TTCT - Sáng thứ hai 14-7 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Trung Quốc để cải thiện mối quan hệ hai nước. Tư thế ông Abe khi đưa ra đề nghị này như thế nào? Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu tại Quốc hội Úc trong chuyến viếng thăm ký kết thỏa thuận hợp tác kinh tế Nhật - Úc và thỏa thuận chuyển giao thiết bị, công nghệ quốc phòng ngày 8-7 - Ảnh: Reuters Phát biểu trước một tiểu ban của Quốc hội Nhật, ông Abe ngỏ ý: “Thật đáng tiếc đã không thể có một cuộc gặp thượng đỉnh cấp lãnh đạo... Cần phải quay trở lại những điều cơ bản của một mối quan hệ chiến lược mang tính tôn trọng lẫn nhau. Tôi muốn có một cuộc gặp cấp cao ở Bắc Kinh tháng 11 này tại thời điểm hội nghị APEC... Cánh cửa đối thoại với Trung Quốc vẫn luôn luôn mở”. Xin lỗi chân thành Đề nghị gặp ông Tập Cận Bình được đưa ra ngay sau khi ông Abe vừa kết thúc một vòng công du Úc, New Zealand và Papua New Guinea tuần trước. Có lẽ động thái có ý nghĩa nhất của ông Abe chính là ở trụ sở Quốc hội Úc, trước Chính phủ cùng các dân biểu nghị sĩ cả đảng cầm quyền lẫn đảng đối lập. Tại đây, ông Abe nhìn lại lịch sử để ngỏ lời xin lỗi: “Thưa quý vị, khi người Nhật chúng tôi gượng dậy từ sau Thế chiến thứ hai, chúng tôi đã suy gẫm về những gì đã xảy ra trong quá khứ để rồi đưa ra một nguyện ước hòa bình từ tận đáy lòng. Và người Nhật chúng tôi đã đi theo con đường đó cho đến ngày nay. Chúng tôi sẽ không bao giờ để cho những nỗi kinh hoàng lịch sử của thế kỷ trước tái diễn. Thề nguyền này mà nước Nhật đã đưa ra sau chiến tranh vẫn còn sống động đến ngày nay và sẽ không bao giờ thay đổi trong tương lai. Tôi đứng đây trong tòa nhà lập pháp của nước Úc để khẳng định lời nguyện ước này với quý vị một cách trân trọng và tự hào. Cha ông chúng ta đã kinh qua thời kỳ của Kodoka và Sandakan (những địa ngục trần gian trên đảo Borneo đối với tù binh Úc trong tay quân đội Nhật - NV). Bao nhiêu thanh niên Úc, với tương lai xán lạn ở phía trước, đã mất mạng ở đó? Còn những người sống sót qua chiến tranh đã chịu chấn thương tinh thần trong suốt bao nhiêu năm sau đó? Tôi hoàn toàn không có lời nào để nói, bất quá cúi đầu trước những tệ lậu và kinh hoàng của lịch sử. Tôi xin được khiêm nhường nói thay cho nước Nhật, và nhân danh dân chúng Nhật để gửi lời chia buồn chân thành nhất của tôi... Chúng tôi ở Nhật sẽ không bao giờ quên sự rộng lượng của quý vị và quá khứ lịch sử của chúng ta”. Hợp tác bằng niềm tin Đến đây, Thủ tướng Abe đưa ra lời nguyền mới: “Hôm nay tôi đứng trước mặt quý vị, những người đại diện cho người dân Úc, long trọng khẳng định rằng giờ đây Nhật Bản và Úc quan hệ hợp tác bằng niềm tin trong lĩnh vực an ninh. Úc và Nhật nay đã tự tháo gỡ ra khỏi chúng ta một lớp (quan hệ) cũ và hiện đang tiến đến một “mối quan hệ đặc biệt” mới mẻ. Thủ tướng Abbott và tôi đã khẳng định điều đó hôm 7-4 ở Tokyo”. Tại Canberra ngày 8-7, ông Abe và người đồng nhiệm Abbott đã ký thỏa thuận hợp tác kinh tế Nhật - Úc và thỏa thuận chuyển giao thiết bị, công nghệ quốc phòng. Theo ông Abe, đây sẽ là vết khắc đầu tiên của mối quan hệ đặc biệt trong lịch sử ở thì tương lai của hai nước. Việc Nhật chọn tăng cường quan hệ với Úc thể hiện quyết tâm hơn nữa của Tokyo trong việc thúc đẩy hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Ông Abe nói rõ: “Hãy cùng nhau gắn bó hơn nữa để làm cho các vùng biển cùng những bầu trời rộng lớn từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương được thông thoáng và tự do. Trong tất cả lời nói và hành động của chúng ta, chúng ta phải tuân theo luật pháp và không bao giờ được rơi trở lại vào vũ lực hoặc cưỡng bức. Khi có tranh chấp, chúng ta phải luôn sử dụng các biện pháp hòa bình để tìm ra giải pháp. Đó là những quy luật tự nhiên. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng khi Nhật Bản và Úc cùng chung tay chia sẻ các giá trị chung thì những quy luật tự nhiên đó sẽ trở thành chuẩn mực cho biển cả thịnh vượng trải dài từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương”. Những câu hỏi từ Bắc Kinh Liệu đề nghị gặp thượng đỉnh bên lề hội nghị APEC của ông Abe sẽ được Bắc Kinh đáp trả như thế nào? Hình thức mà nói, đây sẽ chỉ là một cuộc gặp “bất chợt” sẵn dịp hai bên cùng có mặt tại hội nghị APEC ở Bắc Kinh vào tháng 11 tới, chẳng buộc ai “hạ cố” gì cả. Từ đây đến hội nghị APEC còn đến bốn tháng, đủ để chuẩn bị dư luận nội bộ cho một cuộc gặp “bất chợt” như thế. Vấn đề đặt ra với Bắc Kinh là: Phải chăng quan hệ Nhật - Úc này là một liên minh quân sự chống Trung Quốc? Việc Nhật chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Úc chẳng phải là một bằng chứng câu kết chống Trung Quốc hay sao? Bắc Kinh có thể còn thắc mắc điều này lâu, song một khi Nhật tham gia sâu vào thị trường vũ khí, như Trung Quốc đã và đang là một “lái buôn” gộc, chắc là sẽ thôi nghĩ ngợi theo hướng đó mà nhìn Nhật như một kẻ tranh đoạt thị phần với những sản phẩm “made in Japan” cạnh tranh với “made in China”! Tất nhiên ông Abe đã có sẵn câu trả lời rằng đây không phải là một liên minh quân sự chống ai, do lẽ theo ông, quan hệ đó dựa trên nguyên tắc “tuân theo luật pháp và không bao giờ được rơi trở lại vào vũ lực hoặc cưỡng bức” và “phải luôn sử dụng các biện pháp hòa bình để tìm ra giải pháp”. Thật ra, ông Abe chỉ lặp lại thông điệp tại Đối thoại Shangri-La vào cuối tháng 5 vừa qua: “Giờ đây, khi chúng ta nói “thượng tôn pháp luật trên biển”, điều đó có nghĩa là gì trong cụ thể? Nếu lấy tinh thần cơ bản mà nhân loại chúng ta đã truyền vào trong luật pháp quốc tế qua các thời đại và cấu trúc lại thành ba nguyên tắc, thì chúng ta có thể thấy các quy định của luật biển thật ra chỉ là một điều rất hợp với lẽ thông thường. Nguyên tắc đầu tiên là các quốc gia có trách nhiệm thực hiện và làm rõ yêu sách của mình dựa trên luật pháp quốc tế. Nguyên tắc thứ hai là các quốc gia không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép trong việc đòi hỏi yêu cầu của mình. Nguyên tắc thứ ba là các quốc gia sẽ tìm cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”. Dự liệu những nghi hoặc có thể có từ phía Bắc Kinh, ông Abe phát biểu trực tiếp với Bắc Kinh và dùng đại từ “chúng ta”: “Ngay cả khi quan hệ của chúng ta đang căng thẳng, có vấn đề giữa các láng giềng với nhau, thì các quan hệ đó không thể bị phá vỡ. Vì lý do tối thượng này, chúng ta cần duy trì một mối quan hệ sao cho giữ được mọi việc trong tầm kiểm soát”. Thật đơn giản, gặp để mà gặp, để đừng “cắt cầu”, chứ không có nghĩa là phải giải quyết cho bằng được các xung khắc tự bao giờ. Còn bốn tháng để cân nhắc, ứng đối. Thế nhưng, e rằng “lẽ thông thường” mà ông Abe viện dẫn có thể là phổ quát với hầu hết mọi người, song lại không hợp ý những ai tự xem mình là trung tâm thế giới. Thành ra, đề nghị gặp gỡ này lại chính là một trói buộc ngoại giao: chúng ta sẽ nói chuyện với nhau bằng lẽ thông thường phổ quát của nhân loại mà không thượng cẳng chân hạ cẳng tay được không? Tags: Shinzo Abe
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Xe Phương Trang tông vào đuôi xe Hồng Sơn trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, 2 người chết tại chỗ ĐỨC TRONG 19/09/2024 Vụ tai nạn nghiệm trong giữa 2 xe giường nằm hãng Phương Trang và Hồng Sơn vừa xảy ra khoảng 0h ngày 19-9 tại Km191+500 cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khiến 2 người chết, nhiều người bị thương.
Tập đoàn của ông Donald Trump đề xuất đầu tư sân golf, tổ hợp vui chơi, giải trí tại Hưng Yên BẢO NGỌC 18/09/2024 Tập đoàn The Trump Organization thuộc sở hữu của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bày tỏ mong muốn được đầu tư khách sạn, sân golf và tổ hợp vui chơi, giải trí tại Hưng Yên.
Diễn biến áp thấp nhiệt đới rất phức tạp, có thể thay đổi cấp độ, hướng di chuyển NGỌC AN 18/09/2024 Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 98 ngày 18-9 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Thiết bị liên lạc của Hezbollah lại phát nổ, 9 người chết, hơn 300 người bị thương THANH HIỀN 18/09/2024 Các thiết bị liên lạc do nhóm Hezbollah đóng tại Lebanon sử dụng lại phát nổ vào chiều muộn 18-9, lần này là bộ đàm. Vụ nổ mới nhất khiến 9 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.