TTCT - Tại cuộc điều trần ở Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ ngày 29-10, giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) Keith Alexander nói những cáo buộc về “hàng chục triệu cuộc nghe lén ở các nước Pháp, Tây Ban Nha và Ý là hoàn toàn bịa đặt”, và rằng những dữ liệu mà NSA thu thập được thực hiện “hợp pháp, do các đối tác nước ngoài của NSA cung cấp”! Mỹ: tình báo Pháp và Tây Ban Nha "tiếp tay" nghe lénAn ninh Mỹ nghe lén cả giáo hoàng? Phóng to Biếm họa của David Horsey trên Los Angeles Times Báo The New York Times sáng 30-10 đã đăng phản ứng như thế của các ông chủ tình báo Mỹ đối với Nhà Trắng và châu Âu trước những diễn biến cấp tập về việc Mỹ nghe lén đồng minh được phanh phui gần đây. Với Nhà Trắng là bởi phía ông Obama một mực cho rằng không biết gì về quy mô vụ nghe lén nữ thủ tướng Đức, còn với châu Âu là bởi NSA cho rằng phần lớn thông tin này do chính các cơ quan tình báo châu Âu chia sẻ cho mình. Không chối bỏ các cáo buộc về việc NSA nghe lén các nguyên thủ nước ngoài, quan chức tình báo James Clapper thậm chí còn nói thẳng: “Do thám các nguyên thủ nước ngoài, kể cả đồng minh, là một trong những thứ đầu tiên tôi học khi bước chân vào ngành này 50 năm trước”, một “nguyên lý cơ bản của ngành tình báo”. Châu Âu bẽ bàng Dù gì thì Tổng thống Obama đã có một tuần không dễ chịu, khi hết Pháp rồi đến Tây Ban Nha, Ý lên tiếng về hàng chục triệu cuộc điện đàm của công dân mình bị nghe lén. Nhưng cao điểm có lẽ là từ Đức, với thống kê của Spiegel: Mỹ có 80 trạm nghe lén trên toàn thế giới, kể cả 19 trạm đặt ở các thành phố châu Âu. Mỹ từng nghe lén 35 nguyên thủ, trong đó có cả những đồng minh thân thiết trong khối NATO. Riêng bà Angela Merkel bị nghe lén từ năm 2002, trước khi chưa là thủ tướng Đức, đến nay! Mùa hè này, khi biết NSA do thám công dân Đức, bà Merkel đã tỏ ra trầm tĩnh, thậm chí còn biện bạch cho các đối tác bên kia đại dương rằng không giám sát thông tin sẽ khó chống khủng bố hiệu quả, dù truyền thông Đức không ngớt chỉ trích điều mà họ cho là vi phạm nhân quyền. Chỉ đến thứ tư tuần rồi, khi biết điện thoại của chính mình cũng không được “tha”, bà Merkel mới gọi điện trực tiếp trách ông Obama. Thomas Schmid của tờ Die Welt nhắc lại: “Hồi hè, bà ấy còn khẳng định: “Trên đất Đức thì phải chơi theo luật Đức” và rằng “Tôi không biết gì về chuyện tôi bị nghe lén” (hàm ý đó là điều không thể xảy ra). Nay thì bà bối rối. Mọi việc giờ đây trông có vẻ như chúng tôi không còn là những chủ nhân đầy đủ quyền hành trong chính nhà mình”. Deustch Welle thì giới thiệu lại một hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội Facebook ở Đức, với ảnh ông Obama cười nghiêng ngả bên bộ sậu của mình kèm dòng chú thích: “Merkel tưởng thật rằng bà ấy là người Đức duy nhất bị nghe lén”! Theo báo chí Đức, chiếc điện thoại di động được coi như một công cụ quyền lực của bà Merkel: bà sử dụng nó để lãnh đạo Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo và ra nhiều quyết định hành pháp. Đến độ đầu năm nay đã có một cuộc tranh cãi về việc có nên lưu những tin nhắn của bà trên máy như những văn bản hành pháp hay không? Vậy mà tất cả dữ liệu ấy nằm trong tay người Mỹ! Tuy nhiên, sự giận dữ “hơi chậm” của bà Merkel, như cư dân mạng Đức vạch ra, có thể được giải thích phần nào trong cuộc điều trần ngày 29-10, khi các quan chức tình báo Mỹ khẳng định việc nghe lén là một phần của những trao đổi thông tin tình báo Mỹ - Âu. Ông Clapper còn tố “các nước châu Âu cũng thường xuyên nghe lén các lãnh đạo Mỹ”. Đáp lại, người châu Âu tuy thừa nhận họ cũng có tình báo kinh tế (như Bernard Squarcini, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Pháp, nói Pháp cũng thu thập thông tin tình báo kinh tế từ các công ty Mỹ để bảo vệ các công ty Pháp) nhưng khẳng định Mỹ đã đi quá xa: không chỉ nghe lén người đứng đầu nước Đức, Mỹ còn sử dụng Đại sứ quán Mỹ ở Berlin như một trạm thu, theo một tố giác trên tờ Spiegel. Nghe lén đâu có gì mới “Mỹ phải nghe lén cả đồng minh là bởi quan hệ giữa các nước hiện nay chủ yếu dựa trên lợi ích mỗi bên, cho dù có thân thiện với nhau cách mấy thì những lợi ích này khó mà trùng hợp hết” - James Lewis, giám đốc chương trình chính sách công và công nghệ của Trung tâm các nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington, giải thích. Ông cho rằng “Mỹ và Đức không muốn đối đầu ở một số vấn đề quan trọng, và cách để biết hướng đi của một đồng minh quan trọng như Đức là nghe được những gì người Đức nói”. Theo chuyên gia này, những năm gần đây Mỹ và Đức có dị biệt trong một số vấn đề, từ buôn bán công nghệ với Iran đến việc chống lại do thám trên không gian điều khiển của Trung Quốc... Lewis dẫn ra một ví dụ như một thách thức toàn cầu đang diễn biến rất nhanh mà Mỹ muốn có nhiều thông tin càng tốt: Năm 2008, nước Đức đã thả nổi châu Âu trong cuộc khủng hoảng tài chính. Nay, chỉ cần người Đức quyết định chấm dứt viện trợ Hi Lạp thì sẽ nảy sinh những hậu quả toàn cầu, “và chúng tôi rất cần biết điều đó”, chuyên gia này biện bạch (1). Nhà sử học Mỹ Gerald Horne trả lời trên kênh Russia Today nhận định tình báo kinh tế là một trong những nguyên nhân Mỹ nghe lén bà Merkel. Ông nói: “Ford cạnh tranh với Volkswagen, các công ty sản xuất chương trình phần mềm cạnh tranh với APC, Siemens với General Electric. Nghe lén các cuộc điện đàm cấp cao ở Berlin sẽ giúp các công ty Mỹ nắm ưu thế trước các đối thủ Đức” (2). Max Boot thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ chỉ ra: Mỹ không thể tin vào “sự trung thành máy móc” của bất kỳ đồng minh nào. Boot nhắc lại “đồng minh Pháp rất thân thiện của Mỹ” đã bỏ rơi Mỹ trong cuộc chiến Iraq thế nào, hay người Đức đã chọn đứng ngoài trong chiến tranh Iraq nhưng lại tham chiến ở Afghanistan ra sao, và “đó mới chỉ là chính sách an ninh, chưa nói về chính sách kinh tế là một vấn đề lớn hơn”. Người Nga càng không ngạc nhiên. Alesei Malashenko, thành viên Hội đồng khoa học của Trung tâm Carnegie ở Matxcơva, cho rằng Pháp, Đức và những nước phẫn nộ khác nên “tiên trách kỷ” rồi hãy “hậu trách nhân”: “Các nước ấy cần phải làm việc lại với đội ngũ tình báo nước họ, phải chấn chỉnh cuộc chiến do thám điện tử, tại sao họ lại để xảy ra chuyện đó”. Vấn đề lớn nhất hiện nay của các nước châu Âu và những quốc gia nạn nhân khác còn là với năng lực công nghệ Mỹ hiện nay, việc thu thập thông tin và giám sát truyền thông quá dễ đã khiến người Mỹ khó từ bỏ được cám dỗ. Lisa Monaco, trợ lý tổng thống Mỹ trong lĩnh vực chống khủng bố và an ninh nội địa, trong một bài báo trên tờ USA Today tuần trước (3) đã viết: “Tổng thống Obama đã ra lệnh khảo sát lại năng lực do thám, có tính đến sự tôn trọng các đối tác nước ngoài, rằng chúng tôi thu thập thông tin vì chúng tôi cần, chứ không phải vì chúng tôi có thể”. Có thể hiểu câu này theo nghĩa nếu chúng tôi không do thám nữa chỉ là vì chúng tôi không muốn. Nó cũng đồng nghĩa rằng trong tương lai, nếu cần, người Mỹ sẵn sàng giương cao các vệ tinh do thám để bảo vệ lợi ích của mình. Khi nổi nóng lên rồi gọi điện cho Nhà Trắng, không biết Tổng thống Hollande có nhớ câu nói nổi tiếng của Charles De Gaulle - người đã nghiệm ra rằng: “Không đất nước nào có bạn bè, chỉ có lợi ích”. Chẳng phải Lord Palmerston, thủ tướng và ngoại trưởng Anh thế kỷ 19, từng khẳng định: “Chúng tôi không có đồng minh trường tồn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích của chúng tôi là trường tồn và vĩnh viễn. Theo đuổi những lợi ích đó chính là nhiệm vụ của chúng tôi”. Vậy là lời đáp vì sao Mỹ nghe lén cả bạn bè đã có từ trong lịch sử. Ngẫm lại chuyện xưa để không bị sốc, để đối phó và tự vệ tốt hơn cho đất nước mình có lẽ mới là những bước đi thiết thực. Còn với các nguyên thủ? Thì đây, kinh nghiệm của Thủ tướng Ấn Độ M. Singh: ông tuyên bố không sợ bị nghe lén vì không dùng điện thoại di động lẫn hộp thư điện tử! (4). Một không gian điều khiển khác? Theo The Hindu (Ấn Độ), xìcăngđan nghe lén của Mỹ đã khiến Đức tính tới việc thiết lập một không gian điều khiển độc lập, trong khi các nước khối BRICS đang hoàn tất một hệ thống cáp ngầm mới, dài 33.000km xuyên các nước Mỹ latin, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Nga. Đường cáp này khi hoàn tất và đưa vào sử dụng năm 2015, sẽ giúp thiết lập hệ thống không gian điều khiển thay thế Internet hiện nay. Để tăng mức độ bao quát toàn cầu, hệ thống mạng này sẽ tương tác với các hệ thống cáp đại lục khác ở châu Á, 21 nước châu Phi và Nam Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo chúng cũng khó tránh khỏi công nghệ chặn bắt thông tin từ hệ thống cáp ngầm dưới biển của Mỹ, vốn dày dặn kinh nghiệm từ thời chiến tranh lạnh. (1): http://www.csmonitor.com/World/Security-Watch/2013/1025/Why-would-US-spy-on-friends-Because-it-can-and-it-makes-sense-experts-say (2): http://russian.rt.com/article/17480 (3): http://www.usatoday.com/story/opinion/2013/10/24/nsa-foreign-leaders-president-obama-lisa-monaco-editorials-debates/3183331/ (4): http://www.vz.ru/news/2013/10 /25/656693.html Tags: Nghe lénMỹĐứcNSAAngela Merkel
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới, sắp xếp bộ máy là đòi hỏi rất cấp thiết THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn.
Viện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan ĐAN THUẦN 25/11/2024 Ngày 25-11, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đề nghị không tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát nói không có căn cứ giảm án.
Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến tuần này Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.