TTCT - Những năm gần đây người Chăm ở An Giang đã ăn theo Tết Nguyên đán như bao dân tộc khác. Những ngày đầu xuân còn trở thành mùa cưới nên duyên rộn ràng của nhiều đôi trẻ. Phóng to Lễ cưới tổ chức vào mồng 6 tết ở gia đình ông Saleman, làng Chăm Khánh Hòa, huyện Châu Phú - Ảnh: Đức Vịnh Sáng mồng 1 tết, vợ chồng chị Sariyah, làng La Ma - thuộc xã Vĩnh Trường, huyện An Phú - quanh năm lênh đênh trên ghe nhỏ, trong bộ trang phục truyền thống khá tươm tất lần lượt đi thăm cha mẹ hai bên, họ hàng rồi ghé thăm từng gia đình trong xóm. Sau đó họ trở về tiếp đón bà con, khách quen đến thăm, chúc tết. Các con chị xúng xính trong trang phục mới tung tăng cùng chúng bạn đi chơi xuân, đến thăm bà con ở những làng Chăm khác. An Giang có chín làng Chăm với dân số hiện nay gần 20.000 người, lâu nay chủ yếu sống bằng nghề buôn bán dạo, chài lưới, chăn nuôi, trồng hoa màu... Những năm gần đây nhiều người lên TP.HCM, một số tỉnh miền Đông sinh sống, làm nghề buôn bán nhỏ, đi học, đi làm công nhân. Người Chăm hầu hết theo đạo Islam, mỗi năm đón hai lễ tết Ramadan (khoảng tháng 8 và tháng 11 dương lịch). Ngoài ra, do bà con sống gần gũi, thân thiện với người Kinh nên dần dà cũng... ăn theo Tết Nguyên đán. Dù không phải là lễ tết của dân tộc mình nhưng mỗi dịp tết dù ai đang định cư, làm ăn xa bất cứ nơi đâu đều trở về tụ họp cùng gia đình. Gia đình nào cũng náo nức trang hoàng nhà cửa, quây quần cùng làm bánh mứt; đường sá được giăng mắc cờ hoa, đèn màu rực rỡ. “Tết Nguyên đán đã trở thành lễ hội lớn của đồng bào Chăm, hai dân tộc cùng chung vui thân thiện” - ông Phạm Minh Trí, bí thư Huyện ủy An Phú, địa phương có đến sáu làng Chăm, nói. Phóng to Dịp tết, người Chăm qua lại thăm hỏi chúc mừng nhau - Ảnh: Đức Vịnh Trong các dịp lễ tết của dân tộc mình cũng như Tết Nguyên đán, người Chăm qua lại thăm hỏi, chúc mừng nhau. Họ cùng ăn bánh trái uống trà, thân thiết lắm thì cùng dùng bữa cơm thân mật chứ không hề bày tiệc ăn nhậu, bởi họ không bao giờ dùng rượu bia. Ngoài việc tự làm các loại bánh truyền thống như paychan, paycagah, hapam, haklin, tiam... và các món ăn đặc trưng của dân tộc mình như cari, lapour, curin, tolcha thì từng hộ còn làm bánh tét, mứt để dùng và đãi khách. Ba ngày xuân đó đây các xóm ấp người Kinh luôn linh đình tiệc nhậu, sòng bài lớn nhỏ. Trong khi bên xóm Chăm tuy vẫn rực rỡ cờ hoa nhưng theo ông Samed, già làng Châu Phong: “Bà con qua thăm chúc tết đồng bào Kinh, có ép cách mấy họ cũng chối từ chuyện rượu bia. Chúng tôi theo đạo Islam, tuyệt đối không được rượu chè, cờ bạc. Trai đi chơi riêng, gái đi riêng, không được đi chung”. Những năm gần đây, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán người Chăm lại rộn ràng tổ chức lễ cưới. Chỉ riêng làng Chăm Khánh Hòa, huyện Châu Phú có tới bảy đám cưới. “Do dịp tết bà con họ hàng đều tập trung về làng, con cái đi làm xa cũng được nghỉ phép tụ họp đông đủ, nhân tiện chúng tôi tổ chức lễ cưới cho các đôi trẻ. Dần dần dịp tết cũng là mùa cưới của dân tộc Chăm” - ông Issa Sen, Ban đại diện cộng đồng dân tộc Chăm tỉnh An Giang, cho hay. Lễ cưới, ngoài họ hàng thì người Chăm mời hết cả xóm, kể cả người Kinh nếu thân quen, bởi họ quan niệm càng có đông người dự thì gia chủ càng được nhiều phúc và người dự lễ cũng được hưởng phúc. Đám cưới của đồng bào Chăm không hề có rượu bia, chủ yếu là uống trà, nước ngọt. “Gần đây bà con cũng mừng tiệc cưới bằng phong bì, ai có bao nhiêu mừng bấy nhiêu, không có cũng được chứ không bắt buộc. Bà con coi đấy là chúc phúc cho đôi trẻ” - ông Saleman, làng Chăm Khánh Hòa vừa gả con gái cho chú rể ở làng Chăm Châu Phong, kể.
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.