Lỡ mục tiêu khí hậu: Khi nào, và ai sẽ là người báo tin dữ?

TRÚC ANH 01/12/2022 08:37 GMT+7

TTCT - nhiều nhà khoa học trên thế giới tin rằng vượt quá 1,5 độ C là một kết cục có thể đoán trước. Vậy tại sao nhiều người trong số họ không công khai nói như vậy?

Lỡ mục tiêu khí hậu: Khi nào, và ai sẽ là người báo tin dữ? - Ảnh 1.

Những tảng băng trôi ở phía bắc Greenland vào mùa hè này. Một thế giới 1,5 độ C có thể vẫn còn băng ở Bắc Cực và các rạn san hô, nhưng thế giới 2 độ C có thể sẽ không. Ảnh: AFP/Getty Images

Năm 2015, khi các lãnh đạo thế giới chốt Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, kêu gọi các quốc gia giữ cho nhiệt độ trung bình thế giới không cao quá 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, và theo đuổi các nỗ lực để giữ con số này dưới 1,5 độ C. Kể từ đó,  1,5 độ C trở thành mục tiêu toàn cầu.

Theo một báo cáo gần đây của Chương trình môi trường LHQ, tính đến cuối thế kỷ này, các chính sách khí hậu được thực hiện khắp thế giới sẽ giữ Trái đất chỉ nóng lên khoảng 2,8 độ C so với thời tiền công nghiệp.

Nhiều nước đã cam kết những chính sách tham vọng hơn trong tương lai, thậm chí đặt mốc thời gian cụ thể cho các kế hoạch đạt phát thải ròng bằng 0. Ngay cả khi những lời hứa này thành hiện thực, nhiệt độ vẫn cứ tăng thêm 1,8 độ C. Báo cáo còn khẳng định tính đến thời điểm này, không có con đường đáng tin cậy nào để dẫn đến mục tiêu 1,5 độ C.

Khả năng không đạt mục tiêu dẫn đến một vấn đề nan giải: chính xác khi nào thì thế giới thừa nhận "nhiệm vụ bất khả thi", và ai sẽ báo tin dữ với cả địa cầu? Với những báo cáo như đã dẫn, nhiều nhà khoa học trên thế giới tin rằng vượt quá 1,5 độ C là một kết cục có thể đoán trước. Vậy tại sao nhiều người trong số họ không công khai nói như vậy?

Theo Glen Peters, chuyên gia chính sách khí hậu và giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu khí hậu và môi trường quốc tế ở Na Uy, cho rằng một trong những lý do là các lo ngại việc công khai tuyên bố thất bại có thể làm giảm bớt hành động khí hậu toàn cầu. Khi biết đằng nào cũng không đạt mục tiêu, người ta sẽ dễ từ bỏ hơn.

Ngoài ra, tuyên bố thất bại sẽ làm phật lòng những người vẫn ngày đêm nỗ lực để duy trì mục tiêu, bao gồm các nhà khoa học và nhà tranh đấu vì khí hậu. Không ai muốn thành kẻ phá đám, bày tỏ nghi ngờ khi người ta đang tràn trề tin tưởng. 

Ngoài ra, các nhà khoa học có xu hướng do dự khi phát biểu về các kết quả vẫn khả thi về mặt lý thuyết, dù xác suất thành công là cực kỳ nhỏ.

Dù sao thì COP27 vẫn chưa từ bỏ mục tiêu 1,5 độ C, và theo tạp chí Scientific American, có thể nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên nữa các nhà khoa học mới có thể biết chắc thế giới đã vượt qua giới hạn 1,5 độ C hay chưa. 

Khí hậu luôn biến đổi, nhiệt độ trung bình của Trái đất có khả năng dao động lên xuống quanh mốc 1,5 độ C trong vài năm trước khi chúng ta biết rõ là đã vượt quá mục tiêu.

Điều này có nghĩa là "mục tiêu 1,5 độ C" nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục là trung tâm của các đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu trong nhiều năm nữa, ngay cả khi việc đạt mục tiêu ngày càng xa vời.

Quan trọng hơn, theo Carl-Friedrich Schleussner, trưởng nhóm khoa học khí hậu thuộc tổ chức phi lợi nhuận Climate Analytics, cần phải giữ cả mục tiêu lẫn sự quan tâm của cả thế giới dành cho nó vì các đảo quốc nhỏ và các nước đang phát triển đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu.

Mục tiêu 1,5 độ C được sinh ra từ khủng hoảng của chính các nước này, từ tiếng khóc của Tuvalu, và cả thế giới phải cùng nỗ lực để đạt được nó "vì chính sự sống còn của chúng ta". ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận