TTCT - Chính phủ cần các hành động giảm nhẹ áp lực cho xã hội, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách để đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm. Tổng cục Thống kê cho biết bình quân 2 tháng đầu năm nay, chỉ số tiêu dùng CPI đã tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước. Sự bùng nổ giá xăng dầu và hầu hết loại hàng hóa cơ bản đề nặng lên vai người dân và doanh nghiệp. Thêm vào đó, bất động sản sốt giá khắp nơi khiến giá thuê nhà, mặt bằng, thuê trọ… đồng loạt tăng theo.Lạm phát kiến các khoản tiết kiệm đứng trước nguy cơ bị xói mòn trong khi chi phí sinh hoạt, giao thông bất chợt đắt đỏ. Trong thời buổi bão giá, Chính phủ càng phải cần kiệm trong chi tiêu để dành nguồn lực cho các dự án đầu tư công. Ảnh: Quang ĐịnhXét về khía cạnh kinh tế, lạm phát có ảnh hưởng tương đương một sắc thuế trên thực tế và gần giống thuế thu nhập cá nhân. Nó làm giảm sức mua từ thu nhập của người dân và mang lại hệ lụy đáng kể cho nền kinh tế.Ví dụ, Việt Nam là quốc gia phải nhập khẩu ròng về dầu thô. Năm 2021, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy Việt Nam xuất khẩu hơn 3,1 triệu tấn dầu thô, với giá trị xuất khẩu là trên 1,76 tỉ USD; trong khi nhập hơn 9,9 triệu tấn dầu thô với giá trị nhập khẩu là trên 5,15 tỉ USD. Như vậy, nếu giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục tăng phi mã, cán cân thanh toán tổng thể (BoP) của quốc gia sẽ bị thâm hụt đáng kể.Để hạn chế tác động của giá dầu tăng, Chính phủ thường phải giảm thuế tiêu thụ đăc biệt hay thuế môi trường cho các mặt hàng xăng dầu. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, dù trong 2 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách đạt 323.800 tỉ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021.Giữa lúc cơn bão giá cả đang càn quét hiện nay, Nhà nước cần có phương án kiểm soát mặt bằng giá cả, giảm gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Ví dụ cần sớm giảm thuế xăng dầu, thuế xuất nhập khẩu đối với các mặt hàng nguyên vật liệu thiết yếu, đồng thời tránh hiện tượng nóng vội trong việc triển khai các sắc thuế, phí mới.Ở ngành dệt may, theo bà Trần Hoàng Phú Xuân - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, giá sợi cotton hai năm qua tăng gần 70%, nguyên phụ liệu ngành dệt may trong nước cũng tăng 40% nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thời điểm này để có giá cạnh tranh, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ, đặc biệt xem xét tính toán lại mức phí và lùi thời gian áp dụng thu phí sử dụng cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP theo quy định mới.Khu vực công còn cần tiết giảm trong chi tiêu đến mức tối đa có thể, giảm các khoản chi không cần thiết, nhất là các lễ nghi, tiệc tùng, hội họp…, dành ưu tiên nguồn lực cho các vấn đề cấp bách hiện nay như y tế, phòng chống dịch. Thực tế thì không tính đến các thách thức 2 năm nay như COVID-19, xung đột Đông Âu, ngân sách nhà nước đã chứng kiến thực trạng bội chi ở mức cao trong nhiều năm liên tiếp.Đáng chú ý, chi thường xuyên tiếp tục chiếm hơn 60% tổng chi ngân sách hằng năm. Phần ngân sách còn lại để chi cho đầu tư phát triển và các lĩnh vực quan trọng khác vẫn còn hạn hẹp. Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đặt nhiệm vụ cho Chính phủ trong việc tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỉ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%.Các nghiên cứu cho thấy thâm hụt ngân sách của Chính phủ thường đi kèm với lạm phát. Lý do là nhiều quốc gia phải tài trợ cho thâm hụt ngân sách thông qua vay nợ từ hệ thống ngân hàng mà từ đó thường thúc đẩy lượng cung tiền M2 tăng kèm theo.Chính phủ, giống như các hộ gia đình, cũng là một thành phần của nền kinh tế và không thể miễn nhiễm trước những tác động của lạm phát. Tầm quan trọng của cần kiệm, tiết giảm chi tiêu của Nhà nước càng quan trọng hơn vào thời điểm này, khi các nguồn lực nên được tập trung ưu tiên cho các dự án hạ tầng và đầu tư công vốn đang chịu áp lực đội chi phí vì giá sắt thép, năng lượng, vật liệu xây dựng… đồng loạt tăng mạnh.Khâu kiểm soát chi phí và tiến độ các dự án hạ tầng cần được đốc thúc hơn nữa. Thực tế cho thấy hầu hết các dự án đầu tư hạ tầng ở Việt Nam đều đội giá rất lớn so với dự toán ban đầu. Nhiều dự án đầu tư công bị chậm tiến độ, đã phải gia hạn thời gian, điều chỉnh nhiều lần hoặc làm tăng vốn đầu tư. Đến khi lạm phát ập tới, những sự chậm trễ và lãng phí của bao năm qua khiến tình hình càng trở nên trầm trọng.Một yêu cầu cấp thiết khác là cải thiện nguồn thu cho ngân sách. Thực tế đề án cổ phần hóa khối doanh nghiệp nhà nước nên được khởi động trở lại để bổ sung nguồn vốn mới phục vụ yêu cầu đầu tư phát triển, đồng thời chuyển giao tài sản sang tay tư nhân để vận hành hiệu quả hơn.Theo Bộ Tài chính, cả nước năm 2021 chỉ cổ phần hóa được 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam. Số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch là 89. Trong đó Hà Nội có tới 13 doanh nghiệp lớn, chiếm 14% kế hoạch, TP.HCM là 38 doanh nghiệp, chiếm 40% kế hoạch.Công tác thoái vốn cũng rất chậm. Số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về ngân sách là 1.401 tỉ đồng, không đáp ứng yêu cầu thu 40.000 tỉ đồng từ bán vốn nhà nước năm 2021 theo quyết định số 1950/QÐ-TTg ngày 28-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.Chính phủ nên tiếp tục rà soát, cắt giảm bớt thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động. Báo cáo PCI 2020 ghi nhận Việt Nam đang trở thành một điểm đến đầu tư ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài, củng cố vị thế nền kinh tế có sức hấp dẫn với các thiết chế chính trị ổn định nhờ các tiến bộ đáng ghi nhận trên những lĩnh vực khó cải thiện như kiểm soát tham nhũng, thuế và cung cấp dịch vụ công.Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện các lĩnh vực còn nhiều bất cập, đặc biệt là hệ thống các thủ tục, quy định và cơ sở hạ tầng. Báo cáo PCI 2020 đề xuất Chính phủ có thể đẩy mạnh đơn giản hóa quy trình thành lập doanh nghiệp, số hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, thực hiện hiệu quả cải cách nhằm hoàn thiện các khâu còn nhiều bất cập trong thủ tục hành chính về thuế và bảo hiểm xã hội, từ đó nâng cao hơn năng lực cạnh tranh quốc gia và lợi thế so sánh với các nước trong khu vực. Tags: Tiết kiệmLạm phátKinh tếCầm kiệmNhà nước tiết kiệm
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng' ÁNH HỒNG 24/11/2024 Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.
Tin tức thế giới 24-11: Lính Nga đánh ở Ukraine được xóa nợ; Châu Âu sắp cạn dự trữ khí đốt TRẦN PHƯƠNG 24/11/2024 Đạt thỏa thuận các nước giàu trả 300 tỉ USD cho các nước nghèo tại COP29; Ông Trump chọn cựu cố vấn làm bộ trưởng Nông nghiệp.
Tin tức sáng 24-11: Sóng tăng giá chung cư lan đến Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định TUỔI TRẺ ONLINE 24/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: PGBank chuyển trụ sở chính sang Thành Công Tower, tiết lộ số tiền thuê; Một sếp của Dược phẩm Cửu Long xin nghỉ vì 'không thể bố trí thời gian'; Những ngành nào dễ tìm việc ở Hà Nội cuối năm?