TTCT - World Cup có buồn hay không? Hay World Cup chỉ là niềm vui, như chúng ta vẫn nói cùng nhau rằng “bóng đá là vui thôi mà”? Bóng đá chính là đời sống, và không chỉ có niềm vui. Ảnh: Behance Thực ra, chẳng có niềm vui nếu không có nỗi buồn. Chúng ta làm sao hiểu được niềm vui khi chúng ta chưa bao giờ biết buồn là gì? Và quả thật, World Cup vẫn có nỗi buồn của nó. Không có nỗi buồn, làm gì có nước mắt của Luka Modric, được lau bằng đôi tay của nữ tổng thống xinh đẹp của Croatia. Nỗi buồn vì thất bại, thất vọng, và có thể là một chút ấm ức. Rộng hơn nữa, những người yêu mến Croatia cũng sẽ buồn. Đời con người, sống đến “thất thập cổ lai hi” được coi là quý lắm rồi. Và trong cả cuộc đời ấy, được coi 15 kỳ World Cup cũng là mãn nguyện rồi. Nhưng trong 15 kỳ World Cup đấy, được chứng kiến đội tuyển mình yêu thích đăng quang là điều hiếm hoi. Chẳng hạn như những người yêu Uruguay, đội bóng từng vô địch 2 lần từ hồi nửa đầu thế kỷ 20, có những người đã đợi từ năm 1954 đến nay, và thậm chí đã qua đời, nhưng không được nhìn thấy thêm lần nữa. Với Croatia, biết bao giờ họ lại vào được chung kết World Cup? Ngay cả đội tuyển được đánh giá rất cao và còn trẻ trung như Bỉ, có chắc họ vào nổi chung kết ở Qatar 2022? Nhưng đó là nỗi buồn “muôn thuở” mà ngay cả ở thời kỳ hạnh phúc nhất của loài người, nó vẫn cứ diễn ra mặc định. Còn ở World Cup 2018 này có những nỗi buồn khác, cho thấy thực sự thế giới chúng ta đang sống đã rất khác, hình như là suy thoái nhiều đi dù chúng ta đang ngày một hiện đại hơn về công nghệ. Lễ bế mạc World Cup diễn ra ở Matxcơva với một chi tiết chắc ít ai để tâm tới. Đó là phần trình diễn, với ca khúc “X”, của ca sĩ Nicky Jam. Sau đó là bản chính thức của kỳ World Cup này, Live it up, với sự góp mặt của Nicky Jam, Era Istrefi và Will Smith. Cuối cùng, trước khi bóng lăn, danh ca opera Aida Garifullina hát một bài “đặc trưng Nga” là Kalinka. Khán giả truyền hình Việt Nam đã không được nhìn thấy siêu sao ngày xưa là Ronaldinho trong vai trò “cameo” ở phần trình diễn Kalinka ấy bởi truyền hình đã vội cắt nó để chèn quảng cáo. Quảng cáo thì ra tiền chứ Kalinka thì... ra gì? Hơn nữa, đồ ngon miễn phí thì cũng thể được ăn no nê, ăn gì là tùy hảo tâm nhà cung cấp. Sẽ nhiều người gắn bó với nước Nga cảm thấy hụt hẫng vì cái giai điệu Kalinka quen thuộc đó tự dưng bị cắt ngang một cách thô bạo. Nhưng thực tế, có giữ trọn vẹn bản Kalika trong hình hài mới với Aida đi nữa thì cũng không làm phần nghe của World Cup 2018 đỡ buồn hơn. Tại sao lại như vậy? Chúng ta đã từng nghe đâu đó câu chép miệng “ca khúc chính của World Cup không hay như bài Italia 90 ngày xưa”. So sánh mang tính hoài niệm thì bao giờ chả đúng, vì chúng ta không đứng về phía thời đại để hiểu giới trẻ thích giai điệu và tiết tấu nào. Nhưng ít ra, dù theo hoài niệm so sánh của chúng ta, các ca khúc của World Cup 1994, 1998, 2002, 2006, 2010, 2014 có không thể vượt qua nổi Une estate Italiana đi nữa thì chúng vẫn còn cái hồn, cái cốt của quốc gia đăng cai. Đơn cử như We are one, Ola, Ola của Brazil 4 năm trước, màu sắc Latin là chủ đạo nên nhận biết chất Samba vẫn rất dễ dàng, dù nó đã được “fusion” với một chút “Latin house”, “Latin pop”. Nó vẫn là Brazil, dù có được hát bằng tiếng Anh đi nữa. Bản Waka Waka của 2010 thì khỏi nói. Chất châu Phi đậm đầy trong âm hưởng. Vậy còn Live it up của 2018 thì sao? Rất buồn, nó không có một dấu ấn nào của nước Nga, không một chút xíu nào và thậm chí nó còn khiến cô nàng Era Istrefi trở nên lạc lõng. Live it up phải nói là thời thượng, với chất reggaeton của dân Puerto Rico (Nicky Jam là dân Puerto Rico mà), xứ sở mà năm ngoái nổi bật với Despacito của Luis Fonsi. Có thể, cuộc thi ca khúc chính thức cho World Cup được tổ chức toàn cầu, chứ không còn gói gọn trong biên giới nước chủ nhà nữa, nên ca khúc ấy cũng “toàn cầu” như thế. Nhưng World Cup ở Nga mà không để lại chút dấu ấn Nga nào trong âm nhạc, từ giai điệu cho tới tiết tấu, từ chất liệu cho tới ngôn ngữ, thì quả thật đáng buồn lắm. Và để gỡ lại chất Nga cho một quốc gia vĩ đại, một nền văn hóa vĩ đại, một ngôn ngữ vĩ đại, Kalinka lại ra quân, như nó vẫn ra quân ở bất kỳ sự kiện văn hóa nào của người Nga suốt bao nhiêu thập niên qua. Cái thời đậm dấu ấn của quốc gia đăng cai trên ca khúc chính thức của World Cup như Une Estate Italiana đã không còn nữa. Cái thời kỳ kiêu hãnh như người La Mã, người Pháp với việc “ca khúc của World Cup tại nước tôi thì phải vang lên bằng tiếng nước tôi” đã không còn nữa. Người ta đổ tại toàn cầu hóa. Thì cũng phải thôi. Nhưng toàn cầu hóa không có nghĩa là bước lẫn vào đó, và mất luôn cả cái bóng của chính mình. Rồi song song đó là những va đập văn hóa có thật từ câu chuyện “It’s coming home” của người Anh. Câu hát của EURO 1996 được người Anh hát vang trên môi, tưởng như là lạc quan thôi, đã trở thành một chiến dịch trên mạng xã hội như thể người Anh quyết tâm đòi lại bóng đá và chức vô địch đi lạc kể từ sau năm 1966. Để rồi khi có những phản ứng, người Anh chối từ sự kiêu ngạo của mình mà nói đại ý “chỉ đùa vui thôi mà”. À, nói đùa thì vui. Nhưng lặp đi lặp lại thì dễ mất vui lắm. Vả lại, cái đùa ấy diễn ra ở thời điểm Anh kiên quyết rời khỏi EU và đang mặc cả về món “ly dị phí”, nó trở thành sự ngạo mạn. Sự ngạo mạn ấy càng tăng hơn khi họ xem nhẹ đối thủ Croatia qua những bình luận trên truyền thông Anh (dù không phải là đa số). Người Anh khiến người nước ngoài hiểu lầm về thông điệp, về niềm tin vào “thế hệ vàng mới” của họ. Hóa ra, toàn cầu hóa vẫn chỉ là lời nói mà thôi. Và chốt lại của nỗi buồn, là lợi dụng chuyện ăn mừng để có những bạo loạn lẻ tẻ ở các đô thị Pháp. Có đốt phá, có cướp bóc, có xô xát và đa số thủ phạm là thanh niên có nguồn gốc nhập cư vốn dĩ bị coi là ngoài lề xã hội, sống ở những ngoại ô nghèo nàn. Trớ trêu thay, cái đội bóng được ăn mừng ấy lại được xây dựng từ nền tảng những tài năng có nguồn gốc nhập cư, và cả một nền bóng đá đầy rẫy những thanh thiếu niên nhập cư coi bóng đá là phương tiện đổi đời. Đó cũng là toàn cầu hóa. Một quốc gia mở rộng vòng tay để đón những người khốn khó, dù chưa cho họ cơ hội đổi đời nhưng ít ra cũng cho họ cơ hội được sống như những con người. Quốc gia ấy có quyền đòi hỏi lại những đáp đền, như đóng góp của những danh thủ cho ngôi sao thứ hai trên logo con gà trống. Nhưng số người đóng góp có đáng là bao khi so với những kẻ coi mình là nạn nhân của bất công, nạn nhân của xã hội. World Cup khép lại rồi, tôi viết dòng này khi xem trực tiếp TV5 của Pháp tường thuật người Pháp đón đội bóng trở về vinh quang. Ngày mai sẽ là một ngày mới, nhưng vẫn chẳng khác gì những ngày bình thường, nơi tất cả lại quay về guồng quay cũ, của bất công, của đốn mạt, của sự ác lên ngôi, của cả nỗi hoảng sợ từ vài chính trị gia dân túy trước biến chuyển của xã hội và công nghệ mà họ không tài nào theo đuổi kịp để có thể duy trì sự cai trị cổ xưa của mình.■ Tags: World CupWorld Cup 2018Nỗi buồn world cup
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.