Những đứa trẻ biết phản kháng

TIM KENNEDY 24/12/2018 20:12 GMT+7

​TTCT - Những người trưởng thành ý thức về quyền và trách nhiệm của mình bắt đầu từ những đứa trẻ biết ý thức về quyền và trách nhiệm của mình.

Dạy trẻ con biết tranh đấu và phản kháng là một phần rất quan trọng của giáo dục. -Ảnh: UVA Today
Dạy trẻ con biết tranh đấu và phản kháng là một phần rất quan trọng của giáo dục. -Ảnh: UVA Today

 Về mặt tâm lý, sẽ là phi thực tế nếu kỳ vọng những đứa trẻ được nuôi dạy phải tôn kính, thậm chí là phục tùng người lớn trong cả thời thơ ấu bỗng nhiên lại trở nên sáng tạo, năng nổ và biết phản kháng những khi cần thiết.

Vụ cáo buộc xâm hại tình dục trẻ em ở Phú Thọ vừa qua cho thấy vấn đề sâu xa hơn là những câu hỏi pháp lý: đó là sự nhìn nhận của xã hội về vị thế của thanh thiếu niên. Thói quen mà những đứa trẻ học được - lên tiếng cho bản thân và bảo vệ những mục đích mà đứa bé tin vào, hay chỉ biết im lặng và lủi vào đám đông - thường sẽ tiếp tục tới tận khi trưởng thành và lâu hơn nữa.

 

Ở các xã hội phương Tây, việc người trẻ, kể cả những học trò cấp II, cấp III lên tiếng và phản kháng lại sự áp đặt của người lớn, từ bối cảnh gia đình cho tới ở nhà trường, thậm chí trên chính trường-ngoài xã hội là điều bình thường. Không ít lần chính lực lượng “tuổi teen” này trở thành tiếng nói lương tâm, thành lực lượng dẫn dắt những phong trào có ảnh hưởng sâu rộng và tầm vóc rất lớn.

Một trong những câu chuyện tin tức định hình nước Mỹ trong năm qua là vụ xả súng hồi tháng 2 ở trường cấp III Stoneman Douglas tại Parkland, Florida. 17 học trò và nhân viên trường đã bị một tay súng sát hại, 18 người khác bị thương.

Đó là vụ xả súng trường học tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ. Nhưng chính phản ứng sau đó mới khiến vụ xả súng Parkland đi vào sử sách. Ngay từ tháng 2, một nhóm các học trò đã liên tục đấu tranh đòi hỏi thay đổi một trong những điều khó thay đổi nhất trong xã hội Mỹ: siết chặt việc kiểm soát súng. 

Một phong trào ra đời: “Tuần hành vì mạng sống của chúng ta” (March for our lives), với những người tổ chức chính là thanh thiếu niên, các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp cả nước thu hút 1,2-2 triệu người tham gia.

Những đứa trẻ Parkland không phải là nhóm thanh thiếu niên đầu tiên đóng vai trò dẫn dắt trong lịch sử Mỹ. Đấu tranh của sinh viên-học sinh là một truyền thống đã nhiều thập kỷ. Những năm 1960, phong trào Quyền dân sự Mỹ chủ yếu được thúc đẩy bởi người trẻ, bao gồm nhiều học sinh-sinh viên.

Cũng những năm đó, nhiều người trẻ ở Mỹ tham gia biểu tình ở quy mô lớn phản đối việc đưa quân sang Việt Nam, bạo động nổ ra trong các khuôn viên đại học rồi cả các trường cấp III. Sự phản đối dữ dội và không khoan nhượng của họ là một trong những yếu tố then chốt khiến dư luận Mỹ dần chuyển hướng, từ ủng hộ sang chống lại cuộc chiến.

Không phải là thanh thiếu niên và trẻ con luôn đúng đắn về mặt đạo đức. Những trẻ tuổi “teen” có thể hời hợt, quá mê các thiết bị điện tử, lười biếng, ích kỷ, khó chịu..., nhưng chính vì thế cần sự độ lượng lớn lao ở những người lớn, những người thiết lập luật chơi cho xã hội để dạy cho các thế hệ kế cận biết tự tư duy, biết giận dữ và phản kháng khi cần thiết.

Tất nhiên, cần sự cân bằng ở đây, nhất là trong một xã hội Á Đông như Việt Nam. Đứa trẻ lý tưởng ở đây là sự cân bằng lành mạnh giữa việc tôn trọng người lớn - cha mẹ, thầy cô giáo, anh chị, họ hàng... - với sự độc lập và những hệ lòng tin và giá trị của riêng các em.

Bản thân tôi nghĩ rằng những trẻ tuổi “teen” người Mỹ đi quá xa ở phía kia của sự cân bằng đó, từ chối chấp nhận bất cứ sự hướng dẫn nào từ người lớn tuổi hơn. Tôi mới 29 tuổi, vậy mà tôi đã thấy khá cách biệt với một số phong trào đấu tranh đang bùng phát ở các khuôn viên đại học Mỹ hiện nay, chủ yếu là về tự do ngôn luận và chính trị bản sắc.

Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng rốt cuộc thì cách tốt hơn vẫn là có những đứa trẻ đeo đuổi quá mức những lý tưởng của riêng chúng, thay vì những đứa trẻ không hề có lý tưởng, những đứa phản kháng quá đà thay vì những đứa không hề biết phản kháng.

Các học trò ở Parkland chẳng hạn, đã chưa thể thay đổi sâu sắc mối quan hệ độc hại của nước Mỹ với súng ống, nhưng các em đã học được rất nhiều từ những trải nghiệm đó, và một ngày các em có thể là thế hệ giải quyết dứt điểm vấn đề súng ở Hoa Kỳ.

Nếu chúng ta muốn những người lớn tốt đẹp hơn, nhiệt tình hơn và những nhà lãnh đạo nhiều tham vọng hơn trong tương lai, chúng ta phải bắt đầu khuyến khích những điều đó ở các đứa trẻ ngay từ bây giờ. “Chúng ta” ở đây chính là những người lớn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận