Hành trình cận tử: Lựa chọn trước bi kịch 

ĐẶNG HOÀNG GIANG 29/10/2017 17:10 GMT+7

TTC T - Vài tuần sau tang lễ của Ánh, tôi hỏi Hà những điều mà tôi vẫn thắc mắc. Điểm khác nhau giữa Hà và Ánh là gì? Vì sao Hà gượng dậy được mà Ánh lại đầu hàng?

Bức tranh
Bức tranh "Wheatfield with crows" của Van Gogh.

Chúng tôi ngồi trong quán cà phê nơi lần đầu tôi gặp Hà. Giờ đây, nó đã trở nên quen thuộc.

Không trả lời trực tiếp, Hà nói: “Đến giờ em vẫn tin có một phép mầu xảy ra với mẹ con em, anh ạ”.

Tôi nhớ lại, ngay trong buổi gặp đầu tiên, chữ “may mắn” đã được Hà nhắc đi nhắc lại. Như đọc được suy nghĩ của tôi, chị nói: “Nhiều người vẫn bảo em là mất con rồi mà sao cứ mở mồm ra là kêu là may mắn”.

Quả thật, chị tìm được cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn ở mỗi khúc ngoặt của số phận. Hà thấy may mắn là Nam đã ở độ tuổi đủ lớn để hiểu được mình ốm, để biết động viên mẹ, “hợp tác” với bác sĩ, nhưng lại chưa hiểu tận cùng về cái chết và sự chia ly.

Chị thấy may mắn là sau khi phẫu thuật cắt chân, Nam không bị đau buốt ở cái chân ảo, không thỉnh thoảng bị co rút thần kinh làm giật nảy người lên như ở nhiều đứa trẻ khác. Chị thấy may mắn là Nam vẫn vui vẻ và có “tinh thần lạc quan”, mặc dù cậu khước từ đi nạng, chỉ ngồi xe lăn.

Chị thấy may mắn vô cùng là Nam không bị đau đớn. Chị bị ám ảnh bởi điều này tới mức có lúc Nam phải gắt lên: “Con không đau, sao mẹ hỏi lắm thế, mẹ để con nghỉ”.

Chị thấy may mắn là giờ phút cuối, chị nhận được lời chào từ Nam: “Mẹ ơi, con tạm biệt mẹ!”. Cậu đã nói được cái gì cần nói với mẹ.

Và rồi chị nói một câu khiến tôi dừng lại kinh ngạc.

“Em nghĩ là em được nhiều rồi, anh ạ. Như thế là quá đủ cho mình rồi. Mười năm hai mẹ con rất vui vẻ, chưa bao giờ nó làm phật lòng mẹ cái gì, thế là mãn nguyện rồi”.

Với chị, được gặp Nam, được yêu thương nhau trong suốt mười năm là một ân huệ. Chị không dám trách ông trời đã cướp Nam khỏi tay mình, mà chị lại luôn cảm ơn trời Phật đã để chị có cậu trong cuộc đời.

Hà hoàn toàn có thể chọn cách ứng xử ngược lại. Chị hoàn toàn có thể chìm đắm trong những trách móc bản thân rằng mình đã không cho Nam đi khám sớm hơn, có thể ca thán không dứt về cái nóng bức, cái chật chội, cái tiêu cực mà hai mẹ con phải chịu đựng trong bệnh viện, có thể tiếp tục oán trách người chồng rượu chè và nhà nội thờ ơ, có thể luẩn quẩn với ao ước giá chị có đủ tiền để đưa con sang Singapore chữa bệnh.

Người ta không có tự do để khước từ bất hạnh hay chạy trốn khỏi bi kịch, nhưng có tự do chọn lựa thái độ của mình trước những gì xảy ra - Viktor Frankl, nhà tâm lý học người Áo, đã đúc kết như vậy từ trải nghiệm sống của ông qua những năm tháng khủng khiếp trong trại tập trung của phát xít Đức.

Trước những cú đánh của số phận, Hà đã lựa chọn tâm thế đón nhận chứ không phải tâm thế đòi hỏi. Điều này khiến chị gượng dậy được. Và dần dần tôi hiểu ra rằng còn có những câu trả lời khác nữa cho câu hỏi của tôi.

========================

Hồi còn chăm Nam, mỗi lần vào bệnh viện Hà hay mang theo một cái bếp nhỏ trong balô. Chị nấu trộm, “rang ít tôm, rán ít trứng”, hoạt động như một du kích. Hoặc chị trả mười nghìn cho người bán bánh mì đối diện cổng bệnh viện, mượn họ cái bếp để nấu.

Đồ ăn của nhà hàng trong bệnh viện hay ở ngoài cổng vừa đắt đỏ, vừa thiếu chất vừa chán nên bữa nào tụi trẻ cũng để thừa mứa, mặc dù gia đình chúng thiếu thốn. Nôn mửa do truyền hóa chất, thường xuyên bị lấy máu để xét nghiệm, lại không ăn uống được, chúng suy kiệt. Bạch cầu hạ dẫn tới sốt cao, nhiễm bệnh, khiến nhiều đứa ra vào phòng cấp cứu liên tục. Ở viện triền miên, chúng nhớ nhà và đẩy gia đình vào cảnh túng quẫn. Có đứa nhập viện khi mới vài tháng tuổi. Người mẹ khủng hoảng tinh thần, lại không có đồ ăn tốt để tạo sữa, khiến đứa con còi cọc. Mỗi đợt truyền họ phải di chuyển từ miền núi xa xôi về Hà Nội, làm đứa trẻ càng kiệt sức.

Riêng với Nam, cậu vẫn có điều kiện ăn uống tốt nhất. “Em hấp hai con ghẹ, xong rán ít trứng, làm ít thịt cho cháu nó - Hà kể - Hoặc nếu nó muốn ăn ngao thì mình đi chợ mua một cân ngao để tối hấp lên”.

Nhìn mắt chị long lanh, tôi hiểu những điều này quan trọng như thế nào với chị. Có tình yêu của người mẹ nào mà không đi qua con đường ăn uống. Đứa trẻ có thể không còn sống được bao lâu, nhưng sự ngon miệng của nó vẫn là một nguồn an ủi vô bờ bến, xoa dịu bản năng làm mẹ đang bị bầm giập.

Một số lần, chị chia sẻ thức ăn của Nam cho mấy trẻ cùng phòng. Trứng chim cút, bánh bao chay, bánh cuốn nóng nhân thịt, bún bò, bún ốc, xôi xéo... Chúng ăn hết bay, mặc dù trước đó chúng bỏ thừa thức ăn mua ở ngoài.

Thấy vậy, một bà mẹ trẻ nói với Hà: “Trộm vía cháu Nam ăn tốt quá, nhưng thực sự cháu nhà em mà ăn được như vậy thì chúng em cũng chả có điều kiện. Hai vợ chồng em làm nông, đưa con đi chữa bệnh phải vay mượn, được ngày nào biết ngày đó”.

Câu nói này ám ảnh Hà trong nhiều tháng.

Bức tranh
Bức tranh "Cây đời" (The tree of life) của danh họa Gustav Klimt.

Tới cuối tháng 9-2015, chị đã có hình dung rõ trong đầu về điều chị muốn làm. Hà ngồi xuống và viết một bức thư ngỏ dài hơn 5.000 từ. Chị kể về hoàn cảnh của mình và Nam, thuyết phục người đọc là mình có kinh nghiệm trong việc chăm sóc bệnh nhi ung thư. Chị liệt kê những quan sát của mình. Rồi chị kêu gọi mọi người góp sức để cải thiện chất lượng bữa ăn. Nếu mỗi suất ăn mười nghìn thì chị cần một triệu mỗi bữa cho gần một trăm bệnh nhân trong khoa. Qua những gì chị “thử nghiệm” ở Nam, Hà tự tin là mình có thể làm lũ trẻ ăn được.

“Thực sự là đến giờ, sau những gì đã trải nghiệm trong Viện K, tuy vẫn rất đau đớn và không ngày nào mình không rơi nước mắt khi nghĩ đến bệnh tình của con trai, nhưng mình thấy mình và cháu Nam vẫn còn may mắn hơn, vẫn có điều kiện hơn các gia đình khác trong viện. Do vậy, đến giờ suy nghĩ của mình cũng có nhiều thay đổi hơn”. Cuối thư, chị viết: “Những tháng ngày chăm sóc con ở trong bệnh viện khiến mình học được cách chia sẻ yêu thương, học được cách sống vì người khác hơn và biết trân quý hơn những gì đang có”.

Chị đăng bức thư trên Facebook vào gần nửa đêm. Hôm đó là rằm Trung thu. Nam đang ở đợt truyền hóa chất cuối cùng.

Nhóm thiện nguyện của Hà bắt đầu bằng mỗi tuần một nồi cháo, một tháng hết bốn triệu đồng. Tới giờ, các hoạt động dày đặc. Chị nắm toàn bộ lịch trong đầu và sẵn sàng xả lũ thông tin với tôi với sự say mê như thể có thể sờ mó được.

.

Trưa nay em thuê xe ôm mang thùng sữa đậu nành đến cho các cháu. Các cháu đang không ăn được nhưng mà uống được thì cực kỳ bổ. Sáng thứ tư thì mang gần một trăm suất ăn, cháo bò, xôi ruốc, sữa chua hoặc dưa hấu. Tất nhiên là các cháu thì không thể ăn hết được nhưng đây là em hỗ trợ cho cả người nhà luôn. Thứ bảy này, từ 7h30 là bọn em hỗ trợ một thùng cháo lòng cho người nhà bệnh nhân. Mai bọn em sẽ làm chả xương xông lá lốt, mai là lần đầu tiên có món đấy đấy. Cho các cháu ăn với cơm hoặc kẹp bánh mì ăn cũng được. Làm từ chiều hôm trước, hôm sau chỉ rán lại thôi. Hôm sau thì lại có cháo lòng, cháo thịt cho các cháu nhỏ, em mang thêm cả bánh mì nóng giòn từ chợ nhà em mới ra lò. Làm cho các cháu thì phải bột thơm hơn, vừng thơm hơn, làm hẳn mẻ riêng, các cháu kẹp ăn cũng được mà để đến chiều ăn cũng được.  Bệnh nhân là phải ăn nhiều suất trong ngày. Chủ nhật thì có thêm bữa ăn cải thiện, câu lạc bộ nào có tiền đưa em hai triệu là em sẽ cải thiện cho các cháu bún riêu cua giò bò. Em tăng thịt bò vì nó tăng lượng bạch cầu rất là tốt, nhưng em không làm cái bò như mình ăn ngoài chợ đâu, em lấy cái gân thăn của bò, cháu nào cũng thích ăn, cho cà chua ngọt nước, rồi giò, các cháu ăn được nhiều lắm. Đó là chưa kể hoa quả. Quả bao giờ cũng là quýt ngọt, các cháu truyền hóa chất nhiều rộp hết cả cổ và đường ruột. Tương lai thì em phải đưa Thắng đi học, em phát trước 6h30 thì vẫn kịp về đưa con đi học”.

Chia sẻ. Học được cách sống vì người khác. Hà đã thay đổi nhiều. Theo lời của chính chị thì: “So với trước khi con em bị bệnh, thì sự thay đổi của em quá lớn luôn. Căn bệnh và cái chết của con em khiến em thấm thía nhiều hơn, và cho em căn duyên để em làm nhiều việc khác”.

Đây là điểm tựa thứ hai giúp chị đi qua bi kịch. Thay vì đắm chìm trong đau khổ của bản thân, chị tìm cách xoa dịu nỗi đau của người khác. An ủi người khác cũng là để chữa lành cho chính mình. “Không có công việc của nhóm thiện nguyện thì em phát điên rồi anh ạ” - nhiều lần chị nói với tôi như vậy.

====================

Trong hành trình năm qua của mình, tôi đã gặp nhiều ví dụ như vậy. Những người đi qua được thảm kịch, lượm lặt những mảnh vỡ của cuộc đời mình, và phục hồi, là những người thay vì đặt mình vào vai trò nạn nhân thì đặt năng lượng và ý nghĩa sống vào việc làm việc có ích. Kỳ lạ thay, ý tưởng làm việc thiện, mong muốn trở thành người có ích, có thể ùa đến vào lúc người ta đau đớn nhất.  Một người mẹ trẻ kể với tôi, chị vừa lau thi thể đứa con 3 tuổi mới qua đời, vừa nói với nó trong nước mắt: “Mẹ hứa với con, mẹ sẽ sống cho cả cuộc đời của con. Mẹ sẽ cố gắng gấp hai lần để sống có ích cho xã hội”.

Một bà mẹ khác nói: “Mình cứ phải sống tốt thôi, anh Giang ơi”. Chị mất hai trong số ba đứa con nhỏ, và chị nói theo cách để tôi hiểu là phương châm sống đó là cứu cánh cuối cùng và bền vững nhất của chị, sau khi tất cả những thứ khác sụp đổ. “Ngày xưa một việc nhỏ mình cũng kêu khổ, nhưng giờ đây em biết được rằng đừng có phóng đại nỗi khổ của mình, và cũng đừng phóng đại hạnh phúc của người khác, không so sánh hạnh phúc của mình với hạnh phúc của người khác -

Một lần khác, Hà bày tỏ - Mình phải biết mình được cái gì, mình được như bây giờ là hạnh phúc rồi, mình phải tìm thấy hạnh phúc trong những điều bé nhỏ. Chứ ngày xưa hơi một tí là mình nổi đóa lên, mình kêu ca phàn nàn rất nhiều”.

 

==================

Khi đi đâu xa, Hà hay rủ Nam đi cùng. Hôm cùng tôi về Bắc Giang, chị nói: “Mẹ về Bắc Giang thăm anh Hùng, con rảnh thì đi cùng mẹ nhé, còn nếu con bận gì thì thôi”.

“Nếu con bận gì thì thôi” - Tôi thầm nhắc lại câu cuối của chị và không khỏi mỉm cười. Trong hình dung của Hà, Nam đang sống một đời sống độc lập. Cậu có lịch riêng của cậu. Hai người sống trong hai thế giới. Sự xa cách ở cõi trần này là không thể đảo ngược.

“Tôi biết rằng vì sao chúng ta giữ người chết sống: chúng ta giữ họ sống để giữ họ bên ta - Joan Didion viết, một năm sau khi chồng bà qua đời - Nhưng tôi cũng biết rằng để có thể tiếp tục sống, một lúc nào đó, chúng ta cần buông họ ra, cần phải để họ chết”.

Tôi nhận thấy Hà đã đạt tới nhận thức này một cách sâu sắc. “Buông bỏ”, tôi hay nghe chị khuyên nhủ những cha mẹ khác, “buông bỏ nhưng không buông xuôi”.

Hà hiểu là có những thứ thuộc về số phận, mình không chống lại được, có những việc mình không thể kiểm soát. Hãy buông đứa con ra, chấp nhận rằng nó đã chết. Hãy làm bạn với tình thế này, không coi nó là kẻ thù, không kháng cự, căm thù nó.

Hà hi vọng vào sự sum họp ở một thế giới khác, sau khi chị đã chứng minh được với ai đó đang cai quản vũ trụ này rằng chị đã gắng hết sức để làm tròn bổn phận làm người của mình. Chị tin rằng những nỗ lực làm việc thiện sẽ khiến chị được tới miền Tây phương cực lạc để gặp lại Nam.

Ở đó chỉ có yên bình và hoa cỏ thơm ngát, không có bệnh tật và bất hạnh, không có khổ đau và sinh ly tử biệt. Một nơi hoàn hảo và tuyệt vời hơn bất kỳ nơi nào.

Còn trong lúc này, Hà phải bình an để Nam không vướng bận.

Trong những tháng cuối của Nam, Hà hay khuyến khích cậu nghe kinh và niệm Phật trong đầu. “Con ơi, con chỉ cần nghĩ trong đầu tới bốn chữ A Di Đà Phật thôi thì Đức Phật sẽ phù hộ cho con”. Những lúc đó Nam thường trả lời: “Con biết là tốt cho con nhưng mà con chưa thích, con thích xem Doraemon thôi”.

Trước khi mất mấy hôm, bỗng nhiên Nam bảo: “Mẹ bật cho con cái đài con nghe”. Hà lấy cái đài từ trong tủ cạnh giường bệnh. Tiếng kinh nho nhỏ, văng vẳng bên tai Nam cả ngày.

Với Hà, đó lại là một điều may mắn nữa.

Trong sâu thẳm, chị đã không đánh mất niềm tin là thế giới này công bằng và vũ trụ này có ý nghĩa. Chị tin rằng ở nơi xa xôi, Nam còn có thể hiểu hơn được chính bản thân chị vì sao cậu phải rời xa mẹ và em.

Người có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh” - Viktor Frankl nhớ lại những bạn tù của mình trong trại tập trung. Hơn cả vật chất, con người khao khát ý nghĩa; ý nghĩa của cuộc sống chính là ngọn đuốc dẫn người ta vượt qua những quãng đường đen tối nhất. Hà đã xây dựng cho mình một thế giới quan: chị phải trải qua những điều chị đã trải qua để trả nợ cho những kiếp trước. Lời giải thích này đem lại ý nghĩa cho sự đau khổ của Hà, trong khi Ánh chỉ tìm thấy trong nó sự vô nghĩa.

 

==================

Năm 2017 đã gần trôi qua. Nỗi nhớ Nam vẫn không nguôi, tiếp nối, đan xen, len lỏi vào các ngõ ngách trong tâm trí Hà. Nhưng chị cảm nhận mình dần vững chãi hơn. Nước mắt vẫn chực rơi mỗi khi chị thấy những đứa trẻ trạc tuổi Nam ở ngoài đường, trước cổng trường hay trong siêu thị. Nhưng cảm giác rã rời, kiệt sức do những con sóng đau buồn đem tới đã bớt đi sự dữ dội, và chị không sợ hãi ngày mai nữa. Trong những cuộc trò chuyện với Nam, chị vẫn xin cậu tiếp sức lực cho chị, cho chị thêm nghị lực.

Sau tất cả những gì đã xảy ra giữa Hà và chồng cùng gia đình chồng, chị không căm ghét. Tôi đã phải đánh vật gần một buổi để thảo luận với Hà tôi có thể viết gì về chồng chị. Chị sợ những gì tôi viết sẽ làm chồng chị và nhà nội bị ảnh hưởng, “mặc dù thực tế xảy ra đúng như vậy”. Chị bắt tôi gửi những câu có liên quan tới họ, dù nó chỉ là mấy chục chữ trong tổng số mười lăm nghìn chữ, rồi đắn đo, vật vã, yêu cầu đổi chữ này, thay chữ kia. Cuối cùng, chúng tôi thống nhất sẽ không dùng tên thật của chị.

Còn một lý do nữa khiến chị không muốn nhắc tới những rạn nứt quá khứ. “Em đang muốn giúp bố nó sống tử tế hơn. Em vẫn khuyên anh ấy bỏ rượu đi, lấy vợ lại và làm lại cuộc đời. Nếu không làm phiền em thì em vẫn coi anh ấy như người bạn, dù biết sẽ không bao giờ quay lại với nhau”.

Hà không oán hận. Chị muốn tích nhiều duyên lành để “chuyển được những nghiệp xấu của kiếp trước và kiếp này”. Và trước hết, để tâm chị thanh thản.

 

========================

Hà biết là chị còn một phép thử trước mắt.

Năm tới, Thắng sẽ vào lớp 1. Chị muốn cho Thắng học ở Trường Nam Thành Công, trường mà Nam đã theo học. Liệu tới lúc đó chị đã có thể ngày ngày đưa đón cậu?

Đầu hè năm nay, để trở về cơ quan, chị có hai lựa chọn, hoặc lấy tuyến đường ngắn hơn, nhưng đi ngang qua trường của Nam, hoặc chị đi đường vòng. Hà đắn đo hồi lâu. Cuối cùng, để thử bản thân, chị chọn cung đường ngắn. Chị đã không thành công, chị kể với tôi. Lúc chị nhìn thấy ngôi trường cũng là lúc nước mắt chị tuôn chảy.

Ở cơ quan Hà để một cái ảnh Nam ở trong ngăn kéo. “Đôi khi, các cô chú cùng phòng mở ra, vứt toẹt cuốn sổ hay một cọc tiền vào mặt cháu” - chị kể vui với tôi. Mỗi buổi sáng, khi bắt đầu ngày làm việc, và mỗi cuối ngày, trước khi về, Hà mở ngăn kéo, lấy ảnh Nam ra, hôn chụt vào nó một cái.

Ở nhà, Thắng hay trèo lên cửa sổ để nhìn lên bàn thờ Nam xem có đồ chơi hay hoa quả gì không. Cậu phàn nàn: “Anh Nam chơi đồ chơi lâu thế, cho con chơi với”, hoặc thắc mắc: “Anh Nam ăn vải cả vỏ hả mẹ?”.

Buổi tối, trước khi đi ngủ, Hà và Thắng hay nghe mấy bài hát mà Nam yêu thích. Thắng đã biết tự bật máy tính lên. Cậu nói: “Con bật bài hát của anh Nam cho anh nghe mẹ nhé”. Nằm bên cạnh, Hà mơ màng hình dung ra khuôn mặt Nam, những biểu cảm của cậu khi cậu nghe nhạc. Chị thấy Nam bên cạnh mình.

Có ba bài mà Nam rất ưa thích. Nhật ký của mẹ do Hiền Thục hát. Tìm lại bầu trời do Tuấn Hưng hát. Hồi còn sống, Nam nghe chúng say sưa, và lần nào cũng lẩm nhẩm hát theo.

Bài thứ ba là Gặp mẹ trong mơ. Giọng ca Việt nhí Trần Ngọc Duy hát bài này năm 2013, khi cậu 12 tuổi. Lúc đó Nam mới 7 tuổi. Có lần cậu khóc và nói với mẹ: “Mẹ ơi, tại sao bạn ở trong bài hát phải xa mẹ, con xúc động quá”.

Lúc đó cậu không biết rằng một năm sau, cậu sẽ nhập viện, và một năm sau nữa, cậu sẽ xa mẹ.

Trong thời gian viết cuốn sách này, tôi đã dành thời gian nghe bài hát này nhiều lần. Lần nào, tôi cũng dừng tay để nghe nó trọn vẹn. Trước khi gặp Hà, tôi không biết bài hát này. Còn bây giờ, lần nào nghe nó, tôi cũng nghĩ tới Nam, một cậu bé tôi chưa bao giờ gặp.

Này bầu trời rộng lớn ơi, có nghe chăng tiếng em gọi.

Mẹ giờ này ở chốn nao, con đang mong nhớ về mẹ.

Mẹ ở phương trời xa xôi, hay sao sáng trên bầu trời.

Mẹ dịu hiền về với con nhé, con nhớ mẹ”.

Mẹ nguyện cầu và ước mong, con sống trong yên lành.

Mẹ hiền nào biết không, con chỉ mong có mẹ.

Và từ bầu trời rất cao, mong nhớ con mỗi ngày. Mẹ đừng buồn nhiều nữa nhé, con đang đến, mẹ ơi”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận