TTCT - “Thức uống chuẩn vàng” là cụm từ mà tác giả Susie Armitage dùng để nói về vôtka của Nga, loại rượu mạnh mà theo bà, từ thế kỷ 16 đã trở thành một thứ tiền tệ ở xứ sở lạnh giá này. Nhưng “đồng tiền” ấy cũng là độc dược, và người Nga đang phải tìm cách khôi phục “tàn dư chế độ Xô viết” - các trung tâm giải độc. Susie Armitage kể lại câu chuyện của bà bạn mình Pletneva: “Khi cha mẹ của Pletneva xây nhà mình cách St. Petersburg không xa hồi thập niên 1990, họ không mua được đinh, ván và cửa trong cửa hàng. Vì vậy, cha mẹ bà đã treo những tờ bướm viết tay khắp thị trấn, liệt kê những thứ họ cần và đổi lại sẽ trả bằng vôtka hay tiền. Cha của Pletneva, một thủy thủ, từng đến Đức và đã kiếm được năm lít Royal, một loại rượu ngũ cốc với độ cồn lên tới 96% rất thịnh hành khi đó ở Nga. Và họ đã trả rượu để lấy những vật liệu mình cần, chỉ bỏ chút tiền mặt mua ít thức nhắm”. Một đám đông ngắm nghía các loại vodka khác nhau được bày bán trên đường phố Moscow (ảnh:AFP) Tiền tệ của một thuở “Đó là thập niên 1990, Liên Xô sụp đổ, đồng tiền mất giá, lạm phát tăng vọt, các chủ tiệm chuyển sang sử dụng ngoại tệ như đôla, đồng mác Đức và bảng Anh. Năm 1993, việc sử dụng ngoại tệ bị cấm, họ chuyển sang việc tìm kiếm một loại đồng tiền cứng nhờ sự ổn định và sức mua của nó, và họ đã tìm thấy: vôtka” - tác giả Susie Armitage lý giải trong bài viết trên Atlas Obscura. Dĩ nhiên hiện tượng này không phải là một sản phẩm của thời perestroika (cải tổ) ở Nga, nó chỉ minh họa cho một thực tế hàng trăm năm qua ở nước này. Như tác giả Mark Schrad viết trong Nền chính trị vôtka: Rượu, sự chuyên quyền và lịch sử bí mật của Nhà nước Nga", vào thế kỷ 16, những cải tiến nông nghiệp mang tới những vụ mùa bội thu. Thay vì mang ngũ cốc dư thừa ra một thị trường đã bão hòa, nhiều chủ đất Nga đã chưng cất chúng thành rượu vôtka - một sản phẩm có giá trị cao hơn, lại dễ vận chuyển hơn. Hai người nông dân ở vùng Ivanovo (Nga) uống samogon, một loại rượu tự nấu trong vườn nhà. (ảnh:ITAR-TASS) Thức uống này dần thay thế bia và rượu mật ong trong sự lựa chọn của nông dân, trở thành nguồn lợi lớn cho các thương nhân và nhờ đó tăng đóng góp cho ngân sách của Sa hoàng. Ở những vùng hẻo lánh của đế chế Nga, như nhà sử học Patricia Herilhy ghi nhận năm 1991 trong bài báo “Niềm vui của người Nga: Những nghi thức và điển lễ của cuộc rượu Nga, pomoch”, vôtka như một sự đền bù cho việc hỗ trợ lao động lẫn nhau (pomoch), đồng thời cũng có xu hướng bị khai thác. Với những chủ trại giàu có, việc chi trả bằng những thùng vôtka dĩ nhiên sẽ rẻ hơn trả bằng tiền mặt cho hai, ba chục dân làng… Cuộc chiến thương hiệu Vôtka - tên gọi cho thứ thức uống có độ cồn mạnh, không màu với mùi rõ rệt - đã được đăng ký tiêu chuẩn kỹ thuật của Hội đồng Tiêu chuẩn, đo lường và chứng nhận Á-Âu (EASC) từ năm 1936. Trước đó, bất kỳ thức uống nào dù từ thảo mộc hay quả mọng, củ rễ đều được gọi chung là vôtka. Ở Nga tin rằng công thức vôtka là do nhà hóa học Dmitry Ivanovich Mendeleyev, người trong lúc làm luận văn tiến sĩ “Về hợp chất rượu và nước” đã phát hiện một tác dụng đặc biệt của hỗn hợp cồn - nước lên cơ thể sẽ xảy ra với nồng độ 43% ethanol. Trên cơ sở phát hiện này, nhà hóa học đã chế tạo ra thức uống mang tên “Vôtka đặc biệt Moskva”, được chính quyền cấp bằng sáng chế năm 1894. Trên thực tế, nhà khoa học này không viết bất cứ gì về nồng độ tối ưu của vôtka cũng như đặc tính sinh hóa và những tác dụng của chúng đối với cơ thể người. Nồng độ truyền thống 40% nói chung thực ra là do các quan chức Nga. Họ làm tròn tỉ lệ 38% (nồng độ ghi nhận được ở vôtka vào đầu thế kỷ 19) lên thành 40% để dễ tính thuế. Và tỉ lệ 40% rượu với nước trong vôtka đã được ấn định vào ngày 6-12-1886. Bản thân từ vôtka như tên thức uống có cồn xuất phát từ Nga cũng từng gây tranh cãi. Năm 1977, bất ngờ một số công ty Mỹ đòi quyền ưu tiên sử dụng tên vôtka cho sản phẩm của mình, rằng họ đã sản xuất thức uống này sớm hơn các công ty Liên Xô. Thời đó, một số nhãn hiệu rượu của Liên Xô đã bị tẩy chay và phân biệt đối xử trên thị trường nước ngoài, thậm chí còn có đe dọa tước quyền bán và quảng cáo sản phẩm này của Tập đoàn Liên Xô Soyuzplodoimport. Do các công ty cạnh tranh nước ngoài cho rằng việc sản xuất vôtka ở Liên Xô được bắt đầu sau ngày 26-8-1923 căn cứ các nghị định thời ấy, trong khi các công ty Mỹ đã sản xuất chúng từ 1918-1921 (đây là giai đoạn mà nhiều doanh nghiệp vôtka của các chủ doanh nghiệp ở Xô viết bỏ ra nước ngoài, bắt đầu hoạt động ở Tây Âu và Hoa Kỳ). Chính phủ Liên Xô từng cấm sản xuất rượu từ tháng 12-1917 đến 1924, nhưng không khó mấy để chứng minh về mặt pháp lý rằng Chính phủ Xô viết chỉ mở rộng lệnh cấm của các chính phủ Sa hoàng trước đây, từ đó xác nhận sự kế thừa tính độc quyền của nhà nước và quyền đình chỉ, gián đoạn và tiếp tục sản xuất, nên cột mốc 26-8-1923 không có ý nghĩa đối với việc bắt đầu sản xuất vôtka ở Liên Xô cũng như việc sử dụng tên hàng hóa là vôtka. Ngay khi vấn đề được trình bày như thế trên bình diện pháp lý, các công ty sản xuất vôtka Tây Âu và Hoa Kỳ cũng như của các nhà lưu vong “Pierre Smirnoff”, “Eristov”, “Keglevich”, “Gorbachev” đã rút lại các yêu sách về đặc quyền sử dụng sản phẩm vôtka. Trong số đó, cuộc chiến thương hiệu Smirnoff là đình đám nhất. Ở Nga, không ai không biết đến “ông vua vôtka Nga” Pyotr Arsenyevich Smirnov, xuất thân từ thị trấn nhỏ Uglich, nơi hiện có hẳn một bảo tàng “Lịch sử vôtka Nga” vinh danh ông. Khởi đầu chỉ là một nông nô học hết lớp bốn, Pyotr Smirnov chạy việc cho một thương nhân buôn rượu ở Matxcơva, học nghề và mở một nhà máy nấu rượu của mình với chỉ 10 nhân công ban đầu. Khi đã khá lên, Pyotr Arsenyevich bỏ 5.000 rúp, một số tiền khá lớn vào thời đó, mua quy chế “thương nhân mức 3” để có quyền mua bán rượu, đồng thời sản xuất loại vôtka đặc sắc của riêng mình. Năm 1886, Sa hoàng Aleksandr III sau khi nếm thử vôtka của Smirnov tại một hội chợ đã đồng ý để ông trở thành người cung cấp hàng độc nhất cho triều đình. Quyết định của Nga hoàng giúp Pyotr Smirnov mở rộng sản phẩm của mình tới các hoàng tộc khác trên thế giới. Pyotr Smirnov qua đời năm 1898, công việc kinh doanh giao lại cho năm cậu con trai. Những năm 1910, khi Nga ban hành luật cấm rượu, các nhà máy Smirnov chuyển sang sản xuất thức uống không có cồn. Sau Cách mạng Tháng Mười, gia tộc Smirnov lưu vong ở Paris, trong đó một người con trai của ông, Vladimir Petrovich, đã lập nhà máy nhãn hiệu Smirnoff nhưng không thành công lắm. Vladimir Petrovich bán quyền sản xuất và cuối cùng thương hiệu Smirnoff giờ do một công ty Mỹ sở hữu. Đến nay, chắt của dòng họ, Boris Smirnov, quyết định khôi phục thương hiệu Smirnov và đã bị Smirnoff kiện, nhưng Boris Smirnov vẫn chưa từ bỏ nỗ lực của mình. Những Trung tâm giải độc Nga được xem là một trong 10 nước uống rượu nhiều nhất thế giới. Báo chí Nga tháng 11-2019 đã đăng lại một công bố của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, xếp hạng quốc gia theo lượng rượu tiêu thụ năm 2017. Theo đó, Litva dẫn đầu với 12,3 lít rượu/năm/người, tiếp theo là Áo (11,8), Pháp (11,7)… Nga và Hungary cùng ở vị trí thứ bảy với 11,1 lít/năm. Biếm họa trên Komsomolskaya Pravda Tuy nhiên, Thứ trưởng Y tế Nga Oleg Salagai cho biết nếu căn cứ vào những con số thu thập trong năm 2018, Nga sẽ lọt ra ngoài top 10 này do lượng rượu tiêu thụ năm 2018 trên đầu người là 9,3 lít. Và vị thứ trưởng đùa cợt “chẳng phải vinh dự gì và cũng chẳng phải lý do gì để ăn mừng, nhưng lần đầu tiên sau 15 năm, tính từ năm 2003, người Nga đã uống ít hơn 43%. Mức tử vong liên quan đến lạm dụng thức uống có cồn cũng giảm, không chỉ qua các con số thống kê, mà từ các dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới”. Đặc biệt, theo ghi nhận của bác sĩ - chuyên gia độc chất Sergey Polyatykin trên tờ Komsomolskaya Pravda, người Nga đang bớt uống vôtka. Đặc biệt, giới trẻ 18 - 25 tuổi hầu như không lạm dụng rượu. Ngày 13-11 vừa qua, Đuma Quốc gia Nga đã thông qua trong phiên điều trần lần thứ nhất gói dự luật về việc hồi phục những trung tâm giải độc ở Nga. Dù uống nhiều hơn hay ít hơn, số người chết hằng năm vì lạm dụng rượu ở Nga lên hơn 50.000 người. Theo chủ tịch Ủy ban chính sách xã hội của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga - người đề xướng gói dự luật trên, chỉ riêng số người chết vì quá say xỉn trong thời tiết giá lạnh khắc nghiệt của Nga đã lên tới 10.000 - 12.000 người/năm. Riêng trong năm 2018, cảnh sát đã “nhặt” từ đường phố đưa vào bệnh viện 681.000 người say bởi không đâu thu nhận họ. Nhưng bệnh viện cũng không có chức năng để họ ngủ lại qua đêm, nên họ lại bị đẩy ra ngoài đường, trở thành nạn nhân của thời tiết và của thế giới tội phạm. Bức tranh kinh nghiệm ở các nước tiên tiến như sau: ở Mỹ không có trung tâm giải độc, mà có những tổ chức thiện nguyện đưa các “ma men” về nhà. Ở Anh, người say được đưa tới đồn cảnh sát, thời gian giữ lại là 12 tiếng. Ở Pháp, người say cũng sẽ được lưu trú ở đồn cảnh sát. Ở Ba Lan, những người nghiện sẽ bị đưa đến trung tâm cai nghiện, còn những người quá say sẽ được cảnh sát đưa về nhà, gia đình trả phí. Ở Pháp và Thụy Điển, mức phí này lên tới 200-300 euro. Thời Liên Xô từng có những trung tâm giải độc này, hoạt động đến năm 2011 thì bị cúp ngân sách. Tám năm tiếp đó, các nghị sĩ Đuma Nga thừa nhận những trung tâm này không hẳn là một “tàn dư của chế độ Xô viết”, mà là một cơ sở cần thiết. Gói dự luật vừa thông qua nêu trên cho phép các khu vực mở các trung tâm giải độc tốn phí này. Hiện ở Nga đã có 20 trung tâm giải độc, hoạt động hiệu quả nhất được ghi nhận ở Tatarstan (một chủ thể Liên bang Nga, có số tín đồ Hồi giáo đông hơn tín đồ Kitô giáo). Sắp tới, nhiều trung tâm hơn nữa sẽ được xây dựng ở các khu vực. Theo đó, cảnh sát có thể “thu gom” dân tình say xỉn nếu bắt gặp trên đường, đưa về trung tâm “phân loại”. Những thường dân do vô tình quá chén sẽ được ngủ lại qua đêm với mức phí 1.500 - 2.000 rúp (550.000 - 700.000 đồng/đêm). Những người nghiện ngập sẽ bị lập biên bản và yêu cầu cai nghiện.■ Ực bao nhiêu là gay go? Truyền thông Nga tìm hiểu liều lượng nào vôtka có thể gây chết người đối với dân Nga. Câu trả lời là một lít rượu, theo công bố của người đứng đầu Ban phòng chống các yếu tố rủi ro của Viện Nghiên cứu trung ương về tổ chức và thông tin y tế Darya Khalturina. Dân châu Âu có thể cũng uống rượu nhiều nhưng họ phân bổ đều, uống trong các dịp cuối tuần, ngày nghỉ, các ngày lễ hội. Người Nga lại có xu hướng uống nhiều vào dịp lễ lộc, hội hè thay vì “rải đều” vào ngày thường và liều chết người là một lít nếu uống trong thời gian ngắn. Ngoài ra, vẫn theo bà Khalturina, người Nga còn có xu hướng uống rượu nồng độ cao, dẫn đến những hình thái “say xỉn cực đoan”! Tags: Ngộ độc rượuNước NgaGiải độcSay rượuRượu vodka
Tin tức thế giới 10-12: Israel chiếm đất Syria, Ai Cập lên án; Mỹ lên tiếng 'có lợi ích' ở Syria BÌNH AN 10/12/2024 Kế hoạch xây đại sứ quán mới của Trung Quốc tại Anh bị bác; Thái Lan bước đầu chặn được làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sắp xếp, bố trí cán bộ khi tinh gọn tổ chức bộ máy THÀNH CHUNG 10/12/2024 Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn về định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính.
Dinh tổng thống Syria hoang tàn sau khi ông al-Assad chạy ra nước ngoài LIÊN AN 10/12/2024 Dinh tổng thống, biểu tượng quyền lực suốt thời gian dài ở Syria, đã rơi vào cảnh hoang tàn chưa từng thấy sau khi Tổng thống Bashar al-Assad rời khỏi đất nước.
Tin tức sáng 10-12: Mở thêm đường sắt đô thị, tàu điện ngầm tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố TUỔI TRẺ ONLINE 10/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Khai mạc phiên họp 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xem xét sáp nhập đơn vị cấp huyện, xã của tỉnh Ninh Bình; Tiếp tục triển khai đường sắt đô thị, tàu điện ngầm tại Hà Nội, TP.HCM...