Lấy hình trên mạng, coi chừng tai nạn

TRÚC ANH 28/09/2022 05:46 GMT+7

TTCT - Chuyện giới thiết kế đồ họa cần hình thì lên mạng lấy, rồi tải "nhầm" ảnh chế, ảnh photoshop mà không biết, thật ra không hiếm.

Chuyện giới thiết kế đồ họa cần hình thì lên mạng lấy, rồi tải "nhầm" ảnh chế, ảnh photoshop mà không biết, thật ra không hiếm. Từ rạp phim Trung Quốc đến đài truyền hình Mỹ, từ nhà làm sách giáo khoa ở Ukraine đến cơ quan y tế ở Thụy Điển, đều đã dở khóc dở cười vì chuyện này.

Một ngày tháng 11-2014, diễn viên hài Công Lý ngủ dậy thì thấy ảnh mình ăn mặc thiếu vải, dang rộng hai tay, mỗi bên treo vào một đĩa cân công lý, được in rành rành lên bìa một quyển sách luật. Hai năm sau, tỉ phú công nghệ Elon Musk, không rõ đang họp ở Tesla hay SpaceX, cũng bất ngờ thấy mình khoanh tay oai vệ, ngực áo có biểu trưng của cảnh sát trên một loạt biển quảng cáo ngoài trời, cổ vũ cho chiến dịch vận động "hãy tôn trọng cảnh sát" ở Campo Grande, thủ phủ bang Mato Grosso (Brazil).

Lấy hình trên mạng, coi chừng tai nạn - Ảnh 1.

Elon Musk làm cảnh sát Brazil.

Internet giúp giới thiết kế đồ họa nhẹ gánh trong việc tìm hình, bởi đã có bộ máy tìm kiếm hình ảnh Google Images. Nhưng nhiều người quên mất rằng cũng trong cõi mạng đó là vô vàn ảnh chế (meme), ảnh trào phúng, châm biếm, ảnh photoshop... Những bức ảnh vui cười hài hước đó đều có căn cớ, lịch sử ra đời. 

Khốn nỗi, trong giao diện kết quả của Google Images, chúng thường xuất hiện không kèm ngữ cảnh. Và người thiết kế đồ họa, có thể vì lười biếng hoặc vì áp lực nộp bài, nhìn qua thấy đúng là cái mình cần tìm thì đã hăm hở đưa ngay vào sản phẩm.

Chẳng thế mà website đăng ký tiêm chủng của Stockholm Region, cơ quan chăm lo y tế cho khoảng 1 triệu dân ở thủ đô Thụy Điển, hồi tháng 3 năm ngoái lại dùng ngay một meme nổi tiếng để làm "gương mặt đại diện" trên trang chủ. 

Bức ảnh chế có tên Hide the Pain Harold (Harold nén đau), bởi gương mặt người đàn ông tóc bạc có biểu cảm kiểu cố gượng cười dù trong lòng đang tan nát, lại được dùng để động viên dân chúng hãy chích ngừa COVID-19. 

Khi có người phát hiện ra tình huống trớ trêu này và đăng lên mạng, đơn vị phụ trách đã vội vàng thay ngay, trần tình rằng họ nào biết đó là meme, theo tường thuật của Reuters.

Lấy hình trên mạng, coi chừng tai nạn - Ảnh 2.

Người đàn ông trên trang web tiêm chủng này là một meme nổi tiếng.

Có thể bạn không biết Sad Keanu, nhưng chắc chắn đã có lần nhìn thấy meme này đâu đó: hình ảnh nam diễn viên phim Ma trận Keanu Reeves ngồi buồn bã ăn bánh mì trên băng ghế công viên. 

Hẳn bạn cũng đã biết tấm ảnh nổi tiếng "Bữa trưa trên nóc nhà chọc trời" (Lunch Atop a Skyscraper), chụp 11 công nhân nhập cư ngồi nghỉ trên thanh dầm lơ lửng trên không, tại công trường xây dựng Trung tâm Rockefeller (New York) năm 1932. 

Một dân mạng hài hước đã ghép anh Keanu ủ rũ vào làm người thứ 12 trong bức ảnh trên, và tấm ảnh chế đó đường hoàng bước vào một quyển sách giáo khoa lịch sử lớp 10 ở Ukraine, minh họa cho chương về giai đoạn giữa 2 cuộc đại chiến thế giới ở Mỹ.

Lấy hình trên mạng, coi chừng tai nạn - Ảnh 3.

Ảnh chế được đưa vào sách giáo khoa lịch sử ở Ukraine. Phần khoanh tròn là ghép từ meme Sad Keanu.

Vụ việc được phát hiện và đăng lên Twitter tháng 2-2020. Sau đó, theo Đài 7News của Úc, giáo sư Ihor Schupak, người soạn sách và chọn ảnh, nói rằng mình cố ý làm thế để coi học trò đọc sách kỹ đến đâu. 

Cũng khó biết đó là thật hay chỉ là chữa thẹn. Nhưng tưởng cũng không có gì quá xấu hổ, khi đài to như CNN còn nhầm. Lần này không liên quan ảnh chế, mà là ảnh fanmade - những sản phẩm photoshop chỉn chu được cắt ghép với tất cả lòng yêu mến, do các fan tự làm vì quá hâm mộ tác phẩm game, âm nhạc, phim ảnh hay thần tượng nào đó.

Số là tháng 3-2020, CNN phát chương trình về nhóm nhạc Hàn Quốc BTS, trong đó có cảnh chiếu một loạt 5 bìa tạp chí nổi tiếng với hình nhóm này lên trang nhất. Tuy nhiên, một số fan cuồng đã tinh mắt thấy trong số đó có 2 cái là ảnh photoshop do một fan làm và đăng trên Reddit trước đó. Người hâm mộ này làm 1 loạt 8 bìa vì tin rằng BTS xứng đáng được vinh danh trên đó, và làm khéo như thật, nên đài Mỹ xa xôi bé cái nhầm cũng phải.

Lấy hình trên mạng, coi chừng tai nạn - Ảnh 4.

BTS chưa từng lên bìa Vogue và Marie Claire.

Cũng liên quan đến đồ họa fanmade, một cụm rạp phim ở Thượng Hải hồi năm 2013 vô tình quảng bá bộ phim Thor: The Dark World bằng poster do fan chế. Theo tờ The Guardian, poster do người dùng Weibo bbqfish2012 chế theo hướng ngụ ý có "tình trai" giữa Thor và Loki, 2 người vốn là thâm thù trong loạt truyện và phim Marvel. Ảnh gốc là cảnh Thor ôm người tình Jane Foster được xử lý photoshop, để Loki thế chỗ người đẹp trong vòng tay che chở của Thor.

Lấy hình trên mạng, coi chừng tai nạn - Ảnh 5.

Thor ôm Loki thay vì người đẹp Trái đất Jane Foster.

Mấy trường hợp kể trên, mà truyền thông khi đưa tin luôn dùng từ "tai nạn" để mô tả, nhìn lại cũng không có gì nghiêm trọng. Sai lầm của anh thiết kế lại khiến thiên hạ được một mẻ cười. Lúc biết chuyện, Elon Musk còn lên Twitter tếu táo, nói anh giấu kỹ chuyện làm thêm bên Brazil thế mà cũng lộ mất rồi.

Nhưng cũng có trường hợp nhầm hình không vui. Như Công Lý cười không nổi, phải lên báo nói ngay tôi chẳng biết gì; VTV năm 2018 nhầm logo IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) bằng ảnh chế tục tĩu, sai cả hình ảnh chính lẫn tên tổ chức; hay chuyện "rắn ngậm phong bì" trên logo Bộ Y tế mới đây (không biết có trùng hợp không mà toàn ví dụ ở ta). 

"Lấy hình trên mạng" giờ đã thành động tác cần phải cực kỳ cẩn trọng, và lời khuyên có lẽ là đừng lấy ngay kết quả đầu tiên trên Google Images!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận