TTCT - Khi cử tri đi bỏ phiếu sớm kỷ lục, điều đó cho thấy họ muốn thay đổi. Cho tới trước ngày bầu cử, nước Mỹ đã có hơn 100 triệu cử tri đi bỏ phiếu, tương đương 73% tổng phiếu kỳ bầu cử năm 2016 - kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Trong một năm đặc biệt, lần đầu tiên những bang được coi là thủ phủ của phe Cộng hòa như Texas và Georgia bất ngờ trở thành “tranh chấp”. Các bang được coi là nghiêng về Cộng hòa như Arizona, North Carolina, Iowa tỉ lệ tranh chấp cũng quyết liệt hơn kỳ bầu cử lần trước. Cử tri Mỹ cần một sự thay đổi lớn, điều đã manh nha từ kỳ bầu cử trước: phe Cộng hòa gạt những ứng viên nặng ký truyền thống như Jeb Bush để lựa chọn tỉ phú Donald Trump, một người ngoài cuộc. Minh họa về một nước Mỹ đang bị chia rẽ của Hector Casanova. Ảnh: gettyimages.com Đại cử tri đoàn cũng ngả về phía vị tỉ phú bất động sản với đường lối khác thường so với một Hillary Clinton được coi là đại diện của nền chính trị cũ. Đồng thời, phe Cộng hòa còn chứng kiến sự trỗi dậy của các nhóm cánh hữu, thậm chí cực hữu. Bên phe Dân chủ, khát vọng thay đổi thể hiện ở sự vươn lên mạnh mẽ của Bernie Sanders, ứng viên 79 tuổi đầy sức hút với nhóm cử tri trẻ, hay các gương mặt mới toanh với chính trường như hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez. Cứ như thế, hai phe liên tục đối đầu trong một loạt vấn đề từ nhập cư, sắc tộc, chính sách y tế, kinh tế, đối ngoại… Ngôn từ tận thế Cuộc chạy đua tổng thống 2020 làm lộ rõ hơn nữa sự rạn nứt của xã hội Mỹ. Sự phân rã quá lớn khiến nhà báo kỳ cựu Carl Bernstein gọi nó là “nội chiến lạnh”, còn Thomas Friedman thì cảnh báo về “cuộc nội chiến thứ 2”, những người khác lo lắng thêm một chiến thắng nữa cho Trump sẽ khiến nước Mỹ tan rã thật sự. Nhưng đồng thời, cũng không ai nghĩ đơn giản là chiến thắng của Joe Biden sẽ xóa sạch rạn nứt. Trump và chủ nghĩa Trump sẽ còn ở lại dù kết quả thế nào, thậm chí là ở dạng thức giận dữ và xù xì hơn nữa. Các rạn nứt kinh tế, xã hội và sắc tộc đã có từ trước Trump và sẽ còn tiếp tục sau bầu cử. Tới lúc này, kết quả ở các bang chiến trường mang tính quyết định như Michigan, Pennsylvania, Wisconsin… đều dự kiến sẽ cần nhiều ngày kiểm đếm phiếu mới có thể công bố chính thức. Vậy mà sáng sớm 4-11, trong bài phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ đưa cuộc bầu cử ra Tòa tối cao, dù không nói rõ lý do. “Sự chia rẽ, thù hận, sợ hãi và giận dữ sẽ không biến mất sau ngày bầu cử - cựu bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta nói, theo Guardian - Sự khác biệt [nếu Biden thắng] là bạn sẽ có một tổng thống muốn làm gì đó để không chia rẽ mà cố đưa đất nước này đoàn kết lại. Nhưng sẽ cần thời gian. Đấy là điều không thể giải quyết bằng một cuộc bầu cử, một bài diễn văn hay một đạo luật”. Lee Drutman, học giả của Viện New America, viết trên FiveThirtyEight hồi tháng 10 rằng sự khác biệt “thực tế đã lớn tới mức nếu bạn gặp một người, bạn có thể biết ngay đấy là cử tri của Trump hay Biden. Sự khác biệt rõ ràng đó khiến chúng ta thấy đảng còn lại là xa cách và khác biệt, và những điều đó dường như khiến mọi thứ đáng sợ hơn”. Drutman miêu tả về “vòng xoáy ngày càng tăng của chán ghét và không tin tưởng” bốn thập kỷ qua và nêu ra ba nguyên nhân chính: sự tập trung quá nhiều vào chính trị toàn quốc thay vì chính trị địa phương và cấp tiểu bang; việc phân nhóm cử tri Dân chủ - Cộng hòa theo khu vực thành thị/nông thôn cùng quan điểm tự do - bảo thủ; và lằn ranh ngày càng nhỏ trong các cuộc bầu cử toàn quốc. Điều này khiến Washington ngày càng bế tắc và cả hai phe đều miêu tả cuộc bầu cử hiện tại như kiểu kẻ chiến thắng sẽ được tất cả và thất bại sẽ là tận thế. Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ viện của phe Cộng hòa, thừa nhận: “Đất nước chúng ta ngày càng chia rẽ giữa những người muốn lật đổ tượng, hôi của và phóng hỏa các tòa nhà với những người vẫn tin vào quốc ca, chào cờ và nói lời thề trung thành. Đó là những khác biệt lớn, căn bản và nó sẽ chỉ kết thúc khi một bên thắng thuyết phục”. Nước Mỹ là của ai? Ông Trump hiểu rằng với mỗi kỳ bầu cử tiếp theo, phe Cộng hòa sẽ ngày càng vất vả hơn bởi nhóm cử tri da trắng bảo thủ ngày càng thu hẹp. Về bản chất, phe Cộng hòa muốn duy trì chính quyền của nhóm thiểu số. Robert P Jones, nhà sáng lập của Viện nghiên cứu tôn giáo công, nói: “Chúng ta đang ở ngưỡng thay đổi trong lịch sử Mỹ về nhân khẩu học, và tôi nghĩ đó là điều dẫn tới rất nhiều chia rẽ. Nó vượt ra khỏi chính trị. Nó chạm tới câu hỏi cốt lõi về bản sắc Mỹ. Trong giai đoạn quá dài của toàn bộ lịch sử, những người da trắng Anglo-Saxon Tin Lành luôn nghĩ mình chính là nước Mỹ”. Người da trắng theo đạo Cơ Đốc chiếm khoảng 54% dân số khi ông Barack Obama lần đầu thắng cử năm 2008. Giờ nhóm này chỉ còn chiếm khoảng 44%. “Một thập kỷ qua chúng ta không còn là đất nước có đa số dân chúng là da trắng và Cơ Đốc nữa - ông Jones nói - Nhưng tôi nghĩ cảm giác sở hữu nền văn hóa và đất nước này của người da trắng Tin Lành đặc biệt mạnh trong văn hóa Mỹ. Một phần đấy là cảm giác họ đang đánh mất [thế đa số], cảm giác biến động khi bạn thấy các giá trị xưa cũ bị thay đổi. Đây là nền tảng của mọi vấn đề mà chúng ta đang đối mặt. Trump đã đẩy cao tất cả những chia rẽ sắc tộc, tâm lý thù ghét người nhập cư, nhưng điểm chính yếu vẫn là bảo vệ nước Mỹ “thật sự” của người da trắng Tin Lành. Điểm lớn nhất Trump đã làm chính là đưa những chia rẽ ngầm này lên bề mặt cho chúng ta đều thấy, và giờ phải đối mặt”. Trong khi đó, ông Biden có sự ủng hộ của 9/10 cử tri gốc Phi, theo các thăm dò. Ông còn chọn thượng nghị sĩ Kamala Harris, một người da màu gốc Á, làm ứng viên phó tổng thống. “Đây là thời khắc để chúng ta nhổ bỏ sự phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống và xây dựng đất nước dựa trên đúng những lý tưởng ban đầu. Đất nước mà cả đàn ông và phụ nữ không chỉ được tạo ra bình đẳng - mà còn được đối xử bình đẳng”, ông Biden tweet trước ngày bầu cử chính thức. Nếu đắc cử, ông Biden sẽ đối mặt áp lực ngay lập tức từ các nhà hoạt động yêu cầu ông giữ lời hứa của mình, đặc biệt là cải cách lực lượng cảnh sát sau những bạo lực của mùa hè này. Một ông Trump thất cử, mặc dù vậy, có thể cản trở điều này - thậm chí có thể có phong trào chống đối riêng của chính mình. Con trai ông, Don Jr, cũng đã nói tới việc ra tranh cử vào năm 2024. Sự đối lập và mâu thuẫn giữa hai nửa của nước Mỹ có thể thậm chí còn tệ hơn. Michael Steele, cựu chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa và hiện là cố vấn của một phong trào chống Trump, nói: “Tất cả những gì Trump có thể trở thành là một cựu tổng thống với tài khoản Twitter”, “Ông ta sẽ là cái gai khó chịu với Joe Biden và sẽ tiếp tục chỉ trích Barack Obama. Ông ta sẽ tiếp tục tweet, chỉ trích và phàn nàn về việc đã bị cướp mất [cuộc bầu cử] thế nào, rằng hệ thống bị dàn xếp, và ông sẽ tiếp tục châm mồi lửa với những nhóm cử tri chủ chốt của mình”. The Wall Street Journal, tờ báo ủng hộ phe Cộng hòa, trước ngày bầu cử chính thức có bài xã luận viết về sự “khác biệt” chính trị của ông Trump, lập luận sự khác thường chính trị đó đã giúp ông đạt được các lời hứa ban đầu. “Các chính sách và sự khác thường của ông đã giúp đạt được mục tiêu. Nhưng cách điều hành gây chia rẽ và khiếm khuyết cá nhân đặt ông vào khả năng thua ứng viên phe Dân chủ, người mà thông điệp chính của chiến dịch chỉ là “tôi không phải Trump””, tờ báo viết. Trong 4 năm nhiệm kỳ, Tổng thống Trump đã bổ nhiệm 1/3 số thẩm phán của Tòa tối cao và 30% số thẩm phán của tòa phúc thẩm liên bang. Trong hệ thống tam quyền phân lập của Mỹ, đây có thể là di sản lâu dài nhất của ông Trump. Một tổng thống Cộng hòa khác với thành tựu thế này đã dễ dàng tái đắc cử, nhưng ông Trump lại liên tục bị dẫn trước trong các cuộc thăm dò trước bầu cử. Điều giúp ông thành công cũng là điểm yếu của ông: lối điều hành không thể đoán trước đưa tới cho ông nhiều kẻ thù không cần thiết. Chưa đầy một nhiệm kỳ, ông đã có tới 4 chánh văn phòng, 4 cố vấn an ninh quốc gia và thường rất nhanh chóng xỉ vả những người vừa rời nội các. Chính Wall Street Journal cảnh báo nguy cơ ông Trump sẽ mất khả năng thuyết phục quần chúng do liên tục đưa ra thông tin sai. Sự thiếu uy tín này dẫn tới những sai lầm liên tiếp trong đối phó dịch COVID-19. Chính sách của ông - về vaccine và phân bổ nguồn lực - thực tế là không tệ, nhưng thói quen cá nhân hóa mọi việc, thường xuyên lao vào những tranh cãi vặt vãnh và những tuyên bố lạc quan kiểu “đã có bước ngoặt” dẫn tới ông đánh mất lòng tin không ít, đặc biệt trong nhóm cử tri lớn tuổi, đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng năm 2016 của ông. Tập trung quá nhiều vào bản thân, ông Trump đã giúp ông Biden biến cuộc bầu cử năm nay thành cuộc trưng cầu đối với vị tổng thống đương nhiệm hơn là sự lựa chọn của cử tri giữa hai ứng viên. ■ Sự khác biệt bầu cử năm nay có thể tóm gọn bằng thăm dò của Gallup cho thấy 56% cử tri nói họ thấy khá hơn so với 4 năm trước. Con số này cao hơn Ronald Reagan (44%) khi ông tái tranh cử, George W. Bush (47%) năm 2004 hay Barack Obama (45%) năm 2012. Các ứng viên này đều tái đắc cử. Nhưng ông Trump chưa bao giờ có tỉ lệ ủng hộ quá 50% suốt 4 năm qua. Giải thích đơn giản là cử tri có thể hài lòng với các kết quả ông Trump đạt được nhưng không thích cách ông làm tổng thống. Tags: Tổng thống MỹBầu cử MỹPhơi rongCử tri Mỹ
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Vụ 2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali: Luật sư nói về khả năng vi phạm pháp luật HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?
Chủ tịch TP Hội An nói gì về thông tin chung chi 1,6-1,8 tỉ đồng mỗi suất xích lô, ghe du lịch? LINH TRANG 23/11/2024 Một tài khoản Facebook vừa đăng tải clip người đàn ông tự cầm điện thoại selfie ở Hội An. Trong clip người này nói "nghe được thông tin mỗi suất đạp xích lô, chèo ghe bơi có giá 1,6-1,8 tỉ đồng".