Những "vị thần" được sùng bái ở Thung lũng Silicon

TỊNH ANH 25/11/2022 06:02 GMT+7

TTCT - Nước Mỹ, cái nôi của những thiên tài công nghệ, những nhà sáng lập kiêm CEO của các đế chế vươn lên từ kỹ thuật số và Internet, từ lâu cũng đã tôn thờ, sùng bái họ như những vị thần, có khả năng cải biến thế giới.

Những vị thần được sùng bái ở Thung lũng Silicon - Ảnh 1.

Ảnh: Sharp Magazine

Ít nhất ba người trong số này vừa trải qua những tuần đầu tiên của tháng 11 đầy sóng gió. Liệu đã đến lúc cần "quay xe"?

Các nhà đầu tư mạo hiểm tin rằng người sáng lập và điều hành các hãng công nghệ cần được trao sự tự do tối đa để lèo lái con thuyền theo hướng họ cho là thích hợp. Chính văn hóa này đã sinh ra những ngôi sao sáng nhất của giới công nghệ, nhưng chứng vĩ cuồng của họ đã khiến khách hàng ôm lỗ, người lao động mất việc hàng loạt, cây bút bình luận Max Chafkin của Bloomberg viết trong bài "Sự tôn thờ các nhà sáng lập công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon có tính hủy diệt" ngày 11-11.

Những vị thần biết tuốt

Những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ - như Sam Bankman-Fried, CEO sàn giao dịch tiền mã hóa FTX, vừa đệ đơn xin phá sản, ông chủ Meta Mark Zuckerberg, lãnh đạo Hãng xe điện Tesla, Công ty vũ trụ SpaceX và Twitter Elon Musk (cũng là ba người được nhắc ở đầu bài) - được xem như thần tượng, tấm gương sáng để noi theo, bất chấp những hành vi, thái độ kỳ quặc của họ, thứ dễ được biện minh bằng một cái tặc lưỡi: có tài có tật.

Theo Chafkin, hiện tượng sùng bái cá nhân trong lĩnh vực công nghệ chỉ bắt đầu manh nha sớm nhất là vào thập niên 1970, và chính thức cất cánh vào cuối thập niên 2000, với sự thành công của Apple, do nhà sáng lập nay đã quá cố Steve Jobs lãnh đạo, và Facebook thời thịnh vượng của Zuckerberg.

Bước ngoặt nằm ở việc Peter Thiel, nhà đồng sáng lập hệ thống thanh toán trực tuyến Pay Pal, lập ra quỹ đầu tư mạo hiểm Founders Fund, với tôn chỉ sẽ không bao giờ sa thải các nhà sáng lập. Chính nhờ phần nhiều ở Thiel mà niềm tin rằng nhà sáng lập công ty là người biết tuốt đã chính thức trở thành một thứ tôn giáo.

Trong quyển Zero to One (2014), Thiel ví các doanh nhân như những vị thần và lập luận rằng họ không chỉ đặc biệt mà còn có những người cực kỳ đặc biệt - những nhà sáng lập hành xử tệ, dù là ngó lơ luật pháp hay phá vỡ các khuôn mẫu. "Nghe có vẻ điên rồ, nhưng điều này đã trở thành một kiểu ‘lẽ thường’ trong phạm vi rộng lớn của tài chính khởi nghiệp" - Chafkin viết.

Nếu cần ví dụ, thì chỉ kể riêng cá tính thất thường không hề giấu giếm bên cạnh tài năng không thể phủ nhận của Elon Musk là đã hết ngày. Tờ New York Times từng mô tả Musk "vừa là một anh hùng tư bản, một ngôi sao tạp chí hào nhoáng và một kẻ thích quăng bom đùa cợt". 

Musk tweet bất cứ thứ gì mình muốn (bao gồm cáo buộc vô căn cứ về tội ấu dâm), hút cỏ khi đang thu podcast và tất nhiên là cả những hành xử khi về làm chủ Twitter. Hậu sinh khả úy, Bankman-Fried, sinh năm 1992, từng vừa chơi game Liên minh huyền thoại ngay trong cuộc họp gọi vốn với nhà đầu tư.

Vấn đề là, các nhà đầu tư truyền thống coi Musk là người tính khí thất thường, còn người hâm mộ thì coi anh ta là gần gũi, không kiểu cách. Công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia, đối tác trong cuộc họp với FTX kể trên, không những không thấy phẫn nộ vì bị coi thường, mà còn xem đó là bằng chứng về tài năng thần đồng của vị CEO trẻ tuổi. Công ty này còn tự hào kể lại chi tiết đó trong một bài viết tự giới thiệu (hiện đã bị xóa) trên web.

Tất nhiên, người Mỹ cũng đã có lúc vỡ mộng và không chỉ một lần. "Hết lần này đến lần khác, người Mỹ lại trở thành nạn nhân của các huyền thoại về thiên tài tỉ phú, [người] tốt hơn những kẻ phàm tục chúng ta, có thể giải quyết bất kỳ vấn đề kinh doanh, chính trị hoặc thiện nguyện nào theo cách của anh ta - cho đến khi, đột nhiên, anh ta không thể làm thế nữa" - cây bút Helaine Olen viết trên tờ Washington Post.

Những vị thần được sùng bái ở Thung lũng Silicon - Ảnh 2.

"Thánh Musk"?

Vì sao và vì sao?

Đúng như Olen đã nói, "hết lần này đến lần khác", không phải đến hôm nay người ta mới đặt vấn đề về hiện tượng sùng bái cá nhân ở thung lũng công nghệ. Những bài viết chỉ ra sự nguy hiểm của việc thần thánh hóa Musk nói riêng và các tỉ phú công nghệ nói chung hầu như năm nào cũng có, ít nhất là năm năm trở lại đây.

Chẳng hạn bài "Hồi kết của việc sùng bái cá nhân các nhà sáng lập công ty" trên Wired tháng 11-2017, hay một bài sau đó một năm trên Forbes: "Elon Musk và sự nguy hiểm của việc tôn sùng quá mức". Đến tháng 4 năm nay, chỉ nửa tháng sau khi Musk bày tỏ ý định mua lại Twitter (và sau đó là một loạt tuyên bố nói tới nói lui cho đến kết cục như hôm nay), tạp chí Salon đã có bài: "'Giáo phái’ của Elon Musk: Vì sao chúng ta tôn thờ tỉ phú?".

Vậy thì tại sao? Tác giả Matthew Rozsa cho biết theo các nhà tâm lý học, nhiều người ủng hộ Musk vì ông là hiện thân của những mộng mơ không bao giờ thành hiện thực của chính họ: người siêu giàu, bậc thầy của vũ trụ, "người thắng cuộc" trong mọi lĩnh vực xã hội cho là xứng đáng.

"Đa số con người mơ tới một lối sống mà họ không sẵn sàng làm việc để có, hoặc họ không thể nào có được" - tiến sĩ Tara Bieber, nhà khoa học thần kinh đến từ MIT, giải thích với Salon, nhấn mạnh rằng bà đang nói theo góc nhìn khoa học chứ không đánh giá niềm tin của bất kỳ cá nhân nào.

Tiến sĩ Bieber cho rằng đây cũng là cách các tỉ phú trong quá khứ thu hút được người hâm mộ đồng thời với quá trình tích lũy tài sản của họ: doanh nhân ô tô Henry Ford, ông trùm kinh doanh Howard Hughes và gần đây hơn là người sáng lập Apple Steve Jobs. 

"Mỗi người trong số này đều sở hữu một sức hút không thể phủ nhận, thu hút mọi người đến với họ, và mỗi người đều cẩn thận trau dồi hình ảnh công chúng phù hợp với các giá trị khát vọng của thời đại họ sống" - Bieber nói thêm.

Nhà khoa học này đưa ra một lý giải táo bạo hơn: những nhà lãnh đạo công nghệ tài ba cũng sở hữu các đặc điểm của người mắc chứng thái nhân cách (psychopath). "Tôi không muốn bình luận về việc [Musk] có mắc thái nhân cách không, vì anh ấy không phải là bệnh nhân của tôi - Bieber nói với Salon - Nhưng một số đặc điểm của chứng thái nhân cách là rất quyến rũ, thuyết phục, không sợ hãi và tàn nhẫn. Ford, Hughes, Jobs và Musk đều có tất cả những phẩm chất này, và mỗi người đều có thể làm việc vì lợi ích của xã hội - nếu phân bổ các đặc tính đó đúng cách".

Tiến sĩ Karen M. Landay, phó giáo sư Trường quản lý Henry W. Bloch (Đại học Missouri-Kansas City) cho biết ba nét tính cách chính của kẻ thái nhân cách là táo bạo, thiếu thấu cảm và dễ bốc đồng. Những ông chủ lớn của giới công nghệ có thể dùng cá tính của mình để giúp ích cho nhân loại, hoặc tô vẽ cái tôi tỉ phú của họ, tùy trường hợp.

Trang Vox dẫn một lý giải khác, ngắn gọn hơn từ giáo sư Iwan Morus, nhà sử học khoa học đã viết nhiều về việc "bơm thổi" những người làm "đứt gãy" (disrupt, tức biến đổi đáng kể) ngành công nghệ như Musk: sức mạnh của khái niệm nhà phát minh, người tạo ra tương lai, người vô cùng khác biệt, có thể gây ra những thay đổi lớn. Điều này có nguy hiểm gì không, mà tờ The Atlantic hồi tháng 9 tuyên bố rằng "các nhà sáng lập Big Tech là thần tượng sai lầm của nước Mỹ"?

Những vị thần được sùng bái ở Thung lũng Silicon - Ảnh 3.

Ảnh: Risko/MIT Technology Review

Hào quang che mờ thực tại

Karl Kaufman, tác giả bài viết của Forbes được nhắc ở trên, nói ngắn gọn: tôn sùng quá mức các ông chủ công nghệ có thể làm ta mờ mắt trước nhiều thực tế. Chúng ta tin Elon Musk có thể đạt các mục tiêu sản xuất của Tesla, có thể "thuộc địa hóa" sao Hỏa, tin Mark Zuckerberg sẽ xây dựng thành công vũ trụ ảo metaverse, tin Sam Bankman-Fried có thể "phát minh lại tài chính kỹ thuật số", nhưng lỡ như họ không làm được điều đó thì sao?

"Đôi khi, thật dễ dàng để quên rằng Musk chỉ đơn thuần là một con người như chúng ta. Sự sùng bái [Musk] trên các phương tiện truyền thông và bởi những người hâm mộ anh khiến ta quên mất vai trò của anh ta là lãnh đạo của một công ty liên tục đốt tiền và không đạt các chỉ tiêu sản xuất" - Kaufman viết.

Olen (Washington Post) chỉ ra rằng vấn đề của những tỉ phú kiêm doanh nhân giỏi là khi họ đã thành công và giàu có, họ lại rơi vào tình huống chỉ nghe lời phỉnh nịnh xung quanh thay vì những chỉ trích, phê bình mang tính thách thức họ phải cố gắng hơn nữa. Điều này ảnh hưởng khả năng tiếp nhận góp ý, khiến các nhà tỉ phú chỉ còn thích những ai phát biểu phù hợp với hình ảnh bản thân mà họ tự xây dựng. 

Kết quả là họ sẽ có những sai lầm ngày càng lớn hơn và những hành vi ngày càng đáng ngờ về mặt đạo đức hơn. "Sự tôn thờ người nổi tiếng kết hợp với sự ngưỡng mộ của chúng ta đối với việc kiếm tiền thường xuyên khiến chúng ta lạc lối - ngay cả khi, như trong trường hợp FTX, siêu năng lực thực sự của các tỉ phú là biến tiền mặt của bạn thành giấy vụn" - Olen kết luận.

Từ năm 2017, Wired đã cảnh báo những người sáng lập công ty công nghệ có năng lượng và năng lực để làm nhiều điều kỳ diệu, nhưng cũng dễ dẫn đến các giải pháp chữa cháy khi có biến và những sai lầm kiêu ngạo. Nhiều người đơn giản là không biết đến bối cảnh xã hội/chính trị/luật pháp/kinh tế rộng lớn hơn lĩnh vực chính của họ. Nếu chỉ là một start-up nhỏ thì chuyện này không thành vấn đề, nhưng với những nền tảng có ảnh hưởng toàn cầu như Facebook và Twitter, "mọi thứ có thể trở nên hỗn loạn nhanh chóng".

Dẫu có lỗi lầm

Theo trang Recode, nhiều fan của Elon Musk trong mùa hè qua cho biết rằng họ đã vỡ mộng với thần tượng của mình với nhiều lý do, nhưng tựu trung là thực tế rằng Musk đã không thể sống đúng với hình ảnh vĩ đại như ông đã thể hiện trong thời gian dài trước đó, vốn là thứ đã khiến họ mê ông ngay từ đầu.

Salina Gomez, họa sĩ vẽ minh họa 43 tuổi ở Colorado, đã nhiệt thành hâm mộ Musk suốt năm năm, nhưng trong năm qua, khi Musk ngày càng tỏ rõ sự ủng hộ chính trị hữu khuynh, Gomez đã mất niềm tin vào người mình từng thần tượng vì những khát vọng lớn lao như lên sao Hỏa. 

Tương tự, Patrick Levy, thợ mộc 41 tuổi ở California, là fan của Musk từ những ngày đầu của Tesla, bởi say chủ nghĩa tương lai lãng mạn của Musk - lái xe điện và di chuyển bằng đường hầm siêu tốc Hyperloop. Giờ thì Levy không còn muốn dính dáng gì tới nhà tỉ phú và các công ty của ông ta. Những "cựu fan" này nói họ sẽ coi trọng Musk hơn nếu ông ta bớt nói lại.

Chafkin (Bloomberg) cho rằng các quỹ đầu tư mạo hiểm giờ đây đang phải chịu trách nhiệm với những khách hàng đã mất tiền và với các công nhân đã mất việc vì sai lầm của các nhà sáng lập doanh nghiệp. "Ít nhất họ cũng phải nói xin lỗi" - Chafkin viết. Nhưng tiếc thay, mọi thứ đang diễn ra ngược lại.

Những vị thần được sùng bái ở Thung lũng Silicon - Ảnh 4.

Sau thất bại của WeWork, Adam Neumann đã trở lại với Flow.

Một "anh hùng sa ngã" trong giới công nghệ nữa là Adam Neumann, người gầy dựng nền tảng cho thuê không gian làm việc chung WeWork thành công ty được định giá 47 tỉ USD, trước khi phải hủy IPO vì một loạt bê bối, bản thân Neumman phải từ chức CEO. 

Sau thất bại với WeWork, Adam Neumann đã trở lại và lợi hại hơn xưa với công ty mới Flow, đặt mục tiêu "thay đổi thị trường cho thuê bất động sản". Flow lập tức nhận được đầu tư 350 triệu USD từ Andreessen Horowitz, một ông trùm đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon. Đây là mức đầu tư lớn nhất trong một vòng góp vốn của Horowitz, giúp Flow được định giá hơn 1 tỉ USD (tức đạt mức kỳ lân) trước khi chính thức hoạt động.

"Sự trở lại của Neumann cho thấy những người nắm nguồn vốn công nghệ vẫn tin rằng tài nguyên quý giá nhất của lĩnh vực này là kinh nghiệm và tính cách táo bạo [của người sáng lập start-up]" - trang Axios bình luận, và nói thêm rằng điều này cũng cho thấy mối tình của Thung lũng Silicon với những nhà sáng lập start-up tiêu tiền như nước vẫn còn rất nồng nàn.■

Chân dung một anh hùng ngã ngựa

Cho tới đầu tháng này, FTX vẫn là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới, sau Binance, và CEO Bankman-Fried vẫn là ‘cậu bé kỳ diệu’ (wunderkid) và người hùng trong giới crypto. Bỗng dưng, tất cả sụp đổ - giá trị đồng FTT của sàn này giảm từ mức đỉnh 53 USD xuống 2 USD, và tài sản của tỉ phú công nghệ Bankman-Fried bốc hơi 17 tỉ USD. Bản thân Bankman-Fried phải từ chức CEO, công ty điều hành sàn FTX (có trụ sở ở thiên đường thuế Bahamas) đệ đơn phá sản.

FTX founder Sam Bankman Fried (Read-Only)

Nhà sáng lập, cựu CEO sàn FTX - Sam Bankman-Fried.

Mọi chuyện xuất phát từ các tài liệu rò rỉ cho thấy Alameda Research, một hedge fund cũng do Bankman-Fried thành lập và điều hành, đã gần như phá sản. Tài sản của Alameda Research được định giá bằng đồng FTT do chính FTX phát hành và không có giá trị gì ngoài giá mà sàn này bảo chứng. Tin tức lộ ra ngoài và những nhà đầu tư đã giao dịch với FTX - chủ yếu là dùng tiền thật mua lấy các đồng crypto và vẫn giữ trên FTX, vội vàng bán tháo, rút tiền về. Reuters cho biết trong 72 giờ trước ngày 10-11, khách hàng đã rút 6 tỉ USD và FTX mất khả năng thanh toán, thiếu thanh khoản lên đến 8 tỉ USD. Bankman-Fried từng cầu cứu Changpeng "CZ" Zhao, nhà sáng lập sàn Binance, cũng là đối thủ chính của FTX. CZ ban đầu đồng ý nhưng sau cùng rút lui, chính thức đưa FTX và Bankman-Fried vào đường cùng.

Bankman-Fried lớn lên ở vịnh San Francisco trong gia đình học thuật (bố và mẹ đều là giáo sư luật), từ bé đến lớn luôn học trường top. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp MIT với bằng vật lý, anh gia nhập công ty giao dịch chứng khoán Jane Street Capital (New York). Tháng 9-2017, Bankman-Fried thành lập Alameda Research và sang năm 2019 lập thêm FTX.

Sam Bankman-Fried chính thức trở thành tỉ phú vào năm 2021, khi FTX vươn lên thành sàn giao dịch crypto lớn thứ hai thế giới, với lưu lượng giao dịch từ 10 đến 15 tỉ USD mỗi ngày, theo BBC. Tính đến tháng 2-2022, FTX có trên 1 triệu người dùng và được định giá 32 tỉ USD.

Trong một phỏng vấn với BBC hồi tháng 10, Bankman-Fried cho biết ủng hộ phong trào "thiện nguyện hiệu quả" - làm giàu để giúp đời càng nhiều càng tốt. Tỉ phú 30 tuổi nói đã "cho đi vài trăm triệu USD" và sẽ hiến hết gia sản cho từ thiện. Riêng trong giới crypto, Bankman-Fried còn là người hùng khi bỏ hàng trăm triệu USD "giải cứu" các công ty tiền mã hóa phải khốn đốn vì thị trường lao dốc. Trong một phỏng vấn khác với CNBC vào tháng 9, Bankman-Fried nói có sẵn 2 tỉ USD dự trữ để làm việc này, vì "sẽ không tốt về lâu dài" và "không công bằng với khách hàng" nếu để các công ty crypto này chật vật như vậy.

Cuộc đời khó đoán, ai ngờ chỉ hai tháng sau, Bankman-Fried phải cầu cứu khắp nơi để giữ lấy chính con thuyền FTX của mình khỏi đắm. Và điều đó đã không xảy ra.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận