Mắc bệnh đái tháo đường, mang thai được không?

BS LÊ TUYẾT HOA 28/08/2014 07:08 GMT+7

TTCT - Tôi mắc bệnh đái tháo đường, vừa lập gia đình và muốn có con, vậy phải gìn giữ thế nào cho đứa con tương lai khỏe mạnh?

Duy trì vận động tối thiểu 30 phút mỗi ngày - Ảnh: Quang Định

Diễm C. (Bạc Liêu)

Chị em mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) nếu mang thai cần sự chăm sóc đặc biệt của bác sĩ nội tiết kết hợp với bác sĩ sản.

Nguy cơ dị tật

Ở người bệnh ĐTĐ, chăm sóc tiền sản cần được nhấn mạnh vì nếu không chuẩn bị cho mẹ trước mang thai, nguy cơ gia tăng dị tật thai nhi hơn nhiều so với người không ĐTĐ. Việc chăm sóc này được đặt ra từ khi muốn có thai, nghĩa là mang thai có kế hoạch, không để đến khi biết có thai mới tiến hành.

Có hai vấn đề quan trọng là đường huyết và huyết áp. Kiểm soát đường huyết tại thời điểm muốn mang thai có ý nghĩa quyết định, giảm thiểu dị tật bào thai.

Dị tật bẩm sinh là nguyên nhân thường gặp nhất làm trẻ sinh từ mẹ ĐTĐ chết hoặc có biến chứng sau sinh. Bà bầu ĐTĐ bị thai chết lưu gấp sáu lần và tử vong sơ sinh cũng tăng gấp đôi so với bà bầu không ĐTĐ. Những bất lợi này không khác nhau giữa người ĐTĐ type 1 và type 2.

Nguy cơ này tăng cao một khi đường huyết trong 6-8 tuần đầu thai kỳ không ổn định. Nguy cơ cho bé sẽ thấp nhất ở những người có HbA1c trước sinh khoảng 6,5-7% miễn là các chị không bị hạ đường huyết. Thậm chí nhiều khi HbA1c đã rất tốt mà nguy cơ vẫn còn cao.

Trước khi mang thai, phụ nữ ĐTĐ cần phải ổn định đường huyết và huyết áp tốt, giữ cân trọng lý tưởng, kiểm tra chức năng thận và khám mắt đánh giá bệnh võng mạc do ĐTĐ.

Chăm sóc thật chu đáo

Để con phát triển bình thường từ lúc đậu thai đến khi sinh, các chị em không chỉ chủ động chuẩn bị cho thụ thai, mà còn tiếp tục lưu ý trong ba tháng đầu thai kỳ vì đây là giai đoạn hình thành các cơ quan của bào thai, và hơn sáu tháng sau đó. Nếu đường huyết của mẹ không ổn định dễ dẫn đến sinh con to, chấn thương cho bé khi sinh, hạ đường huyết sơ sinh, tiền sản giật cho mẹ.

Nên kiểm soát đường huyết tốt bằng cách kiểm tra đường huyết đói, một giờ và hai giờ sau ăn. Do vậy chị em rất nên tự kiểm tra đường huyết bằng máy cá nhân tại nhà. Thai phụ cần giữ đường huyết đói (trước ăn) ở mức < 95mg/dL, đường huyết một giờ sau ăn < 140 mg/dL và hai giờ sau ăn không quá 120 mg/dL.

Nếu khi mang thai mẹ tăng đường huyết, sức khỏe sau này của bé khi trưởng thành cũng bị ảnh hưởng: tăng nguy cơ rối loạn đường huyết và thừa cân.

Mang thai thường làm tăng đường huyết, làm nặng thêm tình trạng thận và võng mạc của mẹ. Vì vậy những phụ nữ ĐTĐ mang thai luôn được theo dõi kỹ chức năng thận và mắt, tư vấn điều trị nếu nhận thấy bất kỳ nguy cơ xuất hiện hoặc tiến triển xấu của bệnh thận hay bệnh võng mạc ĐTĐ.

Cần khám mắt và đánh giá chức năng thận trước khi mang thai, theo dõi chặt chẽ trong ba tháng đầu thai kỳ rồi mỗi ba tháng sau đó và sau sinh một năm.

Về huyết áp, tất cả thai phụ đều cần được đánh giá để phân biệt ai đã bị tăng huyết áp từ trước mang thai, hay chỉ tăng tạm thời khi có thai (xuất hiện tăng huyết áp từ tuần 20 của thai kỳ), hoặc tăng huyết áp này liên quan đến tiền sản giật bởi huyết áp tăng lúc mang thai và tiền sản giật làm tăng biến cố tim mạch bất lợi, thậm chí tử vong.

Ngoài việc theo dõi huyết áp, những thăm khám khác liên quan như thử protein trong nước tiểu... được thực hiện trước và trong thai kỳ. Nếu chỉ tăng huyết áp đơn thuần, nên giữ huyết áp ở mức 120/80 - < 140/90 mmHg bởi huyết áp cao ảnh hưởng xấu cho mẹ nhưng nếu thấp hơn không có lợi cho phát triển bào thai.

Ở người ĐTĐ, huyết áp mẹ tăng dễ gây tiền sản giật, sinh non, băng huyết sau sinh, suy thận hoặc nặng thêm biến chứng mắt đã có.

Duy trì vận động thể lực mức độ trung bình tối thiểu 30 phút hầu hết các ngày trong tuần. Các thuốc không được phép dùng nếu có thai như thuốc hạ mỡ máu và một số thuốc hạ áp. Nhiều người tự ý dừng thuốc khi biết mình có thai vì sợ ảnh hưởng đến bé.

Vẫn có những thuốc hạ đường huyết an toàn cho thai phụ, bác sĩ sẽ tư vấn lại chuyện ăn uống và chuyển đổi thuốc hạ đường huyết an toàn cho mẹ lẫn bé. Điều này tương tự đối với thuốc hạ áp: khi nào dùng thuốc và chọn thuốc dùng có cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận