Mỹ chia rẽ trong đối ngoại

THANH TUẤN 03/07/2013 22:07 GMT+7

TTCT - Trong cuộc trao đổi với TTCT tại TP.HCM tháng trước, một viên chức ngoại giao Mỹ từ Washington thừa nhận Ngoại trưởng John Kerry còn nhiều bỡ ngỡ ở vị trí mới.

Phóng to
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại hội nghị Những người bạn của Syria ở Doha, Qatar hôm 22-6 - Ảnh: Reuters

Ông Kerry có tới 28 năm làm thượng nghị sĩ và năm năm làm chủ tịch Ủy ban đối ngoại thượng viện - cơ quan được coi là đối trọng và có vai trò kiểm soát đối với Nhà Trắng nhiều hơn là phục tùng chính sách từ Nhà Trắng.

Mới chỉ năm tháng nắm Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Kerry đã để lộ những dấu hiệu khác biệt giữa ông và Nhà Trắng. Cây viết Geoff Dyer của Financial Times hôm 21-6 gọi mối quan hệ Obama - Kerry là “chia rẽ mới trong chính sách đối ngoại Mỹ”, còn Bradley Klapper và Matthew Lee của AP sau đó một ngày cũng viết về chuyện Nhà Trắng đang phải cố ghìm cương vị cựu binh trong cuộc chiến VN này trong một loạt vấn đề.

Kiềm chế Kerry

Từ ngày 30-6 đến 2-7, lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có cuộc ra mắt tại Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) với các ngoại trưởng ASEAN ở Brunei. Ngoài ARF, ông Kerry dự kiến tham dự một loạt diễn đàn khu vực khác như về Sáng kiến hạ sông Mekong (LMI). Ông Kerry tuyên bố vẫn cam kết theo đuổi chiến lược tái cân bằng sang châu Á của Tổng thống Obama, nhưng phần lớn các chuyến công du của ông đều tới Trung Đông, châu Âu và Afghanistan. Ông Kerry đã hai lần hủy các chuyến thăm dự định tới các nước Đông Nam Á kể từ khi nhậm chức.

Trong năm tháng, ông Kerry là người dám nói to, nói lớn và đưa ra những ý tưởng quyết liệt. Nhưng sự khác biệt giữa ông và Nhà Trắng xuất hiện trên nhiều vấn đề, từ cuộc nội chiến ở Syria tới tiến trình hòa bình Israel - Palestine.

Jeffrey Goldberg của Bloomberg viết trong một cuộc tranh luận tại Nhà Trắng hồi giữa tháng 6 về Syria, khi Mỹ chuẩn bị phương án ứng phó việc Tổng thống Assad dùng vũ khí hóa học, ông Kerry đã yêu cầu Mỹ phải ném bom vào các sân bay ở Syria. Đồng quan điểm với ông Obama, Lầu Năm Góc muốn kiềm chế hơn trong biện pháp đối phó. Cuối cùng Mỹ quyết định sẽ chỉ trang bị vũ khí nhẹ cho lực lượng nổi dậy.

Khác với chính sách thận trọng của Tổng thống Barack Obama ở Syria như nhiệm kỳ đầu, ngay khi nhậm chức ông Kerry đã muốn có những đột phá mới, như từng tuyên bố sẽ buộc ông Assad phải thay đổi suy nghĩ và rút lui. Nhưng vài tháng sau, tình hình chiến trận xấu đi và thêm hàng ngàn người thiệt mạng buộc ông Kerry phải thay đổi chiến lược. Ông bay tới Matxcơva với hi vọng tái khởi động tiến trình hòa bình Syria mà bà Hillary Clinton từng khởi xướng hồi tháng 6-2012.

Ở Matxcơva, ông Kerry khoe rằng hai cựu đối thủ chiến tranh lạnh đạt được “những điều vĩ đại khi thế giới cần” bằng việc quyết định tổ chức một hội nghị quốc tế vào cuối tháng 5, bao gồm cả Chính phủ Syria lẫn phe nổi dậy. Hội nghị này giờ bị hoãn ít nhất tới tháng 7 hoặc tháng 8. Và hội nghị có thể sẽ chẳng bao giờ diễn ra khi phe nổi dậy từ chối đàm phán trong lúc tiếp tục thua trận và không có sự trợ giúp từ Mỹ và các cường quốc phương Tây khác.

Thất bại này nằm ở ông Kerry vì nhiệm vụ của Mỹ là phải đưa được phe đối lập tới bàn đàm phán. Ở hội nghị G8 vừa rồi, thái độ lạnh nhạt của Tổng thống Vladimir Putin với ông Obama cũng cho thấy Matxcơva đánh giá chính sách Syria của ông Kerry ra sao.

Với tiến trình hòa bình ở Palestine cũng vậy. Trong khi ông Obama và bà Hillary Clinton phần lớn né “khúc xương khó” này trong mấy năm đầu, chỉ vài tháng sau khi nhậm chức ông Kerry đã có năm chuyến công du tới khu vực Trung Đông để gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và các quan chức cao cấp của cả hai phía. Mọi nỗ lực của ông tới giờ đều không có hiệu quả. Rất ít quan chức Mỹ biết diễn biến ở đó vì hầu như các cuộc gặp đều là cá nhân và ông Kerry hiếm khi báo lại tình hình khu vực.

Theo AP, trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông, ông Kerry giờ hầu như chiến đấu đơn độc. Kể từ sau chuyến thăm Israel hồi tháng 3, ông Kerry hầu như không nhận được sự ủng hộ công khai nào của tổng thống.

Vali Nasr, một cựu viên chức ngoại giao Mỹ và hiện là hiệu trưởng trường nghiên cứu quốc tế ở ĐH John Hopkins, nói: “Nhà Trắng tỏ ra khá bị động, trong khi Bộ Ngoại giao muốn dính líu sâu hơn. Vẫn chưa rõ liệu Nhà Trắng có ủng hộ một kế hoạch mà Mỹ phải cam kết nhiều, đặc biệt là sự can dự trực tiếp của tổng thống”.

Khác biệt ở tính cách

Các trợ lý của ông Obama cũng quan ngại một thói quen nữa của ông Kerry trong những năm ở thượng viện: hay nói lỡ lời. Trong những phút vui vẻ, vị ngoại trưởng này có thói quen “bốc” quá và đôi khi đây không phải điều tốt trong hoạt động đối ngoại.

Ngày đầu tiên làm ngoại trưởng, ông Kerry hăng say kể lại chuyện hồi bé thường đạp xe ở Berlin đi qua ngôi mộ của Adolf Hitler. Thực tế chẳng có ngôi mộ Hitler nào cả! Trong một lần “bốc” khác, ông ca ngợi “mối quan hệ đặc biệt” đang lên của Mỹ với Trung Quốc. Tuyên bố này cũng khiến Washington khó xử. Trong ngoại giao, thường Mỹ chỉ dùng thuật ngữ trên cho các đồng minh đặc biệt như Anh, Israel chứ không phải với đối thủ địa chính trị chủ chốt của mình tại Thái Bình Dương.

Trong chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ, ông Kerry làm những nhân vật thân Israel giận dữ khi so sánh các nạn nhân của vụ đánh bom ở Boston với những người Thổ từng bị lính đặc nhiệm Israel sát hại. Vài ngày sau ở Brussels, ông khiến mọi người ngạc nhiên khi nói các nghi can đánh bom ở Boston đã trở nên cực đoan sau chuyến đi tới Nga, điều mà các điều tra viên tới giờ vẫn chưa kết luận được.

Một lần khác, ông Kerry thậm chí đề xuất rút hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương nếu Trung Quốc buộc CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Ông thậm chí gợi ý khả năng đàm phán song phương giữa Mỹ và nhà lãnh đạo Kim Jong Un nếu có thể tạo đột phá. Nhà Trắng trong những lần này đều đưa những tuyên bố tránh xa quan điểm của ngoại trưởng.

AP trích lời những người gần gũi với tổng thống nói Nhà Trắng hiện đang tìm cách kềm ông Kerry lại, điều được cho là khá khó khi quá nửa thời gian ông Kerry tại nhiệm cho đến nay là các chuyến công du, nơi ông đưa ra những tuyên bố và cam kết của mình.

Tất cả sự khác biệt giữa ông Obama và ông Kerry cuối cùng luôn là ở sự quyết liệt. Ông Kerry thường muốn những giải pháp quyết liệt giải quyết được vấn đề, trong khi ông Obama không muốn lao tiếp vào một cuộc chiến nữa ở Trung Đông. Giới chỉ trích nói rằng khi đối mặt với các vấn đề khó, ông Obama thường chọn phương án ở giữa - như ra lệnh tăng quân ở Afghanistan nhưng đồng thời thông báo thời điểm rút quân, hay ra lệnh vũ trang cho lực lượng nổi dậy ở Syria nhưng không cung cấp thứ vũ khí mà họ cần.

“Với John, thời điểm là bây giờ hoặc không bao giờ” - một cựu trợ lý của ông Kerry nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận