Nhân sự ngành hàng không thế giới: Từ sa thải hàng loạt đến đôn đáo tìm người

PHAN BẢO 28/06/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Thời kỳ dịch COVID-19 hoành hành, ngành hàng không từng khuyến khích nhân sự nghỉ việc, thậm chí sa thải hàng loạt để cắt giảm chi phí. Hiện tại, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu đi lại và du lịch đang dần phục hồi, ngành này lại đang phải chạy đua để tuyển lao động.

 
 Hành khách xếp hàng tại quầy làm thủ tục ở Sân bay Malaga-Costa del Sol (Tây Ban Nha) ngày 4-6-2022. Ảnh: REUTERS

Tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng, từ phi công cho đến tiếp viên hàng không và nhân viên ở nhiều bộ phận khác, dẫn đến chậm, hủy chuyến, đang là bài toán nan giải cho hàng loạt hãng hàng không và sân bay trải dài từ châu Âu sang châu Mỹ và cả châu Á. Theo Bloomberg, những tuần qua các khách bay ở Sydney phải chờ hàng giờ để làm thủ tục. Từ những sân bay Ấn Độ đến châu Âu, tình trạng gián đoạn và hỗn loạn liên tục diễn ra. Điển hình là Hãng Deutsche Lufthansa AG đã hủy hàng trăm chuyến bay.

Là mắt xích quan trọng trong vận tải hàng không, các công ty dịch vụ mặt đất cũng không tránh được cuộc khủng hoảng nhân sự này. Swissport, hãng dịch vụ hàng không có mặt tại 285 sân bay trên toàn cầu, cho biết đang cần tuyển đến 30.000 nhân viên chỉ riêng cho mùa hè này. Công ty đã “chia tay” khoảng 20.000 trong số 65.000 nhân viên của mình trong 2 năm dịch giã. Các hãng dịch vụ sân bay khác như Dnata, John Menzies và Esken cũng tất bật tuyển nhân sự.

Phũ phàng và o bế

Hai tác giả Tim Wallace và Louis Ashworth của báo Telegraph nhận xét vui rằng lúc này ở Anh, làm nhân viên ngành hàng không tốt hơn là làm khách du lịch. Ngành hàng không Anh thu hút tới 81.000 nhân viên vào tháng 3-2020, nhưng con số này đã giảm xuống còn 70.000 vào tháng 3 năm nay và từng chạm đáy 66.000 người hồi năm ngoái. Giữa cơn thiếu hụt nhân sự chưa từng có tiền lệ, chất lượng dịch vụ kém là điều không thể tránh khỏi.

Rủi thay cho hành khách và các doanh nghiệp hàng không, họ không phải ngành duy nhất đang trong cơn khát nhân sự. Ước tính thị trường lao động Anh cần đến 1,3 triệu lao động trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5. Theo Telegraph, lượng người hiện đang tìm việc ở Anh cũng chính bằng con số 1,3 triệu trên - tỉ lệ 1:1 này chưa từng xảy ra trong 20 năm qua. Một phần nguyên do là vì lực lượng lao động đang dần thu hẹp, nhiều người mắc những căn bệnh kéo dài hoặc quyết định nghỉ hưu sớm sau 2 năm dịch bệnh. Điều này khiến cuộc chạy đua tuyển người càng khắc nghiệt hơn.

Trước đại dịch, cứ mỗi vị trí trống sẽ có 1,6 người lao động cạnh tranh. Năm 2015, tỉ lệ này là 2,5:1, và 10 năm trước là 5:1. Lúc đó, các ông chủ có quyền tuyển chọn đúng nghĩa trong số các ứng viên tiềm năng; còn giờ đây, quyền lựa chọn thuộc về người lao động. Và họ không nhất thiết phải chọn quay lại nơi đã “phũ” với mình khi trước.

Giữa tâm bão COVID-19, nhiều hãng hàng không xử lý tình trạng thừa nhân sự bằng cách sa thải tạm thời. Vấn đề là các hãng bay không giữ liên lạc với những nhân viên bị tạm cho nghỉ việc, và với những người được trở lại sau đó, giới chủ “nhanh chóng đuổi việc hoặc tìm cách thay đổi điều khoản hợp đồng lao động với họ” - Tony Wilson, đến từ Viện Nghiên cứu việc làm Anh, nói với The Telegraph.

Theo Wilson, nhân sự ngành hàng không không những có thể làm vô số nghề trái ngành khác ít biến động hơn, mà còn có rất nhiều cơ hội việc làm với đãi ngộ tốt và tương lai đảm bảo hơn. Ví dụ, các nhân viên vận tải và logistics ở sân bay có thể làm công việc tương tự ở các siêu thị hoặc nhà xưởng.

Báo cáo với các nghị sĩ quốc hội tại phiên điều trần của Ủy ban Lựa chọn chiến lược kinh doanh, năng lượng và công nghiệp Anh hôm 14-6, Oliver Richardson - viên chức vận tải hàng không dân dụng của Unite the Union, hiệp hội công đoàn lớn nhất của Anh - nhận định chính làn sóng sa thải hàng loạt bất chấp quyền lợi của người lao động trong thời kỳ đại dịch đã khiến ngành hàng không không còn hấp dẫn như trước.

Danny Brooks, thuộc Công ty tư vấn Virtual Human Resources, cho rằng người lao động rời khỏi ngành để tránh chu kỳ “bùng nổ và suy thoái”, cũng như từ giã môi trường làm việc áp lực cao và thời gian làm việc trái với thời gian giao tế bình thường.

Các hãng hàng không và công ty trong ngành đang cố gắng tạo ra điều kiện và thời gian làm việc hấp dẫn, linh hoạt hơn, đưa ra mức lương cao hơn để thu hút nhân sự, dù làm vậy có thể tốn kém và mất nhiều công sức hơn. Số liệu của trang đăng tin tuyển dụng Indeed cho thấy bên cạnh sự gia tăng lên đến 34% về lượng tin tuyển phi công, kỹ sư hàng không, thợ kỹ thuật máy bay và tiếp viên hàng không, mức lương trung bình cho nhân viên tiếp nhận hành lý cũng tăng 9%, lên 10,88 euro/giờ, trong quý 2 năm nay. Giám đốc điều hành Liên đoàn Việc làm và tuyển dụng Neil Carberry nhận xét: “Đối với nhiều vị trí, như tiếp nhận hành lý và nhân viên bảo vệ, lương là một trong những nhân tố quyết định vị trí đó có hấp dẫn hay không”.

Tuy nhiên, các công ty logistics thuộc các ngành khác cũng đang rất cần nhân sự cho những vị trí tương tự. Vì vậy, áp lực cạnh tranh tuyển dụng là không hề nhỏ. Theo Carberry, người lao động trong phân khúc vẫn thường được gọi là lao động chân tay thường được trả lương theo giờ và nằm cuối thang đo bình đẳng thu nhập, nên chỉ 1-2 euro chênh lệch mỗi giờ, hoặc điều kiện làm việc tốt hơn, cũng đủ khiến họ nhảy việc.

Mặc dù nhận định mức tăng lương kể trên là “nhiều đến ngỡ ngàng”, Jack Kennedy - làm việc cho Indeed - dự đoán cơn khủng hoảng nhân sự hiện tại sẽ không sớm chấm dứt.

Ngay trong khu vực Đông Nam Á, có hơn 6.600 việc làm cần tuyển dụng cho sân bay Changi khổng lồ của Singapore, theo báo Straitstimes. Ngành hàng không Singapore đã tổ chức hội chợ việc làm kéo dài 2 ngày hồi cuối tháng 5 để thu hút từ sinh viên mới tốt nghiệp đến các chuyên gia trung cấp và cựu nhân viên hàng không đã nghỉ việc trong thời kỳ khó khăn do COVID-19. Tuyển dụng tại sân bay Changi tập trung vào các vị trí phục vụ hành khách ở tuyến đầu, vận chuyển hàng hóa, bán lẻ và lau dọn.

Trước COVID-19, vận tải hàng không và chi tiêu của khách du lịch nước ngoài đến Singapore bằng đường hàng không đóng góp 11,8% cho nền kinh tế và tạo nên 375.000 việc làm, theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA).

 

Nhiều cái khó

Dịp cuối tuần trong kỳ nghỉ Memorial Day (30-5), các hãng hàng không Mỹ đã hủy hơn 2.800 lượt bay và hoãn bay 20.644 hành khách, theo số liệu của trang web theo dõi chuyến bay FlightAware do báo The Guardian ghi lại.

Các chuyên gia cảnh báo đó chỉ mới là mở đầu cho một mùa du lịch hè đầy biến động vì thiếu phi công, nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên, giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục và những bất đồng về việc nên hay không duy trì các quy định phòng COVID-19.

Theo Cục Thống kê lao động Mỹ, số lượng phi công và kỹ sư hàng không đã giảm gần 4%, từ 84.520 người vào tháng 5-2019 xuống còn 81.310 người vào tháng 5-2021. Quốc gia này sẽ cần khoảng 14.000 phi công mới mỗi năm trong thập niên tới. Theo Michael Taylor - trưởng bộ phận phân tích dữ liệu tại JD Power, một công ty nghiên cứu người tiêu dùng, sự thiếu hụt đó khiến những người muốn đi du lịch vào mùa hè này có thể sẽ có ít lựa chọn hơn so với trước đại dịch.

Hiện các hãng hàng không Mỹ đang thực hiện nhiều giải pháp để đối phó tình trạng nghiêm trọng này. Đào tạo phi công là một cách, nhưng cách này có thể mất nhiều thời gian, không thể ngay lập tức giải quyết tình trạng chuyến bay bị cắt giảm, nhất là khi ngành này cần hơn 12.000 phi công trong năm nay, nhiều gấp đôi so với kỷ lục hằng năm trước đó, theo Kit Darby - một nhà tư vấn trả lương cho phi công và là một cơ trưởng đã nghỉ hưu của Hãng United Airlines.

Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao và những áp lực lên nền kinh tế khiến nhu cầu đi lại bằng máy bay có thể không kéo dài; mặt khác, giá vé máy bay đã tăng mạnh; lạm phát cũng làm tăng chi phí sinh hoạt và có thể khiến người tiêu dùng ngần ngại du lịch. Vì vậy, nếu đưa tất cả máy bay hoạt động trở lại và đẩy mạnh tuyển dụng, các hãng hàng không có khả năng đối mặt với vấn đề dư thừa công suất về cả số máy bay lẫn nhân lực sau cao điểm du lịch hè.

Tuy nhiên, vẫn có những hãng chọn cách “mở hầu bao” để giải quyết khó khăn trước mắt. Theo CNBC, Piedmont Airlines và Envoy Air, 2 công ty con thuộc sở hữu của Tập đoàn American Airlines từng bị mất tổng cộng 125 phi công trong 2 năm COVID-19, vừa công bố tăng 50% lương cho phi công đến hết tháng 8-2024. Một số hãng hàng không như Frontier và hãng hàng không khu vực SkyWest Airlines đang tuyển phi công từ Úc theo thị thực đặc biệt để giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt, nhưng con số này rất nhỏ so với mục tiêu tuyển dụng của họ.■

 
 Simon, cơ phó hãng TUI Airways, phải xuống làm việc của nhân viên mặt đất vì quá thiếu người. Ảnh cắt từ clip

Hồi đầu tháng 6, cơ phó của Hãng TUI Airways phải rời buồng lái để xắn tay áo phụ giúp đưa vali lên máy bay, trong khi tổ tiếp viên đảm nhiệm luôn khâu phân loại hành lý, bởi không đủ nhân viên phục vụ hành lý tại sân bay Manchester và chuyến bay đã bị trễ 32 tiếng, theo tờ Financial Times.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận