Nghĩ từ bục giảng

PHÙNG THỊ HẠ NGUYÊN 
(*) 20/11/2017 20:11 GMT+7

TTCT - Tôi từng nghĩ giáo viên là một nghề an nhàn và khá tẻ nhạt, nhưng gần ba năm đứng trên bục giảng đã cho tôi một cái nhìn hoàn toàn khác về công việc của người thầy.

 

 

Đối tượng làm việc của nghề giáo không phải là kiến thức mà chính là học sinh - những người trẻ giàu năng lượng chuyển động và khám phá, vì vậy chúng tôi phải luôn nỗ lực tiếp cận và thấu hiểu các em.

Từ vị trí người thầy, tôi mừng vì học sinh ngày nay có những ưu điểm vượt trội thế hệ mình ngày trước nhưng cũng nhiều lo lắng, băn khoăn về những khiếm khuyết của các em.

Một thế hệ tự tin và năng động

Nếu có dịp quan sát một tiết học ở trường phổ thông, sẽ dễ nhận ra ưu điểm rất lớn của thế hệ trẻ ngày nay: sự tự tin và tư duy phản biện. Khi giáo dục hướng trọng tâm vào người học, thầy cô trở thành người hướng dẫn, người bạn đồng hành, các em không ngại ngần bày tỏ những thắc mắc của mình về bài học.

Là một giáo viên ngữ văn, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi thú vị: “Tại sao cô Tấm lại hóa thân thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi và quả thị mà không phải những sự vật khác?”; “Tại sao Thúy Kiều được Nguyễn Du ca ngợi thông minh vốn sẵn tính trời nhưng cứ bị người ta lừa hết lần này đến lần khác?”; “Vì sao các nhà văn nam có thế mạnh trong sáng tác tiểu thuyết mà các nữ văn sĩ thường ghi dấu ấn bằng truyện ngắn?”...

Những câu hỏi ấy làm dấy lên tranh luận trong giờ học, các em tự do phát biểu quan điểm của mình và rút ra nhận xét. Từ những thảo luận ấy, chúng tôi có thêm kiến thức mới.

Có những học sinh gặp tôi sau giờ học để hỏi những điều các em còn băn khoăn, thậm chí chuẩn bị cả tài liệu để phản biện lại một chi tiết tôi đã giảng. Trải qua những tình huống ấy, những người thầy được truyền một nguồn cảm hứng mạnh mẽ để làm việc một cách nghiêm túc và hăng say hơn.

Ngày xưa, thầy cô chỉ cần cho thảo luận nhóm hay thực hành là chúng tôi sướng rơn vì không còn phải “học chay”.

Còn bây giờ, các em tự thiết kế bài thuyết trình trên máy tính, tự làm các video minh họa bài học, sân khấu hóa các tác phẩm văn học, tự làm các thí nghiệm, thậm chí sáng tạo các phần mềm dạy học để hỗ trợ thầy cô.

Các hoạt động ngoại khóa cũng một tay các em tổ chức. Nhiều trường THPT có các tổ phát thanh học đường, các câu lạc bộ đọc sách, các nhóm kịch, nhóm nhảy với những hoạt động phong phú, sôi nổi. Các em tổ chức triển lãm tranh, đêm nhạc từ thiện để gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo, làm phim về đề tài người đồng tính để mọi người có cái nhìn cởi mở hơn với cộng đồng này.

Biết cách hưởng thụ cũng là một đặc điểm dễ thấy của người trẻ. Các em “đầu tư” hơn cho ngoại hình của mình, dù vẫn thể hiện sự đồng tình với câu tục ngữ: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Các em biết mẫu giày nào đang thịnh hành, bộ phim nào đang “cháy” vé, quán ăn nào đang được các tín đồ ẩm thực “săn lùng”.

Các ứng dụng điện thoại, mạng xã hội ngày càng phổ biến cho phép các em dễ dàng chia sẻ mọi hoạt động của mình: những chuyến đi “phượt” cùng bạn bè, những bức ảnh lung linh với những cách tạo dáng đầy thu hút hay những bài viết giới thiệu phim hay, sách mới nóng hổi.

Và thực dụng, ích kỷ hơn...

Trong buổi học đầu tiên của năm học, tôi thường yêu cầu học trò mình viết ra những nguyện vọng: các em muốn tổ chức các hoạt động gì, muốn cô giảng kỹ những nội dung nào. Thỉnh thoảng tôi nhận được những câu trả lời thẳng thắn:

“Cô hãy tập trung vào những nội dung có thể ra thi học kỳ, những bài còn lại thì dạy lướt qua cũng được!”. Dù đã lường trước tình huống này, tôi vẫn không khỏi chạnh lòng.

Chương trình học nặng nề với hàng loạt bài kiểm tra, kỳ thi đầy áp lực đã hình thành ở các em vô số kiểu học đối phó. Hình thức thi trắc nghiệm gần đây cũng góp phần tạo ra những tiểu xảo, mẹo vặt để nhớ nhanh những công thức, cách giải đầy thực dụng, bất chấp người học có nắm được kiến thức không.

Lâu dần, lối học thực dụng trở thành một lựa chọn đầy “khôn ngoan” của học sinh, sinh viên để “sống sót” qua những kỳ thi.

Một thủ khoa tốt nghiệp khoa văn học (Đại học KHXH&NV) mới đây không ngại ngần chia sẻ với bạn bè trên Facebook một số “bí quyết” để trở thành người có điểm số cao nhất khóa: đoán đề thi cuối kỳ, chỉ đọc một số đoạn trong một tác phẩm kinh điển để qua môn; đọc luận văn của giảng viên để nắm chắc điểm cao...

Cuộc sống đầy đủ về vật chất cũng khiến nhiều em sống ích kỷ hơn. Các em vô tư thể hiện cảm xúc của mình nhưng ít khi quan tâm đến cảm giác của người khác.

Vì vậy, không hiếm học trò thường không tuân thủ nội quy trường lớp, sẵn sàng ẩu đả với bạn, “tố cáo” thầy cô chỉ vì bị mắng, phạt.

Một đồng nghiệp của tôi cho học sinh xem phim Long thành cầm giả ca (một bộ phim được gợi cảm hứng từ những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Du), khi lớp xem xong, chị mới tá hỏa khi phát hiện một học trò đã chụp ảnh một cảnh phim có nhân vật nữ để lộ một bờ vai trần (do mặc yếm) rồi chia sẻ lên Facebook kèm chú thích: “Cả buổi sáng chỉ xem thế này đây!”.

Trước những tình huống này, giáo viên phải thật bình tĩnh và khéo léo để giải thích cho học sinh rằng việc làm của em có thể gây ra những hiểu lầm nặng nề như thế nào.

Những quan sát và trải nghiệm ấy, từ góc nhìn giáo viên, khiến tôi nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc đổi mới, cải cách giáo dục với chất lượng học sinh, cả những giới hạn của người thầy lẫn những gì người thầy có thể làm để giúp học sinh phát triển một cách toàn diện cả kiến thức và kỹ năng sống, phát huy được thế mạnh và khắc phục những điểm yếu.

Và khi một giáo viên cũng nhận ra điều này, hẳn các nhà hoạch định chính sách giáo dục có tầm, có tâm cũng không thể không thấy.■

(*) Giáo viên trường THPT Thành Nhân và trường Phổ thông Năng khiếu TP.HCM)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận