TTCT - Trong suốt và không có gì riêng tư không bị nhìn thấy - đó là một công dân người máy, chứ không phải một sinh vật có hỉ, nộ, ái, ố theo nhịp tim đập của mình... Hệ thống máy quay giám sát ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AFP Một kẻ hung hăng chen vào quầy bán vé trong khi những người còn lại kiên nhẫn xếp hàng, một người khác phi xe vượt đèn đỏ lúc 11h đêm vắng ngắt, lại một lái xe khác quăng bừa lon Coca-Cola rỗng ra cửa sổ ôtô - những hành vi không đẹp mắt, dĩ nhiên, song phải chăng là chuyện thường ngày, không đáng hình sự hóa? Từ giữa năm nay, những hành vi tương tự tại không gian công cộng Trung Quốc sẽ được đưa vào một hệ thống chấm điểm xã hội và biến thành các biện pháp thưởng - phạt. Cuộc sống không phải là một cỗ máy chính xác và năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài - đó là kiểu lý sự ít nhiều mang nét cảm tính của những người ưa xuê xoa bào chữa cho những ngang trái lặt vặt trong cuộc đời. Cũng không hẳn đã là thảm họa khi ai đó nhìn quanh không thấy thùng rác nào và chép miệng quăng đọt thuốc xuống đường, hoặc dắt chó đi ị bừa bãi ở góc vườn hoa. Chẳng chết ai! Mệnh lệnh là đạo lý? Đạo lý là mệnh lệnh? Nhưng mọi cuộc chơi với nhiều chủ thể - mà xã hội loài người cũng là một cuộc chơi - cần cái gọi là luật chơi, để sự dễ chịu của người này không làm tổn hại đến chất lượng sống của người kia. Luật chơi đó có nhiều gương mặt: luật giao thông đường phố, quy chế xây dựng, nội quy nhà chung cư... Immanuel Kant (1742-1804), triết gia Phổ vĩ đại, đã đi trước thời của mình rất xa khi đặt ra cái gọi là “Mệnh lệnh tuyệt đối (categorical imperative)”, xin tạm dịch nôm na là: “Tất cả mọi người phải kiểm tra hành vi của mình, xem nó có phù hợp một tiêu chí chung có giá trị bất cứ lúc nào, cho bất cứ ai, không ngoại lệ và hành vi đó có tôn trọng quyền lợi của những người liên quan hay không”. Tôi không thích anh ném chuột chết trước cửa nhà tôi, thì tôi cũng phải chấp nhận vặn loa karaoke gia đình nhỏ xuống để nhà hàng xóm yên giấc. Về nguyên tắc, sự ra đời và tồn tại của pháp luật nói chung vốn có lý do để nó ra đời và tồn tại. Vấn đề chỉ là: trong một xã hội văn minh, cần có sự đồng thuận rộng rãi về giới hạn của các luật chơi để cuộc sống chung không bị biến thành nhà tù. Liệu những mệnh đề trên có quá chung chung không và giới hạn cần thiết nằm ở đâu? Ai cần biết cụ thể hơn, phải hỏi tổ chức tên là Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia bên Trung Quốc. Hệ thống chấm điểm xã hội (Social Credit System) Từ vài năm nay, ai đi dạo trên quảng trường và đường phố lớn của Bắc Kinh, Thượng Hải hay các đô thị lớn khác sẽ thấy ở mọi ngã tư có lắp máy quay video. Khi bắt đầu có biện pháp này, người dân rất hoan nghênh vì có thể phạt nguội những xe đi trái luật và gây nguy hiểm trong giao thông đường phố. Nhiều vụ phạm tội xảy ra ở bến tàu điện ngầm hay vườn hoa vì thế bị ghi lại và phát giác. Nước Anh đã bắt đầu từ lâu việc này để phòng khủng bố, và Đức là nơi rất khắt khe với dữ liệu cá nhân cũng đã có thí nghiệm tại một nhà ga lớn (Bahnhof Suedkreuz của thủ đô) từ một năm nay. Người Trung Quốc có thể nói là đã ra khỏi nhà thì không có một giây phút nào lọt khỏi hàng triệu con mắt video. Báo Thâm Quyến nêu trường hợp một vụ tên tội phạm 25 tuổi đào tẩu, bị phát hiện khi mới đặt chân vào một lễ hội bia và bị cảnh sát bắt tại chỗ. Trong một công viên thủ đô, để ngăn chặn nạn ăn trộm giấy vệ sinh, người ta cũng không ngại lắp máy quay vào nhà vệ sinh. Tất nhiên chỉ vì đi tiểu bậy ở gốc cây hay lậu vé tàu thì chẳng ai bị bắt vào tù cả. Nhưng trong tương lai gần, tức từ năm 2020 và có thể từ nửa sau năm 2018, “thủ phạm” phải tính đến tác động tiêu cực của những hành vi bất hảo đó khi chúng được lưu lại và quy ra điểm trong cái gọi là hệ thống chấm điểm xã hội. Nói đơn giản, đó là danh sách 1,3 tỉ dân kèm với bản đánh giá và cho điểm - cả theo nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Cơ sở kỹ thuật của hệ thống này là mạng lưới máy quay video cố định đã đạt con số 170 triệu đơn vị, theo tuần báo Stern (Đức) số online 11-2-2018. Đến năm 2020, người ta sẽ lắp thêm 400 triệu chiếc. Nhờ tiến bộ mấy năm qua, kỹ thuật nhận mặt qua video ở Trung Quốc đã đạt mức hoàn hảo và hiện đang dẫn đầu thế giới, người ta có thể so sánh trực tiếp, ví dụ, 1.000 khuôn mặt lọt vào ống kính ở quảng trường Thiên An Môn với kho dữ liệu được thu thập sẵn từ Wechat, Renren, Baidu, Weibo, Alibaba... để nhận đích danh một cá nhân khả nghi, hoặc xác định ai xê dịch theo sơ đồ nào, thường trả tiền điện chậm hoặc mua hàng qua mạng rồi quỵt tiền - và chấm điểm. Hậu quả sẽ hiển hiện trong đợt tăng lương sắp tới khi định vay tín dụng để xây nhà, hoặc đơn giản khi vào mạng Baihe (dịch vụ hẹn hò tìm bạn đời rất phổ biến ở Trung Quốc) và thấy tài khoản của mình bị chặn bốn tuần! Bài học của Khổng Tử Trong quá trình chuẩn bị tinh thần cho người dân, báo chí Trung Quốc thường dùng thuật ngữ “giáo dục nhân dân” để tiến đến một “xã hội hài hòa” theo định nghĩa xa lắc từ thời Khổng Tử. Trong quan điểm của nhà tư tưởng từ thế kỷ 5 trước Công nguyên ấy không có chỗ cho cá nhân và không gian riêng tư, tất cả đều phải thần phục một chủ nghĩa tập thể. Và những gì Chính phủ Trung Quốc hiện đang ấp ủ được coi là chương trình “giáo dục nhân dân” lớn nhất trong lịch sử loài người. “Hệ thống chấm điểm xã hội” bao trùm mọi mặt của cuộc sống, theo đó người dân sẽ được tuyên dương hoặc bị trừng phạt. Công ty khởi nghiệp Megvii với 400 kỹ sư công nghệ thông tin nằm ở phía tây bắc ở Bắc Kinh, trong một khu công nghệ cao vẫn được gọi là Thung lũng Valley của Trung Quốc. Khách vào phòng bảo vệ sẽ được chứng kiến tiến bộ khoa học ở mức thượng thừa - trong vòng nửa giây, ống kính video đọc ngay mọi dữ liệu: đàn ông, tuổi 35-42, sau nửa giây nhấp nháy, máy tính dừng lại chính xác ở tuổi 38. Phần mềm lưu ngay mọi đặc điểm như nốt ruồi, dáng đi, hình vành tai, màu mắt. Nếu vị khách đó quay lại lần nữa, máy tính sẽ đưa ngay ra thống kê của các lần viếng thăm trước. Quan trọng hơn nữa, phần mềm này có khả năng tự học và cải thiện khả năng nhận dạng của mình sau mỗi lần mắc lỗi. Phần mềm đó được lắp vào 50% các máy quay video cố định ở bến xe, trung tâm thương mại, ngã tư... và đã đủ tinh vi để tích hợp vào kính râm của cảnh sát để scan và nhận dạng tức thời mỗi người đi qua. Khách hàng của Công ty Megvii là các công ty vệ sĩ, khu chung cư cao cấp và trung tâm mua bán. Nhưng khách hàng quan trọng nhất là nhà nước với ngân sách trang thiết bị khổng lồ để phục vụ an ninh, thông qua một tổ chức tên là Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia. Ủy ban này hồi cuối năm 2017 đã đứng ra làm nhân chứng trong một vụ công dân kiện nhà nước - Jia Yueting, sáng lập viên Công ty công nghệ cao LeEco và Faraday, không thể mua vé máy bay qua mạng vì bị chặn thẻ tín dụng, dù vẫn có đủ tiền trong tài khoản. Ông này kiện ra tòa và được thông báo là công ty của ông đang nợ ngân hàng nhà nước một khoản vay lớn mà trả quá chậm. Tương tự, khách hàng nào chậm thanh toán tín dụng sẽ không thể qua thanh chắn để vào ga tàu hỏa. Ngòi bút chấm điểm không khoan nhượng Theo bản nháp chưa được phê chuẩn, công dân với tối thiểu 1.300 điểm sẽ đạt mức cao nhất là AAA. Hiện tại, hệ thống chấm điểm công dân này (Citizen Scoring) đang được thử nghiệm ở khoảng 15 vùng toàn quốc. Trụ hạng AAA một thời gian dài, người đó khi đàm phán vay tín dụng với ngân hàng sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi hoặc giảm phí bảo hiểm y tế cho năm sau. Con cái họ khi nộp hồ sơ vào đại học sẽ được chiếu cố. Những bà mẹ thường mua sữa bột sinh thái cũng được tăng điểm. Ai xem phim khiêu dâm quá nhiều, trả tiền nhà chậm... sẽ bị cho vào sổ đen, tụt xuống dưới mức 600 điểm sẽ rơi vào hạng thấp nhất là D. Sau một thời gian mà không cải thiện điểm số, người đó có khả năng sẽ bị cơ quan gọi lên và dọa sa thải. Người chấm điểm là các cơ quan chức trách dưới sự lãnh đạo và định hướng của Ủy Ban cải cách và phát triển quốc gia. Vấn đề lớn nhất ở đây là ủy ban này thu thập dữ liệu về mẫu hành xử của công dân từ nhiều công ty tư nhân, chẳng hạn để xác định hóa đơn tiền nhà trả chậm, số giờ chơi game, vé phạt ôtô, những lần quậy phá trên máy bay... Thông qua một ứng dụng (App) trên điện thoại thông minh, người dùng có thể tiếp cận tài khoản điểm của mình. Nhưng cả nhà băng, chủ tuyển dụng lao động, công ty du lịch cũng có quyền nhảy vào xem “tư cách đạo đức” của đối tác! Cơn phê của trí tuệ nhân tạo Trong suốt và không có gì riêng tư không bị nhìn thấy - đó là một công dân người máy, chứ không phải một sinh vật có hỉ, nộ, ái, ố theo nhịp tim đập của mình. Nhưng mọi nỗ lực kiểm soát công dân như trên không cho phép đưa ra kết luận khác. “Trung Quốc đang trong cơn phê của trí tuệ nhân tạo (AI). Tốc độ phát triển cho phép họ đứng thứ 2 trong tiến trình cạnh tranh với Hoa Kỳ” - Công ty tư vấn Sino Consulting ở Berlin nhận xét. Từ khi Chính phủ Trung Quốc phê chuẩn “Chương trình phát triển AI”, các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng AI mọc lên như nấm sau mưa. Châu Âu hoàn toàn đứng trong bóng tối, một phần cũng vì họ có luật bảo vệ dữ liệu cá nhân quá nghiêm ngặt.■ Một trong những kẻ thủ lợi lớn nhất sẽ là ngành công nghiệp hàng tiêu dùng, bên cạnh lĩnh vực an ninh. Alibaba của Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia từ lâu đã có hệ thống tín dụng Sesame Credit đi kèm đánh giá khách hàng. “Ai mỗi ngày ngồi 10 tiếng trước máy tính và chơi game, chúng tôi coi là người không năng động - theo lời Li Yingyun, nữ nhân viên Sesame Credit - Còn ai chuyên đặt rau sạch, người đó có trách nhiệm về sức khỏe của mình và sẽ được chúng tôi chú trọng mời vé máy bay và du lịch giá rẻ”. Khách hàng Trung Quốc cho đến nay được tự nguyện tham gia Sesame Credit, nhưng Alibaba công khai thừa nhận đã chuyển tiếp dữ liệu của 800 triệu khách hàng cho nhà nước. Sắp tới, họ sẽ lắp camera ở mọi cửa hàng có đồ của Alibaba và chụp lại toàn bộ những ai bước vào. Máy sẽ đo thời gian khách dừng chân bao lâu trước bộ quần áo hay mẫu giày nào, ưa chọn gì, sau đó sẽ quảng cáo cho hợp ý khách, như “may đo”! Năm 2020 không phải 1984, nhưng 1984 của George Orwell không hề mất tính thời sự. Tags: Giám sát an ninhAn ninh cá nhânCông dân trong suốtChấm điểm xã hội
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.