Liên hoan phim Cannes lần 61: Những tân binh

LÊ HỒNG LÂM 15/05/2008 22:05 GMT+7

TTCT - Trong khi mùa phim hè của Hollywood đang tưng bừng trình chiếu không chỉ ở khu vực Bắc Mỹ mà còn lan rộng ra toàn cầu thì tại Pháp, liên hoan phim (LHP) quốc tế lớn nhất thế giới cũng chuẩn bị khai cuộc (từ 14 đến 25-5) tại thành phố biển Cannes.

Phóng to
Cảnh trong phim Blindness

Danh sách phim dự thi tranh giải Cành cọ vàng lần 61 đã được bổ sung vào phút chót, từ 19 phim lên đến 23 phim của 14 quốc gia trên thế giới, trong đó Mỹ vẫn là nước có tác phẩm dự thi nhiều nhất với năm bộ phim.

Ngồi ghế chủ tịch LHP Cannes lần này là Sean Penn - nam diễn viên, đạo diễn 48 tuổi người Mỹ, người từng đoạt giải nam diễn viên xuất sắc tại ba LHP uy tín nhất thế giới là Cannes, Venice, Berlin (hai lần) lẫn giải Oscar và đã có phim tranh giải Cành cọ vàng trước đây. Cùng ngồi trong ban giám khảo còn có nữ diễn viên Mỹ Natalie Portman, đạo diễn - diễn viên Ý Sergio Castellino, đạo diễn Mexico Alfonso Cuaron... và đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethakul (từng đoạt giải ban giám khảo của LHP Cannes ba năm trước).

Chủ tịch điều hành LHP Cannes suốt hơn ba thập kỷ qua Gilles Jacob cho rằng LHP Cannes lần 61 có khá nhiều bộ phim gây sốc với những chủ đề táo bạo và gây tranh cãi. Sean Penn thì hi vọng sẽ được chứng kiến một thế hệ tài năng mới trong LHP này.

Những gương mặt tân binh

Tác phẩm được vinh dự chọn mở màn là Blindness, một bộ phim hình sự bí ẩn của đạo diễn người Brazil Fernando Meirelles. Đây là một tên tuổi mới của làn sóng Nam Mỹ đang trên đà trở thành một đạo diễn mang tầm quốc tế. Bộ phim gây tiếng vang đầu tiên của anh là City of God, nói về nạn bạo lực súng ống của những đứa trẻ vị thành niên ở Rio de Janeiro, từng giành đến bốn đề cử Oscar năm 2003. Phim The Constant Gardener nói về những phi vụ mờ ám của các tập đoàn dược đa quốc gia ở các nước châu Phi nghèo đói cũng được bốn đề cử Oscar năm 2006. Và Blindness tiếp tục là một hứa hẹn.

Dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của José Saramago, nhà văn Bồ Đào Nha từng đoạt giải Nobel văn chương, cùng dàn diễn viên đa quốc tịch, trong đó có hai tài năng của Mỹ là Julianne Moore và Mark Ruffalo, câu chuyện phim đề cập một thị trấn nhỏ, nơi mọi người dân ở đây tự nhiên bị rơi vào một trường hợp bí ẩn lạ lùng: họ đột ngột bị mù, ngay cả viên bác sĩ (do Mark Ruffalo đóng). Vợ anh ta (Julianne Moore đóng) là người duy nhất ở thị trấn này không bị mù, nhưng cô giả vờ bệnh để đi theo chăm sóc chồng. Một loạt chi tiết bí ẩn, rối loạn bắt đầu xảy ra...

Cùng với bộ phim vinh dự mở màn nói trên còn có một bộ phim khác của Brazil và hai bộ phim của Argentina được chọn để tranh giải Cành cọ vàng. Chủ đề của các bộ phim này khá đa dạng và mang tính xã hội mạnh mẽ: đó là Linha de Passe của hai đạo diễn Walter Salles và Daniela Thomas, nói về cuộc sống khốn khó của bốn anh em trong một gia đình nghèo phải vật lộn, đấu tranh để theo đuổi giấc mơ của họ, hay là câu chuyện về một nữ tù nhân phải nỗ lực để nuôi nấng đứa con trai nhỏ của cô trong tù trong bộ phim Leonera của đạo diễn Pablo Trapero (sinh năm 1971, người Argentina)...

Năm nay, điện ảnh châu Á không còn là một điểm nhấn tại Cannes như nhiều năm gần đây. Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Ấn Độ, Iran hoàn toàn vắng bóng trong danh sách phim dự thi chính thức, chỉ có một bộ phim của Trung Quốc cùng hai bộ phim của Singapore và Philippines - hai nước ở Đông Nam Á lần đầu có phim tranh giải Cành cọ vàng.

Bộ phim của Trung Quốc là 24 cities của đạo diễn Giả Chương Kha, một “ngọa hổ tàng long” của thế hệ điện ảnh thứ 6 tại Trung Quốc. Đạo diễn này còn khá trẻ, sinh năm 1970 nhưng đã là một tên tuổi được đánh giá cao ở tầm quốc tế. Phim của anh thường khai thác mặt trái của xã hội Trung Quốc đương thời và thân phận của những người nghèo bị thách thức và đổi thay khi nền kinh tế đang phát triển chóng mặt.

Bằng lối kể chậm rãi và tự nhiên như phim tài liệu theo phong cách của các nhà làm phim châu Âu, phim của Giả Chương Kha thường không dành cho số đông. Và ngay tại Trung Quốc anh cũng không mấy nổi tiếng. Nhưng tại các LHP quốc tế, Giả luôn là cái tên được giới phê bình khen ngợi với những tác phẩm giàu thông điệp và dấu ấn cá nhân như Thế giới (2004), Người tốt ở Tam Hiệp (đoạt giải Sư tử vàng tại LHP Venice 2006). Và 24 cities tiếp tục là một lát quay cận cảnh về đời sống xã hội không tô vẽ của Trung Quốc đương thời.

Ngoài những tân binh nói trên, LHP Cannes lần 61 còn chào đón nhiều gương mặt mới của một số quốc gia khác, như Delta của đạo diễn Kornel Mondruczo người Hungary, sinh năm 1975; Waltz with Bashir, phim hoạt hình của đạo diễn Ari Folman, người Israel hay Gomorra của đạo diễn Matteo Garrone, người Ý...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận