Một cung trầm

TRỌNG BÌNH 11/11/2011 05:11 GMT+7

TTCT - Hiện nay ở Huế vẫn còn rải rác những “xưởng” làm đàn cổ, chủ nhân của nó đều là những người sinh ra trong các gia đình có nhiều đời đeo đuổi nghề này với xuất thân ban đầu là nhạc công cung đình. Không ít người trăn trở với ngành nghề mà họ kế tục.

Phóng to
Nghệ nhân Phan Thị giới thiệu những dụng cụ dùng để làm kèn - Ảnh: Trọng Bình
Phóng to
Đàn nhị và đàn tì bà, hai nhạc cụ chính trong dàn tiểu nhạc - Ảnh: Trọng Bình

Nghệ nhân Trương Hữu Hòa có xưởng làm đàn cổ ở đường Hai Bà Trưng (TP Huế); nghệ nhân Phan Thị có biệt tài làm các loại kèn chiến, kèn lỡ, kèn bầu ở xã Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế; nghệ nhân Hồ Thị Thương xuất thân trong gia đình nhiều đời có nghề làm trống dùng trong lễ tế Nam Giao dưới triều Nguyễn...

Họ vẫn còn đó sau khi dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị nhã nhạc - nhạc cung đình Việt Nam” đã khép lại, hồ sơ nghiên cứu về nhạc cụ nhã nhạc đã hoàn thành. Nhưng trong tôi vẫn vang mãi lời của nghệ nhân Phan Thị: “Nghề ni chỉ còn phục vụ cho nhạc công đám ma”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống Nguyễn Quý Cát đặt vấn đề: “Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đãi ngộ với nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn và một số ngành nghề truyền thống khác, nhưng lại bỏ quên những nghệ nhân làm đàn cổ. Trong tương lai nếu không được quan tâm thì nghề này cũng chỉ sống lay lắt, chủ yếu dựa vào đơn đặt hàng của các nhóm nhạc chuyên thổi đám ma ở các làng xã”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Cao Chí Hải, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thừa Thiên - Huế, cho biết sở chưa có cuộc khảo sát nào về các nghệ nhân chế tác nhạc cụ truyền thống, trong thời gian tới ông sẽ làm việc với phòng di sản của sở nhằm rà soát để đưa họ vào danh sách nghệ nhân cần có chế độ ưu đãi.

Việc khôi phục những nhạc cụ, nhạc khí dùng trong các dàn nhã nhạc cung đình là không hề đơn giản, bởi chất liệu cũng như cấu tạo của từng loại hoàn toàn khác nhau. Nghệ nhân Trương Hữu Hòa cho biết đàn tì bà được chế tác bằng gỗ cây ngô đồng, cần và thùng đàn liền nhau có dáng như quả lê bổ đôi.

Thuở xưa, dây đàn xe bằng tơ tằm rồi đem vuốt sáp ong cho mịn, ngày nay được thay bằng dây nilông. Để làm ra một cây đàn có âm thanh hay thì trình độ thẩm âm của người thợ rất quan trọng. Hay cây kèn lỡ được sử dụng trong dàn đại nhạc có các bộ phận: dăm kèn, giọng kèn, trắm kèn, loa kèn... mỗi thứ được chế tác bằng một chất liệu riêng. Cây kèn hay không chỉ dựa vào âm thanh phát ra mà còn có nhiều yếu tố, trong đó trang trí cũng rất quan trọng.

Nghệ nhân Phan Thị giải thích xung quanh giọng kèn có gắn năm cái xương, mang ý nghĩa tượng trưng cho “nhân - lễ - nghĩa - trí - tín”, dù chúng chỉ dùng dắt các hom kèn dự phòng và không hề tác động đến chất lượng của âm thanh.

Thành công của một nghệ sĩ biểu diễn có đóng góp không nhỏ của những nghệ nhân tạo ra những loại nhạc cụ, nhạc khí, “nhưng có mấy ai quan tâm đến các nhạc cụ, nhạc khí phát ra những âm thanh kia do ai làm, từ đâu mà có” - như tâm sự của NSƯT, nhạc sĩ Trần Đại Dũng, phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật cung đình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận