TTCT - Hiện phần lớn các khách sạn ở VN phải chấp nhận cảnh doanh thu nhỏ giọt, trong số này có những nơi chấp nhận trả mặt bằng, cho thuê lại, thậm chí rao bán.. Cách chợ Bến Thành chỉ vài chục bước chân, khách sạn T.T. nằm ngay mặt tiền đường Lý Tự Trọng, ở trung tâm quận 1, TP.HCM, từng nườm nượp khách quốc tế ra vào mỗi ngày. Nhưng mới đây khi chúng tôi gọi tới, chủ khách sạn buồn rầu nói: “Em đóng cửa rồi anh ơi”.Khách sạn trả mặt bằngTừ đầu năm đến nay, khách sạn này rơi vào cảnh ngộ chung với khoảng 2.000 điểm lưu trú khác ở TP.HCM - vắng cả khách quốc tế lẫn nội địa. Áp lực về doanh thu đã khiến khách sạn T.T. không thể trụ nổi, trong khi hợp đồng 5 năm cũng đến lúc đáo hạn.Tại tầng trệt của một khách sạn 8 tầng đang sửa chữa đầy bụi bặm, đồ đạc ngổn ngang, chủ tòa nhà, bà Trần Kim Loan, 71 tuổi, kể từ đầu năm đến nay bà chẳng có nguồn thu vì khách thuê lại khách sạn của bà để kinh doanh đang rất chật vật. Từ chỗ chia sẻ khó khăn, chỉ lấy tiền nhà 50 triệu đồng, tương đương 50% tiền thuê, bà Loan giảm dần xuống 40%, 30% rồi 20%. Số tiền người thuê lại để kinh doanh còn xoay xở được để trả cho bà cũng chẳng phải từ doanh thu của khách lưu trú, mà phần lớn nhờ một cửa hàng thời trang thuê nguyên cả sảnh khách sạn để kinh doanh. Cuối cùng, chủ tòa nhà và người thuê đã đi đến quyết định chấm dứt hợp đồng.Dẫn chúng tôi đi thăm các phòng, bà Loan cho biết khách sạn vốn là tâm huyết của hai vợ chồng bà, khởi công năm 1998 - thời điểm du lịch VN mới bắt đầu phát triển. Hai năm sau, công trình hoàn thành, trở thành một trong những khách sạn chuyên phục vụ khách quốc tế có vị trí đẹp và phòng ốc chất lượng ở khu này. Suốt 15 năm tự kinh doanh, khách sạn là nơi ở dài hạn cho các phi công Mỹ, các đoàn bác sĩ Nhật và chuyên gia quốc tế.Khi tuổi đã cao, không còn đủ sức điều hành, trong khi con cái lập nghiệp ở nước ngoài, vợ chồng bà Loan cho thuê lại. Vị khách thuê được bà Loan giới thiệu lại các mối khách cũ với sự kỳ vọng “họ cũng phục vụ khách tận tâm như mình”.5 năm qua, khách sạn làm ăn tốt, nhiều khách vẫn ở dài lâu. Rồi dịch bệnh bùng phát, người thuê làm ăn không được, không trụ nổi. Bà Loan nhận lại 19 phòng khách sạn và quyết định sửa sang, chờ khi hết dịch sẽ tính. “Mấy tháng nay cũng có người đến hỏi thăm, dòm ngó, nhưng chưa thấy ai thuê. Tui quyết định sửa lại theo ý mình, khi sửa xong mới quyết định giá thuê mới, nhưng tình hình này e rằng còn lâu mới có khách”, bà Loan nói.Dù nằm ngay giao lộ sầm uất ở TP.HCM, giữa đường Lê Thánh Tôn - Lê Minh Xuân, khách sạn A.S. đành phải chấp nhận “đầu hàng” trước dịch bệnh khi nửa năm qua không hoạt động. Bên ngoài tòa khách sạn cao 7 tầng này phủ sơn trắng, tấm bạt ghi dòng chữ “cho thuê mặt bằng” đã để nhiều tháng từ khi người thuê trả lại khách sạn.Vị chủ khách sạn còn khá trẻ Phan Tuấn Đạt cho biết với mức giá thuê nguyên khách sạn 8.000 USD/tháng, từ tháng 6 đến nay dù rất nhiều người đã hỏi thăm, tìm hiểu, nhưng chưa có ai thuê. Đạt cho biết trước đây anh cho một người Úc khai thác khá ổn định với doanh thu chủ yếu từ khách nước ngoài - thường xuyên đến 80% khách lưu trú là ngoại quốc. Lúc vừa hết hợp đồng vào tháng 2-2019, anh Đạt cho người khác thuê lại khách sạn, nhưng dịch bệnh bùng phát, đi kèm là nhiều biện pháp phòng dịch quyết liệt như đóng cửa sân bay, cách ly xã hội, khiến khách sạn ế ẩm. Mới kinh doanh được 3 tháng trong khi tiền thuê, tiền nhân viên quá lớn, người thuê đành trả lại khách sạn. Dù người thuê phá hợp đồng, anh Đạt vẫn chia sẻ, trả lại cọc cho khách. Anh cho biết vẫn để trống khách sạn, chờ đến khi phục hồi du lịch để kiếm lại khách thuê mới. “Mình vẫn chờ thêm một năm nữa, bây giờ mình lấy những mảng kinh doanh khác để bù sang khoản tài chính của khách sạn này”, anh Đạt nói.Một khách sạn ở TP.HCM đã chuyển sang cho thuê mặt bằng làm showroom váy cưới. -Ảnh: NGỌC HIỂNLàm cửa hàng cho thuê đồ cưới: vẫn ếCuối tháng 3 năm nay, chủ nhân của một khách sạn 3 sao ở quận Tân Bình chia sẻ với chúng tôi rằng họ quyết định dùng khách sạn làm nơi nghỉ ngơi miễn phí cho các bác sĩ tuyến đầu tham gia chống dịch COVID-19 với sự tài trợ chi phí lưu trú từ một ngân hàng quốc tế. Không ngờ, đó cũng là quãng thời gian cuối cùng hoạt động trong lĩnh vực khách sạn của tòa nhà. COVID-19 đã biến một khu nhà 7 tầng với 54 phòng ngủ, 2 hội trường và một nhà hàng trở thành tòa nhà cho thuê kiêm showroom váy cưới.Hơn 10 năm làm việc tại khách sạn, nhân viên Nguyễn Văn Phát cho biết trước đây khách sạn luôn đón lượng khách ổn định, với 60% là khách nước ngoài, mỗi tháng doanh thu 1,2-1,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, thời gian dịch bệnh, lúc cao điểm cũng khai thác chưa đến 10 phòng, buộc khách sạn đóng cửa, sa thải nhân viên, rồi cho thuê lại mặt bằng. Tưởng dịch sớm chấm dứt, anh Andy Trương đã quyết định chấp nhận mất cọc, trả 6 mặt bằng kinh doanh váy cưới ở một nơi khác để chơi một canh bạc lớn - bao luôn khách sạn để vừa kinh doanh, vừa cho thuê lại. Mỗi tháng, anh phải trả tiền thuê 1,2 tỉ đồng, chưa kể tiền cọc 6 tháng, dù 3 tháng đầu anh được hỗ trợ 50% tiền thuê. Tuy nhiên, mọi dự tính của anh Trương đổ vỡ khi hơn nửa năm qua không có người thuê lại tòa nhà hai mặt tiền và giá thuê rẻ hơn mặt bằng chung của khu vực đấy. Ngay cả việc cho tiểu thương thuê làm kho trữ hàng như mọi năm cũng kém sôi động hẳn, khiến anh Trương “rầu lắm”. Để đảm bảo công việc cho những người đã gắn bó với tòa nhà này nhiều năm, anh giữ lại những nhân viên của khách sạn cũ, dù chỉ còn sử dụng mặt bằng để làm showroom váy cưới.Để có tiền đổ vào tòa khách sạn, anh Trương đã thuyết phục gia đình cầm cố 3 căn nhà vay vốn với tiền lãi mỗi tháng 170 triệu đồng. “Bài toán tài chính của mình trật lất rồi, xưa tính 10 phần giờ chỉ thu về được 3 phần, ngay cả ngành váy cưới mọi năm rất sôi động, thực tế giờ cũng giảm còn phân nửa”, anh Trương nói. Trước những khó khăn chồng chất, anh đành mở thêm tiệm cà phê vỉa hè trước sảnh tòa nhà, dự định sẽ gắng chịu đựng thêm vài tháng nữa, nếu tình hình vẫn bi đát thì phải xin thương thảo lại với chủ tòa nhà về giá và thời hạn thuê. “Nếu khó quá mình cũng đành phải chọn cách là trả lại tòa nhà này thôi, dù hợp đồng là 10 năm, chứ giờ mấy tháng trời không ai thuê rồi”, anh Trương nói.Hà Nội: Thủ phủ du lịch đìu hiuHà Nội hiện có khoảng 1.000 khách sạn (trong tổng số gần 3.500 cơ sở lưu trú của toàn thành phố) phải tạm dừng hoạt động - số lượng khách sạn được rao bán cũng tăng.Dạo một vòng khu phố cổ những ngày này dễ dàng nhận thấy thủ phủ của du lịch thủ đô đã dứt hẳn cảnh “hội hè miên man” như trước COVID-19. Giống như trong một giấc ngủ đông, những cảnh tấp nập du khách đi lại trên phố, vui vẻ tụ họp ăn uống, vui chơi trong những nhà hàng, quán bar lấp lánh đèn hay hàng quán vỉa hè lúc nào cũng sống động… nay đã không còn. Khung cảnh đìu hiu rõ hơn vào buổi tối, các nhà hàng thưa thớt khách, các khách sạn đóng cửa, tắt đèn, dán giấy thông báo tạm dừng phục vụ.Lác đác có thể nhìn thấy những mảnh giấy dán trên cánh cửa đóng chặt với dòng chữ “Bán khách sạn” và các thông tin về diện tích, giá cả, số điện thoại liên hệ.Phố Hàng Bè, một con phố ngắn ngay giữa trung tâm khu phố cổ, cách hồ Hoàn Kiếm chỉ 200m, vốn trước đây rất sầm uất với đủ thứ dịch vụ du lịch, từ khách sạn, nhà hàng, văn phòng du lịch, đến các loại hàng quán, đêm cũng như ngày đều sáng trưng, nhộn nhịp, phần nhiều là khách nước ngoài, nay, mới 19h, các cửa hàng, khách sạn đã đóng cửa gần hết. Cả đoạn phố chỉ còn một khách sạn của một thương hiệu lớn còn thấp thoáng bóng đèn trong một số phòng. Cạnh đó là một khách sạn 4 tầng, rộng 102m2, mặt tiền hơn 5m dán mảnh giấy rao bán đã vài tháng nay, với giá niêm yết 89 tỉ đồng.Từ phố Hàng Bè rẽ qua ngõ Cầu Gỗ rồi sang ngõ Trung Yên cũng là những cảnh tượng vắng lặng tờ mờ như nhau. Trên những cảnh cửa đóng chặt, lẫn giữa những tờ A4 thông báo tạm đóng cửa còn có cả những thông báo cảnh báo sẽ ngừng cấp điện do chủ hộ chậm nộp tiền điện, với số tiền điện trong tháng còn nợ là gần… 24.000 đồng.Anh Đặng Đức Thực, chủ một khách sạn có tiếng trên phố Hàng Bè, buồn bã cho biết gia đình anh tự kinh doanh khách sạn quy mô nhỏ trên nhà đất của mình ngay từ khi VN bắt đầu mở cửa đầu những năm 1990. Không phải bỏ khoản tiền lớn thuê mặt bằng như hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn ở quận Hoàn Kiếm, nhưng từ tháng 3 năm nay, do không có khách du lịch, khách sạn của anh phải giảm 3/4 nhân lực. Nhiều tháng liền khách sạn của anh không có bóng khách nào, gần đây thỉnh thoảng mới đón vài khách nội địa, hầu hết do người quen giới thiệu, với giá giảm gần một nửa.Theo một chủ khách sạn tại khu phố cổ, nhiều khách sạn tại đây chủ yếu thuê mặt bằng với giá rất cao, nên khi dịch COVID-19 đến, hầu hết đều lao đao. Sau vài tháng gắng gượng, đến nay vẫn chưa nhìn thấy cơ hội đón khách trở lại, họ đành phải trả mặt bằng, chấp nhận mất khoản đầu tư lớn xây cơ sở vật chất trước đó.Anh trai của anh Thực cũng có một khách sạn cho thuê nhiều năm nay. Nhưng 6 tháng qua anh không nhận được một đồng tiền thuê nhà nào vì khách sạn hầu như không có khách. Nếu nhận lại nhà anh cũng không thể cho người khác thuê để kinh doanh vào thời điểm này.■ Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Thị trường khách sạn đóng băng bởi covid-19 Tags: Du lịchCOVID-19Khách sạnTrả mặt bằngDu lịch mùa dịch
Quốc hội Hàn Quốc yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật DUY LINH 03/12/2024 Rạng sáng 4-12 (giờ địa phương), Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật.
Chính thức: Nghỉ 9 ngày liền dịp Tết Nguyên đán 2025 HÀ QUÂN 03/12/2024 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có thông báo chính thức về việc nghỉ Tết Nguyên đán 2025.
Tổng thống Hàn Quốc ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp BÌNH AN 03/12/2024 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tối 3-12 đã ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập âm mưu nổi loạn.
Lê Tuấn Khang chỉ đang diễn và khán giả trẻ quá dễ dãi? THƯỢNG KHẢI 03/12/2024 'Mình xin lỗi nhưng mình coi mà thấy nhạt quá. Có lẽ vì không phải là người miền Tây nên không hiểu được'; 'Cộng đồng mạng có làm quá không?'... là những bình luận độc giả gửi về Tuổi Trẻ Online.