​“NƯỚC PHÁP CÓ TỔNG THỐNG HỒI GIÁO”!

Thuận (Paris) 21/01/2015 05:01 GMT+7

Một trong những lý do được giả định là nguyên nhân tấn công tòa báo Charlie Hebdo còn là vào ngày 7-1-2015, tất cả hiệu sách trên toàn nước Pháp chính thức bày bán tiểu thuyết Soumission (Phục tùng) của Michel Houellebecq. Ngay ngày sách phát hành, Michel Houellebecq đã phải bí mật rời khỏi nhà riêng dưới sự tháp tùng của cảnh sát quốc gia. Vậy Soumission viết gì?

Soumission của Michel Houellebecq, NXB Flammarion, phát hành đợt đầu 150.000 bản và đang bán rất chạy. (i.telegraph.co.uk)

Nếu Charlie Hebdo nổi tiếng với nhiều bài viết và biếm họa tấn công trực tiếp Hồi giáo cực đoan thì tác giả bất kham của văn chương Pháp cũng từng hầu tòa năm 2001 vì câu phát biểu cực kỳ khiêu khích: “Hồi giáo là tôn giáo ngu xuẩn nhất trên đời. Thật suy sụp, suy sụp hoàn toàn khi đọc kinh Koran”.

Nhờ sự ủng hộ của báo giới và trí thức văn nghệ sĩ cũng như số đông độc giả Pháp, Michel Houellebecq cuối cùng đã được trắng án. Nhưng tác giả từng đoạt giải Goncourt 2010 không dừng ở đó.

Và Soumission mới phát hành trình bày một giả thuyết vô cùng đáng sợ với đa số dân Pháp - năm 2022, chung mục đích chống lại “Mặt trận dân tộc” của đảng cực hữu, các phe phái cùng ủng hộ đảng “Huynh đệ Hồi giáo”, kết quả là đảng này thắng cử vẻ vang và nước Pháp có tổng thống là người Hồi giáo.

Chuyện gì đã xảy ra sau khi Mohammed Ben Abbes trở thành tổng thống Pháp?

Tổng thống mới tỏ ra là một người ôn hòa, luôn mong muốn “giới thiệu Hồi giáo như hình thức trọn vẹn của một chủ nghĩa nhân sinh mới, có thiên chức đoàn kết toàn dân”, sẵn sàng phân chia quyền lực cho các đảng khác, nhưng giữ lại cho “Huynh đệ Hồi giáo” chức bộ trưởng giáo dục.

Đó là lý do mà trường đại học Pháp bị Hồi giáo hóa, sinh viên nữ đeo mạng đến nghe giảng, còn các giáo sư buộc phải theo những lớp đặc biệt để bồi bổ thêm kiến thức về Hồi giáo và nếu ai đồng ý cải đạo sẽ được tăng lương gấp ba.

Cứ thế, nước Pháp chấp nhận bị Hồi giáo hóa một cách “êm ả và mơ màng”, thậm chí còn cảm thấy đã tìm lại “tinh thần lạc quan từng hiện diện trong ba thập kỷ phát triển hùng hậu 1945-1975”.

***

Chính trong bối cảnh lịch sử - xã hội này mà nhân vật chính của tiểu thuyết Soumission đã bị đẩy tới. Cô độc, bi quan, ốm đau, chán ghét loài người, François mang những tính cách đặc trưng cho các nhân vật của Houellebecq và có lẽ cũng của chính tác giả.

Ở tuổi tứ tuần, là giáo sư đại học chuyên nghiên cứu về nhà văn Pháp thế kỷ 19 Joris-Karl Huysmans, François rơi vào tình trạng u uất khi nước Pháp mới bị Hồi giáo hóa và nhất là vì lý do ấy mà người tình xinh đẹp, nóng bỏng gốc Do Thái của anh đã phải bỏ sang Tel-Aviv.

“Không có nước Israel cho mình”, François ngẫm nghĩ, rã rời và đơn độc hơn bao giờ hết. Trong cơn tuyệt vọng, anh thử dấn thân vào Thiên Chúa giáo giống như đã làm trước đó hơn một thế kỷ Joris-Karl Huysmans, thần tượng của anh, tác giả mà anh cả đời nghiên cứu.

Nhưng anh đã thất bại thảm hại: mặc cho “khao khát tuyệt vọng được hòa mình vào một nghi lễ”, anh chẳng nhận thấy điều gì giống với niềm vui hoan hỉ, anh không sao tiếp cận được “những khoảng không vô tận từng khiến Pascal hoảng sợ, từng nhấn chìm Newton và Kant trong niềm kinh ngạc và thán phục”, nhất là anh không còn cảm thấy chút nào mối gắn bó mật thiết giữa nền văn hóa mà anh thừa hưởng với “một cái gì đó bí mật, mang tính tăng lữ” từng được đúc kết bởi đạo Thiên Chúa.

Thế thì tại sao anh không đi theo Hồi giáo cho tiện, cho lành? Anh sẽ được hưởng lương gấp ba và lấy nhiều vợ? “Rất có thể nó sẽ mở ra cuộc đời mới cho mình, không mấy liên quan đến cuộc đời mình từng sống trước đây. Và mình sẽ chẳng có gì phải tiếc nuối” - François đi tới kết luận, một cách đơn giản và có phần cơ hội.

Anh sẽ trở thành một trong những nhân vật phản diện đáng ghét nhất của văn chương Pháp? Nhưng có lẽ đó lại là ý định của chính Michel Houellebecq.

***

Với Soumission, Michel Houellebecq ký tên lên một “kịch bản viễn tưởng - chính trị” kỳ lạ, một tác phẩm văn chương độc đáo, nhưng chắc hẳn sẽ làm không ít độc giả phiền lòng vừa bởi nỗi bi quan tột cùng và cả sự hài hước hiếm có, thông qua một cái nhìn ngày càng trở nên lạnh lùng với thế giới mà chúng ta đang sống.

Nhưng trước khi đọc Soumission, hãy thử nhớ lại nhận xét của Bruno Viard: “Đừng đọc Houellebecq ở vỏ ngoài câu chữ. Những gì ông miêu tả, hay để cho các nhân vật của mình nói ra, lại thường là những cái mà ông ghét nhất”.       ■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận