Vai trò giảm bớt của hoàng gia Nhật hiện nay không đồng nghĩa là sự sa sút của quý tộc. Thiên hoàng Akihito sẽ thoái vị, triều đại mới ở Nhật Bản sẽ bắt đầu từ 1-5-2019. Ảnh: The Japan Times Theo lời một bạn Nhật ở Nhật, thì người Nhật có tính rất tuân thủ và thượng tôn. Cho nên khách đến Nhật ai cũng thấy trật tự, ổn định, quy củ, sạch sẽ... và lại cả dễ mến nữa, thí dụ như giúp đỡ người lạ đi lạc. Hỏi đường họ sẽ cầm tay bạn dắt đến tận chỗ, nhưng đó là vì xã hội đòi hỏi họ phải hành xử như vậy, chứ không đòi hỏi họ dắt người lạ ra chỗ khuất và trấn lột. Bạn Nhật này không có dịp ra nước ngoài nhiều nên bạn đoán là ở một nơi khác, không có áp lực của xã hội phải tuân thủ, thì người Nhật sẽ hành xử khác hẳn. Bạn hỏi tôi, người từng gặp người Nhật ở nhiều nơi khác trên thế giới, là có phải thế không. Họ có nói to trên di động khi dùng phương tiện công cộng ở Paris hay New York thì tôi không biết và cũng không quan sát kỹ. Nhưng điều chắc chắn là khi ở Nam Kinh (1937), ở Manila (1945), ở Cao Ly trong mấy thập kỷ, người Nhật không dễ mến chút nào và gặp ai họ cũng chặt đầu, cỡ IS (nhà nước Hồi giáo tự xưng) chứ chẳng vừa. Họ hành xử như vậy bởi vì chính như người bạn Nhật của tôi nhận xét, họ tuân thủ lệnh trên và thượng tôn, bảo giết là giết ngay không cần suy nghĩ. Và điều người Nhật trước đây thượng tôn nhất hạng là Thiên Hoàng của họ, cũng là giáo chủ đứng đầu đạo Shinto. Thiên niên trường cửu Nhật Hoàng, theo truyền thống là nối dõi của hoàng đế Jimmu (Thần Vũ Thiên hoàng), con cháu của Thái dương thần nữ và lên ngôi năm 660 trước Công nguyên. Họ này làm vua liên tục 125 đời theo huyền thoại hoang đường, đến nay là 2.679 năm, nhưng có vết có tích lịch sử là từ đời vua thứ 29, hoàng đế Kinmei (Khâm Minh Thiên hoàng), lên ngôi năm 539, tạm tính đến nay cũng được 94 đời và 1.480 năm. Riêng chuyện lâu dài này cũng đã cho thấy tính cách tuân thủ của người Nhật vì ở nơi khác, năm mười đời đã là phúc lớn, thường chấm dứt bởi việc mất đầu. Trong lịch sử thế giới, để sánh với sự dài lâu đó của một dòng hoàng tộc, chỉ có dòng Solomon tại Ethiopia. Tại đây, hoàng tộc được cho là tiếp nối nữ hoàng Sheba từ thế kỷ 10 trước Tây lịch, tức là 2.900 năm, và chí ít là từ năm 1270 cho đến 1974, được 704 năm. Vào một ngày xấu của năm 1974 này, hoàng đế cuối cùng Ethiopia là Haile Selassie được Hội đồng cách mạng (DERG) mời lên xe con cóc Volkswagen ra đi và phát hiện, tịch thu luôn 40.000 USD tiền mặt ngài giấu dưới tấm thảm trong phòng làm việc. Như vậy, chỉ còn Nhật Hoàng là làm vua lâu đời nhất trong lịch sử thế giới. Nhờ chức lãnh đạo tôn giáo Shinto và lãnh đạo tinh thần (Thái dương) nên Nhật Hoàng mới tồn tại lâu dài như thế. Trong nhiều giai đoạn, vai trò chính của nhà vua là biểu tượng của quốc gia và của đất trời. Giai đoạn 1185-1868, quyền bính của đời ở trong tay các tướng quân (Shogun) hay các lãnh chúa, vốn chiến chinh liên tục với các quý tộc đại danh (Daimyo). Thiên Hoàng cúng tế thì cứ cúng tế, còn phi ngựa chém nhau, giành dân, đánh thuế là chuyện của hạ thần chúng tôi. Năm 1868, tướng quân cuối cùng của Mạc phủ Tokugawa xuống ngôi, thời Nhật Hoàng Meiji (Minh Trị), chấm dứt thời đại phong kiến nhiễu nhương và mở đầu thời đại canh tân của Nhật Bản. Các Daimyo và võ sĩ đạo gác kiếm đi làm kỹ nghệ theo gương Tây phương (xin tham khảo thêm siêu phẩm điện ảnh Võ sĩ đạo cuối cùng - The Last Samurai, có mặt ngôi sao ăn khách Tom Cruise). Thiên Hoàng Minh Trị trở thành đồng nghĩa với cải cách và tiến bộ, nếu trước kia cầu trời ban mưa móc và lúa gạo thì vào thời cận đại đặt nền móng cho Toyota, Sony. Hiến pháp Minh Trị 1890 quy định một chế độ quân chủ nửa vời, theo hình mẫu nước Phổ (Đức), tức là trên thực tế chia quyền với nội các và thủ tướng, quốc hội. Các vị này tuy vâng vâng dạ dạ với Thiên Hoàng, nhưng vẫn rộng lối để mà cai trị. Hiến pháp Minh Trị tồn tại qua các thời Đại Chính (Taisho) và Chiêu Hòa (Showa, Nhật Hoàng Hirohito), rồi bị bãi bỏ năm 1947 sau khi Nhật thua trận. Một phần vì người Mỹ lúc đó đã quay ngay sang địch thủ mới (và bạn cũ) là Liên Xô, nên để yên cho hoàng tộc, không lật đổ hay đưa ra xử tội. Phần nữa, là vì sự lắt léo của Hiến pháp Minh Trị khiến trách nhiệm chiến tranh không rõ thuộc về ai, nội các hay Thiên Hoàng. Hoàng thân Asaka Yasuhiko, đứng đầu một chi của hoàng tộc, lúc đó thượng tướng và tư lệnh mặt trận Nam Kinh, được Mỹ tha, không truy tố, mặc dù quân dưới quyền ông giết hại 200.000-300.000 thường dân ở thành phố Trung Quốc này trong cuộc thảm sát đơn lẻ vào loại kinh hoàng nhất lịch sử. Đại tướng Tomoyuki Yamashita - biệt danh “ông Hùm Mã Lai” - có quân dưới quyền trái lệnh của ông, sát hại 100.000 người tại Manila nhưng chẳng phải kim chi ngọc diệp, hoàng thân quốc thích - nên Mỹ xử tử hình. Phải nói, Nhật Hoàng đích thực vào thời điểm đó, không có niên hiệu gì, cũng chẳng phải con cháu Thái dương thần nữ, chỉ thích đeo kính đen và hút ống tẩu, lại gốc gác Tô Cách Lan - tướng 5 sao Hoa Kỳ Douglas MacArthur (chính dân Nhật đặt biệt danh cho ông này: “gaijin shogun” - “ngoại nhân tướng quân”). “Mạc phủ” MacArthur chính là nơi soạn thảo hiến pháp Nhật 1947 - Bình hòa hiến pháp - đặt lại Nhật Hoàng vào vị trí biểu tượng, và tước khỏi tay nhà vua “chủ quyền” đất nước. Nước Nhật không có quyền tuyên chiến và không có quyền duy trì quân đội (điều 9). Đến nay, quân đội Nhật vẫn mang tên trá hình là “Lực lượng tự vệ” và quốc hội năm 2015 mới sửa đổi để cho phép lính Nhật tham gia các hoạt động quân sự ngoài nước. Trên dưới rõ ràng Vai trò của Hirohito đến lúc ông băng hà năm 1989 vẫn bị phê bình vì ông là Thiên Hoàng của thời Thế chiến II. Con ông, Akihito (niên hiệu Bình Thành, Heisei) là một trang mới, không vấy bẩn vì tội ác chiến tranh, và hoàng gia Nhật trở thành kiểu Anh quốc, để yên ủi quần chúng là chính. Hoàng đế sắp lên ngôi Naruhito (niên hiệu Lệnh Hòa, Reiwa) là người sanh sau thế chiến (1959). Ông này vui tính rõ rệt và có thể nói là diễn biến từ đời Hirohito qua đời Akihito đến đời Naruhito là tiến hóa từ vẻ mặt trầm trọng đến chuyện cười tươi như hoa. Naruhito leo núi, đánh banh quần, lấy vợ gốc Công giáo (phải cải đạo theo chồng) và có con muộn, lại là con gái, khiến nước Nhật định đổi hiến pháp để công chúa có thể lên ngôi. Tuy nhiên, em trai ông có con trai năm 2006 nên chuyện sửa đổi này không còn cần thiết. Tân Nhật hoàng Naruhito sẽ bắt đầu triều đại mới ở Nhật Bản từ 1-5-2019 (Ảnh: The Guardien) Quyền lực từ năm 1947 hoàn toàn ở trong tay chính phủ và quốc hội, lẽ sống của hoàng tộc giờ là cười tươi vào những ngày quốc lễ. Chuyện niên hiệu đang được tranh cãi là vì do thủ tướng chọn, chứ vua chẳng có quyền, và ông Shinzo Abe được coi là muốn phục hồi quân đội, xóa sổ luôn các tội ác mà nước Nhật chưa từng ăn năn hay xin lỗi. Tuy nhiên, vai trò giảm bớt của hoàng gia hiện nay không đồng nghĩa là sự sa sút của quý tộc. Ngay từ thời Minh Trị, quý tộc Nhật từ cầm kiếm nắm ruộng không biến mất đi mà chỉ thức thời chuyển qua việc cầm điện thoại nắm cổ phiếu hay cầm phiếu tại quốc hội nắm thực quyền như là vào thời của các sứ quân ngày trước. Con vua thì lại làm vua, nhưng con của đại biểu Đế quốc Nghị hội thì lại làm đại biểu. Đây là một đặc điểm nổi bật của Nhật, nếu ta nhớ lại chuyện tuân thủ và thượng tôn, xã hội có lớp lang, thứ bậc ở đầu bài. 30% nghị sĩ Nhật hiện nay, và 40% nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền, là con hay cháu mấy đời của các đại biểu tiền nhiệm và các ghế đại biểu truyền đời này thường đắc cử vẻ vang. Trong 30 thủ tướng thời hậu chiến, 27 vị có ông nội, ông ngoại, bố hay bố vợ từng làm thủ tướng hay bộ trưởng. Đương kim Thủ tướng Abe là cháu nội 4 đời của một hầu tước, cháu nội trực hệ một đại biểu quốc hội, cháu ngoại một thủ tướng và con trai một ngoại trưởng, thật là “tam thế trung huân tụy nhất môn” - từ một cổng nhà mà đẻ ra bao nhiêu lương đống, hay nói kiểu dân gian là “cả họ làm quan”. Cái hay là dân Nhật vẫn bầu cử dân chủ đàng hoàng: người dân trọng vọng kẻ có chức vị và đã kính ai thì kính cả họ đến mấy đời sau. Chuyện này dễ gặp tại nhiều nước Á Đông, chứ không riêng gì Nhật, nhưng hiếm thấy ở mức độ phổ thông tại một quốc gia có chế độ bầu bán dân chủ và trong sáng. Như vậy, Nhật hoàng tương lai Naruhito chẳng có gì phải lo ngại. Nếu giả tưởng, vị trí làm vua là do dân chúng bầu lên, hẳn ông sẽ đắc cử dễ dàng, lẽ là bố ông, ông nội ông... cả họ nhà ông, đến 125 đời trước đã làm vua cơ mà!■ Lệnh Hòa (令和), niên hiệu mới của Nhật Bản (từ 1-5-2019), rút ra từ bài thơ trong tuyển thơ Vạn Diệp Tập (Manyoshu), tập thơ cổ Nhật Bản được tập hợp vào khoảng sau năm 759. 初春令月、 氣淑風和、 梅披鏡前之粉、 蘭薫珮後之香。 Sơ xuân lệnh nguyệt Khí thục phong hòa Mai phi kính tiền chi phấn Lan bội hậu chi hương Dịch thơ: Đầu xuân tháng lành Trời trong gió thuận Mai đơm má phấn soi gương Lan nở hương thơm ngát. Bài này mượn ý một bài cổ hơn của Trương Hoành (78-139) nhà Đông Hán, Trung Quốc: 於是仲春令月、 時和氣清、 原隰鬱茂、 百草滋榮。 Ư thị trọng xuân lệnh nguyệt Thì hòa khí thanh Nguyên thấp uất mậu Bách thảo tư vinh Dịch thơ: Giữa xuân tháng lành Gió thuận trời xanh Đồng thấp hoa mọc um tùm Trăm cây sinh sôi tươi tốt. CHIÊU VĂN Tags: Nhật BảnNhật hoàngHoàng gia NhậtTân Nhật hoàngDân chủ Nhật
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Tin tức sáng 15-10: Đề xuất giảm 15-30% tiền thuê đất năm 2024 TUỔI TRẺ ONLINE 15/10/2024 Tin tức đáng chú ý: Đề xuất mới về giảm tiền thuê đất năm 2024; TP.HCM bãi bỏ quy định không xét duyệt đi nước ngoài với cán bộ đang bị kỷ luật khiển trách trở lên; Mỗi năm thế giới có khoảng 19 - 23 triệu tấn nhựa thải ra sông, biển...
Đến lượt Temu, Taobao đổ bộ thị trường Việt Nam CÔNG TRUNG 15/10/2024 Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, Taobao và 1688 đang tạo ra một cơn sốt hàng giá rẻ tại Việt Nam.
Âu lo cho HLV Kim Sang Sik NGUYÊN KHÔI 15/10/2024 Trận giao hữu hòa 1-1 trước Ấn Độ vào hôm 12-10 tại Nam Định đã cho thấy nhiều vấn đề của đội tuyển Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho ASEAN Cup 2024 (tiền thân là AFF Cup).
Tiếp sức đến trường tân SV Tây Bắc: Khoản vay trả bằng tri thức cho xã hội VŨ TUẤN 15/10/2024 95 tân sinh viên sáu tỉnh khu vực Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình) đã được nhận học bổng Tiếp sức đến trường 2024 chiều 14-10.