TTCT - Hot dog, món ăn nhanh phổ biến tại Mỹ gồm một chiếc xúc xích kẹp trong bánh mì, ăn kèm phô mai, mù tạt vàng hoặc tương ớt, đã tạo nên những đóng góp to lớn cho quan hệ quốc tế của nước này trong suốt hơn 80 năm qua. Cảnh vua George VI (diễn viên Samuel West thủ vai) ăn hot dog tại bữa tiệc với tổng thống Franklin D. Roosevelt được tái hiện trong phim Hyde Park on Hudson (2012).Những chiếc hot dog nổi tiếng nhất trong lịch sử được dọn ra trong một bữa tiệc dã ngoại ngày 11-6-1939, với thành phần tham dự gồm những người đầy quyền lực: vua và nữ hoàng Anh cùng vợ chồng tổng thống Mỹ.“Thượng đỉnh hot dog”Năm 1939, vua George VI của Vương quốc Anh và nữ hoàng Elizabeth (song thân của nữ hoàng hiện tại) đi xuyên Đại Tây Dương để thăm chính thức cấp nhà nước Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Franklin Delano Roosevelt. Chuyến đi Mỹ của quốc vương Anh diễn ra khi chiến tranh đang rình rập ở châu Âu song tâm điểm thu hút truyền thông lại là món hot dog.Lịch trình của các vị khách hoàng gia cũng như bao chuyến viếng thăm cấp cao khác: tham quan ngắm cảnh thủ đô Washington D.C, bữa tối chính thức cấp nhà nước và một bữa tiệc lớn tại Đại sứ quán Anh. Điểm khác biệt là chủ nhà còn mời vua và nữ hoàng đến thăm tư gia ở Hyde Park (bang New York), sau đó cùng đi picnic và ăn trưa ngoài trời.Phòng ăn Nhà Trắng sẽ bị thay thế bởi hiên nhà ở vùng nông thôn, các món cao lương mỹ vị sẽ thay bằng chiếc bánh quốc dân. “Đây là dịp để nhà vua và hoàng hậu tham gia một loại hình văn hóa của chủ nghĩa quân bình (bình đẳng cho tất cả mọi người), khác với những gì họ thường làm ở châu Âu dưới ảnh hưởng của sự phân cấp và chế độ đãi ngộ dành cho hoàng gia” - tiến sĩ Ashley Rose Young, nhà sử học thực phẩm của Viện Smithsonian, nhận xét với trang Atlas Obscura.Không khó đoán, sự hoán đổi này đã khiến nhà vua có chút lúng túng. Theo lời tường thuật nhiều năm sau đó từ James, con trai của Roosevelt, vua Anh nhìn vào chiếc hot dog trên dĩa giấy và nói: “Tôi phải làm gì đây?”. Bấy giờ, Roosevelt trả lời: “Hãy bỏ nó vào miệng và nhai cho đến khi ngài ăn hết”. Hiệu quả của việc thết đãi chưa từng có tiền lệ này? Hãy đọc dòng tít trên tờ The New York Times số hôm sau (12-6-1939): "Nhà vua thử hot dog và gọi thêm cái nữa”. Bài báo cho biết vua George VI dùng 2 cái hot dog và uống một vại bia - một bữa ăn “không thể Mỹ hơn”. Bài báo trên kho lưu trữ của New York TimesMặc dù vua George VI chưa bao giờ đến thăm nhà riêng một tổng thống trước đó, mọi lời tường thuật lại đều kể rằng người đứng đầu hoàng gia Anh và nhà lãnh đạo Mỹ trở nên thân thiết với nhau rất nhanh. Các sử gia sau này cho rằng quan hệ nồng ấm giữa Mỹ và Anh sau “thượng đỉnh hot dog” có vai trò lớn trong việc Mỹ quyết định giúp Anh khi Chiến tranh thế giới lần 2 xảy ra (chỉ 3 tháng sau chuyến thăm Mỹ của nhà vua, Anh chính thức tuyên chiến với Đức).“Tầm quan trọng của chuyến thăm này đã được công nhận nhiều hơn trong 20 năm qua. Đó là một thành công to lớn về quan hệ đối ngoại cho cả hai chính phủ. Tôi nghĩ rằng sự thân tình thực sự đã xuất hiện giữa Franklin Delano Roosevelt và nhà vua, và nó đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Anh - Mỹ” - tiến sĩ David B. Woolner, học giả Viện Roosevelt, nói với tạp chí Hudson Valley năm 2012.Trước gia đình hoàng gia Anh, nhà Roosevelt cũng từng tổ chức một bữa ăn như vậy với món hot dog để tiếp đãi công chúa Louise của Thụy Điển khi bà đến thăm Hyde Park vào năm 1938. Nhưng phải đến chuyến thăm của hoàng gia Anh thì cách tiếp đón này mới tạo nên một “cơn sốt” truyền thông. Báo chí ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương đưa tin cụ thể đến từng chi tiết: nào là dĩa giấy thay vì đồ bạc, hoàng gia từ bỏ nghi thức thông thường và bắt tay với khách, nào là trang phục giản dị của đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt - một bộ đồ thể thao cũ bằng vải cotton trắng in hình hoa hồng...Thực đơn của buổi chiêu đãi cũng có bánh mì nâu Boston và bánh quy kẹp dâu tây, nhưng hot dog mới là món được các báo chọn “giật tít”. Đến nỗi, những năm sau đó, mỗi khi nhắc về sự kiện này, người ta chỉ nhớ đến chi tiết món hot dog. Nó còn được đề cập trong cáo phó khi vua George VI qua đời năm 1952 và trong tin tức khi dinh thự Hyde Park được rao bán lại năm 1968.Vì sao lại là hot dog?Theo tiến sĩ Young, rất khó để xác định một món có thể đại diện cho cả nền ẩm thực Mỹ. Ngày nay, người ta có thể nói tới McDonald’s hay các loại thức ăn nhanh tương tự, nhưng trong quá khứ, từ những năm 1800 đến năm 1950, hot dog mới là món phổ biến khắp đất nước. Còn theo tiến sĩ Seth Tannenbaum, trợ lý giáo sư ngành nghiên cứu thể thao tại Manhattanville College, chìa khóa cho sự lan tỏa của hot dog là môn bóng chày - khởi đầu bằng việc các sân vận động ở vùng đông bắc bán hot dog để khán giả có thứ mà nhấm nháp trong lúc theo dõi trận đấu, đâu đó vào khoảng năm 1901.Song lý do mà gia đình Roosevelt chọn hot dog có lẽ không gì ngoài những ưu điểm của món này: ngon, tiện, thân mật, và ai cũng dễ làm quen. Mặc dù theo Hội đồng xúc xích và hot dog quốc gia Mỹ, có đến 18 phiên bản khác nhau của món này được biến tấu theo từng vùng miền, nhưng về cốt lõi, chúng vẫn mang những đặc trưng trên. Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và thị trưởng New York Michael Bloomberg cùng ăn hot dog mua bên đường. Ảnh chụp tháng 7-2010 của Reuters.Món ăn ngoại giaoChính bữa trưa dã ngoại đặc biệt ở Hyde Park đã khiến hot dog thành “mốt” ẩm thực ở Mỹ - trong những tháng tiếp theo, doanh số hot dog của các nhà bán lẻ tăng thêm gần 500 tấn so với trước đó. Nó cũng khơi nguồn cho chiến lược đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Mỹ: ngoại giao bằng hot dog.15 ngày sau khi tiếp đón vua George VI và nữ hoàng Elizabeth, nhà Roosevelt đã mời thái tử Olav và công chúa Martha của Na Uy đến dùng bữa. Tiếp đó, Đại sứ quán Mỹ tại Pháp cũng tiếp đãi các nhà ngoại giao với món ngon này, chỉ khác là không có bánh mì kẹp. Vào năm 1943, trong Thế chiến thứ hai, Đại sứ quán Mỹ ở Matxcơva đã tổ chức một bữa tiệc mừng Quốc khánh nước Mỹ 4-7 với bánh mì kẹp xúc xích và mù tạt vàng, nhâm nhi với rượu vodka.Sự chú ý từ giới truyền thông đánh dấu sự bùng nổ của văn hóa ngoại giao hot dog trong khoảng 10 năm đầu, song chính những nỗ lực có chủ đích của các nhà ngoại giao Mỹ đã mang đến sự thành công bền bỉ của chính sách này.Điển hình là vào năm 1954, Chính phủ Mỹ đã vận chuyển 100 chiếc xúc xích, bánh mì kẹp và cả mù tạt cho nữ hoàng Elizabeth II mới lên ngôi một năm trước đó. Hai năm sau, chính tân nữ hoàng cũng bắt đầu chiêu đãi hot dog cho các thành viên của Hiệp hội Luật sư Mỹ đến thăm cung điện Buckingham, theo một phong cách rất Mỹ: thưởng thức bữa ăn kiểu gia đình, thoải mái hút thuốc lá và xì gà trên bãi cỏ - những điều mà các vị khách được mời đến những bữa tiệc sân vườn của nữ hoàng trước đấy không được phép làm. Tổng thống Mỹ Bill Clinton và chủ tịch Palestine Yasser Arafat dùng hot dog sau hội nghị ở Na Uy năm 1999. Ảnh: Sharon FarmerCựu thủ tướng Anh David Cameron có ít nhất 2 lần được chào đón bằng ngoại giao hot dog khi đến Mỹ: ăn trưa tại một xe bán hot dog ở công viên trung tâm New York với thị trưởng Michael Bloomberg tháng 7-2010, và khi cùng xem một trận bóng rổ sinh viên với tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 3-2012. Khi còn tại nhiệm, ông Obama cũng từng đãi tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy món bánh mì kẹp xúc xích đặc sản tại nhà hàng Ben’s Chili Bowl ở Washington D.C vào năm 2010. Trước đó, nhà lãnh đạo Pháp cũng dùng hot dog tại nhà nghỉ dưỡng Kennebunkport của cựu tổng thống George W. Bush vào năm 2007.Năm 1999, tổng thống Bill Clinton đã gặp thủ tướng Israel Ehud Barak và chủ tịch Palestine Yasser Arafat tại Na Uy, với mục tiêu đàm phán hòa bình ở Trung Đông. Ba người đàn ông kết thúc phiên đàm phán bằng một bữa ăn với hot dog.Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron vừa ăn hot dog vừa xem một trận bóng rổ sinh viên ở Ohio, tháng 3-2012. Ảnh: Getty ImagesLần gần nhất chính sách ngoại giao hot dog còn được đưa lên các tựa báo là vào năm 2009, khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Lúc bấy giờ, chính quyền Obama cho phép các đại sứ Mỹ mời những đại diện của Chính phủ Iran đến tham dự các hoạt động mừng Quốc khánh Mỹ. Tờ The New York Times liền giật tít “Khởi đầu mới ở Iran với hot dog”. Tuy nhiên, vài tuần sau, các nhà ngoại giao Mỹ đã rút lại lời mời sau khi Chính phủ Iran đàn áp dữ dội các cuộc biểu tình chống lại kết quả bầu cử tân tổng thống.Atlas Obscura nhận định các lãnh đạo và nhà ngoại giao Mỹ vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại bằng hot dog dù công cụ này chẳng còn là thỏi nam châm thu hút truyền thông như ban đầu.■Thành công của chính sách đối ngoại này không thể không có dấu ấn của truyền thông. Báo chí theo những sự kiện thế này luôn háo hức chờ đợi cảnh tượng những người quyền lực thưởng thức thức ăn bình dân. Điển hình là các tấm ảnh nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev lần đầu ăn hot dog “tư bản” trong chuyến thăm Công ty đóng gói Des Moines ở Iowa năm 1959. Một ống kính phóng viên đã bắt trọn khoảnh khắc ông Khrushchev và đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Henry Cabot Lodge cười sảng khoái khi ăn hot dog. Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev thích thú với chiếc hot dog trong chuyến đến Mỹ năm 1959. Ảnh: Getty Images Tags: MỹẨm thựcNgoại giaoHot DogNgoại giao hot dogVua geogre viFranklin D. Roosevelt
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.
Trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho hai phi công lái máy bay Yak-130 gặp nạn NAM TRẦN 23/11/2024 Lễ trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho hai đại tá phi công Nguyễn Văn Sơn và thượng tá Nguyễn Hồng Quân đã diễn ra vào chiều nay 23-11.
Đề xuất xây nhà thi đấu Phan Đình Phùng với 1.850 tỉ đồng, năm 2028 đưa vào sử dụng ÁI NHÂN 23/11/2024 Theo dự án, thời gian thực hiện sẽ là 5 năm và năm 2028 hoàn thiện công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Đặt hàng 2 hôm đã có 'shipper dỏm' gọi, dù đơn mới thông quan CÔNG TRIỆU 23/11/2024 Rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ Online liên quan đến câu chuyện bị 'shipper' mắng xối xả, lừa chuyển khoản để nhận hàng dù không đặt, cho thấy đây đúng là một vấn nạn đang tồn tại và gây nhức nhối.