Nick Turse: "Lịch sử thường dân cũng cần được lưu giữ"

CAM LY 29/04/2013 21:04 GMT+7

TTCT - “Tầm mức nghiêm trọng của những gì mà thường dân (Việt Nam) phải chịu vượt quá bất kỳ giới hạn nào có thể biện minh bằng luận điệu con sâu làm rầu nồi canh”...

Nick Turse - Ảnh: Tam Turse

Nick Turse, sử gia và nhà báo Mỹ, đã viết như vậy trong cuốn sách mới của ông Kill anything that moves: The real American war in Vietnam (tạm dịch: Động là giết - cuộc chiến thật sự của Mỹ tại Việt Nam *) phát hành giữa tháng 1-2013. Nick Turse dành cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần cuộc phỏng vấn độc quyền trong số kỷ niệm ngày 30-4-2013.

Đó mới là câu chuyện thật sự về chiến tranh

* Sau ba tháng phát hành và giới thiệu sách trên toàn nước Mỹ, ông có thể nói gì về phản ứng của công chúng đối với cuốn sách của mình? Một số tác giả tên tuổi như Daniel Ellsberg, Seymour Hersh, Tim O'Brien đánh giá rất cao Kill anything that moves... Còn phản ứng của các nhóm độc giả khác thì sao?

- Nick Turse: Tôi thật sự rất sốc khi thấy cuốn sách thu hút được sự quan tâm rộng rãi và nhận được nhiều phản hồi tích cực, vì đã từ lâu đây là một đề tài khó khăn đối với hầu hết người Mỹ. Trước đó, tôi đã dự đoán cuốn sách sẽ vấp phải phản ứng tiêu cực tại Mỹ. Nhưng cuốn sách đã lọt vào danh sách bán chạy nhất (của Thời Báo New York - LND) và nhận được 90-95% phản hồi tích cực. Trong đó, phản hồi của nhiều cựu binh Mỹ khiến tôi vô cùng cảm động.

Một số người nói cuốn sách chỉ ra những thực tế mà họ từng chứng kiến. Với một số người khác, cuốn sách là một bằng chứng hậu thuẫn cho điều mà họ đã nói từ rất lâu. Với nhiều người khác nữa, đây là dịp để khơi lại những ký ức mà họ đã cố chôn chặt trong lòng từ bao năm qua. Có rất nhiều người cảm ơn tôi vì cuối cùng đã nói lên sự thật.

Cách đây vài hôm, một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam năm 1966-1967 gửi cho tôi một thư điện tử viết: “Tôi từng chứng kiến hằng ngày những điều kinh khủng mà ông viết trong sách. Cách duy nhất để thật sự kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam là tìm cách chuộc lỗi, việc kể lại đầy đủ và trung thực về cuộc chiến là bước đi cực kỳ quan trọng”.

* Ông tiếp cận đề tài này hoàn toàn tình cờ? Chiến tranh Việt Nam là một quá khứ đã xa. Điều gì khiến ông quyết định đây là một đề tài đủ tầm vóc để theo đuổi suốt mười năm qua?

- Quả là tôi tình cờ tiếp cận đề tài này và khởi đầu nghiên cứu đề tài tội ác của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi đến Việt Nam lần đầu tiên và trò chuyện - thông qua phiên dịch - với những người dân sống sót qua chiến tranh tại vùng nông thôn Việt Nam, tôi bắt đầu nhìn nhận cuộc chiến ở một góc độ mới. Những người Việt mà tôi phỏng vấn chỉ cho tôi thấy họ đã chống chọi năm này sang năm khác dưới bom đạn và trực thăng như thế nào.

Họ cho tôi biết họ đã phải xoay xở trên mọi phương diện ra sao để sống dưới cỗ máy chiến tranh Mỹ. Cho đến lúc nói chuyện với những nhân chứng đó, tôi mới hiểu rõ mức độ nặng nề của những nỗi đau khổ và gian khó của người dân thường Việt Nam. Tôi coi đó mới chính là câu chuyện thật sự về chiến tranh - điều mà những phiên bản lịch sử khác không đề cập đến.

Tại Mỹ có khoảng 30.000 đầu sách về chiến tranh Việt Nam, hầu hết nhìn từ góc độ trải nghiệm của người Mỹ về lính và tướng, về phương sách và chiến lược, về chính trị và những thứ liên quan. Nhưng tôi không tìm thấy nhiều sách thật sự để tâm đến điều mà tôi cho rằng chính là đặc tính của chiến tranh: những gì mà người dân thường Việt Nam phải chịu đựng.

Gần như tất cả thảo luận về đặc tính này (trong các sách khác) chỉ gói gọn trong vài trang và tập trung nói riêng về vụ thảm sát Mỹ Lai. Từ đó, tôi quyết định phải công bố sự thật đầy đủ hơn (về chiến tranh Việt Nam).

* Đoạn viết về thời điểm ông đi từ làng này sang làng khác - và nhận ra ở đâu người dân cũng đã trải qua những gian khổ, chứng kiến những tội ác như ông nói ở trên - là một trong những đoạn viết ấn tượng nhất của cuốn sách. Đối với những người đọc Việt Nam sinh ra sau chiến tranh Việt Nam, sự thật này có lẽ cũng sẽ đem lại một cảm nhận nặng nề. Từ góc nhìn của một người nghiên cứu, ông cho biết điều gì họ có thể học được từ cuốn sách này?

- Thật tình tôi không dám nghĩ đến việc sẽ giáo dục bất kỳ một độc giả Việt Nam trẻ nào. Nhưng tôi sẽ rất hạnh phúc nếu cuốn sách của mình có thể trở thành khởi đầu cho một đối thoại mới về chiến tranh. Trong rất nhiều ngôi làng mà tôi đến (ở Việt Nam), trẻ em thường tụ tập nghe người già kể chuyện. Tôi nghe nói rất nhiều em được nghe những câu chuyện thời chiến này lần đầu tiên trong đời.

Tôi nghĩ điều thật sự quan trọng là các em biết và hiểu thế hệ trước đã phải trải qua những gì. Tôi có thể hiểu vì sao chúng ta muốn tránh việc cho thế hệ trẻ biết về những điều kinh hoàng. Nhưng tôi cũng tin vào tầm quan trọng của việc thế hệ trẻ trân trọng những gì cha mẹ và ông bà của họ đã trải qua. Tôi biết lịch sử quân sự được lưu trữ ở Việt Nam, nhưng tôi nghĩ lịch sử của thường dân cũng cần được lưu giữ.

Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng và chiến tranh đang trở thành quá khứ xa xôi, nhưng tôi thật lòng hi vọng những câu chuyện của người dân Việt Nam được ghi lại cho các thế hệ tiếp nối.

Hi sinh những câu chuyện riêng lẻ để kể một sự thật to lớn hơn

* Khi tiến hành nghiên cứu tại Việt Nam, ông nghĩ gì về phản ứng của những chứng nhân cuộc chiến mà ông có dịp phỏng vấn?

- Tôi thật sự ngạc nhiên khi không nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu giận dữ hoặc nghi kỵ nào. Là một công dân Mỹ, tôi dự kiến sẽ vấp phải sự căm giận. Nhưng thay vào đó, mọi người mời tôi vào nhà, rót cho tôi chén trà và kể cho tôi nghe về những thời điểm khó khăn nhất trong đời của họ.

Họ trả lời những câu hỏi về những đề tài kinh khủng nhất, cởi mở, chân thành và hào phóng đối với một người xa lạ đến từ một đất nước từng gây chiến với đất nước họ. Điều đó thật đáng cảm động và ngưỡng mộ. Tôi thấy mình thật may mắn vì đã có cơ hội được gặp những nhân chứng ấy.

* Với tư cách cá nhân, có điều gì ông tìm được trong quá trình nghiên cứu mà không có điều kiện để đưa vào Kill anything that moves...?

- Bản thân việc viết cuốn sách này đã rất khó khăn và khổ tâm cho tôi, vì có rất nhiều chi tiết thu thập được từ những nhân chứng tại Việt Nam mà tôi không thể đưa hết vào sách. Tôi đã cố gắng đưa được càng nhiều câu chuyện lịch sử càng tốt, coi đó như một nghĩa vụ cần phải hoàn thành để đền đáp những chứng nhân tôi gặp. Điều đáng tiếc là vì thế cuốn sách chứa quá nhiều sự việc khủng khiếp, vượt quá mức mà độc giả Mỹ có thể chịu đựng được.

Nhóm biên tập sách của tôi giúp tôi nhận ra rằng tôi cần hi sinh những câu chuyện riêng lẻ để có cơ hội nói được về một sự thật to lớn của chiến tranh. Tôi thật sự rất tiếc vì đã không thể đưa hết vào sách những câu chuyện mà tôi được nghe, nhưng hi vọng bản thân cuốn sách có thể đóng góp vào một mục tiêu tốt đẹp hơn.

* Ngày 30-4 là ngày Việt Nam kỷ niệm kết thúc cuộc chiến tranh. Ngày kỷ niệm này luôn gợi lên những cảm xúc phức tạp đối với người Việt Nam trong và ngoài nước và chắc rằng với cả những cựu binh Mỹ. Ông có nghĩ một cuốn sách như Kill anything that moves... sẽ có tác động phần nào đến những cảm xúc ấy?

- Là người Mỹ nên tôi không muốn đưa ra nhận định gì về cảm xúc của người Việt Nam. Tôi chỉ hi vọng cuốn sách có thể khơi gợi những thảo luận về chiến tranh dù có khó khăn đến đâu. Về phần nước Mỹ, không chỉ có cựu binh là có cảm xúc lẫn lộn về cái mà chúng tôi gọi là “chiến tranh Việt Nam”.

Cuộc chiến đó đến nay vẫn tiếp tục ám ảnh nước Mỹ một cách sâu sắc và phức tạp. Chưa từng thừa nhận trọn vẹn những gì đã xảy ra ở Việt Nam, nước Mỹ tiếp tục phải đối diện với “bóng ma” của cuộc chiến đó mỗi lần tiến hành một cuộc tham chiến mới - tại Afghanistan, Iraq và xa hơn nữa.

Lịch sử chân thực của số phận thường dân trong chiến tranh Việt Nam không “hợp” với cách mà người Mỹ muốn nhìn về cuộc chiến đó - như là một cuộc tham chiến chính đáng của những binh lính cao cả, chỉ chẳng may có một vài trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”...

Tôi hi vọng cuốn sách của mình góp phần thức tỉnh công chúng Mỹ để biết đâu, một ngày nào đó sẽ chấp nhận đối diện với sự thật khó khăn đó. Chiến tranh luôn đem lại đau khổ vô biên cho thường dân bất kể ở đâu. Một khi người Mỹ gửi con em của họ đi tham chiến, họ cần phải biết chiến tranh thật sự có nghĩa gì với con em của người dân các nước chịu cảnh chiến tranh.

* Cuối cùng, ông có thông điệp gì dành cho độc giả Việt Nam khi cuốn sách được phát hành tại đây?

- Kill anything that moves... cung cấp nhiều hồ sơ mật của quân đội Mỹ và những lời khai của nhiều cựu binh Mỹ mà độc giả Việt Nam chưa từng nghe hoặc biết đến. Cuốn sách trình bày thông tin về một phần lịch sử bị che giấu, giải thích vì sao binh lính Mỹ đã sát thương nhiều thường dân đến thế.

Độc giả Việt Nam cũng có thể biết thêm thực tế là nhiều cựu binh Mỹ khi mãn nhiệm về nước đã nỗ lực để công bố những sự thật về cuộc chiến, tuy nhiên các nỗ lực này đã bị chính quyền Mỹ che giấu và dập tắt. Tôi cũng mong cuốn sách sẽ khởi đầu cho những đối thoại về việc lưu giữ lại phần lịch sử đau thương mà thường dân phải chịu trong chiến tranh.

* Xin cảm ơn ông.

“...Sát hại, tra tấn, cưỡng hiếp, bạo hành, cưỡng bức di dời, đốt nhà, bắt bớ, cầm tù vô tội vạ - những sự việc như thế đã trở thành thực tế hằng ngày suốt những năm người Mỹ hiện diện tại Việt Nam... Đây không chỉ là những trường hợp cá biệt mà là hậu quả tất yếu của những chính sách có chủ đích, được chỉ đạo từ những cấp bậc cao nhất trong quân đội (Mỹ)”. 

Nick Turse không hề né tránh sự thật trong Kill anything that moves... Hiện tác giả và Nhà xuất bản Trẻ đang chuẩn bị đưa ấn bản tiếng Việt của cuốn sách đến với độc giả Việt Nam với nhan đề “Mệnh lệnh lưỡi lê”. 

(*): Xem http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-hoa-nghe-thuat/536265/mot-cuon-sach-mot-buoc-den-gan-su-that.html.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận