Những thế giới đã chết...

THANH VÂN 17/02/2014 04:02 GMT+7

TTCT - Từ “thế giới” gợi nên một quang cảnh xa xôi và đầy hứa hẹn. Với mỗi con người thế giới rộng đến đâu, họ phụ thuộc vào thế giới của mình như thế nào và làm sao mà thế giới sụp đổ?

Những câu hỏi vĩnh cửu đó được khám phá trong cuốn tiểu thuyết gọn gàng và tuyệt đẹp La Mã sụp đổ (*) của Jérôme Ferrari - chủ nhân giải Goncourt năm 2012.

Bắt đầu bằng một bức ảnh đen trắng cũ, Jérôme Ferrari ngay lập tức tạo ra một trạng thái bất an về vị trí của mỗi con người đối với thế giới, nó có thể rộng lớn khôn cùng và cũng có thể hết sức hạn hẹp. Marcel - đứa con cuối cùng của một người lính trở về từ Thế chiến thứ nhất - đã ra đời vào thời điểm mà châu Âu tan hoang sau chiến tranh, và lớn lên trở thành một viên chức thuộc địa tại châu Phi trong những ngày tàn của đế chế Pháp.

Cuộc đời ông là những lần “lỡ hẹn với những thế giới không còn tồn tại nữa”. Sự ra đời và lớn lên của con, rồi cháu ông là những cơ hội mới, và họ tiếp tục kiên trì bước vào xây dựng những thế giới nhỏ bé khác, bởi ở mọi thời đại, những con người bị bỏ rơi, bị tước đoạt thế giới, vẫn tiếp tục tấn trò của thế hệ và của cái chết...

Matthieu - cháu trai của Marcel - cùng người bạn thân Libero đã rời bỏ trường đại học khi những người thầy trên giảng đường không còn khiến họ tin vào thế giới triết học trong thời hiện đại nữa. Tại ngôi làng hẻo lánh trên đảo Corse quê hương, họ quyết định tiếp tục cái ước mơ không bao giờ cũ - xây dựng thế giới hoàn hảo của riêng mình bằng cách tiếp quản một quán bar địa phương.

Buổi đầu mọi thứ bao giờ cũng đẹp đẽ. Hai chàng thanh niên đầy nhiệt huyết tập hợp được một bộ sậu, với những cô hầu bàn rộng rãi đáng yêu và một nhạc công guitar lang thang. Họ sống những ngày đầy sôi động trong ảo tưởng rằng thế giới họ xây nên đã bền vững. Nhưng trọng tâm mong manh vô hình của nó mỗi ngày một lệch dần vì tình dục, tiền bạc, nỗi sợ hãi, sự cô lập...

Và nếu một ngày nó sụp đổ thì cũng không ai nhận ra. Phải chăng các đế chế thường chết như thế, chẳng ai nghe thấy dù là một tiếng rung rinh? - đó là cảm giác ám ảnh hiện diện, trong từng trang sách cứ vang vọng mãi âm thanh mơ hồ của những nền móng đang dần dần rạn nứt.

Ba sự sụp đổ được sử dụng làm nền cho cuốn sách đầy tính biểu tượng: sự sụp đổ của đế quốc La Mã, qua những lời giảng của Thánh Augustin; sự sụp đổ của trật tự thế giới cũ sau chiến tranh thế giới, qua cuộc đời của nhân vật Marcel; sự sụp đổ của quán bar nhỏ bé, thế giới bất toàn mà những người thanh niên thời hiện đại tự xây cho mình - như một lời cảnh báo về văn hóa châu Âu buổi suy tàn.

Họ nào phải thần linh, họ chỉ là những kẻ sáng tạo, và chính thế giới mà họ đã tạo ra giờ lại đặt họ dưới ách thống trị độc đoán của nó - tình cảnh mà Matthieu và Libera trải qua gắn với số phận con người, và giờ đây con người nhìn thấu nó hơn bao giờ hết khi những bức màn trang trí của nhiều thế kỷ qua đều đã rơi xuống hết.

“...Chúng ta không biết thế giới là gì, sự tồn tại của thế giới phụ thuộc vào cái gì. Hẳn đã được ghi đâu đó trong vũ trụ quy luật bí hiểm đang chi phối sự hình thành, sự lớn lên và sự kết thúc của những thế giới đó. Nhưng chúng ta cũng biết điều này: để một thế giới mới nảy sinh, thế giới cũ phải chết đi đã...

Khoảng cách giữa hai thế giới đó có thể vô cùng ngắn ngủi hoặc trái lại, dài lâu đến mức trong nhiều chục năm trời, con người phải học cách sống trong sầu não, đau buồn để cuối cùng tất yếu nhận ra họ không thể sống và xét cho cùng, họ chưa bao giờ sống”.

Chỉ dày hơn 200 trang, La Mã sụp đổ là một tác phẩm tiêu biểu cho văn học hiện đại, với dung lượng vừa phải, những câu chuyện gợi mở và lối văn chương đáng thưởng thức. Chỉ có một ngòi bút bậc thầy mới có thể hòa trộn sự phóng túng, châm biếm với những nét lãng mạn thuần khiết trong từng bức chân dung được mô tả sống động, mà vẫn làm nổi bật được tính khái quát và chiều sâu triết học.

Những câu văn dài đầy nhịp điệu lôi cuốn người đọc vào nỗi buồn, nỗi cô đơn, cảm giác bất an... nhưng bên dưới là sự điềm tĩnh và niềm hi vọng.

Jérôme Ferrari sinh năm 1968 tại Paris, từng học tại Sorbonne và nhận bằng cử nhân triết học tại Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne. Hiện ông là giáo viên triết học tại Abu Dhabi, thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Trước khi nhận giải Goncourt 2012 với La Mã sụp đổ, Jérôme Ferrari từng nhận giải thưởng Landerneau của France Télévisions cho tiểu thuyết Un dieu un animal, giải thưởng lớn Poncetton cho cuốn Où j’ai laissé mon âme.

(*): La Mã sụp đổ, Jérôme Ferrari. Nguyễn Duy Bình dịch, Nhã Nam và NXB Văn Học ấn hành, tháng 1-2014.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận