Nhìn lên mặt trăng

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN 13/09/2011 22:09 GMT+7

TTCT - 1. Không chói lóa như mặt trời, không xa xăm như những vì sao, là hành tinh phản chiếu ánh sáng của vầng thái dương, mặt trăng mang bản thể âm, đã phát tỏa một diện mạo của sự hiền hòa, hấp dẫn, chuyển hóa huyền ảo.

Phóng to
Minh họa: Đỗ Trung Quân

Mặt trăng đã cho nhân loại từ thơ ấu nguyên thủy đến văn minh tha hồ ngắm nghía, gửi gắm, phóng chiếu tưởng tượng và thêu dệt huyền thoại. Chỉ với vài vết loang mờ đen trên mặt trăng, mà con người ở những chỗ đứng khác nhau trên địa cầu đã nghĩ ra những hình ảnh đầy phong phú.

Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, hai tác giả Jean Chevalier và Alain Gheerbrant với vốn hiểu biết uyên bác đã kể ra cả một hệ thống biểu tượng mà con người gán cho các vết mặt trăng: người châu Âu thì thấy đó là những phác thảo của một khuôn mặt người; người Guatemala và Mexico thì thấy ở đó hình ảnh một con thỏ và đôi khi là một con chó; người Peru nói giống một con chồn hay con báo đốm; người Yakoute thì “thấy” trên mặt trăng có cô bé gánh hai xô nước;

nhưng chưa đủ, người Bouriates và các dân tộc vùng bờ biển tây bắc châu Mỹ (như Haida và Tlinkite) thì thêm vào bối cảnh cô bé gánh hai xô nước một phông nền những cây liễu giỏ; truyền thuyết Inca kể rằng mặt trăng là một đám bụi bẩn mà “thằng cha” mặt trời do quá ganh tị nhan sắc đã chơi xấu ném vào; trong khi là dân tộc thích hư cấu, người Trung Hoa xưa đã “vẽ” lên mặt trăng một huyền thoại Hằng Nga bay về trời cùng hình ảnh con thỏ ngọc nghiền thuốc trường sinh…

Còn chúng ta thấy gì? Những cư dân văn minh Thần Nông Việt Nam chân chất, chung tình lại nhìn lên mặt trăng và kể với nhau về chuyện chú Cuội và cây đa có lá chữa bệnh, giúp con người trường sinh... Mỗi nền văn minh, mỗi dân tộc ngay từ thời thơ ấu lịch sử của mình đã đăng ký với mặt trăng một tác quyền riêng, dù là truyền khẩu.

2. Con người đã bước lên mặt trăng từ 42 năm trước. Cuối tháng 8 này, nhiều doanh nhân giàu có tại Sydney đã mua vé hàng trăm USD để nghe phi hành gia 81 tuổi Neil Armstrong, người từng điều khiển con tàu Apollo 11 đáp xuống mặt trăng năm 1969, kể về lần đầu tiên bước xuống mặt trăng. Người đàn ông đã sáu lần đổ bộ xuống mặt trăng cho rằng khám phá không gian vũ trụ là niềm say mê vô hạn, giúp ông quên tuổi già.

Trong khi tại Úc ông cụ Neil Armstrong đang mải mê hồi ức về những cuộc chinh phục không gian đầy huy hoàng thời trai trẻ, thì ở nước Mỹ của cụ, Hội nghị quốc gia lần thứ 242 và triển lãm của Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS) đang diễn ra. Tại đây, người ta đang bàn cách để xây nhà máy năng lượng hạt nhân trên mặt trăng. Các kỹ sư của NASA cho rằng nếu sản xuất điện hạt nhân thành công trên mặt trăng, thì đây sẽ là một trạm năng lượng được sử dụng lâu dài cho các chương trình thám hiểm, khám phá và nghiên cứu không gian.

Tấm ảnh Armstrong trong bộ đồ của phi hành gia đang cắm lá cờ Mỹ lên nền đất mặt trăng gây xúc động cho hàng tỉ con người trên mặt đất suốt 42 năm qua. Rõ ràng, con người, từ ngàn xưa không chỉ cần đến vầng trăng để soi sáng vào ban đêm, để tính các chu kỳ tuần hoàn, càng không cần đến trăng để thêu dệt huyền thoại, làm cảm hứng sáng tác hay hẹn hò, mà có lẽ biểu tượng quan trọng nhất của mặt trăng đó là sự sinh sôi và trưởng thành.

Từ nhu cầu độc lập của một biểu tượng văn hóa của từng dân tộc riêng lẻ trên địa cầu đến tiến trình trưởng thành của nhân loại trước vũ trụ, thông qua “hành xử” với thiên thể mặt trăng, có thể thấy khát khao không ngừng khám phá và hiểu biết. Thông qua những cuộc chinh phục ngoại giới vô tận, vũ trụ con người mở mang cõi nội giới sâu thẳm của mình, để mình được là mình, mình hiểu mình hơn.

Tôi hiểu vì sao một năm trước khi Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng, trong một phi vụ vào đêm giáng sinh năm 1968, tàu Apollo 8 đã làm cái việc thú vị là ghi lại hình ảnh trái đất từ nơi “thường trú” của chú Cuội. Bức ảnh cho thấy chúng ta đang nhìn ngắm, tìm kiếm sự sống trên mặt trăng này từ một mặt trăng khác.

3. Trong bức ảnh đó, trái đất là một mặt trăng màu xanh như chiếc lồng đèn yên bình, hiền hòa treo lơ lửng trong vũ trụ vô lượng vô biên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận