Năng lực logistics trong mùa dịch: Hãy trao thêm quyền cho lĩnh vực tư nhân!

TRUNG TRẦN 26/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Trong công cuộc chống dịch, việc trao bớt quyền cho lĩnh vực tư nhân và các tổ chức xã hội vẫn sẽ tốt hơn rất nhiều việc cấm đoán và tốn thêm nguồn lực công để kiểm soát sự tuân thủ, trong khi những nhu cầu chính đáng của xã hội lại không được giải quyết.

Để đáp ứng duy trì cuộc sống thường nhật cho thành phố hơn 10 triệu dân như Sài Gòn, hệ thống logistics phải bao gồm hàng triệu xe máy, hàng trăm nghìn taxi, xe buýt và xe tải lớn nhỏ. Ngoài ra còn thêm lượng tàu bè, xuồng ghe từ Đồng bằng sông Cửu Long và vô số các phương tiện vận tải thô sơ không tên khác.

Dịch bệnh xảy ra, hầu hết các phương tiện buộc phải dừng hoạt động. Không có thống kê chi tiết, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy sự thiếu hụt năng lực logistics so với nhu cầu sinh hoạt và kinh doanh của thành phố, khi áp dụng chỉ thị 16 và các biện pháp hạn chế hoạt động công cộng khác.

Công ty cổ phần dệt Đông Quang đã giảm 2/3 người lao động tại cơ sở ở xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, Long An để đảm bảo bố trí đầy đủ các chỉ tiêu lưu trú cho công nhân, tiếp tục được duy trì sản xuất. Ảnh: SƠN LÂM

 

Năng lực kho vận cho dân sinh và cho sản xuất 

Do yêu cầu chống dịch được đặt lên hàng đầu, người dân thành phố hầu hết chấp hành cho xe vào bãi, dù mưu sinh của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi năng lực vận lưu không đáp ứng nhu cầu tối thiểu của hơn 10 triệu dân, các vấn đề nảy sinh là không tránh khỏi.

Tuần rồi đã có nhiều tiếng than phiền của người dân vì thực phẩm trên kệ các siêu thị trống không, hàng đặt online 3 ngày chưa giao, khi giao đến thì không còn bảo đảm chất lượng... 

Bản thân các doanh nghiệp cung cấp nhu yếu phẩm cũng đã nỗ lực hết sức, nhưng phải hiểu rằng những nỗ lực đấy chỉ giúp tăng năng lực logistics lên tối đa 10 - 20%. Sự chênh lệch giữa cung và cầu không thể được giải quyết bằng số tăng đấy. 

Lúc này, ta thấy rõ ích lợi của shipper công nghệ. Tưởng tượng nếu cuộc phong tỏa này là 3 năm trước, khi các nền tảng trực tuyến đấy chưa ra đời, khó hình dung nổi tình hình sẽ còn tồi tệ đến đâu. 

Nhìn qua lĩnh vực logistics cho doanh nghiệp sản xuất. Với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, đòi hỏi đội ngũ giao hàng đảm bảo các yêu cầu 5K, xét nghiệm âm tính 3 ngày một lần, sản xuất 3 tại chỗ... là bất khả thi. 

Một ngày có hàng nghìn chuyến giao hàng đi về từ Sài Gòn tỏa khắp cả nước. Chỉ cần một động tác ngăn sông cấm chợ của Đồng Nai hồi giữa tháng 6, lập tức Sài Gòn tắc nghẽn.

Lấy ví dụ một công ty lắp ráp thiết bị điện tử, một năm qua, đại dịch đã ảnh hưởng đến họ như thế nào. 

Cuối năm 2020, do giá tăng và nguồn nguyên liệu đầu vào như sắt thép và nguyên liệu nhựa từ Trung Quốc khan hiếm, giá thành đầu vào đội lên 10 - 15%, trong khi sản xuất không có lời và số lượng đầu ra giảm.

Cũng vì COVID, thị trường chip điện tử, linh kiện bán dẫn từ đối tác Đài Loan thiếu hụt, gây ngưng trệ sản xuất. Tình trạng đó đến giờ vẫn chưa khắc phục được và doanh nghiệp hầu như không thể có giải pháp gì thay thế vì linh kiện bán dẫn là loại hàng hóa đặc thù, trăm người mua một người bán. 

Rồi chuyện thiếu container rỗng để nhập và xuất hàng kéo dài từ cuối năm 2020 đến tận tháng 4-2021. Chưa hoàn hồn, ngay sau đấy đợt dịch thứ tư, cũng là đợt nghiêm trọng nhất, bùng phát, các biện pháp hạn chế của chính quyền được triển khai.

Đứt gãy chuỗi cung ứng: Đã là hiện thực

Cụ thể, một hãng lắp ráp điện tử quy mô trung bình - tức khoảng 1.000 nhân công (doanh số tầm 10 triệu USD/tháng) - có khoảng 10 nhà cung cấp chính. 10 nhà cung cấp này, mỗi nơi lại có 5 - 6 nhà cung cấp phụ nữa. 

Như vậy, chỉ xét chuỗi 3 cấp, nhà máy này phải phụ thuộc 50 - 60 nhà cung cấp. Để đảm bảo nhà máy hoạt động được trong mùa dịch, nói ví dụ đạt công suất 60% thôi, về mặt đầu vào, theo nguyên tắc nhân xác suất, 10 nhà cung cấp phải duy trì được năng lực an toàn là 95%.

Đến lượt các nhà cung cấp phụ cũng phải bảo đảm được năng lực chừng ấy. Trong khi năng lực giao nhận của toàn hệ thống chỉ còn 50 - 60% do các yêu cầu hạn chế của chính quyền. 

Bởi thế, năng lực bảo đảm sản xuất, nếu tính lạc quan, sẽ không vượt quá 30%. Đình trệ sản xuất dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng là điều chắc chắn đã xảy ra, chứ không phải là chuyện của ngày mai.

Bản thân nhà máy, ví dụ, để được phép sản xuất, phải đảm bảo duy trì công tác 3 tại chỗ cho ít nhất 40% số lượng công nhân (cộng thêm số nhân viên gián tiếp có thể làm việc online) - tức khoảng 400 người, mà việc chuẩn bị chỉ trong vòng 4 ngày - theo yêu cầu của chính quyền. 

Thực tế kinh nghiệm ở Bắc Ninh trong đợt dịch thứ ba cho thấy để sẵn sàng cho từng đó con người “3 tại chỗ”, cần từ 10 ngày đến 2 tuần, nếu công ty có sẵn mặt bằng trống.

Thật ra cũng dễ hình dung thôi: thử tưởng tượng 400 con người, nếu chỉ có dưới 50 toilet thì sẽ như thế nào? 

Đấy là nguyên nhân của tình trạng nhiều nhà máy ở các khu công nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... phải chấp nhận đóng cửa ngắn hạn vì không thể xoay xở kịp. Hệ lụy đến đời sống công nhân là dễ thấy.

Nhìn xa hơn, cuộc chiến chống dịch chắc chắn không phải là vài tuần nửa tháng. Người dân, sớm hay muộn, có quy định hay không, sẽ phải xoay xở để năng lực hệ thống vận lưu tăng lên như một nhu cầu mưu sinh tất yếu. 

Lúc đấy có thể xảy ra tình trạng, nguồn lực của các cơ quan công quyền, vốn đã mỏng vì căng sức ra chống dịch, nay còn mỏng hơn vì phải thêm một nhiệm vụ là kiểm soát vi phạm quy định chống dịch.

Đi tìm lời giải

Thế lưỡng nan này có thể giải quyết không? Câu trả lời là có, bằng cách tận dụng các nguồn lực chuyên nghiệp sẵn có và trao nhiều quyền hơn vào tay xã hội.

Tại sao Grab Bike có thể giao hàng mà taxi Vinasun hay Mai Linh lại không thể có một đội xe chuyên nghiệp, có vách ngăn và tài xế được tiêm vaccine và test âm tính. 

Lực lượng này sẽ phụ trách vận chuyển bệnh nhân, bà bầu đến bệnh viện, và những trường hợp khẩn cấp khác buộc phải ra khỏi nhà.

Thực tế cho thấy việc cấm đoán và khiến lực lượng này không được phép hoạt động chính thức không thể ngăn cản người dân dùng cách này cách khác để đi lại vì nhu cầu cấp bách. 

Nếu được sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp, có kiểm soát và cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, chắc chắn người dân sẽ yên tâm hơn. Thậm chí khi xảy ra lây nhiễm, việc truy vết cũng sẽ tiện lợi hơn vì bản thân các hãng taxi cũng có sẵn công nghệ tracking.

Tương tự, chúng ta có nhiều hãng vận tải, bốc xếp tư nhân hết sức chuyên nghiệp và uy tín lâu năm. Hãy để họ được hoạt động trong mùa dịch, trên cơ sở nền tảng quản trị tốt sẵn có, cộng với sự sát hạch kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. 

Đây không phải chuyện gì mới mẻ, nó hệt như việc ban quản lý các khu công nghiệp cho phép doanh nghiệp tổ chức 3 tại chỗ, công ty nào đạt sau các lần kiểm tra của nhóm chuyên ngành của ban quản lý thì được hoạt động.

Các doanh nghiệp logistics trong thời gian dịch vẫn được hoạt động vừa là cách để duy trì cầm cự vừa là cơ hội marketing rất tốt để giới thiệu năng lực đến các khách hàng tiềm năng sau dịch. 

Việc giao nhận sao cho khoa học, an toàn, với các đơn vị vận tải này, thiết nghĩ không khó vì họ đã có sẵn nền tảng. 

Vấn đề còn lại là chi phí với bên thuê dịch vụ, có thể cao hơn bình thường, nhưng nếu đặt lên bàn cân so với việc không có hàng để phục vụ sản xuất hay dân sinh, hoặc phải đối phó với nguy cơ lây nhiễm do đội ngũ giao nhận cũ không được trang bị phòng dịch tốt, thì cơ hội cho các dịch vụ chuyên nghiệp sẽ cao hơn.

Thậm chí cả những chuyện khó nói như tang lễ cho người tử vong vì COVID, nếu các đơn vị mai táng được huấn luyện bổ sung các quy trình tang sự bảo đảm phòng dịch, thì ngay trong thời gian dịch, một lễ tang vẫn có thể được tổ chức chỉn chu, trang trọng nhất trong hoàn cảnh cho phép. 

Với tầm quan trọng của tang sự ở Việt Nam, không thể xem thường lợi ích tâm lý xã hội của việc đó.

Câu hỏi mà kiểu quản lý bằng mệnh lệnh hành chính lâu nay vẫn hay đặt ra là làm sao kiểm soát các doanh nghiệp dịch vụ bảo đảm được yêu cầu chống dịch? 

Câu trả lời là sẽ không thể đảm bảo 100% an toàn tuyệt đối, nhưng trao bớt quyền cho lĩnh vực tư nhân, các tổ chức xã hội... vẫn sẽ tốt hơn rất nhiều việc cấm đoán và tốn thêm nguồn lực công để kiểm soát sự tuân thủ, trong khi những nhu cầu chính đáng của xã hội lại không được giải quyết.■

Thực tế cho thấy các nguồn lực xã hội đang đóng góp rất nhiều cho công cuộc chống dịch, dù không phải lúc nào cũng được ghi nhận đầy đủ, như các phong trào tự phát giải cứu nông sản, góp cá, góp rau tặng Sài Gòn. Điều đấy đem lại một không khí ấm áp và tích cực cho toàn xã hội.

Nhưng việc tổ chức tốt hơn sự tham gia của các nguồn lực chuyên nghiệp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Các ví dụ như Vietnam Airlines dùng máy bay Boeing 787 để vận chuyển vải, xe Thành Bưởi hỗ trợ vận chuyển nông sản, hay tàu cao tốc Green Lines TP.HCM chở rau... vẫn còn là những ví dụ nhỏ lẻ, không có tính quy mô, tổ chức và đều đặn.

Trên thế giới, chúng ta có bài học của DHL - hãng thầu lại dịch vụ cung cấp các thiết bị y tế cá nhân ở Mỹ, hay gần hơn là Grab Indonesia hỗ trợ chính phủ chiến dịch tiêm chủng bằng hệ thống taxi và hạ tầng các trung tâm xe của họ. Những nguồn lực tư nhân đủ sức cung cấp dịch vụ logistics một cách chuyên nghiệp và an toàn nên được coi là một trong những giải pháp quyết định để chống dịch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận