Kinh doanh người tị nạn: 8 tỉ euro/năm 

QUANG THÁI 20/05/2015 17:05 GMT+7

Các chuyên gia ước tính những đường dây vận chuyển người vượt biên trên thế giới thu về 8 tỉ euro mỗi năm. Theo điều tra của tạp chí Focus (Đức), một số tổ chức hưởng lợi lớn từ hoạt động này ngay tại các quốc gia tiếp nhận người di cư, trong đó có Đức. TTCT giới thiệu cùng bạn kỳ 2 của tuyến Hồ sơ về người tị nạn.

Những di dân tụ tập tại trung tâm tiếp nhận ở Mineo, đảo Sicily (Ý) ngày 21-4-2015 - Ảnh: Reuters

Tại đồn cảnh sát biên phòng Szeged, một thành phố của Hungary nằm cách Serbia vài kilômet, có đến 35km đường biên được một lực lượng lên đến 550 nhân viên kiểm tra hằng ngày. Đây cũng là điểm hàng ngàn người tị nạn tìm cách đến phương Tây sau khi vượt qua các nước vùng Balkan.

Đó là những người chạy trốn khỏi quê hương vì sợ bị ám sát bởi các nhóm Hồi giáo hoặc tay chân của Tổng thống Syria Bachar El-Assad.

Quảng cáo du lịch trên Facebook

Năm ngoái, cảnh sát biên phòng Szeged đã bắt giữ 142 kẻ đưa người vượt biên bằng xe minibus hoặc các phương tiện khác. Con số này thật chẳng đáng là bao vì đây chỉ là tay sai của những đường dây buôn người liều mạng chỉ vì mớ tiền lẻ, trong khi những ông chủ thật sự đang ngồi đếm hàng triệu euro ở một nơi bình yên vô sự.

Theo Tổ chức Amnesty International, nạn nghèo đói, chiến tranh và khủng bố đã ném 57 triệu người trên thế giới ra ngoài đường phố trong năm 2014. Chỉ riêng ở Syria, có hơn 3 triệu người chạy trốn khỏi đất nước. Đa số tìm cách đến châu Âu, đặc biệt là Đức. Các tập đoàn tội phạm trên thế giới đều nhúng tay vào hoạt động buôn người này.

Tạp chí Focus đã tiếp cận một hồ sơ mật của lực lượng an ninh Đức, trong đó có phân tích hoạt động của các mạng lưới người vận chuyển quốc tế nhờ có sự trợ giúp thông tin của lực lượng an ninh các nước.

Theo một nhà điều tra, “hệ thống này vận hành như một công ty du lịch cổ điển”. Các tổ chức đưa người quảng cáo trên Facebook hoặc các bài phóng sự đăng trên các báo hoặc truyền thanh. Theo đó, nước Đức được mô tả như một nơi có việc làm cho mọi người và thậm chí có tiền trợ cấp cho những người tị nạn mới đến.

Bọn tội phạm thu hút nạn nhân theo kiểu dịch vụ trọn gói: từ 3.500-8.000 euro để đến Hi Lạp từ Iraq hoặc Syria; hoặc 2.500 euro để đi từ Istanbul đến Athens tùy theo tình hình thị trường và nhu cầu. Dịch vụ đa dạng đến mức chỉ cần bỏ thêm 600 euro, khách hàng sẽ được bọn đưa người vượt biên tẩy nhẹ da hoặc dùng hóa chất làm bỏng đầu ngón tay để không thể bị nhận dạng bằng dấu vân tay.

Mới đây, cảnh sát liên bang Đức đã triệt hạ một đường dây đưa người vượt biên ở Pirna, bang Saxe, trong đó có cả người Đức, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và một người Hà Lan. Đường dây này cung cấp giấy tờ giả như hộ chiếu Bulgaria (7.000 euro), bằng lái xe, căn cước Tây Ban Nha và giấy thông hành.

Chuyến hàng đưa người đến tận Đức, thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania, Hungary và CH Czech, bằng xe hơi hoặc xe tải, hoặc quá cảnh bằng máy bay đến các thành phố lớn của Đức từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu có nhu cầu, đường dây này tổ chức cả đám cưới giả với các công dân Bulgaria hoặc tìm giúp công việc tại một nhà hàng ở Đức. Tùy theo “dịch vụ” cung cấp, chi phí trọn gói có thể lên đến 30.000 euro.

Sinh lãi cao và ít rủi ro

Thành phố Mersin của Thổ Nhĩ Kỳ nằm bên bờ Địa Trung Hải được xem là cảng trung chuyển các di dân đến từ vùng Cận Đông. Họ có thể đến đây bằng phà hoặc đường bộ. Hiện có hơn 60.000 người Syria đang tạm trú tại thành phố 800.000 dân này. Những kẻ đưa người đã “bôi trơn” cảnh sát địa phương nên thoải mái hoạt động và không cần phải giấu mặt khi chúng di chuyển trên những chiếc siêu xe mà không cần biển số.

Mạng lưới này được tổ chức theo từng bộ phận riêng biệt. Tại các vùng chiến sự, bọn buôn người Syria lên Facebook quảng cáo dịch vụ “du lịch” với giá vé đặt chỗ 5.200 euro/người, có khả năng tăng cao trong tình huống thời điểm ra đi khó khăn hoặc có tăng cường kiểm tra ở các bờ biển châu Âu.

Một số cơ sở ở trung tâm thành phố được biến thành văn phòng hoặc điểm gặp gỡ. Theo an ninh Đức, các ứng viên sẽ nhận được mọi thứ cần thiết để vượt biên trái phép tại quán cà phê Istanbul, nhà nghỉ Paradise hoặc nhà hàng Damas.

Bọn vận chuyển người đưa khách hàng lên tàu đánh cá ra đến tận những chiếc tàu lớn thả neo ở vùng biển quốc tế, cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khoảng chục dặm, để lên đường đến Ý hoặc Hi Lạp. Đa số những con tàu cũ kỹ này thuộc Hãng Infomarket SRL, có trụ sở nằm trong một căn hộ ở thành phố Constanta, Romania. Đây chính là nơi điều hành hoạt động đưa người vượt biên.

Bọn tội phạm mua lại những chiếc tàu chở gia súc cũ kỹ với giá từ 150.000-200.000 euro, rồi trả thêm ngần ấy số tiền cho những ai tham gia trong đường dây đưa người, kể cả tiền hối lộ. Với giá 5.200 euro/người, chỉ cần 1.000 hành khách trên mỗi chuyến tàu là bọn đưa người có thể lãi ròng 4,8 triệu euro cho một hành trình.

“Địa Trung Hải giờ đây chết chóc gấp 50 lần năm ngoái”, dòng chữ trên biểu ngữ của một di dân phản đối bên ngoài một văn phòng của Ủy ban châu Âu tại Athens ngày 22-4-2015 - Ảnh: Reuters

“Một khi có quá nhiều tiền như vậy, mạng người chẳng là gì cả” - một cảnh sát biên phòng tóm lược tình hình.

Tháng 12 năm ngoái, dư luận phẫn nộ trước thái độ bất cần đạo lý của bọn đưa người vượt biên. Chiếc Blue Sky M từng có 48 năm hoạt động trên các vùng biển đã chở 768 người di cư đến Mersin, trước khi lên đường sang Ý. Sau khi bỏ túi 13.000 euro cho hành trình này, thuyền trưởng Sarkas Rani người Syria đã bật chế độ lái tự động ngay trước khi con tàu cập bến và tìm cách bỏ trốn khi lẩn vào đám đông hành khách.

Chiếc tàu có nguy cơ vỡ đôi vì gặp đá ngầm thì lực lượng bảo vệ bờ biển của Ý lên được cầu tàu từ trực thăng và đưa chiếc tàu vào cảng Gallipoli an toàn. Cảnh sát đã vạch mặt được viên thuyền trưởng, nhưng cho đến nay bọn buôn người vẫn bình yên vô sự. “Đây là hoạt động sinh lãi cao và ít rủi ro” - Tổ chức Di dân quốc tế kết luận.

Sau thảm họa cháy tàu chở di dân ở Lamdepusa ngày 3-10-2013, một tháng sau đó Bộ Ngoại giao Đức kịch liệt phản đối việc sử dụng biện pháp quân sự tấn công bọn buôn người. Một tài liệu xếp loại lưu hành nội bộ khi đó, theo tờ Der Spiegel, mô tả nước Đức “chỉ trích rất mạnh” ý tưởng của các nhà ngoại giao EU cho rằng việc chống lại tình trạng di cư lậu bằng biện pháp quân sự là “biểu tượng đầy ấn tượng của lòng quyết tâm và tình đoàn kết”. Có nhiều nguyên nhân Đức phản đối, chẳng hạn tấn công bọn buôn người ngoài biển chỉ là “đánh vào triệu chứng” và hoàn toàn không rõ những gì xảy ra với người tị nạn sau một hoạt động can thiệp như vậy. 

 

Đức: tận dụng mọi cơ sở cư trú

Trong lúc bọn tội phạm kiếm bạc tỉ, các bang và thành phố ở Đức oằn vai dưới phí tổn dành cho người tị nạn. Chính phủ liên bang đã giải ngân bổ sung 1 tỉ euro để bố trí chỗ ở cho người tị nạn trong hai năm 2015 và 2016.

Bang North Rhine-Westphalia, bang tiếp nhận nhiều đơn xin tị nạn nhất (5.243 đơn chỉ trong tháng 1-2015), cấp thêm vài triệu euro cho các thành phố của mình vốn đã bị thâm hụt ngân sách kinh niên.

“Năm nay, chính quyền bang sẽ cấp tổng cộng 210 triệu euro cho người xin tị nạn, tức gấp đôi chi phí năm 2014” - bà Birgit Naujoks, giám đốc Hội đồng phục vụ người tị nạn của bang North Rhine-Westphalia, nói.

Người xin tị nạn nhận mỗi tháng 350 euro gồm cả chi tiêu sức khỏe và chỗ ở. Trên khắp nước Đức, các trường học, phòng tập thể dục, bệnh viện xuống cấp hoặc khu nghỉ hè được biến thành nơi ở cho người tị nạn. Chủ nhân các quán cà phê ế ẩm, các khách sạn dột nát cũng đánh hơi thấy mối lợi làm ăn này nên đã chuyển đổi công năng để cho chính quyền thành phố thuê lại.

Thậm chí có người còn xin phép biến các garage thành nhà ở cho người xin tị nạn để cho chính quyền thuê lại nhưng bị từ chối do sự phản đối của người dân khu vực.

Tại thành phố Tapfheim, thuộc vùng Swabia ở tây nam nước Đức, một người thợ lát gạch hi vọng làm ăn được với chính quyền bang. Do nghề này ngày càng khó kiếm sống nên ông ta muốn biến nhà kho của mình thành nơi ở dành cho khoảng 50 người tị nạn vào mùa hè này. Dù hàng xóm không thật sự hào hứng với ý tưởng đó, nhưng hội đồng thành phố cũng không bỏ phiếu chống về mặt nguyên tắc. Vì vậy, những cuộc thương lượng vẫn đang tiếp diễn.

Tại Kellberg, bang Bavaria, chủ một khu du lịch nghỉ dưỡng đã phải đóng cửa vào năm 2010 do dịch bệnh. Trong suốt bốn năm qua, khu nghỉ dưỡng 200 giường này luôn vắng người và từng được rao bán bốn lần nhưng chẳng ai ngó ngàng.

“Lối thoát” xuất hiện vào tháng 9 năm ngoái khi chính quyền bang khẩn cấp tìm kiếm nơi ở cho người xin tị nạn Syria và Eritrea. Kể từ đó, khu du lịch này tiếp nhận trên 100 người tị nạn. “Hợp đồng hết hạn trong tám năm nữa nên ai cũng được phần trong chuyện này” - chủ khu du lịch hào hứng nói.

Không chỉ có băng nhóm tội phạm và những ông chủ nhà nghỉ thời vụ mới kiếm tiền trên lưng người tị nạn. Vấn đề này còn là một phương tiện gây sức ép chính trị. Tại Hi Lạp chẳng hạn, theo ước lượng quốc gia này có khoảng 1,5 triệu người tị nạn lậu. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Giannis Panousis muốn số người này được chia đều cho các quốc gia thành viên EU khác, hoặc Brussels chu cấp tài chính cho chỗ ở của họ.

“Nếu không, chúng tôi sẽ cấp giấy tờ cho 300.000 người tị nạn và lúc đó họ sẽ tràn ngập châu Âu” - ông cảnh báo. Trong thực tế, EU đang tài trợ một phần lớn các trại tị nạn ở Hi Lạp.

Tại một trại tị nạn cách Athens 25km, có hơn 1.600 người Syria, Pakistan và Afghanistan sống vất vưởng. EU đã tài trợ cho địa điểm này đến 75% chi phí, vậy mà người tị nạn ở đây còn không có miếng ăn thường xuyên. “Tôi đang làm mọi cách để trốn ra ngoài. Nếu không, tôi sẽ tự tử” - một thanh niên Pakistan nói.         

Kỳ cuối: Ngăn chặn nhập cư “kiểu Úc”

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận