​Nguy cơ hiểu và vận dụng sai những thành công

TTCT - Đến nay, Việt Nam có khoảng 300 khu công nghiệp (KCN) và 15 khu kinh tế (KKT) ở 58 tỉnh, thành phố với diện tích đất sử dụng khoảng 15.000 km2 (gấp 7,5 lần diện tích TP.HCM). Tuy vậy, mức độ thành công của các dự án hiện chủ yếu gói gọn ở khu vực TP.HCM và Hà Nội mở rộng. Mô hình KKT ở nhiều địa phương đều đang gặp trục trặc trong quá trình triển khai và không thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Dự án khu công nghiệp Hưng Phú 1 (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) bỏ trống nhiều năm, người dân tận dụng đất chưa làm khu công nghiệp để trồng cam kiếm thêm thu nhập - Ảnh: CHÍ QUỐC

Trong giai đoạn mới đổi mới, khi các cải cách còn trong giai đoạn mò mẫm, những thử nghiệm chính sách với ưu đãi ở các KKT, khu chế xuất (KCX) đã tạo ra nhiều đột phá phát triển cho kinh tế Việt Nam. Đầu thập niên 1990, các KKT, KCX đã thật sự tạo những thay đổi với những mô hình thành công như KCX Tân Thuận, các KCN VSIP ở Bình Dương...

Những kết quả của KKT sau các ưu đãi về giá đất, thuế và hỗ trợ hạ tầng là rất hạn chế, trong khi nhiều hệ lụy tiêu cực đang tiếp tục nảy sinh. Mô hình KKT đang trở nên tiêu cực dưới mắt công chúng và thường bị phản đối khi nhắc đến.

Tuy nhiên, nghịch lý là từ kinh nghiệm quốc tế và những trường hợp thành công ở Việt Nam cho thấy dường như mô hình KKT, hay nói rộng hơn là những kinh nghiệm và bài học từ việc sử dụng mô hình này vẫn là niềm hi vọng cho việc tạo ra các đột phá, nhất là cải cách thể chế ở Việt Nam hiện nay.

Một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra trục trặc của mô hình KKT cũng như việc “nhân rộng điển hình” ở Việt Nam là do cách hiểu và áp dụng sai những nhân tố tạo ra sự thành công.

Bốn điều kiện cơ bản

Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy phát triển KKT thành công cần phải hội đủ bốn yếu tố gồm: i) vị trí gần các trung tâm kinh tế hoặc thị trường lớn; ii) quyết tâm chính trị của lãnh đạo cao cấp trong một liên minh ủng hộ mạnh; iii) các đối tác có lợi ích dài hạn từ thành công của KKT; và iv) môi trường nuôi dưỡng sự sáng tạo và tìm tòi cái mới để tạo ra các doanh nhân công - những người làm ở khu vực công nhưng có tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm và chấp nhận rủi ro.

Điều nghịch lý là ở Việt Nam dường như chỉ có trường hợp tỉnh Bình Dương và khu nam Sài Gòn ở TP.HCM - hai nơi chưa bao giờ được xem là KKT nhưng lại có những yếu tố rất cơ bản của mô hình này và giữ được cả bốn yếu tố trong một giai đoạn nào đó. Thêm vào đó, một số địa phương ở hai vùng gần Hà Nội và TP.HCM như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai và Vũng Tàu cũng gặt hái được một số kết quả nhờ tận dụng được những lợi thế.

Hạt nhân Hà Nội và TP.HCM là rất quan trọng vì các vùng xung quanh đã sử dụng hay được hưởng lợi rất lớn từ những hạ tầng cơ bản cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao đổ dồn về hai nơi này. Tuy nhiên, sự không thành công của một số địa phương ở hai vùng này cho thấy ba yếu tố còn lại cũng hết sức quan trọng.

Đối với các KKT ven biển, gần như tất cả đều không hội đủ cả bốn yếu tố nêu trên, nhất là vị trí. Vấn đề nghiêm trọng là ở chỗ gần như cả vùng duyên hải Việt Nam hiện nay đã là các KKT và chúng giống hệt nhau. Điều này làm các nguồn lực (vốn giới hạn) không thể tập trung lại để tạo ra lợi thế tích tụ.

Điều nghịch lý là ở Việt Nam dường như chỉ có trường hợp tỉnh Bình Dương và khu nam Sài Gòn ở TP.HCM - hai nơi chưa bao giờ được xem là KKT nhưng lại có những yếu tố rất cơ bản của mô hình này và giữ được cả bốn yếu tố trong một giai đoạn nào đó
 

Một mặt, vùng duyên hải Việt Nam cũng có những lợi thế và có tiềm năng để thành công. Vấn đề là thành công sẽ không thể đến cùng lúc với tất cả khu vực này. Vị trí không chỉ là thị trường, kết nối với các hạ tầng cần thiết mà còn là nguồn nhân lực có kỹ năng. Việc thu hút nhân lực chất lượng cao của các KKT ở xa hai vùng Hà Nội và TP.HCM không hề đơn giản. Yêu cầu về môi trường và chất lượng sống của lực lượng lao động có kỹ năng thường rất cao. Do vậy, họ thường đòi hỏi mức thu nhập cao hơn với nơi ở tiện nghi hơn chứ không đơn thuần là mức sống rẻ.

Hiểu nhầm về những nhân tố thành công

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của mô hình KKT là tạo ra các đột phá, hay cải cách thể chế. Khi có được điều này thì những yếu tố khác thường xuất hiện theo. Tuy nhiên, các KKT ở Việt Nam hiện thường chỉ chú trọng đến các lợi ích trực tiếp tính bằng số vốn, số doanh nghiệp, số việc làm hay doanh số, trong khi các lợi ích mềm hay nhân tố động, đặc biệt là vai trò “phòng thí nghiệm chính sách” chưa được quan tâm.

Những thành công hay điểm sáng hầu như không được khuyến khích hay nhân rộng mà có nguy cơ đang bị triệt tiêu, cô lập hay “đồng hóa” bởi hệ thống quan liêu không có động cơ hiện tại. Những gì đang xảy ra đối với những trường hợp từng thành công cho thấy những dấu hiệu này.

Cả Bình Dương và nam Sài Gòn, ngân sách gần như không phải bỏ ra đồng nào nhưng hiện đang là những con gà đẻ trứng vàng cho ngân sách nhà nước cùng với rất nhiều lợi ích kinh tế khác được tạo ra. Tuy nhiên, sự kháng cự không muốn thay đổi đang triệt tiêu sự sáng tạo, nhiệt huyết cũng như ước muốn làm cái mới. Nếu không nhận được sự ủng hộ và đồng thuận từ lãnh đạo cấp cao và không vượt qua được quán tính hay lối mòn hiện tại thì sẽ rất khó cho tương lai của mô hình KKT cũng như những đột phá khác ở Việt Nam.

Ở góc độ địa phương, những gì Quảng Ngãi hay Hà Tĩnh đang có được là rất cám dỗ. Mỗi tỉnh hay mỗi KKT chỉ cần có một dự án hay doanh nghiệp rất lớn là mọi chuyện có thể thay đổi, nhất là về khía cạnh nguồn thu cho ngân sách.

Do vậy, nhiều địa phương sẽ tìm nhiều cách khác nhau để có được những công trình như vậy. Thanh Hóa sẽ dành mọi nỗ lực cho dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bình Định sẽ cố gắng theo đuổi đến cùng dự án nhà máy lọc dầu Nhơn Hội và Phú Yên là nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Khánh Hòa đang rất muốn các nhà đầu tư đến từ Ả Rập thực hiện dự án xây dựng một thành phố hiện đại...

Các địa phương ven biển có một số lợi thế thì tự thân vận động như vậy và các địa phương đã có dự án được chọn thì sẽ cố gắng triển khai. Đối với những địa phương ở những nơi bất lợi khác cũng muốn được trung ương ưu ái để có được những trường hợp giống như Dung Quất. Đây là cách thức tư duy và hành xử có khả năng gây tổn hại rất lớn đến sự phát triển của Việt Nam.

Chạy đua đã chạm đáy

Với hiện tượng như trên, cộng với các chính sách thu hút đầu tư FDI ở tầm quốc gia hiện nay cho thấy ba vấn đề nổi lên.

Thứ nhất, giờ đây các ưu đãi trực tiếp như đất đai hay thuế khóa gần như đã được sử dụng hết ở các địa phương. Nói chung chẳng còn gì để ưu đãi nữa, cửa gần như đã mở toang. Cuộc chạy đua xuống đáy giữa các địa phương thật ra đã chạm đáy.

Các KKT ở Việt Nam hiện thường chỉ chú trọng đến các lợi ích trực tiếp tính bằng số vốn, số doanh nghiệp, số việc làm hay doanh số...
 

Từ trường hợp thành công của Bình Dương, nam Sài Gòn hay những nơi khác ở Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới, nhất là cuộc cạnh tranh cùng kéo nhau lên của các thành phố ở Mỹ, cho thấy để thắng trong cuộc cạnh tranh giành các nhà đầu tư, lao động có kỹ năng và những người có thu nhập cao, các địa phương cần phải tự mình hiệu quả hơn.

Nhìn ở khía cạnh này sẽ thấy những nhân tố tích cực trong cuộc cạnh tranh giữa các địa phương của Việt Nam hiện nay. Bây giờ là lúc cần phải tập trung vào khía cạnh hiệu quả. Ở tầm quốc gia, Nhà nước vẫn nên khuyến khích cuộc cạnh tranh này, nhưng cần có những luật chơi hay khuôn khổ nhất định như điều kiện về môi trường để tránh những tác động tiêu cực như ô nhiễm, trở thành bãi thải công nghệ của thế giới.

Thứ hai, nhu cầu của các địa phương đang rất lớn trong khi nguồn lực ngân sách có giới hạn. Do vậy, cần phải có cách thức phân bổ nguồn lực hợp lý.

Trước mắt, nên dành nguồn lực cho những nơi đang có năng suất cao, có khả năng tạo ra nhiều giá trị cho nền kinh tế. Đối với những nơi không có khả năng phát triển thì nguồn lực chỉ tập trung cho các vấn đề an sinh xã hội. Ta nên tránh tình trạng phân bổ cho mỗi nơi một siêu dự án để rồi rơi vào vết xe đổ của các KKT hiện nay. Nói chung, nên theo nguyên tắc tập trung có trọng điểm, làm cho cái bánh lớn lên trước khi tính đến việc chia chiếc bánh.

Thứ ba, thực chất việc các địa phương muốn có các KKT hay các dự án lớn chỉ là cách thức để tranh thủ hay xin nguồn ngân sách cũng như sự tự chủ về mặt chính sách. Khi vào thực tế, mỗi nơi sẽ phản ứng theo những tín hiệu của thị trường hay nhu cầu của các nhà đầu tư.

Nếu một dự án nào đó nằm ngoài KKT thì địa phương cũng có cách để nó có được những mức ưu đãi hết mức bằng việc mở rộng KKT. Với tình trạng này và sự cạnh tranh như hiện nay, KKT hiểu theo nghĩa là có địa giới hành chính với cơ chế đặc biệt dường như không còn lợi thế nữa.

Do vậy, có thể chọn mô hình khu đơn xưởng cung cấp các khuyến khích và ưu đãi cho từng doanh nghiệp chứ không quan tâm đến địa điểm. Các doanh nghiệp không cần phải đặt trong một khu được thiết kế sẵn để có thể nhận được các khuyến khích và ưu đãi. Hơn thế, cách tiếp cận này có thể kết hợp được những lợi thế của mô hình cụm ngành, đồng thời tránh được tình trạng quy hoạch treo.

Để giải quyết trục trặc của các KKT, ở tầm quốc gia, Việt Nam chỉ nên tập trung nguồn lực hiện có vào một hoặc hai vùng kinh tế hội đủ bốn yếu tố. Các trường hợp còn lại thì để các địa phương tự quyết với một quyền tự chủ lớn hơn, nhưng trung ương cũng nên nuôi dưỡng và khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương. Khi đó, các địa phương đã có KKT có thể xem xét thu hẹp quy mô để tập trung vào phần khả dĩ nhất hoặc kết hợp với mô hình đơn xưởng và tiếp cận cụm ngành.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận