêu cầu này quá chính đáng, không có máy chủ ở trong nước thì cơ sở dữ liệu để khơi khơi ở nước ngoài làm sao bảo mật, nếu có tác phẩm điện tử cần thu hồi thì làm sao?

Cứ nghĩ lại mà xem, một nhà nước kiến tạo phát triển sẽ để nhà xuất bản tự lo chuyện bảo mật thông tin, chuyện chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, không việc gì nhà nước phải lo cả. Họ làm sai, họ thiếu trách nhiệm đã có luật pháp khác điều chỉnh. Hơn nữa xuất bản sách chứ đâu phải là chuyện bí mật quốc gia đại sự gì để phải đặt ra những ràng buộc tự cản chân mình như thế.

Hiện nay các nhà xuất bản nói riêng và các doanh nghiệp cần hoạt động trên Internet nói chung đã dần chuyển sang các dịch vụ đám mây, họ không còn phải duy trì máy chủ tốn kém, không hiệu quả mà chuyển sang thuê dịch vụ của các công ty lớn. Vì sao bây giờ chúng ta còn loay hoay với khái niệm “có máy chủ đặt ở Việt Nam?”

***

Ví dụ thứ nhì là nghị định 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Đây là nghị định quy định rất chi tiết nhuận bút thể loại nào cao hơn thể loại nào, thời hạn trả nhuận bút chậm nhất là bao lâu sau khi xuất bản, không liên hệ được người hưởng nhuận bút đến ba lần thì làm sao... Đặc biệt, nghị định định rõ khung nhuận bút cho từng thể loại, mức tối đa của tin là bao nhiêu, phóng sự là bao nhiêu, dịch là bao nhiêu.

Nói tóm lại, đây là một ví dụ điển hình về nhà nước điều hành, lo đến mức ấn định chi li từng loại nhuận bút cho từng tờ báo. Giả thử để theo dõi việc tuân thủ nghị định, một bộ máy khổng lồ cũng không thể làm nổi với biết bao nhiêu tin bài, sách được xuất bản hằng ngày, hằng năm?

Có người lập luận nếu không có bộ khung nhuận bút như thế, lấy ai bảo vệ quyền lợi của nhà văn, nhà báo? Không ai làm chuyện đó tốt hơn cơ chế thị trường, cơ chế thuận mua vừa bán. Ngược lại, có người phân tích không quy định vậy, các báo cứ trả nhuận bút cao ngất cho nhân viên rồi khai lỗ, theo kiểu trốn thuế thì sao? Cái đó đã có Luật thuế thu nhập cá nhân lo vì nếu tránh bên thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Một nhà nước lo chuyện vĩ mô sẽ không bận rộn để tâm đến các chuyện quá vi mô này. Nhà nước chỉ phê duyệt các loại hình báo chí cần thiết để đưa thông tin đến người dân với chi phí thấp nhất qua một gói kinh phí phân bổ hằng năm. Ai làm không hiệu quả cứ sa thải, thay bằng người khác, báo nào làm không hiệu quả thì cắt ngân sách chuyển cho báo khác. Đó chính là chuyển từ “điều hành” sang “kiến tạo phát triển” và tốt nhất là chuyển ngay từ thiết kế chính sách.

Sự nhìn xa trông rộng của người làm chính sách

"Vấn đề của người soạn chính sách là làm sao bảo vệ các bên tham gia để không bên nào lấn lướt bên nào"

Luật doanh nghiệp năm 2000 là một minh họa rất tốt cho cách xây dựng một nhà nước kiến tạo phát triển nhìn từ góc độ thiết kế chính sách.

Một khi mục đích là tháo gỡ những trói buộc cho khu vực doanh nghiệp tư nhân để khu vực này có thể cất cánh, Luật doanh nghiệp được thiết kế không phải nhằm “quản lý” doanh nghiệp tư nhân như thời bao cấp mà nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân ra đời và phát triển. Vì thế những rào cản như giấy phép con, điều kiện kinh doanh, điều kiện về vốn... được gỡ bỏ.

Lúc đó vấn đề của người soạn chính sách là làm sao bảo vệ các bên tham gia để không bên nào lấn lướt bên nào, cổ đông nhỏ không bị cổ đông lớn ức hiếp, người giao dịch với doanh nghiệp không sợ bị lừa...

Thiết kế chính sách tốt còn là lường trước những tác dụng ngoại ý của chính sách. Ví dụ quy định lao động nữ được nghỉ khi sinh con với thời gian dài hơn là ý định rất tốt, nhưng biết đâu vì vậy người sử dụng lao động ngần ngại tuyển dụng lao động nữ vì lý do đó thì sao? Có cách nào giảm nhẹ tác dụng ngoại ý này không?

Hay nhìn về tương lai: giả thử Nhà nước muốn nâng đỡ các đại học tư thục sao cho các trường này tuyển đủ sinh viên để tồn tại và phát triển thì chính sách đầu tiên phải làm là ngăn cấm các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước phân biệt đối xử khi tuyển dụng dựa vào loại hình trường người dự tuyển tốt nghiệp. Cơ quan nhà nước mà ra thông báo không tuyển người tốt nghiệp từ đại học tư thục xem như phá vỡ mọi chính sách phát triển đại học tư nhân ở nước ta.

Muốn giảm bớt tình trạng học sinh phải đi học thêm, cách làm không phải là cấm dạy thêm. Cách thiết kế chính sách là phải thay đổi phương thức thi cử sao cho học thêm không đóng vai trò gì trong việc học sinh thi đậu hay không.

Muốn giảm bớt tình trạng tiến sĩ giả mạo, có người nói nửa đùa nửa thật cách hay nhất là trong quy chế tuyển dụng cán bộ, ai có bằng tiến sĩ thì bị trừ điểm vì đã không chịu đi theo con đường nghiên cứu giảng dạy như lẽ ra mọi tiến sĩ phải đi theo. Chỉ cần đặt ra quy định như thế, số lượng tiến sĩ giấy sẽ giảm hẳn.

(*): “Cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận khi xác định vai trò của Nhà nước và mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển.

Trong nhà nước kiến tạo phát triển, chức năng của nhà nước là xây dựng quy hoạch phát triển theo một chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đúng đắn; tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống.

Chính vì vậy, Đại hội Đảng lần thứ XI xác định tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính là trọng tâm trong khâu đột phá về thể chế”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận