Kỷ nguyên mới ở châu Âu

LÊ QUANG 06/03/2022 18:00 GMT+7

TTCT - 11 giờ trưa 27-2, khi bà Chủ tịch Quốc hội Đức chuyển lời đầu tiên trong phiên họp đặc biệt cho tân Thủ tướng Olaf Scholz, có lẽ không chỉ một nửa châu Âu hồi hộp ngồi trước màn ảnh nhỏ: Kể từ sau tiếng súng mở màn cho Thế chiến II, đây là lần đầu tiên châu Âu thực sự lo sợ sau ngót 80 năm “chăn êm nệm ấm”. Và đúng thế, ngay câu đầu ông Scholz dùng khái niệm “kỷ nguyên mới” - từ nay trở đi châu Âu và thế giới sẽ khác hoàn toàn so với trước ngày 27-2.

Mùa đông 2022 giá lạnh không cho phép châu Âu được quên bật lò sưởi quá nửa ngày, và mỗi một ngày chạy lò sưởi trong 200 triệu căn hộ là một ngày đau đầu của các chính phủ, khi họ biết mình ít nhiều phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ một doanh nghiệp mang tên Gazprom, một tập đoàn Nga, nhà khai thác khí đốt lớn nhất thế giới với giá trị vốn hóa thị trường 98 tỉ USD, trong đó một nửa do nhà nước nắm giữ.

 
 Cuộc chiến Nga - Ukraine đánh dấu một kỷ nguyên mới ở châu Âu. Ảnh: ft.com

Dòng chảy dầu khí

Quay lại với tuyên bố của Thủ tướng Scholz, nước Đức là đầu tàu của Liên minh châu Âu, vì vậy trong cuộc đụng độ Nga - Ukraine, thái độ lưỡng lự của Đức đã cản trở khá lâu nhiều quyết định chung về cách phản ứng với chiến sự đang làm cả châu lục và thế giới bị sốc. 

Chỉ vì Đức đang nghiệm thu bước cuối của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 - tiếp theo Dòng chảy phương Bắc 1 đã hoàn tất 2011 - gồm bốn đường ống dẫn khí từ Nga qua Đức. 

Đây chính là nguyên nhân khiến Đức hục hặc với Hoa Kỳ thời Donald Trump trước kia và cả Joe Biden hôm nay. 

Mỹ rất ngại sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga, và nỗi lo ấy không giảm từ khi chiến tranh lạnh được coi là đã kết thúc cùng bức tường Berlin, chừng nào sức mạnh cả cứng lẫn mềm ngày càng được mọi bên gia tăng ở mọi dạng thức. 

Và vấn đề năng lượng luôn là vũ khí hùng hậu từ xưa tới nay. Mỗi nhà máy điện, mỗi cỗ máy, mỗi chiếc ôtô, mỗi phi cơ sẽ chỉ là đống sắt vô hồn nếu thiếu dầu hỏa hoặc khí đốt. 

Rồi cuộc sống thường nhật sẽ ra sao? Người dân nhiệt đới hoàn toàn có thể tồn tại thiếu máy lạnh, nhưng chớ tưởng rằng máy lạnh và lò sưởi có giá trị như nhau: ở châu Âu thì ngay trong mùa hè cũng không thể tắm nước lạnh! 

Thậm chí đi nghỉ đông vài bữa vẫn phải để lò sưởi chạy cầm chừng, nếu không muốn đường ống đóng băng nứt toác và nhấn chìm cả căn hộ.

Đức đã tiến khá xa trong việc làm ra và sử dụng năng lượng tái tạo, song còn lâu mới thay thế được dầu và khí hoàn toàn. 

Ngay sau khi châu Âu thống nhất về gói chế tài với Nga, họ sẽ nhấc chân khỏi vỏ dưa để đạp lên vỏ dừa: Theo lệnh của Biden, tàu Minerva Chios chở khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ đang lênh đênh gần tới một địa chỉ Đông Á vội quay phắt về hướng ngược lại trực chỉ Hà Lan.

Dĩ nhiên không chỉ vì tình đoàn kết giữa các thành viên NATO: giá khí lỏng ở châu Âu tăng vọt gấp 4 - 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, ngay hôm nay ở cảng Rotterdam đã đắt hơn ở châu Á 17% và hứa hẹn còn leo thang nữa, khi Gazprom vừa bị Đức tạm thời ngắt khỏi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 chiểu theo tuyên bố của Chính phủ Đức. Giờ thì ta hiểu vì sao Đức không ưa để Mỹ can ngăn các thương vụ với Nga. 

Nếu Gazprom (cùng Gunvor, cũng của Nga) khóa van nhiên liệu, châu Âu liệu có thể được Bắc Mỹ và châu Phi bù đắp cho sự hụt hẫng dầu khí?

Ấy là chưa kể đến khả năng Tổng thống Biden không dám đi đến tận cùng ý tưởng cấm vận Nga, vì nó sẽ kích giá dầu thô trên thị trường thế giới, và vì ông Biden chưa ngồi đủ nóng ghế Nhà Trắng thì Đảng Dân chủ của ông đã phải tính đến nhiệm kỳ sau, họ biết rằng không gì chọc tức cử tri ở đất nước của những chiếc ôtô kềnh càng và nhiều tuyến đường không có vỉa hè đi bộ bằng việc tăng giá xăng, một việc chưa từng xảy ra từ nhiều năm, nhất là khi đồng minh Saudi Arabia phá thối và xui OPEC không tăng lượng dầu khai thác. 

Cái gì Mỹ không làm được thì EU cũng khó ra tay.

Dòng chảy súng đạn

Khi Thủ tướng Scholz đả động đến chủ đề viện trợ khí tài cho Kiev, nhiều khán giả tivi tưởng mình nghe nhầm. 

Chỉ trước đó 48 tiếng, hiếm người Đức nào tin nước mình có thể xóa sổ một nguyên tắc tưởng chừng bất di bất dịch: không cung cấp vũ khí đến vùng có chiến sự, ngay cả khi đó là một nguồn tiền lớn ở đất nước đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu vũ khí.

Lịch sử đau thương của nước Đức thời phát xít khiến họ, giống Nhật Bản, luôn thề thốt rằng mọi động thái quân sự chỉ là để tự vệ. 

Ở Kosovo trong nội chiến Nam Tư, ở Afghanistan với tư cách thành viên NATO thì quân Đức cũng chỉ chạy vòng ngoài, lo hậu cần hay thám thính. Giờ thì Đức công khai là một quốc gia tham chiến, ngay cả khi lính Đức không trực tiếp có mặt, vì họ đưa súng đạn qua ngả Hà Lan sang Ukraine.

Nên biết là dưới đời bộ trưởng quốc phòng áp chót, nước Đức đã bỏ nghĩa vụ quân sự. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia cho thấy đó hầu như là con đường một chiều: bỏ thì dễ, khôi phục mới khó. 

Ngay sau bài thuyết trình của ông Scholz, báo Đức đã nhao nhao bình luận, liệu có nên tổ chức một dạng “quân tình nguyện” sang Ukraine, thay vì gửi lính chuyên nghiệp và nhận được phản ứng của người dân không muốn đưa con cái mình đi hứng đạn ở xứ lạ?

Chiến tranh là thời của kẻ bán súng: thay vì 50,3 tỉ euro dành cho ngân sách quốc phòng 2022, từ 2023 trở đi nước Đức phải chi mỗi năm 123 tỉ euro - nghĩa là hơn gấp đôi. 

Cú sốc thực tế còn nặng hơn, khi Nghị viện bỏ qua sự bất đồng từ Đảng Cánh tả và cánh hữu AfD (Con đường khác cho nước Đức) để chấp thuận lập Quỹ đặc biệt cho quân sự ngay trong năm nay với 100 tỉ euro, thậm chí đưa quỹ trên thành nội dung hiến pháp!

Đức không phải nước duy nhất ở châu Âu muốn tăng cường vũ trang: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng hứa cung cấp số lượng lớn vũ khí cho Ukraine. 

Chưa đầy 24 giờ sau, báo Berliner Zeitung (Đức) cho biết cổ phiếu của các nhà sản xuất súng đạn lớn như Rheinmetall, Hensoldt, Heckler & Koch, Krauss-Maffei Wegmann… tăng gấp rưỡi, có những lúc trội lên 85%. Ai cũng muốn xắn một miếng từ cái bánh 100 tỉ mỡ màng. 

Ta hãy đừng tự bịt mắt bịt tai: Tiền không tự nó sinh sôi, sợ ép người dân thắt lưng buộc bụng thì phải in thêm tiền, mà tiền in thêm có nghĩa là lạm phát, và lạm ở tầm phát châu lục đồng nghĩa với đình đốn kinh tế toàn cầu.

Dòng chảy dư luận

Ngót 8 thập niên hòa bình và phồn vinh dễ ru ngủ người dân châu Âu, rằng mọi thứ cứ thế tuần tự nhi tiến. Cho đến khi con virus COVID-19 làm cho kinh tế toàn cầu lụn bại. Và khi đằng chân trời có chút hửng lên nhờ các vắc xin thần tốc, thì bom đạn lại nổ giữa lòng châu lục.

Bắt nguồn từ cái khẩu trang có giá vài xu, người ta nhận ra bài học rằng toàn cầu hóa dường như không phải là ý tưởng tốt. Chủ nghĩa dân tộc chợt có dịp hồi sinh, ai cũng lo vun vén cho mình trước tiên. 

Ở thời điểm này mà mong đợi một liên minh toàn tâm toàn ý chống chiến tranh e rằng hơi khó, nhất là khi nó không nổ ra trước cửa nhà mình. Những gì nhân loại đạt được trong nhiều thập niên qua, có vẻ lộ ra những vết nứt đầu tiên.

Hôm nay châu Âu thở phào vì rốt cuộc, Thụy Sĩ là quốc gia nặng ký ở châu Âu cũng đã “cắn răng” tham gia gói chế tài chống Nga. 

Nhưng ai quên lịch sử cận đại thì nên ôn lại rằng, với khẩu hiệu trung lập, Thụy Sĩ không chỉ khôn khéo tránh được trầy xước trong cả hai cuộc Thế chiến, mà còn ngấm ngầm hỗ trợ nhà nước phát xít Hitler trong các giao dịch kim loại quý để duy trì ngân sách chiến tranh.

Tuần vừa rồi, khi phương Tây dự tính ngắt Nga khỏi dịch vụ giao dịch ngân hàng mang tên Swift, Thụy Sĩ thoạt tiên không tham dự, cho đến khi lộ ra là Gazprom và Gunvor chủ yếu hoạt động thông qua hệ thống ngân hàng ở đó, để rồi cỗ máy dịch vụ in tiền hiệu quả của Thụy Sĩ phải nhượng bộ trước công luận và đóng cửa các ngân hàng đối với Nga. 

Mất Thụy Sĩ là Nga mất một hậu phương vô cùng hiệu quả: Vốn đầu tư trực tiếp của Nga vào Thụy Sĩ đã tăng từ 8 tỉ USD hồi 2014 lên 29 tỉ sau đó 4 năm, nay khó có đường tiếp tục.

Dường như mọi kế hoạch trừng phạt chưa làm Nga nao núng, mà ngược lại: ngay sau tuyên bố của châu Âu về cung cấp vũ khí, khí tài cho Kiev và chặn không phận với máy bay Nga, Nga liền trả lời bằng lệnh kích hoạt các đơn vị sử dụng vũ khí hạt nhân. 

Thật đáng lo ngại, nhưng ít nhất thì vẫn đã le lói một tia hy vọng: ngày đàm phán đầu tiên ở Gomel giữa hai phe, tuy chưa có kết quả cụ thể, song đã thống nhất về lộ trình và thỏa thuận về phiên tiếp theo.

Một điều chắc chắn là một kỷ nguyên mới đã bắt đầu và không thể đảo ngược, càng không thể cho phép một Thế chiến III - nếu nhân loại học được gì từ lịch sử. 

Nhiều tín hiệu tốt lành đến từ Hungary, Ba Lan hay cả Trung Quốc, vốn thường ủng hộ Nga như nay cũng lo ngại một cuộc chiến kéo dài. 

Các cuộc diễu hành vì hòa bình với hàng ngàn người ở Berlin, Paris, Dublin và cả Matxcơva củng cố lòng tin vào một hồi kết thái bình, vì chiến tranh bao giờ cũng đem lại mất mát. 

Một đầu óc thông thái như Albert Einstein từng răn dạy con người: Tôi không rõ Thế chiến III sử dụng vũ khí gì, nhưng trong Thế chiến IV, người ta sẽ đánh nhau bằng gậy gộc và gạch đá. ■

Cũng như Bắc Mỹ, mỗi khi ra quyết định tài chính ở Đức, Pháp, hay nước nào cũng vậy, người ta đều phải liếc mắt đến kỳ bầu cử tới. 

Ở Đức có một hoàn cảnh khá trớ trêu là chính phủ hầu như luôn phải liên minh hai, thậm chí bây giờ ba đảng để có đa số tuyệt đối. Điều đó cũng có nghĩa là các đảng đối lập luôn có cơ hội tham gia cầm quyền sau lần bầu cử mới và ngược lại. 

Cán cân nhạy cảm đó trói chặt mọi quyết định linh hoạt, mà ví dụ rõ nhất là cách phản ứng với chiến sự Ukraine tuần này. Rất có thể 100 tỉ euro và dự định tái lập nghĩa vụ quân sự sẽ là giọt nước tràn ly, ngáng trở nhiệm kỳ hai của chính phủ liên minh vốn đã trì trệ ngay từ mấy ngày đầu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận