TTCT - Đảo quốc nhỏ bé ở nam Thái Bình Dương muốn đưa cả đất nước lên vũ trụ ảo vì nước biển dâng. Đảo Fongafale, nơi có thủ đô Funafuti của Tuvalu. Ảnh: The GuardianViệc bỏ lỡ mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC có thể đẩy nhanh quá trình Tuvalu, một đảo quốc nhỏ bé ở nam Thái Bình Dương, biến khỏi bản đồ thế giới vì chìm hoàn toàn dưới biển. Lúc đó, có lẽ chỉ còn phiên bản của quốc gia này trên metaverse (vũ trụ ảo).Với 9 hòn đảo trũng thấp có tổng diện tích vỏn vẹn 26km2, Tuvalu là quốc gia nhỏ thứ tư thế giới về diện tích và nhỏ thứ ba nếu tính theo dân số - xấp xỉ 12.000 người. "Biến đổi khí hậu và nước biển dâng là những mối đe dọa chết người, hiện hữu đối với Tuvalu và các quốc gia ở vùng trũng thấp" - ngoại trưởng mới 39 tuổi của Tuvalu Simon Kofe nói trong bài phát biểu được ghi hình và gửi đến hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ hồi năm ngoái (COP26). Ở cuối video, camera lùi ra xa dần làm rõ hậu cảnh được dàn dựng khéo léo và đầy ngụ ý: nhà ngoại trưởng chỉn chu trong bộ vest và cà vạt, đứng giữa đại dương nước ngập đến gối.Còn năm nay, tại COP27 vừa kết thúc ở Ai Cập, Kofe xuất hiện trong một video khác, công bố kế hoạch tái tạo đảo quốc nam Thái Bình Dương này lên metaverse nhằm "bảo tồn" nó trước khi chìm vào đại dương. "Khi đất đai biến mất, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài trở thành quốc gia số đầu tiên trên thế giới" - Kofe nói. Cũng như năm ngoái, cuối video lần này, camera zoom ra góc rộng cho thấy hậu cảnh của bài phát biểu nãy giờ là đồ họa 3D - một gợi ý về Tuvalu trên vũ trụ ảo trong tương lai."Đất đai, đại dương và văn hóa là những tài sản quý giá của dân tộc tôi, và để giữ chúng an toàn, bất kể điều gì xảy ra trong thế giới thật, chúng tôi sẽ chuyển chúng lên đám mây" - Kofe giải thích. Tuvalu có thể sẽ thật sự trở thành quốc gia hoàn toàn tồn tại ở định dạng số, nhưng đó không phải là điều đáng ăn mừng.Ngoại trưởng Tuvalu Simon Kofe đọc bài phát biểu gửi đến COP26. Ảnh cắt từ videoTheo tổ chức Chatham House (London, Anh), nhiều đảo quốc sẽ mất một phần lớn lãnh thổ vì nước biển dâng. Ít nhất 5 trong số các nước này, gồm Tuvalu, Maldives, Kiribati, Vanuatu và Marshall Islands, sẽ hoàn toàn chìm dưới đại dương trước năm 2100.Dồn vào chân tườngVũ trụ ảo, theo định hướng của Meta (công ty mẹ của Facebook) và các hãng công nghệ đang đặt cược vào mô hình giao tiếp của tương lai này, là không gian trực tuyến được tái tạo giống đời thật nhất có thể, nơi con người có thể giao tiếp, làm việc, giải trí thông qua công nghệ thực tế ảo (VR).Theo kế hoạch, Tuvalu sẽ tái tạo Teafualiku, hòn đảo nhỏ nhất của nước này và cũng là nơi đầu tiên sẽ biến mất vì nước biển dâng, lên metaverse - bao gồm cảnh quan thiên nhiên, các di tích, điểm đến văn hóa. Mỗi người dân sẽ có một avatar 3D đại diện, truy cập metaverse để thăm lại đảo xưa, trò chuyện với nhau bằng tiếng bản địa, cùng gìn giữ phong tục tập quán - dù khi đó có lẽ họ đã phải di cư đến một nơi nào đó để còn dùng máy tính mà vào mạng.Kofe không thông tin chi tiết về mốc thời gian hay đơn vị xây dựng metaverse. Năm ngoái, Chính phủ Tuvalu cũng bắt đầu xây dựng blockchain để lưu trữ dữ liệu công dân, từ căn cước đến thông tin tài chính, hòng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong tương lai.Metaverse là giải pháp cuối cùng, nếu có thể gọi đó là giải pháp. Thực tế là nó không cứu vãn tình thế, giảm thiểu hay đảo ngược tác động của biến đổi khí hậu, mà chỉ là đưa cả đất nước, con người, di sản, văn hóa và vật chất vào một "bảo tàng" ảo khổng lồ.Phải chăng làm vậy vẫn tốt hơn là để mọi thứ biến mất vĩnh viễn và chỉ còn trong ký ức? Nhưng lẽ nào cách còn lại - giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu - đã thật sự bất khả thi? Theo Nick Kelly - giảng viên môn thiết kế tương tác và Marcus Foth - giáo sư khoa học thông tin đô thị, đều thuộc Đại học công nghệ Queensland (Úc), thông điệp thật sự mà Tuvalu muốn phát đi cho thế giới có thể thâm sâu hơn ta tưởng.Phiên bản số của đảo Te Afualiku. Ảnh cắt từ videoThông điệp trong chaiTrong một bài viết chung trên The Conversation, Kelly và Foth cho rằng bài phát biểu COP27 của Tuvalu thực chất là lời nhắn cho những ai vẫn còn tin rằng công nghệ với những từ lấp lánh như "đám mây", "vũ trụ ảo", "thực tế ảo"… có thể là câu trả lời cho biến đổi khí hậu. Đó là lối nghĩ theo chủ nghĩa "giải pháp công nghệ" (techno-solutionism) rằng công nghệ là câu trả lời nhanh chóng và hoàn hảo để giải quyết các vấn đề phức tạp trong thế giới thực. Sự thật là, riêng với biến đổi khí hậu, công nghệ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề vì bản thân chúng rất tiêu tốn tài nguyên và năng lượng.Làm sao mà blockchain - hệ thống vận hành bằng các máy tính "khủng", siêu ngốn điện - lại có thể giúp ích cho biến đổi khí hậu? Và có cái gì thuộc về vũ trụ ảo mà ảo đâu - chúng cũng cần máy tính, thiết bị VR, trung tâm dữ liệu, hệ thống Internet, hạ tầng đất đai, tài nguyên thiên nhiên và năng lượng để vận hành đấy chứ. Avatar trên metaverse là những nhân vật không có chân, nhưng toàn bộ công nghệ này cũng để lại dấu chân carbon khổng lồ. Một nghiên cứu đăng trên Nature cho biết hạ tầng để duy trì Internet sẽ chiếm 20% tiêu thụ điện toàn cầu đến năm 2025."Thật nguy hiểm khi tin rằng việc chuyển sang metaverse là cách phản ứng khả thi với biến đổi khí hậu. Metaverse chắc chắn có thể hỗ trợ duy trì di sản và văn hóa như một bảo tàng ảo và cộng đồng kỹ thuật số, nhưng nó có lẽ không hoạt động như một quốc gia thay thế" - bộ đôi tác giả viết.Ngoại trưởng Kofe và chính phủ của ông chắc chắn không hồn nhiên tin rằng metaverse là giải pháp cho các vấn đề của đảo quốc này. Trong bài phát biểu, Kofe nhấn mạnh thế giới cần tập trung làm giảm tác động của biến đổi khí hậu thông qua các sáng kiến như hiệp ước không phổ biến nhiên liệu hóa thạch. Hay một sáng kiến khác của chính Tuvalu: dự án Future Now (Chuẩn bị cho tương lai ngay từ bây giờ) - do Bộ Tư pháp, Truyền thông và Ngoại giao của Kofe phát động hồi tháng 10-2021.Trong cả hai lần COP gần nhất, Tuvalu đều đầu tư cho đoạn video phát biểu để thu hút sự chú ý đến tình cảnh của mình - một quốc gia nhỏ bé nhưng lại ở ngay tuyến đầu của biến đổi khí hậu vì vị trí (hay lời nguyền) địa lý. Những sáng tạo trong bài phát biểu COP26 và COP27 của Tuvalu cuối cùng cũng chỉ là để kêu gọi thế giới phải cùng nhau hành động. Về mặt thu hút chú ý truyền thông, rõ ràng họ đã thành công. Cái họ cần lúc này là hành động thực chất.Dự án Future Now được tiến hành để Tuvalu chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống xấu nhất - nước biển dâng cao, còn mặt đất chìm vào đại dương. Tinh thần của dự án này là phát huy các giá trị truyền thống của đảo quốc: olaga fakafenua (đời sống cộng đồng), kaitasi (cùng chia sẻ trách nhiệm), và fale-pili (là hàng xóm tốt của nhau). Tuvalu kỳ vọng các quốc gia khác sẽ thấu hiểu những giá trị này và cùng hành động để đạt sự thịnh vượng chung toàn cầu.Và đó cũng chính là "thông điệp trong chai" mà quốc gia này muốn nhân COP27 gửi đến thế giới. Cả ba giá trị này đều không thể thực hiện trên không gian ảo, mà phải bằng hành động trong đời thật.Theo Kelly và Foth, sẽ tốt hơn nếu cộng đồng quốc tế tập trung vào những sáng kiến này hơn là hướng về metaverse - canh bạc đã khiến một gã khổng lồ như Meta lao đao suốt một năm qua.■Giả sử Tuvalu không còn cách nào khác mà buộc phải tái lập quốc gia trên vũ trụ ảo thì có trở ngại nào về mặt công nghệ không? Lạc quan mà nói, công nghệ hiện tại đã có thể tái tạo cảnh quan sinh động, chính xác từng chi tiết và mang lại cảm giác đắm chìm cho người trải nghiệm. Chuyện nhiều người cùng tương tác trực tuyến bằng avatar cũng khả thi về mặt công nghệ, vì các game online đã làm được điều đó. Diện tích nhỏ và số người sử dụng (tức dân số) ít của nước này có thể là một lợi thế. Nhưng để một quốc gia hoạt động dưới dạng metaverse thì chưa có tiền lệ để tham khảo.Phác thảo metaverse của Liberland.Ngoài Tuvalu, Liberland, một vi quốc gia (micronation, lãnh thổ tự xưng là quốc gia nhưng không được công nhận) ở vùng Balkan, cũng đã có kế hoạch xây dựng chủ quyền trên metaverse. Liberland là một dải đất bỏ không, rộng 7km2 nằm giữa Croatia và Serbia và cả hai nước này đều không nhận chủ quyền. Vì thế mà vào tháng 4-2015, nghị viên người Czech Vit Jedlička đã tuyên bố thành lập Liberland và lên làm tổng thống.Mặc dù không được chính thức thừa nhận là một quốc gia, Liberland đã có 7.000 công dân được chấp nhận và đang còn 700.000 đơn xin làm công dân đang xử lý. Theo Euronews, Liberland đang phối hợp với Công ty kiến trúc Zaha Hadid Architects để xây dựng quốc gia này trên metaverse, giúp hàng ngàn dân xứ này có thể gặp gỡ mà không cần phải di chuyển đến mảnh đất nằm dọc bờ tây sông Danube kia. Trang chủ Liberland cho biết "dự án đang triển khai" và không nói khi nào sẽ chính thức mở cửa đất nước trên vũ trụ ảo. Tags: Biến đổi khí hậu nước biển dângMôi trườngKhoa họcCOP27Biến đổi khí hậuTuvaluMetaverse
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Quyết định truy thu Thảo cầm viên Sài Gòn gần 800 tỉ được thanh tra kiến nghị từ năm 2022 ÁNH HỒNG 10/12/2024 Quyết định truy thu tiền thuê đất của Thảo cầm viên Sài Gòn là một câu chuyện dài, được Thanh tra TP.HCM kiến nghị từ năm 2022.
Trao thỏa thuận cấp chính phủ hợp tác với Trung Quốc xây 3 tuyến đường sắt DUY LINH 10/12/2024 Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đã thỏa thuận hợp tác xây dựng ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn trong cuộc họp tại Bắc Kinh ngày 10-12.
Người đàn ông đánh cô gái ở quận 4: 'Các bạn trẻ đừng nóng nảy rồi phải trả giá như tôi' MINH HÒA 10/12/2024 Tại cơ quan công an, Bùi Thanh Khoa có lời hối tiếc 'các bạn trẻ đừng nên nóng nảy mà mất đi kiểm soát, để khi sự việc đi quá xa như tôi làm ra như ngày hôm nay, để rồi phải trả giá, đó là bài học tôi cần phải ghi nhớ'.
Gần 3.000 người bị Mr Pips, Mr. Hunter lừa đảo phải làm gì để lấy lại tiền? DANH TRỌNG 10/12/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra xác định có gần 3.000 người là bị hại bị TikToker Mr Pips - Phó Đức Nam và Mr. Hunter - Lê Khắc Ngọ cùng đồng phạm lừa đầu tư chứng khoán.