TTCT - Một đoạn đường đồng hành người cận tử và người đã trải qua những mất mát khổng lồ. Ở gần sự chết để được nhắc nhở về sự sống. Nhìn vào cái chết để chiêm nghiệm về cuộc đời... TTCT giới thiệu loạt bài về hành trình này của tác giả Đặng Hoàng Giang, trong một suy tư về một thực tế bệnh ung thư nan giải đang diễn ra tại Việt Nam cùng những khoảng trống to lớn trong trị liệu và giúp đỡ tâm lý cho những người bị bệnh nan y và cận tử. HÀ[1] có trí nhớ như một cái máy tính. Chị nhớ chị cho Nam, con trai đầu của chị, ăn gì vào hôm nào, hôm đó Nam mặc gì, cậu nói gì và chị trả lời ra sao. Có lẽ điều này liên quan tới công việc của chị ở một phòng thí nghiệm hoá sinh. Và có lẽ vì quãng thời gian mà chúng tôi nói tới là quãng thời gian đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời chị. Tôi gặp Hà lần đầu trong một quán cà phê cách Bệnh viện K chỉ vài cây số. Hà mặc đồ văn phòng. Hai tay chị đặt lên trên cái túi nhỏ để trong lòng. Tuần trước, trên điện thoại, khi biết tôi được bác sĩ Việt Hương giới thiệu, Hà đồng ý gặp ngay. Cái tên Việt Hương, tôi nhận ra, gần như có thể mở mọi cánh cửa cho tôi. “Em có nhớ cái ngày em nhận được tin xấu không?” - Tôi hỏi Hà. “Có chứ anh” - chị trả lời ngay - “Mùng 7 tháng 12 năm 2014. Hồi đó thằng Nam nhà em học lớp ba, tám tuổi. Cháu ăn uống dễ lắm, rất là mập mạp. Bốn mươi kg, cao một mét tư.”Ba tháng trước đó, đúng vào khoảng sinh nhật thứ 38 của Hà, Nam bắt đầu kêu đau chân. Liệu Nam đã va đập khi đá bóng? Hay đây là chứng nhức xương của tụi trẻ đang lớn? Hà mua calcium và magnesium B6 cho con uống. Cơn đau chập chờn, đến rồi đi. Bẵng đi một thời gian, tới một buổi chiều thứ Sáu đầu tháng 12, Hà còn nhớ, lúc đó Nam sắp thi học kỳ I, trong lúc cậu dội nước tự tắm rửa thì bà ngoại cậu nhìn thấy đầu gối Nam hơi bị sưng. Tối hôm đó, sau khi cho Thắng, cậu em trai 2 tuổi của Nam, đi ngủ xong, Hà sờ nắn nhẹ chỗ sưng ở chân Nam. “Mẹ sợ là viêm khớp” - chị nói với con - “để mẹ đưa con đi khám”. Hôm sau, hai mẹ con có mặt ở bệnh viện gần nhà từ sớm. Trong đầu Hà luẩn quẩn mấy câu hỏi: liệu Nam có cần giảm cân không? (Chị nghe nói béo là một trong những lý do chính gây viêm khớp), nên uống vitamin với thuốc gì để giúp sụn khớp nhanh phục hồi? Tới gần trưa thì có kết quả X quang và siêu âm, một thứ chị hoàn hoàn không tính đến: U xương chày, chưa rõ lành hay ác tính. Hoang mang, Hà gọi điện cho một người bạn bác sĩ. Anh này khuyên chị đưa Nam vào Bệnh viện K hoặc Việt Đức. Nghe tới chữ K, Hà ớn lạnh. Chị chọn Việt Đức. Cả cuối tuần, Hà lùng sục thông tin trên mạng. Ngày thứ Hai ở Việt Đức dường như dài vô tận. Tới chiều, Hà cầm kết quả trong tay. “Tình hình rất xấu” - người ta nói với chị như vậy. Muốn tránh mà không được, thứ Ba, chị đưa Nam tới Khoa Nhi của Bệnh viện K. Lúc này chị không thể biết là sau này, nơi đây sẽ trở nên thân thuộc như căn nhà thứ hai của chị. Hai vợ chồng Hà vốn đã trục trặc từ mấy năm nay. Hầu như chị không nhận được sự trợ giúp gì từ chồng trong cuộc sống hàng ngày. Tôi biết được là rượu đóng một vai trò. Hôm đó thì chồng Hà đi cùng. Bác sĩ nhận phim, vào phòng riêng, một lúc sau quay ra và gọi hai vợ chồng vào. Nam đợi ở bên ngoài. Tim Hà đập thình thịch. Sự hồi hộp khiến mọi thứ hơi bị nhoè nơi khoé mắt chị. Không ai nói gì trong vài giây. Thế rồi, ông bác sĩ mào đầu: “Anh chị cần xác định tư tưởng” - ông trình bày tiếp - ““Xương đùi, xương mắt cá…tất cả đã bị tổn thương”. “99% là ung thư rồi” - ông kết luận, theo cái cách người ta vẫn làm để gạt bỏ mọi hoài nghi và các câu hỏi kiểu “Nhưng mà” và “Liệu còn…?”. “Sẽ phải làm sinh thiết” - ông chốt lại cuộc nói chuyện. “Những ca khác thì còn 50-50, nhưng ca này thì đã quá rõ ràng rồi, làm sinh thiết chỉ để có ý nghĩa pháp lý và hoàn thiện hồ sơ thôi”. Tất cả chỉ kéo dài có vài phút. Hai vợ chồng Hà líu ríu ra khỏi phòng. Chị tránh nhìn Nam khi nó chạy tới ôm chị. Hà không nhớ được là chị đã về nhà như thế nào. -------------------------Hà im lặng, rồi quay ra nhìn tôi. “Thực ra lúc đó thì em cũng đã hiểu rồi” - chị nói -“Nhưng nó tới quá nhanh, mình không nghĩ là nó lại khốc liệt thế”. Đằng sau Hà, bên ngoài cửa sổ, trời tháng Ba mù mịt ướt. Noel 2014, Nam bắt đầu truyền hoá chất. Trong bức ảnh Hà chụp cho cậu cùng “ông già Noel” (do một cậu sinh viên tình nguyện viên đóng), Nam vẫn còn tóc. Với sự chuyên nghiệp của một thí nghiệm viên, Hà xắn tay áo lên tối ưu hoá mọi thứ. Hơn hai năm sau, chị vẫn thuộc lòng quy trình do chị thiết kế, thử nghiệm và hoàn thiện trong chín tháng. “Buổi chiều truyền hoá chất xong, qua đêm giải độc, sáng hôm sau em cho nó cấp tốc ăn. Tới ngoài 9 giờ sáng, y tá cắm kim truyền hoá chất lần tiếp theo thì cháu đã có ít thức ăn trong dạ dày”. Với phần lớn các bệnh nhân khác, truyền hoá chất là một cực hình. Nhiều đứa trẻ không ăn được gì, sức khoẻ đi xuống, tinh thần đi xuống, chỉ số bạch cầu và hồng cầu đi xuống, chưa phục hồi thì đã đối mặt với đợt truyền tiếp theo. Nhưng trong những ngày truyền, Nam chỉ hơi cảm thấy nôn nao. Cậu vẫn vui vẻ và sau hai ngày giải độc đã có thể ăn bình thường. Trên giường bệnh, Nam lướt web nhoay nhoáy bằng cái iPad, xem Doremon và phim siêu nhân. Từ khi bị bệnh, cậu được mẹ thả lỏng trong việc dùng iPad, khiến Thắng nhiều lúc ghen tị. “Mẹ ơi, con may mẹ nhỉ?” - thỉnh thoảng cậu lại nói với mẹ - “con may vì con không làm sao cả, con không cảm thấy mệt”.Nam bắt đầu quan tâm tới bệnh tật của mình. Một buổi chiều, Hà kể lại, khi hai mẹ con nằm trên gường bệnh, Nam hỏi: - “Bệnh gì là nặng nhất hả mẹ?”. - “Bệnh con đang mắc là bệnh nặng nhất.” - “Thế bà không phải là bị nặng nhất hả mẹ?” Mẹ Hà bị suy tim, tiểu đường, huyết áp thấp và mỡ máu. Nam thấy mỗi ngày bà ngoại uống một vốc thuốc. - “Bà có nhiều bệnh nhưng vẫn có thuốc để chữa trị, còn bệnh của con hiện tại vẫn đang là nặng nhất”.Một hôm khác, đang chơi thì Nam bỏ cái iPad xuống. - “Mẹ ơi” - Nam nói - “Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ”.- “Sao vậy con?”. - “Con bị bệnh nặng như thế này, mẹ và những người trong gia đình phải chăm sóc con, nên là con xin lỗi mẹ”. - “Con không cần nói như thế, vì con bị bệnh là nặng nhất rồi. Và đây là bệnh con không mong muốn. Do vậy, con là người đang chịu khổ, bất hạnh nhất chứ không phải là mẹ”. - “Thế ạ mẹ?”Hà khóc thành tiếng. Chị vớ tờ giấy ăn đưa lên má mà không kịp chặn dòng nước mắt. Trước mặt chị là một đống giấy đã bị vo nhàu và đẫm nước. Lúng túng, tôi vô ý ngồi yên. Ở bàn đằng sau, mấy người trung niên huyên náo với nhau. Nam bắt đầu quan tâm tới cái chết. Một hôm, bỗng nhiên cậu nói với mẹ, “Mẹ ơi, có phải sau này ngày nào mẹ cũng cho con ăn hoa quả không?” “Cái thằng cu nhà em học văn rất là kém, chỉ có kiến thức xã hội là cao thôi, còn văn vẻ dùng trong các ngữ cảnh rất là tệ” - Hà vừa lau nước mắt vừa hơi mỉm cười nhớ lại - “Ví dụ như cốc nước này, em lấy ít thì nó sẽ hỏi là ‘Mẹ ơi, sao mẹ lấy thấp thế’. Có sửa cho bao nhiêu lần thì vẫn nói thế. Hoặc nó sẽ bảo ‘Mẹ ơi mẹ mở cho con quả bưởi’. Mở chứ không phải là bóc”. - “Con nói thế nghĩa là thế nào?” - Hà hỏi lại.- “Tức là sau này ngày nào mẹ cũng thắp hương cho con ấy, cúng hoa quả trên bàn thờ ấy” Dưới sáu tuổi, trẻ em cho rằng cái chết chỉ mang tính tạm thời, và trạng thái chết có thể được thay đổi. Chúng không hiểu được tính vĩnh cửu và tính không thể đảo ngược của cái chết. Giống đồ vật hỏng có thể gắn lại được, chúng cho rằng con người hay con vật chết là đi vào giấc ngủ, họ sẽ thức dậy, hay họ đi xa và sẽ quay về. Từ sáu tới chín tuổi, lứa tuổi của Nam, trẻ em đã hiểu rằng cái chết là vĩnh cửu, chứ không phải là một trạng thái tạm thời. Nhưng phần lớn vẫn không nắm được tính phổ quát của nó. Chúng cho rằng cái chết không xảy ra với tất cả mọi người, nhất là không xẩy ra với thầy cô giáo chúng, với bố mẹ chúng, hay với bản thân chúng. Nam đang ở ranh giới mơ hồ của ý thức về cái chết. Cậu kết nối được hoa quả, hương và bàn thờ với khái niệm chết, nhưng nó vẫn là một cái gì trừu tượng không liên quan gì tới cậu hiện nay. “Sao con lại nói thế?” - Hà hỏi lại.“Ờ, thì con vào Google tra thì họ bảo ‘Mấy ca này đi hết ấy mà’ mẹ.” “Ừ thôi, cái gì đến thì nó sẽ đến con ạ” “Ơ, thế thì con sẽ chết hả mẹ?" - Nam hỏi lại. “Mẹ không biết, mọi việc bây giờ mẹ cũng chịu rồi. Mẹ đã giải thích cho con là bệnh của con là bệnh nặng…” Sự mơ hồ khiến cậu không quá buồn. Ngẫm nghĩ một chút, Nam thốt lên: “À mẹ ơi, con biết rồi, chết vẫn gặp được nhau”. “Con nói cái gì vậy?” “Ra mộ ấy, gặp nhau ở ngoài mộ ấy” - Nam cười, hài lòng về sự thông thái của mình. Tháng Năm tới, cùng những cơn nóng đầu tiên của năm. Hồi đó, khoa chưa có điều hoà. Phòng của Nam thường xuyên đông đúc, có khi có tới ba bệnh nhân trên một giường. Trẻ nhỏ không hiểu sao chúng phải ở đó. Chúng kêu khóc và đòi về nhà. Tình hình của Nam tiến triển không tốt. Vài ngày sau sinh nhật tròn 9 tuổi của cậu, các bác sĩ đề xuất với Hà là Nam cần phải được cắt bỏ chân. Ngày đầu vào Khoa Nhi, Nam nép sát vào mẹ, kinh hãi nhìn mấy bạn chống nạng qua lại. Có bạn không có cẳng chân, có bạn mất cả đùi. “Mẹ ơi, sợ nhỉ!” - Cậu lấy tay bịt mắt, nhưng vẫn nhìn qua kẽ ngón tay. Đó đều là những ca ung thư xương, Hà giải thích cho tôi. Ung thư lan tới đâu, phải tháo bỏ phần đó. Chân, đùi, tay. Thậm chí hàm dưới, hay con mắt. “Mẹ ơi, thế sau này con cũng phải cắt chân như thế kìa à?” “Mẹ cũng không biết, bây giờ mình xác định là bệnh con là nặng rồi, bác sĩ bảo sao thì mình nghe vậy.” Quan điểm của Hà là không bao giờ nói dối. Chị cố lấy giọng cứng cỏi và bình thản. “Bác sĩ bảo cắt thì mình cắt thôi con. Cái chân của con như cái cành cây mục ấy. Cái gì đã bị tổn thương rồi thì con nên bỏ nó đi rồi mình đi nạng”.Thỉnh thoảng, chị lại giải thích lại cho con, mà cũng như để trấn an bản thân. “Con bỏ cái chân đi là để con không đau đớn con ạ. Con để lại chân, nó ăn lên phần mềm thì con đau lắm”. Hy sinh cái chân để con không bị đau, chị nhiều lần tự nhủ. Chị cố không nghĩ tới những trường hợp chị chứng kiến, đứa trẻ bị tháo đầu gối, rồi tháo khớp háng, rồi bị di căn vào phần mềm. “Ông trời cho thế nào thì được như thế” - chị thầm nghĩ. Lần đầu tiên trong đời chị cảm thấy sâu sắc rằng số phận của mình được đặt vào tay của một thế lực siêu nhiên bên ngoài. “Thực ra thì khuyến khích động viên con vậy nhưng trong lòng em thì đã đến mức tận cùng của nỗi đau” - chị nói với tôi. Tuy đã tự trấn an như vậy, nhưng khi bác sĩ lần đầu đề xuất bỏ chân Nam, chị vẫn không thể gật đầu. Khác với tiêm thuốc hay lấy máu, mất chân, mất tay tấn công vào bản thể của người bệnh, khiến người bệnh cảm thấy mình không còn là mình nữa. Hơn cả những cơn đau thể xác, sự mất mát này nằm ngoài khả năng chịu đựng của nhiều đứa trẻ, tới mức chúng cương quyết cự tuyệt. Mọi lời khuyên bảo từ bác sĩ đều vô ích, có những đứa đến chết cũng không để bị cắt tay, cắt chân. Có đứa lớn hơn dọa sẽ nhảy lầu tự tử. Trong nửa năm ở bệnh viện, chị đã nhìn thấy những cái chân to như cột đình, những cái tay phình ra như gốc cây, gắn vào những thân thể trẻ em. Trong một khoảnh khắc, chị đánh mất tư duy khoa học của một thí nghiệm viên, tìm tới một ông bác sĩ tư nhân mà chị nghe người ta đồn là “rất giỏi” và “tu học ở Mỹ về”. Khi Hà tới, phòng khám của ông này đông nghẹt người. “Việc gì mà phải cắt chân!” - Ông này mắng chị, rồi kê cho chị một loạt thực phẩm chức năng, nói rằng chỉ sau vài tháng là Nam sẽ “chạy nhảy, đá bóng bình thường”. Nghe những từ này, Hà bán tin bán nghi, nhưng chị thấy như có những giọt nước mát chạm vào cổ họng khát khô của mình. Sau một tháng, Nam uống hết bẩy triệu tiền thuốc thì chị bừng tỉnh. “Vớ vẩn, anh ạ” - chị nhớ lại. Tới tháng 7, chân của Nam đã sưng lên gấp đôi. Giữa tháng, chị đưa Nam sang Việt Đức làm phẫu thuật bỏ chân. Hôm đó, cũng như mọi hôm khác, chỉ có hai mẹ con đi với nhau. Từ đầu năm, Hà hoàn toàn một mình trong việc chăm sóc Nam, và chăm lo cho Thắng ở nhà. Đó là giai đoạn sống mà Hà mô tả “bố nó thì say rượu, con thì đầu trọc lốc, ông bà thì bỏ đó”. Tối hôm trước, Hà viết trên Facebook của mình: “Vẫn biết phải cố gắng, nghị lực để cùng con đi tiếp, nhưng thực sự là rất rất đau: đau trong tâm, đau trong tim và nỗi đau này ngày càng nhân lên” .Mấy tiếng sau, chị viết thêm “Chính thức đầu hàng số phận”.----------------------------------Nam bị cắt chân sau đợt truyền hoá chất thứ sáu. Thông thường, cứ sau ba đợt, bác sĩ sẽ kiểm tra xét nghiệm tổng thể, nếu kết quả tốt thì sẽ cho dừng điều trị trong 3, 6 hay 12 tháng, cho tới lần xét nghiệm sau. Nhưng ở Nam, những chỉ số ung thư không bao giờ lùi. Sau khi bỏ chân, Nam được truyền thêm ba đợt hoá chất nữa, tổng cộng là chín đợt, mỗi đợt cách nhau 21 ngày. Phác đồ điều trị nặng, nhưng tốc độ di căn vẫn rất nhanh. Tới tháng 10 thì bác sĩ trả Nam về nhà. Hoá chất sẽ chỉ ảnh hưởng tới các cơ quan nội tạng của Nam, họ nói, chứ không thay đổi được gì. Lúc này, ung thư đã tấn công vào phổi. Phổi cậu sẽ dần trở thành một căn phòng bị đóng kín, không có oxy nữa. Đó là hình ảnh ông bác sĩ dùng để giải thích cho Hà. Vậy là cánh cửa hy vọng cuối cùng đã khép lại. Y học chính thức đầu hàng. Với nhiều gia đình, những lời này từ miệng bác sĩ như một tiếng sét, khiến họ sụp đổ. Họ khóc lóc, van xin được điều trị tiếp. Họ bán nhà bán cửa để chi trả một trăm năm mươi triệu đồng cho một mũi tiêm. Họ xin thử phác đồ này, phác đồ kia, đầy ải người bệnh bởi các hiệu ứng phụ như ở địa ngục trần gian, cho tới phút chót. Họ tìm tới các loại thuốc Bắc, thuốc Nam, lá này, cao kia, quay cuồng với các hứa hẹn của các ông thầy lang, trong khi thời gian vùn vụt trôi. Hà muốn tôi hiểu rằng chị là người cứng cỏi và hiểu biết. “Với em, em là người hiểu biết nên em không bao giờ xin bác sĩ điều trị thêm” - chị nói - “Với em, khi bác sĩ bảo dừng thì em ok. Cái bệnh của cháu đến cả thế giới còn chưa có biện pháp. Lúc bác sĩ nói thì em hiểu là số trời đã định rồi.” Dường như việc coi bản thân là “con người hiểu biết” giúp chị chấp nhận sự thật trần trụi dễ hơn. Cuối tháng 10 năm ấy, trời vẫn nóng. Hà cho Nam, Thắng, cùng hai đứa con của người anh trai Hà, cũng trạc tuổi Thắng, đi chơi công viên. Tuy vết thương đã lành, nhưng Nam vẫn khước từ dùng nạng. Hà đẩy Nam trên xe lăn, chiếc dép đơn nhựa tổ ong của cậu cắm ở một bên. Ba đứa “tiểu yêu”, theo cách gọi của Hà, lít nhít đi bên cạnh. Tới chỗ chơi, Nam, vẫn tròn trịa, áo phông đỏ, quần soóc tím than, hò hét chỉ huy. Tuy chỉ còn một chân nhưng cậu vẫn leo trèo, lăn lộn trên cái nhà phao dập dềnh, mồ hôi chảy từ má xuống ngực. Cái ống quần rỗng bên phải của cậu cuộn lại nhăn nhúm. Hà cho tụi nhỏ lên đu quay rồi ngồi trên ghế đá dõi theo. Hình ảnh Nam thoăn thoắt trên đôi chân của mình ở công viên Linh Đàm năm trước thoáng qua đầu chị. Nam và Thắng trôi ngang qua, quay lại vẫy gọi, khiến chị gắng gượng mỉm cười. Khi nào thì chị có thể quen được với sự mất mát này? Chị cảm thấy sức mình đã cạn kiệt. Sự rạng rỡ vô tư của Nam khiến chị vừa được an ủi vừa đau đớn. Chị chọn những từ ngữ nghiêm túc để gửi lên trời. “Xin tạ ơn Trời Phật đã phù hộ độ trì cho cháu Nam Nam hiện nay vẫn giữ được thể trạng tốt và tinh thần lạc quan, mặc dù bệnh của cháu vẫn rất nặng”. Chiều xuống, Hà lái xe chầm chậm về nhà, trôi theo dòng người trên phố. Ở ghế bên, Nam lặng lẽ nhìn ra ngoài cửa sổ. Đằng sau, ba đứa trẻ ngủ lăn lóc. Ngoài kia, những cửa hiệu và quán ăn bắt đầu sáng đèn. Một ngày nữa lại qua đi. Hà hiểu rằng những giây phút hạnh phúc như hôm nay sẽ không còn nhiều. Nhưng chị không biết rằng Nam sẽ chỉ còn sống 10 tuần nữa.Sang tháng 11, Nam yếu đi. Cậu không ăn được, cứ sau một vài thìa cháo cậu lại nôn. Hai mẹ con lại quay vào viện. Bác sĩ phỏng đoán ung thư di căn vào não gây cảm giác buồn nôn, nhưng không phải. Vào lại viện, được truyền dịch một chai, cậu lại ăn được bình thường. Hà cho rằng đó là do Nam khao khát được chữa bệnh. Không gian bệnh viện khiến cậu yên tâm hơn. Mặc dù các bác sĩ đã ngừng mọi can thiệp, nhưng chỉ một chai truyền dịch cũng khiến cậu nghĩ rằng mình đang được chữa chạy.Lại một Noel nữa qua đi. Hai mẹ con quanh quẩn trong bệnh viện, không có xét nghiệm, không trị liệu gì nữa. Hồ sơ của cậu đã được khép lại. Cậu vẫn thích xem phim trên iPad, và pha trò với mọi người. Nam bắt đầu ho nhiều, thể lực cậu đi xuống, tuy cậu không bị đau. Về sau này, Hà vẫn luôn miệng cám ơn Trời Phật đã cho Nam một cái chết nhẹ nhàng mà không quằn quại đau đớn như nhiều bệnh nhân khác. Lúc Nam mệt, không xem được phim nữa, cậu bám chặt lấy mẹ. “Con chỉ cần mẹ thôi, con chẳng sợ chết. Đi đâu có mẹ là được” - Cậu hình dung là mẹ sẽ đi theo cậu cả cuộc đời, cả cuộc đời cậu nằm trong vòng tay mẹ, do vậy cậu không hề sợ. “May mắn quá, may mắn quá” - Hà nhắc đi nhắc lại - “Con không hiểu đến tận cùng của bệnh là sự chia ly, nó nghĩ là khi chết cũng có mẹ đi theo”. Tới đầu tháng Một, 13 tháng sau khi Nam nhập viện lần đầu, bỗng nhiên Nam muốn về nhà, mặc dù trước đó cậu vẫn nằng nặc đòi ở tiếp trong viện. Nam nói: “Con về chơi với em, con nhớ em lắm”. Điều này xẩy ra với nhiều bệnh nhân ở giai đoạn cuối, Hà kể. Nhiều khi, bỗng nhiên người bệnh đòi về. Mọi người cho rằng đó là một “cái điềm”. Do vậy, kể cả khi đang truyền hóa chất mà bệnh nhân đòi về thì bác sĩ cũng phải giải quyết cho về. Vài ngày sau khi trở về nhà, Nam bắt đầu thở nặng nhọc. Ung thư xâm chiếm phổi cậu, khiến nó xẹp xuống. Không chịu được tư thế nằm nữa, cậu ngồi trên xe lăn, cả ngày lẫn đêm, đầu gục xuống ngực. Nửa đêm, Hà ngồi nhìn con thở, chập chờn, mê sảng ú ớ. Bình ô xy Hà đặt lúc tối khiến cậu dễ thở hơn một chút. Bên ngoài, trăng sáng, trời khá lạnh. Hà biết là cái kết đang đến gần. Còn ba tuần nữa là Tết Nguyên Đán. Chiều hôm sau, bình ô xy hết đột ngột. Do không có kinh nghiệm, Hà đã mở van to hơn cần thiết, ô xy thoát hết ra ngoài mà cũng chẳng vào phổi Nam được nhiều hơn. Nam ngoi ngóp, giẫy giụa như một con cá trên thớt... Hà điên cuồng gọi bình ô xy mới, nhưng nó tắc ở trên đường. Hà gọi xe cấp cứu, đưa Nam ngược vào khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện. Nam khao khát được sống. Cậu nghe như nuốt lời của bác sĩ. Thấy bác sĩ đi ngang qua, cậu nói với theo “Bác sĩ ơi, bác sĩ cứu cháu”. Từ khi bác sĩ dặn Hà rằng chỉ số trên cái màn hình cạnh giường mà dưới 90 là nguy hiểm, cậu cứ nhìn chằm chằm vào nó, không rời mắt. Khi con số tụt xuống 85, cậu cuống quít, “Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ gọi cô y tá đi”. Giữa Hà và chồng nổ ra một cuộc tranh cãi. Hà muốn đưa con về nhà để còn “trợ niệm”, tức là gọi người tới tụng kinh niệm Phật, giúp Nam được siêu thoát. Từ khi Nam bị bệnh, chị tìm đến đạo Phật và tôn giáo ngày càng quan trọng với chị hơn. Chồng Hà không đồng ý, anh vẫn không tin rằng con mình sẽ chết, bởi trông cậu vẫn khá mập mạp. Sáng ngày 15 tháng Một, Nam lên cơn. Cậu giằng dây truyền dịch ra. Hà nói là đó hiện tượng “buồn chết”. Những người sắp chết mà lên cơn buồn chết thì cáu gắt, chửi tục, kể cả những đứa trẻ hai, ba tuổi. “Họ bồn chồn, họ sắp được đón đi”.---------------------------------Giờ nghỉ trưa đã qua, quán cafe trở lại vắng vẻ, chỉ còn lại tôi và Hà và vài nữ sinh viên ngồi xa xa. Mái tóc dầy và mượt của họ chẩy dài xuống trước mặt. Họ gõ khe khẽ trên những chiếc laptop, tạo ra những tiếng động lách tách yên bình. Hà đã dùng hết cả tệp giấy ăn người chạy bàn lúc nãy đem tới. Chị dùng mu bàn tay lau má ướt. “Lúc nó lên cơn như thế, em đã tưởng nó đi rồi. Lúc ấy là lúc nó nằm giữa cái sống và cái chết rồi. Nhưng nó bình tâm trở lại. Em bảo nó ‘Nam ngoan của mẹ’. Nó đòi đi vệ sinh, nhưng mà không đi được. Nó mệt, không nói hay trả lời gì nữa.” Bỗng nhiên Hà nhoài người ra phía trước. “Anh ơi, có một chuyện này nữa”.Chị nhớ lại, buổi chiều hôm đó, tự nhiên Nam nói:“Mẹ ơi, con nhìn thấy thiên đường.” “Lại mê sảng à con?” - Hà hỏi lại, mặc dù lúc đó chị thấy Nam tỉnh, nó chỉ mệt và thở khó nhọc. “Mẹ đừng nói nhiều, con mệt lắm, con nói thật.” Chị giật mình: “Con nhìn thấy gì?”“Con nhìn thấy mây”.“Con còn nhìn thấy gì nữa?”“Con nhìn thấy đàn, thấy chim, thấy cá. Thôi mẹ đừng hỏi nữa để con nghỉ”. Rồi Nam chìm vào giấc ngủ. Sau này, khi đọc nhiều tài liệu về giờ phút lâm chung, tôi biết là người sắp chết hay “nhìn” thấy trong phòng những người thân đã qua đời và cố gắng chuyện trò với họ. Họ cũng hay nói về việc đi xa, họ hỏi vé tầu của họ đâu, vali đã được chuẩn bị chưa. Nhưng tôi chưa đọc được sách nào nói tới cảnh trí mây, chim và cá. Liệu có sự khác nhau giữa phương Tây và phương Đông? Hay mọi thứ chỉ diễn ra trong đầu Hà? “Tức là nó thấy mây, thấy thiên đường, chim, cá” - Hà nhắc lại - “Buồn lắm chứ, nhưng lại nghĩ là có một điều gì đó mà em chưa hiểu”. Tối hôm đó, bác sĩ khuyên Hà và chồng cho Nam về nhà, nếu không sẽ có khả năng cậu chết ở viện. Chồng Hà vẫn không chịu. Cả đêm hôm đó Nam không nói thêm gì. Sáng sớm hôm sau Hà đi phát từ thiện ở tầng trên. Đến 8 giờ sáng thì chồng Hà đồng ý. Tới lúc đó, Nam vẫn không muốn về nhà. Cậu vẫn muốn ở lại để được các bác sĩ cứu sống. Hà nhờ bác sĩ tiêm một mũi an thần cho cậu, để cậu “vẫn hiểu hết mọi cái nhưng không vùng ra được”. Hà đẩy xe lăn dọc hành lang. “Như trong phim Hàn Quốc” - mọi người đứng hai bên tiễn cậu, một trong những bệnh nhân dễ tính, “hợp tác”, hoà đồng, bắng nhắng, vui vẻ, thân thiện nhất của khoa. Hơn 10 giờ sáng thì Nam về tới nhà. Lúc đó, Hà đã nhờ bạn bè bầy ảnh Đức Phật A Di Đà trong nhà để “đón Nam và dẫn đường chỉ lối”. Điều này vô cùng quan trọng đối với chị. Nam mất lúc 12 giờ 20 trưa. “Những phút giây cuối cùng của cháu như thế nào?” Tôi hỏi.“Cháu mở mắt nhưng không nói được gì nữa. Lúc đó em biết thuốc an thần đã tác động rồi”.“Mắt mở nhưng có nhìn được mình không?” – Tôi băn khoăn. “Vẫn nhìn được, anh ạ, mãi cháu mới giãn đồng tử. Con nhìn một lượt rồi con đi. Người nó cứ lạnh dần, lạnh dần. Chân lạnh đầu tiên..."Tôi nhìn những chuyển động li ti trên khuôn mặt Hà, chị nhìn vào khoảng không trước mặt. Vài giây sau, khi hình ảnh lâm chung của Nam đã trôi qua trong đầu, chị nói thêm: "Mà em may mắn anh ạ”. Sáng hôm đó, ở bệnh viện, khi chưa tiêm thuốc an thần, Hà nói với con:"Nam ngồi đây nhá, để mẹ phát đồ từ thiện cho các em ăn rồi mẹ xuống ngay với con". Nam gật đầu. "Nam của mẹ cố gắng nhé." Cậu lại gật đầu. Khi Hà chuẩn bị xoay người bước đi, bỗng nhiên Nam nói với mẹ: "Mẹ ơi, con tạm biệt mẹ". Hà đóng băng, người chị vừa bị phá huỷ vừa tràn ngập cảm giác biết ơn. "Mẹ cũng tạm biệt con, Nam của mẹ. Mẹ mong con thanh thản…" "Vâng, vâng…" - Nam trả lời, rồi bỗng cậu hốt hoảng - "Mẹ ơi, thế con sắp chết hả mẹ?" Hà không bao giờ nói dối. Chị chỉ nói: "Thôi, con nghỉ đi"."Thế em mới bảo là em may mắn hơn các mẹ khác, anh ạ" - Hà nhắc lại một lần nữa. Tôi hiểu rằng đây là một nguồn an ủi vô biên với người mẹ này, rằng chị nhìn thấy những điều may mắn trong thảm hoạ. "Em may mắn vì con nó nói được những cái gì cần nói với mình, anh ạ”. Buổi chiều, vừa về tới nhà, Thắng nằng nặc đòi lên phòng anh chơi. Hà nhờ người quen mang Thắng sang nhà khác. Từ phòng của Nam, tiếng tụng kinh và tiếng mõ âm vang vọng xuống. Vừa bị kéo đi Thắng vừa khóc rất to, cậu cứ ngoái đầu lại và đòi quay lại chơi với anh. Chiều hôm sau, Hà gọi điện cho Thắng. Cậu hỏi liên tục: “Mẹ ơi, anh Nam đâu?”. “Anh lên trên trời rồi”. “Bay cao hả mẹ, là như thế nào cơ?”. “Anh bay như chim ấy”... Buổi chiều hôm đó, tôi về lúc bốn rưỡi, thành phố chuẩn bị vào giờ tan tầm, cuộc sống vẫn tiếp tục quay cuồng. Câu chuyện của Hà vọng lại trong tôi, xa xôi như một giấc mơ. Tôi kinh hoàng nhận ra rằng với tôi, những điều tôi nghe được lúc trưa chỉ như một bộ phim, tôi có thể rời khỏi rạp để quay lại với “đời sống bình thường”. Nhưng với Hà, nó là thực tại không gì thay đổi được. Nó bám dính như một làn da thứ hai, đi theo Hà cả đời. Bữa tối, Mai An, đứa con gái nhỏ của tôi vừa sắp xếp bát đũa vừa bắt đầu hát theo bài Shape of you của Ed Sheeran phát ra từ cái điện thoại để trên bàn. Mai An sinh trước Nam đúng 19 ngày. Con bé nhảy theo nhạc, cánh tay chuyển động liên tục, đầu lắc lư, mắt long lanh, say sưa. Bên cạnh tôi, Mai Chi, đứa con gái lớn, lẩm nhẩm hát theo. Đây là bài ưa thích của cả hai chị em. Tôi và vợ nhìn nhau, rồi lại nhìn An. Tôi không muốn giây phút này kết thúc, tôi muốn nó kéo dài mãi mãi./.[1] Tên nhân vật đã được thay đổi để bảo đảm sự riêng tư (*) Các bức ảnh trong bài của ĐỖ MẠNH CƯỜNG chụp tại Bệnh viện K (Hà Nội). Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Hành trình cận tử Tags: Ung thưHóa chấtĐauHành trình cận tửHy vọngChết
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Nước sông rút nhanh, bắt đầu rà soát trục vớt, làm cầu phao ở cầu Phong Châu DƯƠNG LIỄU 14/09/2024 Sáng 14-9, lực lượng chức năng Phú Thọ chuẩn bị công tác trục vớt phần cầu Phong Châu bị sập và làm cầu phao tạm thay thế.
Khách Tây xuống đường phụ dọn dẹp cây đổ ở Hà Nội sau bão Yagi HỒNG QUANG 14/09/2024 Hàng chục người nước ngoài có mặt tại các vườn hoa, con đường ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sáng 14-9 cùng lực lượng chức năng dọn dẹp đường phố sau bão Yagi.
Diễn viên Nam Thư làm việc với Công an Đà Lạt vụ tố homestay làm lộ hình ảnh M.V 14/09/2024 Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay diễn viên Nam Thư đã đến Đà Lạt làm việc với cơ quan công an liên quan đến nội dung tố cáo trước đó.
Miền Nam chìm trong biển nước do mưa bão là tin đồn thất thiệt LÊ PHAN 14/09/2024 Trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn 'sắp tới miền Nam cũng có mưa bão, tất cả chìm trong biển nước' khiến nhiều người hoang mang.