Người xưa

NGUYỄN NGỌC TUYẾT 23/10/2004 21:10 GMT+7

TTCN - Những ngày hè rảnh rỗi, tôi cố thức sớm đi tập thể dục. Còn nhớ lúc trẻ tôi mê thích biết bao những con đường buổi sớm, không khí mát dịu, thoáng đãng như thổi vào lồng ngực, rồi khu chợ bắt đầu nhóm dưới bến Ninh Kiều với mọi âm thanh xô bồ mà gần gũi thân quen.

Bây giờ ra đường lúc 5g sáng, dường như tôi vừa tìm lại được cảm giác sảng khoái ngày xưa. Nói dường như thôi bởi có nhiều điều khác lắm. Ví như cảnh người đi tập thể dục đông vui, trong số đó có nhiều người ăn mặc thật đúng mốt thể thao. Hóa ra bên những tệ nạn xã hội ma túy xì ke gì đó vẫn còn một cuộc sống khác, lành mạnh, tươi rói như không khí thoáng đãng trong sạch buổi sớm, như từng lồng ngực hít thở phập phồng cho những mạch máu tuôn chảy dạt dào trong mỗi thân xác khỏe khoắn, tràn đầy sinh lực...

Và vui nhất, ấm lòng tôi nhất vẫn là hình ảnh những cụ ông, cụ bà, những người lớn tuổi ăn vận chỉnh tề, nghiêm túc; những ông bác trong chiếc áo sơmi trắng, tay cài kín nút, những bà bác trong bộ bà ba lụa lèo hay áo trắng quần đen đi chậm rãi trên đường, thật ung dung thoải mái. Và đôi lúc gặp người quen, những người bạn già ấy trịnh trọng cúi đầu, bắt tay nhau thật đúng điệu và đầy lễ độ.

Bất chợt tôi nhớ đến đám học trò nhỏ của mình, càng ngày chúng càng có thói quen vẫy tay hoặc í ới kêu réo khi gặp các thầy cô: Cô ơi, thầy ơi! Dường như đó là cách chào hỏi bình thường của chúng. Và đó còn là may, bởi có khi thầy cô như trở thành “người tàng hình” trước mặt chúng. Thậm chí những đứa còn giữ nếp, cúi đầu, khoanh tay chào thầy, chào cô còn bị cười nhạo “xưa quá, nhỏ ơi!”. Mà trên đường phố bây giờ những “người xưa” ấy ngày càng hiếm đi rồi. Đã thưa thớt lắm những cụ ông, cụ bà chỉnh tề trong ăn mặc, lễ nghĩa trong ứng xử như thế.

Thời buổi khoa học kỹ thuật bùng nổ, người ta phải tinh giản cả lễ nghĩa để “công nghiệp hóa” văn hóa ứng xử chăng? Xem phim Hàn Quốc, ở xứ sở đang phát triển mạnh mẽ ấy, sao tôi vẫn còn thấy lớp trẻ mặc quốc phục, mọp đầu cúi lạy cha mẹ, ông bà trong những ngày lễ tết hay trong dịp cưới xin thật thành kính, trang nghiêm. Chẳng biết đó là chuyện thật ngoài đời hay chỉ có trong phim?

Từ thắc mắc đó lại nhớ đến cái khẩu hiệu khắc đầy trong các trường học “Tiên học lễ, hậu học văn”. Chẳng biết có nhà nghiên cứu xã hội học nào, nhà giáo dục học nào vào các trường làm một cuộc phỏng vấn để xem có bao nhiêu học sinh hiểu đúng và đủ nghĩa lời dạy của “người xưa” này? Lại nhớ đến những câu ca dao thâm thúy xưa của một vùng đất:

Đèn Sài Gòn ngọn to ngọn nhỏ,
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về anh học chữ nhu
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.

Ôi, cái chữ nhu ấy của người xưa sao mà nặng, sao mà sáng ngời đến thế, sáng như tấm gương để ta soi mình mà xấu hổ, mà sửa mình. Tôi mong đợi bao năm nay một môn học trong nhà trường để học sinh được am hiểu tận tường những chữ “lễ”, chữ “nhu” ấy. Buồn thay, bao nhiêu lần cải cách, bao nhiêu sách vở bị hủy bỏ để đổi mới giảng dạy, điều chỉnh chương trình, cuối cùng các em chỉ được giáo dục thẩm mỹ qua vẽ tranh ảnh, qua cách bố cục thiết kế vật dụng mà không thấy cái đẹp trong cuộc sống, trong ứng xử thường ngày.Dù sao tôi cũng không đến nỗi bi quan như ai đó đã từng cất tiếng than “bao giờ cho tới ngày xưa”.

Tôi vẫn còn tin sự năng động sáng tạo của thời đại chúng ta cuối cùng rồi cũng sẽ ra hoa kết quả, và những “người mới” lại càng tốt đẹp hơn, trong sáng hơn để trong tôi không còn nỗi ngậm ngùi khi càng ngày càng hiếm gặp “người xưa”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận