Những manh mối đằng sau một vụ tai nạn

HỮU NGHỊ 25/05/2024 09:36 GMT+7

TTCT - "Tiến sĩ Seyyed Ebrahim Raisi, tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran, tôi tớ tận tụy của người dân Iran và Đấng Imam Reza, đã tử đạo khi phục vụ đất nước", Phủ tổng thống Iran hôm 20-5 mở đầu bản tin về sự ra đi của Tổng thống Raisi.

Ông Raisi (trái) và ông Amir-Abdollahian. Ảnh: mfa.gov.ir

Ông Raisi (trái) và ông Amir-Abdollahian. Ảnh: mfa.gov.ir

Cũng thế, bản tin của Bộ Ngoại giao nước này: "Bộ Ngoại giao Iran bày tỏ lời chúc mừng và chia buồn về sự tử đạo của người đầy tớ yêu quý và bình dân của đất nước Iran, Tổng thống Raisi, Bộ trưởng Ngoại giao Amir-Abdollahian, và những người đồng hành quý giá của họ vì đất nước Iran vĩ đại và cao quý". 

Sở dĩ có chuyện "chúc mừng" là do hành động tử đạo được xem như "thuật sống của con cái của Thượng Đế và niềm tự hào các nhà tiên tri của Thượng Đế, và là phần thưởng xứng đáng từ Thượng Đế dành cho những tạo vật được Ngài chọn", Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Hồi giáo giải thích.

Những bước ngoại giao cuối cùng

Cũng bản tin của Phủ tổng thống Iran nói trên cho biết: "Hôm qua, tổng thống đã tới tỉnh Đông Azerbaijan để khánh thành hai dự án xây dựng và khi trở về sau lễ khánh thành đập Qiz Qalasi, chiếc trực thăng của ông bị rơi ở vùng Varzeghan trong tỉnh Đông Azerbaijan". 

Trong số những người thiệt mạng, còn có Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amir-Abdollahian và 7 người khác.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Iran cho biết thêm về công việc của hai nhà lãnh đạo đất nước: "Trong ba năm qua, tiến sĩ Raisi và tiến sĩ Amir-Abdollahian... đã đóng vai trò lịch sử, hiệu quả và lâu dài trong nền chính trị và quan hệ đối ngoại của đất nước". 

Quả thật, ông Raisi sinh thời đã cất công hoạt động ngoại giao tứ phía, bao gồm sự kiện cuối cùng của ông, gặp gỡ Tổng thống Ilham Aliyev của Azerbaijan để khánh thành đập thủy điện Qiz Qalasi.

Trên bề nổi, đập này là để giúp Iran sử dụng tối đa lượng nước dự trữ trong đập Khoda Afarin trên sông Aras nằm dọc biên giới Iran - Azerbaijan. Nhưng sâu xa thì chuyện này rất ư phức tạp. Từ năm 1993, khu vực xây dựng đập thuộc về Cộng hòa Artsakh (tức Cộng hòa Nagorno-Karabakh) tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan. 

Trước năm 2020, vùng này do Armenia kiểm soát trên thực tế. Nhưng ngày 18-10-2020, Azerbaijan giành lại quyền kiểm soát sau cuộc xung đột Nagorno-Karabakh. Thành ra, việc khánh thành đập Qiz Qalasi gửi đi một thông điệp chính trị quan trọng không kém lợi ích thực tế là Iran sẽ nhận mỗi năm 2 tỉ m3 nước từ sông Aras, theo thông tấn xã Iran IRNA.

Ông Raisi (trái) và ông Aliyev. Ảnh: DW

Ông Raisi (trái) và ông Aliyev. Ảnh: DW

Ngoại giao linh động và thực dụng

Iran không chỉ giao thiệp với Azerbaijan vì nguồn nước sông Aras mà cả với Armenia nữa, qua dự án xây dựng đường điện cao thế thứ ba nâng công suất truyền tải hiện tại từ 340 MW/giờ lên 1.200 MW/giờ. 

Khoản vốn vay để xây dựng được cấp bởi Ngân hàng Phát triển xuất khẩu Iran và nhà thầu là Công ty Samir của Iran, Hãng tin Armenpress của Armenia 20-1-2023 cho biết. 

Mới nhất, Iran sẽ tăng mua điện của Armenia, và đổi lại tăng bán khí đốt cho Armenia, theo nội dung trao đổi của chính phủ hai nước tháng 2 vừa rồi (Armenpress 12-2-2024).

Chuyện "đổi phe" hay chơi với cả hai phe không lạ với Iran. Năm 2020, khi Azerbaijan đang giao tranh với Armenia, báo Pháp Le Monde viết:

"Nếu khi bắt đầu cuộc xung đột, Cộng hòa Hồi giáo Iran dường như nghiêng về Armenia, thì nay nước này ngày càng ủng hộ Azerbaijan, một nước Hồi giáo Shiite giống như chính họ".

Có thể thấy ông Raisi, kế thừa tổng thống tiền nhiệm Hassan Rouhani từ tháng 8-2021, đã khéo léo tìm cách phần nào thoát khỏi những trói buộc cũ, với mục tiêu "thiết lập các mối quan hệ mang tính xây dựng [hiểu là thực dụng] trong hệ thống quốc tế", như cáo phó của Bộ Ngoại giao. 

Ông đã hòa giải nhanh chóng với đối thủ lâu đời trong khu vực Saudi Arabia, qua thỏa thuận tái lập quan hệ tại Bắc Kinh ngày 10-3-2023, và nhanh chóng mở lại đại sứ quán các bên ở Riyadh và Tehran.

Thỏa thuận này phản ánh quan điểm từ năm 2022 của ông Raisi khi ông thiết lập quan hệ ngoại giao với UAE, tạo ra bầu không khí tích cực bước đầu trong khu vực. 

Một minh họa quan trọng cho hướng đi đối ngoại mới này của Iran là cuộc trò chuyện qua điện thoại đầu tiên giữa ông Raisi và người nắm quyền thực tế ở Saudi, Thái tử Mohammad bin Salman, khi cuộc chiến Gaza nổ ra. 

Như vậy, ông Raisi không hẳn chủ chiến như người ta có thể nghĩ. Việc xích lại gần nhau giữa Saudi và Iran cũng đã mở ra khả năng đối thoại giữa Tehran với các quốc gia khác trong khu vực như Bahrain và Ai Cập.

Ông Raisi là tổng thống Iran đầu tiên thăm Saudi Arabia sau rất nhiều năm. Ảnh: The New York Times

Ông Raisi là tổng thống Iran đầu tiên thăm Saudi Arabia sau rất nhiều năm. Ảnh: The New York Times

Tất nhiên, ông Raisi không thể (được quyền) từ bỏ lập tức những địa hạt truyền thống của Iran. Ông vẫn phải tiếp tục công việc mà các tổng thống tiền nhiệm đã làm, tỉ như tại Syria và Iraq, hay trong mối quan hệ mật thiết với Nga. 

Tờ Al Majalla, trụ sở ở London (Anh), từng chạy tít vào năm 2023: "Syria có 850 cơ sở quân sự, 70% số đó là của Iran". Theo bài báo, các cơ sở này trải khắp các thành phố và tỉnh của Syria, bao gồm Aleppo, Damascus, Homs, Tartus, và nhiều nơi khác. 

Từ vị trí đặt chân ở Syria, Iran thống lĩnh một loạt tổ chức quân sự trong khu vực như Hezbollah (Lebanon), Liwa Fatemiyoun (Afghanistan), Al-Nujaba (Iraq)... Một đặc điểm rất Iran là các hoạt động này vừa mang tính chính quy, lại vừa "bí mật".

Những ân oán lâu năm

Tuy có ý muốn tháo gỡ những trói buộc cũ, song ông Raisi cũng không thể tách khỏi vòng xoáy xung đột Trung Đông. Trong số các nước có ân oán với Iran, nổi bật nhất là Israel. 

Vụ Iran tấn công Israel hôm 13-4 bằng hơn 350 tên lửa và UAV là một ân oán điển hình, đáp trả việc lãnh sự quán Iran tại Damascus bị trúng đạn Israel trước đó. Hôm 23-4, trong chuyến thăm Pakistan, ông Raisi đã lớn tiếng cảnh cáo: 

"Lần này, Nhà nước Iran đã trừng trị Israel... Nếu Israel lại phạm sai lầm và tấn công lãnh thổ Iran, tình hình sẽ khác và không chắc liệu đất nước đó có còn lại gì hay không".

Điều đáng nói là sau vụ không kích của Israel đó, đã xuất hiện một số dấu hiệu khác thường. Iran khởi sự giảm bớt sự hiện diện ở Syria, nhờ các tổ chức Iraq thế chỗ. 

Theo tờ Asharq Al-Awsat, một cựu quan chức Iraq có hiểu biết về các vấn đề ở Syria và từng gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad vài lần trong giai đoạn 2015 - 2019, cho biết Iran nghi ngờ các sĩ quan an ninh Syria đã cộng tác với đối phương chống lại Iran và tiết lộ hoạt động của họ. 

Quan chức này nói với Asharq Al-Awsat rằng "Iran đang điều tra và sắp đi đến kết luận" và "đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa".

Ảnh: The Australian

Ảnh: The Australian

Ân oán như thế chỉ có chồng chất, chớ khó bề tháo gỡ, một khi đã biến thành quan điểm và ý thức hệ. 

Mới hôm 15-5, trong bài giảng ở Đại hội Quốc tế tưởng nhớ Đấng Imam Reza lần thứ năm, ông Raisi, vốn là giáo sĩ cao cấp và được xem là ứng viên kế vị Đại Giáo chủ Khamenei, từng tuyên bố:

"Ngày nay, trong xã hội loài người, đặc biệt là ở thế hệ trẻ, đam mê tôn giáo đã gia tăng rất nhiều, nguyên nhân là do quan điểm đi tìm công lý chính đáng của hệ thống Hồi giáo chống lại hệ thống thống trị, ủng hộ người dân bị áp bức ở Palestine, vì tự do của thành Thánh, và để tiêu diệt khối u ác tính là chế độ theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái, vì an ninh và hòa bình của thế giới". 

Thông điệp trên nghe như của một giáo sĩ hơn là một chính khách. Thành ra, như phía Iran đưa tin, Tổng thống Raisi đã tử đạo, còn tử đạo bởi ai, thì ai cũng có thể!■

Vì nhiều lý do, Iran là quốc gia có vị thế và những mối quan hệ đối ngoại phức tạp bậc nhất thế giới. Báo cáo của tổ chức thăm dò công luận Pew Research gần đây khảo sát 39 quốc gia cho thấy hầu hết có cái nhìn không thiện cảm với Iran.

Không chỉ Israel và phương Tây có quan điểm bất lợi về Iran, nhiều quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo được khảo sát cũng nhìn nhận Iran theo hướng tiêu cực, bao gồm Jordan (81% không thuận lợi), Ai Cập (78%), Thổ Nhĩ Kỳ (68%), Lebanon (60%) và cả Palestine (55%); chỉ ở Pakistan (69%) và Indonesia (55%), mới có đa số bày tỏ quan điểm ủng hộ Iran.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận