Những đại dịch đã qua và sắp đến

YÊN LAM 24/06/2020 16:06 GMT+7

TTCT - Trận dịch kế tiếp sẽ sớm xảy ra, và chính ta là người đáng trách.

Từ dịch SARS năm 2003, cúm lợn H1N1 năm 2009, hội chứng hô hấp Trung Đông MERS năm 2012, và hiện tại là COVID-19, chu kỳ giữa hai khủng hoảng dịch tễ là không cố định, nhưng có thể chắc rằng sau đại dịch này sẽ lại có một chứng bệnh truyền nhiễm chết người nữa bùng phát.

Từ tháng 4, tạp chí Harvard Business Review đã cảnh báo lo cho đại dịch kế tiếp ngay từ bây giờ không phải là quá sớm: “Mặc dù ưu tiên hiện nay rõ ràng là đương đầu với lượng ca nhiễm tăng cao và tác hại kinh tế mà đại dịch hiện tại đang gieo rắc, cũng đã đến lúc (nước Mỹ) bắt đầu các bước để giảm thiểu tác hại của đại dịch tiếp theo”.

Theo Washington Post, khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm ở người mới nổi là bệnh có nguồn gốc động vật, và gần 1,7 triệu loại virus chưa được phát hiện có thể đang tồn tại trong thiên nhiên hoang dã. “Các đại dịch nói chung đang tăng dần tần suất xuất hiện - Peter Daszak, chủ tịch tổ chức chuyên nghiên cứu bệnh truyền nhiễm EcoHealth Alliance, nói với Washington Post - Đó không phải hành động ngẫu nhiên của Chúa mà được gây ra bởi những gì chúng ta làm với môi trường”.

Theo Daszak, những nơi có khả năng trở thành điểm nóng - tức nguồn khởi sinh dịch bệnh - nhiều nhất sẽ có ba điểm chung: có đông người sinh sống, hệ thực vật và động vật đa dạng, và môi trường thay đổi quá nhanh.

Nguồn: Visual Capitalist
Nguồn: Visual Capitalist

Không phải giả sử mà là khi nào

“Chúng ta đã có virus corona gây ra SARS hồi năm 2003, và đó giống như phát súng cảnh báo từ thế giới hoang dã” - tiến sĩ Simon Reid, phó giáo sư Đại học Queensland, nói với ABC News (Úc) hôm 7-6.

13 năm sau “phát súng” SARS, Christopher Kirchhoff, lãnh đạo nỗ lực ứng phó Ebola của Mỹ, từng viết trong “báo cáo tổng kết” chiến dịch hồi năm 2016 rằng một đại dịch nghiêm trọng do bệnh truyền nhiễm lây qua không khí gây ra “là vấn đề khi nào chứ không phải có hay không”.

Năm 2017, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra SARS cũng cảnh báo rằng “mọi yếu tố đã sẵn sàng” để virus corona bùng phát trở lại. Chỉ 2 năm sau, dự báo thành hiện thực: SARS-CoV-2, “bà con” với virus gây ra SARS (có trình tự gene giống đến 80%) bắt đầu gieo rắc tai họa.

Mới nhất là tháng 9-2019, chỉ vài tháng trước khi COVID-19 được phát hiện ở Trung Quốc, một tổ chức giám sát độc lập của WHO nhắc nhở rằng thế giới vô cùng không sẵn sàng cho “hiểm họa thực thụ” về một đại dịch có thể xảy ra. Song những gì mà virus corona chủng mới cho ta thấy về tương lai còn đáng báo động hơn những cảnh báo (rốt cuộc đã thành sự thật) nói trên.

Theo ABC News, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng tác động của con người lên thế giới tự nhiên đang khiến bệnh truyền nhiễm xảy ra thường xuyên hơn trước đây bao giờ hết, đồng nghĩa với đại dịch tiếp theo, có thể còn tồi tệ hơn COVID-19, chỉ là vấn đề thời gian. “Chúng tôi biết rằng đó là một xác suất, không phải là một khả năng” - tiến sĩ Reid nhấn mạnh. Vấn đề là nó sẽ xảy ra với xác suất thế nào, chứ không còn phải bàn cãi liệu nó có khả năng xảy ra hay không.

ABC News dẫn một số nghiên cứu cho thấy khoảng 200 bệnh truyền nhiễm đã bùng phát hơn 12.000 lần trong ba thập kỷ vừa qua. Trung bình cứ bốn tháng lại có một bệnh mới lây từ động vật sang người.

Theo Bách khoa toàn thư quốc tế về sức khỏe cộng đồng, từ thế kỷ 17 đến nay, mỗi thế kỷ lại có trung bình ba đại dịch xảy ra, thường cách nhau 10 hoặc 50 năm.

Trung tâm Chính sách và nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (CIDRAP) cho biết khoảng thời gian ngắn nhất giữa hai đại dịch là 3 năm (dịch cúm 1729 và 1732), xa nhất là 56 năm (dịch cúm 1833 và 1889).

Đừng đổ lỗi cho động vật

Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ ước tính 3 trong 4 bệnh truyền nhiễm mới, và gần như toàn bộ các đại dịch đã được ghi nhận, đều là từ động vật lây cho người.

Chẳng hạn SARS là từ cầy hương, MERS do lạc đà, trong khi virus Hendra lây từ ngựa và virus Nipah từ lợn sang người. HIV bắt đầu lây sang con người cách đây hơn một thế kỷ từ một con tinh tinh. Chủng virus cúm A “nhảy” từ chim hoang dã sang lợn, rồi sang người, còn loài gặm nhấm lây truyền bệnh sốt Lass ở Tây Phi.

Hiện vẫn chưa xác định động vật nào đã lây virus SARS-CoV-2 cho người, với dơi hay tê tê nằm trong số các “nghi phạm”. Vấn đề ở đây không phải đổ lỗi cho động vật, mà lỗi là ở chính con người chúng ta.

Nhiều nhà nghiên cứu bệnh lây từ động vật sang người đều nhấn mạnh: chính xã hội và hành vi của con người mới phải chịu trách nhiệm chính cho việc lây lan bệnh mới từ thú sang người. “Phải có tiếp xúc mới có lây nhiễm và chính ảnh hưởng của con người lên hệ thống tự nhiên đã tăng sự tiếp xúc giữa người và động vật” - Hume Field, chuyên gia thú y từng góp phần truy nguồn gốc virus Hendra ở Úc và SARS ở Trung Quốc, nhận xét.

Ảnh: Olaf Hajek/New York Times
Ảnh: Olaf Hajek/New York Times

Động vật hoang dã vẫn luôn chứa nhiều loại virus trong cơ thể. Chẳng hạn dơi, được xem là “siêu miễn dịch” và “ổ virus khổng lồ” khi mang trong cơ thể nhiều mầm bệnh không gây hại cho bản thân chúng nhưng lại có tác hại lớn nếu lây sang vật chủ khác. “Thị trường mua bán động vật hoang dã trị giá hàng tỉ đôla, hiện tượng thâm canh nông nghiệp, phá rừng và đô thị hóa đang đưa con người đến gần động vật hơn và trao cho chúng thêm thứ mà chúng cần để lây bệnh cho chúng ta: cơ hội” - Washington Post bình luận.

Không phải có cơ hội tiếp xúc là virus “nhảy” từ từ thú sang người được ngay. Đa số trường hợp là thất bại, tức không có lây nhiễm. Một số thành công, nhưng chỉ trên quy mô nhỏ. Có rất ít trường hợp “đại thành công” như SARS-CoV-2, vì nhờ có thiên thời địa lợi: nó xảy ra trong thế giới siêu kết nối, mầm bệnh có thể di chuyển khắp năm châu bằng máy bay chỉ trong vài tiếng đồng hồ.

Chính ta gây ra

Theo Washington Post, nuôi dưỡng, săn bắt động vật không phải là con đường duy nhất để xảy ra lây bệnh từ thú sang người, mà việc chúng ta ngày càng “chia sẻ không gian” với động vật hoang dã và xâm phạm thế giới tự nhiên đó cũng có thể là nguyên nhân bùng phát dịch bệnh.

Quá trình khai hoang mở đất bằng cách phá rừng hoặc khai phá các hệ sinh thái vốn chưa bị con người “làm phiền” sẽ đẩy động vật có mầm bệnh vốn đang ở yên trong hoang dã ra ngoài. Dịch bệnh sẽ dễ lây lan giữa động vật hoang dã khi không còn hệ sinh thái và đa dạng sinh học và mật độ dân cư đông đúc trong các đô thị sẽ chỉ làm tăng tốc độ lây nhiễm dịch bệnh mà thôi.

Trong bài viết trên tạp chí Lancet năm 2015, một nhóm các nhà khoa học kết luận rằng những thay đổi sâu rộng đối với các hệ thống tự nhiên của Trái đất gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với sức khỏe con người, cụ thể là các bệnh mới nổi và biến đổi khí hậu.

Sự xuất hiện của virus Nipah ở Malaysia năm 1998, sau đó bùng phát thành dịch ở nhiều nơi khiến hàng trăm người chết ở châu Á, là một ví dụ sinh động khác về sự lây nhiễm từ động vật sang người do thay đổi môi trường và thâm canh nông nghiệp.

Cụ thể, việc dọn sạch rừng mưa nhiệt đới để lấy dầu cọ và gỗ và chăn nuôi gia súc đã làm mất nơi ở của dơi ăn quả. Một số con dơi chuyển sang các trang trại lợn, nơi có xoài và các loại cây ăn quả khác.

Theo Thomas Gillespie - chuyên gia sinh bệnh học Đại học Emory, dơi ăn ít mà thải ra thì nhiều, nước bọt và phân của chúng khiến bầy lợn dưới đất nhiễm bệnh. Lợn nhiễm sẽ lây cho nông dân và những người có liên quan khác trong ngành chăn nuôi.

Rõ ràng tác động của con người đã khiến động vật hoang dã - mà cụ thể là dơi - tìm nơi ăn chốn ở mới, và sự thay đổi hành vi của chúng, rủi thay, lại khiến chúng dễ lây bệnh cho con người hơn. Tạo hóa đã để động vật mang virus sống xa loài người, nhưng chính chúng ta lại đảo ngược điều đó.

Chuẩn bị thế nào?

Chúng ta ngày càng quan tâm đến việc môi trường toàn cầu thay đổi ảnh hưởng đến con người như thế nào, song phần lớn sự chú ý lại dồn vào biến đổi khí hậu, ô nhiễm, các hiện tượng thời tiết cực đoan mà phớt lờ các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Trong một bài viết hồi tháng 2-2020, bảy nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học khối Thịnh vượng chung có bài viết nhấn mạnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thay đổi môi trường và bệnh truyền nhiễm có liên hệ với nhau.

“Nếu không suy xét đến mối liên hệ này, các chính phủ có thể sẽ mãi mãi ở vào thế khắc phục khi sự đã rồi: trả giá đắt về con người và kinh tế để chữa trị các chứng bệnh mới, thay vì giải quyết các yếu tố có thể gây ra đợt bùng phát tiếp theo” - nhóm tác giả viết.

Giới khoa học cho rằng cần xem đại dịch COVID-19 là hồi chuông cảnh báo về việc phải xem động vật là “đối tác”, quan tâm bảo vệ sức khỏe và nơi sinh sống của chúng để ngăn một đợt bùng phát dịch toàn cầu tiếp theo.

Đây chính là lối tiếp cận mà WHO gọi là “One health” (Một sức khỏe) - xem sức khỏe con người, động vật và môi trường là một khối có liên quan mật thiết với nhau. Cách tiếp cận này cũng đòi hỏi phải có sự phối hợp hành động giữa các ngành như y tế, thú y và môi trường để đạt được kết quả sức khỏe tốt nhất có thể cho tất cả các loài.

“Cần phải có sự thay đổi văn hóa từ cấp độ cộng đồng trở lên về cách chúng ta đối xử với động vật và về sự hiểu biết của chúng ta về những nguy cơ và rủi ro an toàn sinh học mà chúng ta tự chuốc lấy - Kate Jones, giáo sư Đại học London, nói với Washington Post - Nghĩa là phải suy nghĩ theo hướng lâu dài để giữ cho các hệ sinh thái nguyên vẹn chứ không phải phá hủy chúng". ■

 

Dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014 là ví dụ điển hình cho việc tại sao đa số các dịch bệnh lây từ động vật đều liên quan đến hoạt động của con người. 80% diện tích rừng ở khu vực bùng phát dịch Ebola ở Guinea đã bị tàn phá, phần vì dân địa phương đốn rừng lấy gỗ, phần do các công ty khai mỏ và nông nghiệp.

“Việc phá rừng đã khiến dơi phải chuyển sang sống ở những vùng hoàn toàn mới với chúng, nơi vô tình lại có con người sinh sống” - tiến sĩ Reid giải thích. Vì sao dơi và người đã cùng tồn tại trên quả đất hàng ngàn năm, song chỉ mới gần đây mới có nhiều bệnh truyền nhiễm lây từ loài thú này cho con người? Câu trả lời chính là nạn phá rừng.

Nhiều công ty phải chịu trách nhiệm cho nạn phá rừng ở các châu lục. (Ảnh: QZ)

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận