Những chiếc khung tranh ấm- lạnh

ĐỖ PHẤN 10/03/2016 02:03 GMT+7

TTCT - Là nói về những chiếc khung ở dạng vật thể chứ không bàn chuyện khuôn khổ nội dung trong sáng tác. Chữ “khung” trong tiếng Việt dùng chung cho cả những thứ phi vật thể như “khung pháp lý”, “khung hình phạt”, “cán bộ khung”... Vài anh thợ đóng gạch tếu táo ngày trước còn tự nhận mình làm nghề “đưa đất nước vào khuôn khổ”, nghĩa là đưa đất nhào với nước vào cái khuôn đóng gạch...

Khung tranh châu Âu đầy cầu kỳ -Đỗ Phấn
Khung tranh châu Âu đầy cầu kỳ -Đỗ Phấn

 Lai lịch chiếc khung

Cả thành thị và nông thôn vào quãng hơn nửa thế kỷ trước rất hiếm nhà ai có một chiếc khung treo tranh. Nông thôn thỉnh thoảng ra Hà Nội mua khung nhỏ ở phố Hàng Hòm mang về treo ảnh lãnh tụ, ảnh chụp kỷ niệm, giấy khen, bằng Tổ quốc ghi công.

Ảnh thờ cũng hiếm hoi mới có gia đình dùng đến. Người ta thờ cúng ông bà bằng bài vị ghi tên tuổi công đức được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng đặt trên ban thờ. Nhà nào khá giả quan quyền có thêm cỗ ngai kéo rèm đỏ đặt bài vị vào trong.

Ở Hà Nội ít nhà treo những thứ ấy nên cũng không cần mua khung. Chỉ vài gia đình lâu đời có khung treo ảnh thờ các bậc tiền nhân. Chắc chắn đó cũng là những chiếc khung đóng thời Pháp thuộc cùng niên đại với nghề chụp ảnh du nhập vào Việt Nam, thường làm bằng gỗ quý và trang trí kỷ hà theo lối hiện đại cho phù hợp với nội dung là tấm ảnh đen trắng đỉnh cao của công nghệ bấy giờ.

Khung Hàng Hòm là loại khung giản lược chỉ vừa đủ cho khái niệm về chiếc khung ảnh. Đại khái viền khung làm bằng gỗ nhỏ cỡ ngón tay nhuộm phẩm vàng khè. Một tấm kính mỏng phía trước và ván hậu bằng bìa cactông.

Đến cuối cuộc chiến tranh, vật liệu khan hiếm, tìm được mảnh kính để làm khung không dễ nữa. Dân Hà Nội sáng chế ra loại khung bằng phim nhựa. Phim chiếu cũ cắt ra làm viền ngoài. Phim tấm X-quang lấy ở bệnh viện mang về ngâm nước vôi cho sạch làm mặt kính.

Các cửa hàng mỹ nghệ Hà Nội bán những khung này khá đắt hàng. Chủ yếu khung khổ nhỏ để treo ảnh kỷ niệm của gái trai đương thì hoặc ảnh cưới. Thời kỳ này bắt đầu có quá nhiều loại giấy khen từ cấp tiểu khu trở lên. Cũng ít người còn thấy tự hào lồng khung treo nó trong nhà nữa.

Dĩ nhiên tất cả những giấy khen ngày ấy được trao ở dạng cuộn tròn. Sang thì buộc tua vàng bằng tơ dệt, bình thường buộc lạt, sau này là mang cả tập về phát cho cán bộ cơ quan. Rất lạ là không treo giấy khen nhưng bệnh thành tích lại vẫn âm thầm phát triển cho đến tận bây giờ.

Hội họa Việt Nam có thể coi mới bắt đầu từ năm 1925 khi người Pháp mở ra Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Trước đó, người Việt vẽ tranh dân gian phi hàn lâm. Hà Nội, Bắc Ninh có những làng nghề làm tranh in gỗ loại này.

Làng Sình ở Huế cũng làm tranh khắc gỗ tương tự kỹ thuật ấy. Tranh thường bán ở chợ vào dịp tết. Người phố mua về dán lên tường nhà, cửa kính. Sang trọng hơn có dòng tranh Hàng Trống - Hà Nội được bồi biểu lên trục gỗ.

Chỉ cần đóng một cái đinh lên tường là có thể treo tranh cả nhà cùng ngắm. Ở nông thôn dùng cơm nguội dán tranh lên vách. Có nhà dán tranh lên cột cái ở gian giữa, dán vào mặt chiếc hòm gian để dưới ban thờ, dán lên cánh cửa nếu có. Không bao giờ có chiếc khung treo tranh nào cả.

Khái niệm về chiếc khung treo tranh của người Việt đến sau châu Âu khoảng năm thế kỷ. Đơn giản vì chiếc khung treo tranh chỉ có mặt khi đã có tranh vẽ theo lối hàn lâm.

Tuy nhiên, gần một thế kỷ sau khi xuất hiện ở Việt Nam nó vẫn chưa được hoàn thiện và nâng cao bao nhiêu so với lúc mới ra đời. Khung tranh giai đoạn này vẫn thường chỉ đơn giản kỷ hà bào rãnh thẳng. Chưa có những hình thức chạm khắc ly kỳ phức tạp như châu Âu vài thế kỷ trước. Có lẽ bởi đòi hỏi của bức tranh sơ sài thời kỳ đầu mỹ thuật hàn lâm bên trong cũng chỉ đến thế.

Có hai giả thiết đặt ra chưa biết cái nào đúng. Một là: các họa sĩ tự nhận thấy tranh của mình còn kém xa các bậc thầy châu Âu nên cũng chẳng cần phải vội vã đầu tư cho chiếc khung làm gì. Hai là: họ có con mắt quan sát rất đồng bộ về tổng thể của một tác phẩm, kể cả chiếc khung. Hội họa lúc này đã có những dấu hiệu hiện đại rõ nét theo các trào lưu đương đại châu Âu lúc bấy giờ.

Kể từ hồi mở cửa vào quãng 1990, chiếc khung cho bức tranh mới được người ta quan tâm một cách toàn diện. Trước đó chỉ vài ông họa sĩ tự đóng cho tác phẩm của mình. Cũng là để tự xem với nhau. Họa sĩ phần lớn nghèo. Ít người dám đóng khung cho cả triển lãm của mình.

Các triển lãm mở ra đều phải dùng một thứ khung do Nhà nước trang bị đồng bộ cho nhà triển lãm. Những người sưu tập tranh có khá hơn một chút cũng chỉ dám thuê thợ đóng một ít khung cho những tác phẩm quan trọng. Số còn lại để trong cặp giấy hoặc treo lên tường ở dạng không khung.

Qua chiếc khung có thể lờ mờ đoán được độ ấm lạnh của một nền mỹ thuật
Qua chiếc khung có thể lờ mờ đoán được độ ấm lạnh của một nền mỹ thuật

 Chiếc khung cũng có đẳng cấp

Nói như vậy không có nghĩa người Việt xưa không quan tâm và không có truyền thống đóng khung. Đã từng có những làng nghề nổi tiếng như Đồng Kỵ (Bắc Ninh), La Xuyên (Nam Định). Người ta đóng khung cho những vật dụng cung đình hoặc thờ cúng. Khung thường chạm trổ cầu kỳ và sơn son thếp vàng rực rỡ. Chỉ những nơi cung cấm hoặc thờ tự xa hoa mới có đủ tiền để làm.

Tuy nhiên, thứ ở trong khung chưa bao giờ là bức tranh.

 Chiếc khung không còn là vật vô tri nữa. Nhìn vào nó ta có thể lờ mờ đoán được độ ấm lạnh của một nền mỹ thuật

Chiếc khung là vật không thể thiếu cho một bức tranh. Nó vừa là cách bảo quản tác phẩm, vừa là một thành tố đóng góp quan trọng vào hiệu quả thị giác của bức vẽ. Những họa sĩ được đào tạo bài bản hàn lâm thường rất quan tâm đến chiếc khung cho tranh của mình. Có người còn dày công ngồi vẽ thiết kế cho thợ mộc đóng. Hoặc ít nhất thì cũng vào ra suy ngẫm để sơn màu chiếc khung cho phù hợp với hòa sắc bức tranh.

Vài họa sĩ kỹ tính còn không thể vẽ khi tấm vải toan của mình chưa có khung. Hội họa hàn lâm cũng như các ngành nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, âm nhạc... ở Việt Nam có tuổi đời chưa đến một thế kỷ. Chỉ riêng hội họa là có trường dạy hàn lâm từ rất sớm.

Thế nhưng vài nước trong khu vực đã chứng tỏ cách thức hội nhập với thế giới của họ bằng những tác phẩm phi truyền thống và đạt được những thành tựu đáng kể. Chúng ta loay hoay trong rất nhiều lý thuyết về các loại tính, về truyền thống lâu đời nên hình như đã bị chậm mất vài bước chân.

Ở Hà Nội bây giờ có đến vài con phố chuyên nghiệp làm khung, tập trung tại đường Nguyễn Thái Học. Thật ra đó cũng chỉ là những cửa hàng dùng cho việc giao dịch là chính. Cơ sở sản xuất thường ở xa. Khung được chế tạo phần lớn bằng máy móc.

Với những bán thành phẩm là các thanh dài hoàn chỉnh nhập khẩu, người ta sẽ cắt ghép cho thành chiếc khung vừa với bức tranh. Loại khung này thường bằng gỗ ép sơn phủ dày và ít nhiều vô cảm. Nhiều loại khung có những chạm khắc, mạ kim loại hết sức tinh xảo. Nhưng đó chỉ là lớp áo bên ngoài bằng thạch cao phủ sơn kỹ lưỡng. Va chạm rất dễ xây xước để lộ ra lớp ruột trắng thạch cao rẻ tiền.

Vài năm nay, người Hà Nội và các đô thị lớn cả nước bắt đầu có nhu cầu chơi tranh nghệ thuật. Kể cả công sở và quán xá đều có treo tranh tùy theo đẳng cấp của mình. Đã không còn nhìn thấy bức tranh nào treo trên tường không có khung nữa.

Trẻ con cũng bị phụ huynh cấm dán những thứ linh tinh lên tường. Phòng triển lãm mở ra phần lớn với những chiếc khung nuột nà đồng bộ của chính tác giả. Tiến bộ này là tất yếu để phù hợp với không gian sống không còn tạm bợ như trước nữa.

Rất khó để chọn một mẫu khung phù hợp với tranh vẽ nghệ thuật. Tuy nhiên, những chiếc khung rẻ tiền hàng chợ dịp tết vẫn bán chạy vô cùng. Người ta lồng vào khung những bức tranh chép hoặc vẽ giá trị có khi còn thấp hơn cả chiếc khung của nó.

Trong trường hợp này thì “chiếc áo đã làm nên thầy tu”. Hình như thế? Tranh chợ nay thành quà biếu. Thật ra không hẳn là quà mà chỉ là thêm thắt vào câu chuyện đưa đẩy với sếp cho trơn tru. Quà biếu sếp kiểu ấy cần nhanh, rẻ, hào nhoáng. Bền vững và thẩm mỹ không cần lắm vì sang năm lại có dịp.

Vài cơ sở sản xuất khung từ phôi gỗ đặc có giá thành cao hơn. Họa sĩ vẫn có thể đưa thiết kế cho nhà sản xuất làm. Những người thợ bên Đồng Kỵ và dưới La Xuyên vẫn có những mẫu khung chạm khắc hết sức hoàn hảo có thể đặt làm dễ dàng. Nhưng phải đợi chờ và chấp nhận sai hẹn. Biết làm sao được nếu như không muốn bức tranh của mình rơi vào cái khung chợ?

Chiếc khung không còn là vật vô tri nữa. Nhìn vào nó ta có thể lờ mờ đoán được độ ấm lạnh của một nền mỹ thuật.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận