Nhân dân tệ có thành “đôla mới” của Nga?

D.KIM THOA 12/03/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Sau khi Mỹ và EU liên tiếp công bố các lệnh trừng phạt kinh tế và loại Nga khỏi các hệ thống thanh toán thông dụng toàn cầu như SWIFT, giới quan sát nhận định thời gian tới Nga sẽ phải “ngả” về đồng nhân dân tệ nhiều hơn.

Thực tế, từ khá lâu trước khi xảy ra xung đột quân sự tại Ukraine, các lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã thường xuyên thảo luận về việc tăng cường sử dụng đồng tiền quốc gia của hai nước trong thanh toán song phương. 

Lần gần nhất, theo Trung tâm Carnegie Moscow, là ở cuộc điện đàm hồi cuối tháng 6-2021. 

Trong khi Matxcơva hy vọng tránh được tổn thất do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Bắc Kinh mong muốn xây dựng và thúc đẩy các hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ, qua đó tăng vị thế quốc tế của đồng tiền này.

 
 Ngân hàng Alfa Bank (trong ảnh là hình chụp một chi nhánh) cho biết các khách hàng dùng thẻ Visa và Mastercard của họ sẽ gặp nhiều hạn chế trong sử dụng kể từ 10-3. Ảnh: Bloomberg News

Lựa chọn nào cho Nga?

Tình huống hiện nay buộc Nga phải tìm đến những giải pháp thanh toán quốc tế khác, và là tự nhiên khi họ phải trông cậy vào những hệ thống thanh toán thẻ và chuyển tiền quốc tế đã có sẵn hạ tầng quy mô lớn tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đồng thời không cấm vận họ - Trung Quốc. 

Giới quản lý Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc đã nói rõ họ sẽ tiếp tục duy trì giao dịch kinh tế và thương mại bình thường với Matxcơva sau khi Mỹ và EU tuyên bố trừng phạt mạnh mẽ vì cuộc chiến ở Ukraine.

Ngày 6-3, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết kể từ sau ngày 9-3, các thẻ tín dụng do ngân hàng Nga phát hành sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế Visa và Mastercard sẽ dừng tính năng thanh toán quốc tế. 

Trong số các thẻ ghi nợ (debit) và thẻ tín dụng (credit) phát hành tại Nga, thẻ của Visa và Mastercard chiếm khoảng 74% số giao dịch thanh toán năm 2020, theo thống kê của Nilson Report.

Một số ngân hàng Nga có kế hoạch chuyển sang dùng hệ thống UnionPay của Trung Quốc, hiện đã được kích hoạt tại 180 quốc gia/vùng lãnh thổ, nếu thanh toán online được chấp nhận tại hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ, theo Wall Street Journal.

Thực tế nhiều ngân hàng Nga cũng đã sử dụng UnionPay và tới đây các ngân hàng như Sberbank, Alfabank và Tinkoff dự kiến phát hành thẻ đồng thương hiệu, liên kết giữa hệ thống thanh toán nội địa Mir của Nga và UnionPay. 

Trong khi đó, Ngân hàng Gazprombank thông báo các khách hàng có thể dùng thẻ của họ liên kết với UnionPay hoặc JCB (Nhật Bản) để giao dịch quốc tế.

Theo trang web của Tổ chức Carnegie Endowment, nếu các ngân hàng Nga rốt cuộc bị cắt đứt khỏi các hạ tầng thanh toán chính của Mỹ và EU, thương mại giữa Nga và đối tác lớn nhất của họ là Trung Quốc sẽ phải đi qua các kênh khác. 

Căn cứ vào tình hình đồng rúp mất giá, có lẽ đồng nhân dân tệ sẽ được lựa chọn. Theo đó, nếu không sử dụng SWIFT, vẫn còn nhiều lựa chọn khác sẵn có để tiến hành các thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, mà trước hết phải nhắc đến là Hệ thống Thanh toán quốc tế xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc.

Báo South China Morning Post dẫn ý kiến chuyên gia phân tích cho rằng cả đồng nhân dân tệ điện tử (e-CNY) và CIPS đều có khả năng tạo thuận lợi cho thanh toán quốc tế và tránh được các lệnh trừng phạt đang áp với Nga.

Trung Quốc không chỉ có CIPS mà còn có Hệ thống Thanh toán quốc gia tiên tiến của Trung Quốc (CNAPS) mà ngân hàng VTB - tổ chức tài chính lớn thứ hai của Nga vừa bị loại khỏi SWIFT - là một thành viên. 

Mới đây, VTB cũng nói họ có thể tránh được dễ dàng việc dùng SWIFT khi thanh toán bằng nhân dân tệ giữa các công ty Nga và Trung Quốc nhờ sử dụng CNAPS.

Hôm 6-3, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo nhiều ngân hàng trong nước đã lên kế hoạch phát hành thẻ thanh toán sử dụng hệ thống UnionPay của Trung Quốc sau khi Visa và Mastercard tuyên bố dừng cung cấp dịch vụ thanh toán cho các ngân hàng Nga. -Ảnh: Gaming Deputy

 

Đồng nhân dân tệ có lên ngôi?

Đã có ý kiến cho rằng việc loại Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế có thể gây hậu quả ngoài ý muốn với phương Tây, đó là tạo điều kiện cho sự ra đời của một hệ thống kinh tế - thương mại toàn cầu mới hoàn toàn trên nền tảng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Ông Steve Hanke, giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins, nói với trang Yahoo Finance (Anh) rằng “việc loại Nga khỏi hệ thống thanh toán chủ yếu bằng đồng USD thoạt đầu có thể chưa gây nhiều tác động với USD, nhưng về lâu dài, đó có thể là một vấn đề khác”. 

Theo ông, “chuyện này sẽ tạo điều kiện cho những nhân tố thách thức với hệ thống thanh toán quốc tế mà đồng USD chiếm ưu thế”.

Một trong những nhân tố thách thức lớn nhất chính là CIPS - do Trung Quốc thành lập từ năm 2015 và hiện mới đang xử lý một phần các giao dịch quốc tế. Nhưng tình thế có thể sẽ khác đi nếu Nga bị buộc phải dựa vào CIPS để thực hiện giao dịch quốc tế của họ. 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc so sánh việc các nước phương Tây loại các ngân hàng Nga khỏi SWIFT với việc sử dụng “vũ khí hạt nhân tài chính”. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng động thái đó đã mở ra cơ hội cho hệ thống CIPS của Trung Quốc và đồng nhân dân tệ.

Theo ông Hanke, sự can thiệp chính trị gần đây với SWIFT đã “thúc đẩy sự phát triển và sử dụng hệ thống CIPS, bất kể việc Nga có dùng nó hay không”. 

Tuy nhiên, nếu Matxcơva lệ thuộc nhiều hơn vào CIPS, điều đó sẽ giúp Trung Quốc tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ bên ngoài biên giới của họ và tăng vị thế quốc tế hóa cho đồng tiền này.

Chuyên gia Anders Corr, chủ bút tạp chí Journal of Political Risk có trụ sở tại New York (Mỹ), đồng tình quan điểm cho rằng các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga sẽ “thúc đẩy quốc gia này ngả về nền kinh tế Trung Quốc, vì thông qua đó Nga có thể thực hiện hầu hết các hoạt động thương mại của họ cho tới khi các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ”.

Ông Corr cũng tin là việc này có thể khiến Bắc Kinh có được lợi thế “trên cơ” trong các giao dịch với Nga. Theo ông Corr, Matxcơva “trong tương lai có thể phải chấp nhận những hợp đồng giao dịch bằng nhân dân tệ hoặc thậm chí phải giảm giá 10% cho hàng hóa xuất khẩu so với giá thị trường thế giới”. 

Cũng cần nhắc lại là trong nhiều năm qua, cùng với việc triển khai dự án “Vành đai - con đường” tại nhiều quốc gia, Bắc Kinh đã phần nào thúc đẩy độ “phủ sóng” đồng tiền của họ ở các nước.

Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào tin là đồng nhân dân tệ sẽ “lên ngôi” và cạnh tranh được với vị thế số 1 của đồng USD. Ông Steve Tsang - giám đốc Viện Trung Quốc, Trường nghiên cứu Đông phương và Phi châu, Đại học London - cho rằng mức độ phổ biến của đồng nhân dân tệ vẫn còn hạn chế và không dễ để đồng tiền này trở thành đồng tiền toàn cầu. 

“Mặc dù Nga sẽ dùng nhân dân tệ nhiều hơn, nhưng nhân dân tệ không thể thay USD trở thành đồng tiền toàn cầu vì bất cứ đồng tiền nào muốn được chấp nhận là tiền tệ toàn cầu hay một đồng tiền dự trữ chính sẽ phải có thể được hoàn toàn tự do chuyển đổi”, chuyên gia này phân tích.

Chuyên gia Tsang chỉ ra những dấu hiệu cho thấy, ít ra về mặt kinh tế, thế giới đang trong quỹ đạo tiến đến một thời kỳ Chiến tranh lạnh mới mà ở đó một cực sẽ gồm Nga và các đồng minh thân thiết, cực còn lại sẽ gồm các nước phương Tây. 

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Trung Quốc sẽ duy trì một cách tiếp cận thận trọng và thực dụng vì những lợi ích của họ để tránh “các lệnh trừng phạt thứ hai nhắm vào các tổ chức của Trung Quốc”.

Mặc dù Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ cấu thành Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của tổ chức này từ năm 2016, song những dữ liệu mới nhất công bố trong quý 4-2020 cho thấy đồng nhân dân tệ vẫn chỉ chiếm khoảng 2,25% các quỹ dự trữ quốc tế.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất thế giới khi chiếm khoảng 13,5% lượng xuất khẩu và 11,4% lượng nhập khẩu toàn cầu, nhưng đồng nhân dân tệ vẫn chỉ chiếm 1,7% tổng giá trị giao dịch thanh toán quốc tế tính tới tháng 6-2021 (so với 38,4% của đồng USD và 39% của đồng euro).

Như vậy, quy mô kinh tế khổng lồ của Trung Quốc vẫn chưa giúp nâng vị thế quốc tế tương xứng cho đồng nhân dân tệ thời gian qua. Thực tế này được dự báo sẽ thay đổi sau những biến cố ở châu Âu vừa qua.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận