Lên Sài Gòn

KHẢI ĐƠN 11/07/2017 22:07 GMT+7

TTCT- Cô nhìn tôi rồi cúi mặt: “Tháng này con em bệnh quá, em không lên Sài Gòn được nhưng thể nào cũng lên đi làm, chứ ở đây làm gì được đâu...”, xong cô lui cui vào bếp, gỡ mớ rau vừa hái được sau vườn lên nấu.

Minh họa: Trần Thái
Minh họa: Trần Thái

 

 Cô là một phụ nữ nuôi con một mình, lên Sài Gòn làm công nhân ở Tân Thuận, rồi hằng tháng gửi tiền về cho má ở nhà nuôi đứa bé. Ở quê cô, người nào lên Sài Gòn làm nghĩa là đem theo bao hứa hẹn, mong chờ và biết đâu đem về cả sự giàu có.

Cô ở Sài Gòn vài năm, ngủ trong một phòng trọ bé và luôn mơ về thằng nhóc ở nhà đã lẫm chẫm theo bà đi chợ.

Cô thường kể nhiều lúc tỉnh giấc vẫn còn mộng mị về cảnh bà đi chợ dắt em theo, cô đuổi theo không kịp cứ ráng đi theo mãi.

Nhưng nhớ nhung đứt ruột bao nhiêu, cô vẫn ở Sài Gòn, yên tâm hơn gấp vạn lần khi mỗi sáng vào xưởng có việc làm quày quả tới chiều muộn, không kịp thở. Nó báo hiệu rồi cô sẽ trở về nhà khi sung túc và rủng rỉnh hơn, rất có thể...

Nhưng thằng bé sốt, nó cứ sốt hết từ ngày này qua ngày nọ. Bà ngoại già yếu không biết đưa cháu lên trạm xá hay bệnh viện huyện. Cô nghe điện thoại, đứt ruột phải về.

Thằng bé nằm ủ ê trong nhà, nó không ngủ, nhưng yếu tới mức không thức để chạy ra quấn mẹ như mỗi khi “ở Sài Gòn về” má mang theo bao nhiêu quà. Nó sốt siêu vi, phải lên bệnh viện nằm theo dõi chờ “con siêu vi nó chết” chứ không để ở nhà được.

Trong suốt cuộc chuyện trò, cô nhắc mãi về “Sài Gòn”, bà ngoại cũng nói “mẹ còn đi Sài Gòn”. Xung quanh cô, những y tá dường như hiểu người phụ nữ gầy sạm đó có một công việc thiêng liêng sau chuyến chăm bệnh là “lên Sài Gòn”.

Cái tên thành phố đã trở thành ẩn dụ, ẩn dụ của một hứa hẹn tương lai, ẩn dụ của sự không cùng quẫn, ẩn dụ của việc ra đi và được trở về với nhiều hứa hẹn, mong ước hơn.

Nhưng trước mắt tôi khi ấy, Sài Gòn đã trở thành một tín hiệu của biệt ly - ở điểm đó thằng bé lại phải rời xa vòng tay mẹ...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận