Rao khàn cổ vẫn không ai mua

TTCT - Nhiều chủ khách sạn, khu resort cao cấp không thể cầm cự để chờ qua dịch COVID-19 đành phải ngậm ngùi rao bán. Chuyện này đang diễn ra ở hầu khắp các trung tâm du lịch lớn của cả nước, từ TP.HCM tới Hà Nội và cả Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam)…

Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam Lê Ngọc Thuận cho biết nhiều chủ đầu tư vốn nhỏ đã lao vào cuộc chơi lớn để đầu tư khách sạn, villa đón khách nước ngoài. Nhưng do đại dịch, không có doanh thu, trong khi nợ lãi ngân hàng tăng lên, thì bán khách sạn là việc tất yếu.

“Càng làm càng lỗ”

Theo ông Thuận, có hai xu hướng trong việc rao bán cơ sở du lịch tại Đà Nẵng và Hội An. Trong khi ở Đà Nẵng, khách sạn chủ yếu là quy mô nhỏ, từ 1-3 sao, rao bán khá nhiều thì tại Hội An, các cơ sở lưu trú rao bán đặc biệt nhiều là villa cho hộ gia đình và các homestay mới xây dựng vài năm trở lại đây. 

Điểm chung là chủ cơ sở vốn nhỏ, chưa có kinh nghiệm trong kinh doanh lưu trú, và có lẽ chưa bao giờ kinh qua một cuộc khủng hoảng như thế này. Những chủ đầu tư này đa số nhắm vào thị trường du lịch kèm với đầu tư bất động sản. Cũng có những người ôm quá nhiều cơ sở, khi dịch đến thì không chịu nổi sức ép về vốn vay.

Lướt trên các trang mạng chuyên về bất động sản tại Đà Nẵng, Hội An, rất nhiều khách sạn, homestay, villa rao bán, nhưng lượng người xem không đáng kể. Nhiều bản tin được rao từ đầu năm vẫn còn và giá đã giảm so với thời điểm ban đầu. 

Qua giới thiệu của một người môi giới, chúng tôi tới xem một căn villa ở khu vực Làng Chài Hội An thuộc phường Cẩm An. Bên ngoài, villa du lịch này rất đồ sộ, kiến trúc hình hộp, chuồng “bồ câu” nhằm tận dụng tối đa công năng phòng, xây trên diện tích đất gần 500m2. 

Nhưng suốt một năm qua, từ khi mở cửa, khách vắng hoe, trong khi chi phí duy trì hoạt động quá lớn khiến gia chủ không kham nổi. “Người ta gửi em giá 32 tỉ đồng, còn thương lượng. Chủ cũng thiện chí muốn bán nên mới có giá này”, người môi giới tên Sơn nói.

Ở xã Cẩm Thanh (Hội An), lượng homestay, villa rao bán nhiều hơn. Đa số không trưng biển ở cơ sở mà sử dụng môi giới hoặc rao trực tiếp trên các trang chuyên về bất động sản, dù nhân viên vẫn túc trực đón khách. 

Chủ một villa ở Cẩm Thanh nói nếu trưng biển trước nhà sẽ ảnh hưởng đến việc đón khách, duy trì hoạt động vừa có doanh thu, vừa không bị ẩm mốc đồ đạc. “Tôi đầu tư villa này với giá 12 tỉ đồng, mua từ tháng 8-2018. Mình nhìn người ta làm thì thấy ham, nhưng việc kinh doanh không đơn giản, càng làm càng lỗ nên quyết định bán. 

Nhưng thời điểm này bán không dễ, rao khàn cổ chẳng ai mua. Người hỏi thì nhiều, nhưng phần lớn hỏi cho biết hoặc trả giá gây ức chế”, chủ villa ở Cẩm Thanh nói.


Nhiều villa ở phố cổ Hội An rao bán. Ảnh: B.D.

Tình trạng đóng băng của bất động sản du lịch thể hiện rõ nhất khi vào trung tâm phố cổ Hội An. Được xem là nơi giá thuê mặt bằng kinh doanh đắt đỏ, nhưng hiện nay nhiều cửa hiệu, nhà hàng ở Hội An treo bảng sang nhượng, cho thuê lại, đặc biệt là các tuyến đường Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai... 

Một cửa hiệu trước đây kinh doanh đồ lưu niệm ở đường Nguyễn Thái Học nay sang nhượng mặt bằng, giá thuê 60 triệu đồng/tháng cho căn nhà tổng diện tích 140m2. “Giờ thuê thì mới có giá này, dịch qua khách trở lại thì giá thuê cũng trên 100 triệu đồng/tháng”, người sang nhượng cửa hiệu nói khi chúng tôi hỏi giá.

Tại Đà Nẵng, khách sạn 2-3 sao nằm ở các tuyến đường du lịch như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Bạch Đằng trưng biển rao bán khá nhiều. Phần lớn chủ cơ sở khi được hỏi đều nói không có doanh thu, nhưng phải tốn chi phí duy trì hoạt động, trả nợ ngân hàng nên phải bán. 

“Tôi mua khách sạn này năm 2017 với giá 11 tỉ đồng, thời đất đai Đà Nẵng còn sốt khách sạn được định giá 24 tỉ, nhưng cả năm nay tôi rao 16 tỉ không ai mua”, chủ khách sạn 12 phòng ở đường Chương Dương nói.

Phân khúc khách nước ngoài ảnh hưởng nhất

Từng là một khách sạn 2 sao thu hút nhiều khách lưu trú Hàn Quốc nằm giữa khu phố Hàn ở phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM, khách sạn H.V. giờ đã cửa đóng then cài. Số điện thoại liên lạc của khách sạn “ò e í”, trong khi ngoài cửa treo kín những bảng rao bán.

Anh Tuấn Anh (người môi giới) cho biết đây là khách sạn chuyên cho người Hàn Quốc thuê, người điều hành cũng là người Hàn, đợt Tết âm lịch 2020 về nước nhưng do dịch bệnh không thể trở lại VN nên phải trả mặt bằng. Chủ khách sạn người Việt quyết định bán 80 tỉ đồng hoặc cho thuê dài hạn giá 12.000 USD/tháng. 

Theo anh Tuấn Anh, khu vực này có nhiều khách sạn khác quy mô nhỏ hơn chuyên phục vụ khách Hàn đang chào bán giá 40-70 tỉ đồng. Một bảo vệ ở gần đó cho biết nhiều người đã đến hỏi thăm, nhưng cả nửa năm nay chưa ai mua.

Trên các trang mua bán nhà đất, tin bán khách sạn dồn dập đăng tải từ giữa năm đến nay. Trong đó, các khách sạn chuyên khai thác phân khúc du khách nước ngoài ở quận 1, 2, 3 và quận 7 khá nhiều. 

Trên một trang mua bán nhà đất, tài khoản có tên Thịnh Vượng đăng mẩu tin ngày 26-11 với tiêu đề “bán gấp khách sạn đường Phạm Ngũ Lão, Q.1”. Đây là một trong những con đường đông khách nước ngoài và doanh thu của các khách sạn chủ yếu từ nguồn khách này. 

Theo vị này, khách sạn đang cho thuê với giá 230 triệu đồng/tháng và bán giá 45 tỉ đồng. Một người khác cũng rao bán khách sạn nằm trên đường Trần Nhật Duật (Q.1) với 8 tầng, giá 90 tỉ đồng. Theo người bán, khách sạn này hiện đang cho thuê với giá 240 triệu đồng và diện tích sàn hơn 170m².

Rất nhiều khách sạn khác cũng đang “rao bán gấp” với giá từ vài chục đến hàng trăm tỉ, kể cả những khu vực xa trung tâm như các quận Bình Tân, Bình Thạnh, 12..., chủ yếu là khách sạn nhỏ, quy mô chỉ 5-7 tầng với số lượng phòng dưới 50.

Tại Hà Nội, dễ dàng nhận thấy trên các trang rao vặt chuyên về bất động sản thời gian gần đây thông tin rao bán khách sạn cũng xuất hiện nhiều hơn: quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Nam Từ Liêm... 

Nhưng nhiều nhất là thông tin rao bán các khách sạn mini ở quận Hoàn Kiếm, nơi tập trung phần lớn khách du lịch lưu trú của Hà Nội. Các khách sạn ở Hà Nội được rao bán có giá dao động từ vài chục đến vài trăm tỉ đồng, chủ yếu là dưới chục tầng, quy mô vài phòng đến vài chục phòng, nhưng cũng có những khách sạn chuẩn 3 sao được rao bán trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy...

 Rao bán khách sạn tăng 18%

Thống kê từ trang batdongsan.com.vn cho biết các khách sạn bán ở Hà Nội thường được bán dưới dạng nhà mặt phố/nhà riêng nguyên căn, diễn ra nhiều ở các khu vực trung tâm như quận Hoàn Kiếm. Từ tháng 5-2020 (thời điểm kết thúc giãn cách xã hội lần 1 vì COVID-19) đến tháng 10-2020, lượng tin đăng bán 2 loại hình này tăng 18% so với thời điểm trước đó.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, tính đến ngày 31-8, Hà Nội có khoảng 950 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động với khoảng 16.000 lao động tạm thời không có việc làm. 

Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết sở này chưa thống kê số liệu các khách sạn phải rao bán, nhưng ông khẳng định các khách sạn gặp khó khăn lớn bởi không có khách, phân khúc khách sạn nhỏ do tiềm lực không mạnh nên phải tạm dừng hoạt động hàng loạt, đặc biệt là các khách sạn mini trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và trong số tạm dừng hoạt động này có những khách sạn phải rao bán. 

Phân khúc khách sạn cao cấp 3-5 sao và khách sạn có tiếng trên địa bàn không đóng cửa nhưng cắt giảm nhân lực và cũng rơi vào khủng hoảng trầm trọng bởi các khách sạn này chủ yếu phục vụ khách quốc tế.

Thiên Điểu

Chủ yếu rao bán khách sạn nhỏ

Theo ông N. (một nhà môi giới bất động sản ở TP.HCM), việc các chủ khách sạn rao bán gấp các tòa nhà này là xu hướng tất yếu khi phần lớn khách sạn cả năm qua không có nguồn thu, thậm chí phải bỏ tiền túi để trả cho nhân viên và các chi phí liên quan. 

Tuy nhiên, ông N. nhận định thị trường hiện khá ảm đạm vì người mua dè dặt. Theo đó, số lượng người bán nhiều, nhưng chủ yếu là các khách sạn tư nhân quy mô nhỏ, 1-2 sao, còn những khách sạn lớn thường là doanh nghiệp nước ngoài hoặc có cổ phần nhà nước, nên sẽ là những thương vụ mua bán sáp nhập khá kín tiếng, không xuất hiện trên các trang tin chuyên mua bán bất động sản như khách sạn nhỏ. 

“Những người đi thuê khách sạn, kinh doanh khách sạn không được phải sang nhượng đã đành, đằng này có những chủ khách sạn cũng rao bán luôn tài sản của mình, chứng tỏ các vị này quá bức bí về dòng tiền, bởi rất ít người chịu bán trong thời điểm giá đang chạm đáy như hiện này”, vị này nói.

Ông Lê Hữu Nghĩa, phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định việc mua bán khách sạn ở thời điểm này không thuận lợi cho người mua lẫn người bán. Chỉ những người có tiềm lực, có tầm nhìn dài hạn mới dám bỏ vốn hàng chục, hàng trăm tỉ, bởi dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn trên thế giới.

Theo ông Nghĩa, nếu các chủ khách sạn còn nguồn lực thì nên tạm thời đóng cửa để giảm chi phí và tập trung bảo trì, sửa chữa, chờ đến cuối 2021. Đây là thời điểm dự báo kinh tế thế giới, việc đi lại phục hồi và ngành khách sạn có cơ hội tiếp tục kinh doanh. 

Ông Nghĩa cũng cho rằng dịch bệnh là bài học để các khách sạn đa dạng hóa khách lưu trú. Nếu chỉ phụ thuộc vào nguồn khách quốc tế, khi có những tác động khách quan như dịch bệnh vừa qua, cơ sở sẽ ngay lập tức rơi vào khó khăn. Cũng là người kinh doanh khách sạn, ông Nghĩa cho hay do tập trung phục vụ khách Việt nên khi du lịch trong nước được nới lỏng, khách sạn của ông đã quay về doanh số bằng các năm trước.

Ông Vũ Văn Thanh, vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch, cho biết cơ quan này cũng nắm thông tin nhiều khách sạn nhỏ đang được rao bán trên mạng, đặc biệt là ở Hà Nội, nhưng chưa thấy những khách sạn lớn, 4-5 sao ở các thành phố lớn rao bán. 

Ông Thanh nói ở Hà Nội, các khách sạn mini chủ yếu là do các nhà kinh doanh thuê lại nhà mặt phố trong khu phố cổ hay các vị trí đẹp để đầu tư kinh doanh dịch vụ lưu trú. Vì vậy, ngoài một số người kinh doanh bất động sản vì làm ăn khó khăn phải rao bán, có một lượng lớn là rao bán lại quyền khai thác khách sạn.

Ông Thanh nhấn mạnh: Tổng cục Du lịch đang yêu cầu các tỉnh, thành phố gửi báo cáo tình hình kinh doanh của các khách sạn, cơ sở lưu trú ở địa phương để có chính sách phù hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp hiệu quả. 

“Chúng tôi cũng rất lo ngại tình trạng các khách sạn không có khách, buộc phải rao bán và cơ sở vật chất đang dùng cho du lịch có thể sẽ bị chuyển sang ngành khác, khiến khó khăn hơn về cơ sở vật chất phục vụ du lịch sau này. Thực tế đã có hiện tượng lao động trong ngành du lịch phải chuyển sang làm nghề khác khiến hao hụt nhân lực du lịch vốn đã thiếu trước đây”, ông Thanh nói.■


Cơ hội sắp xếp lại cơ sở kinh doanh không hiệu quả

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, trong tổng số gần 1.100 khách sạn lớn nhỏ tại thành phố này, thời gian qua có trên 200 cơ sở thông báo tạm ngừng kinh doanh để chuyển nhượng, mua bán. 

Tuy nhiên, ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, vẫn nhận định đây là hoạt động kinh doanh, đảo vốn thông thường dù đại dịch có một phần ảnh hưởng tới quyết định giao dịch cơ sở lưu trú của các chủ đầu tư.

“Đợt dịch này mua bán chuyển nhượng có nhiều hơn nhưng đó cũng là điều bình thường trong kinh doanh, thấy không hiệu quả thì họ chuyển vốn hướng khác. Đây đa số là các khách sạn nhỏ. Nhưng cũng phải thừa nhận là ngành du lịch, đặc biệt là lưu trú, đang rất khó khăn”.

Ông Phan Xuân Thanh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, cũng cho rằng đại dịch đã chặn đứng hoạt động của ngành du lịch và lĩnh vực lưu trú chính là tử huyệt. 

“Chi phí duy trì một khách sạn, một villa rất lớn. Bình thường khách đông thì người ta nhìn vào thấy ham, nhưng thực tế bên trong là cả “một trời bão dông”. 

Đâu ai nghĩ tới lúc như hiện nay đâu, khách không có, phòng ốc để không cũng hư hại, cũng mất tiền, rồi nhân viên cũng nghỉ việc, lãi ngân hàng thì phải trả. Nếu sức kháng cự không có, vốn nhỏ thì rao bán chính là cách giải thoát duy nhất lúc này, càng giữ thì càng lỗ”, ông Thanh nói.

Chủ tịch Hội homestay kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Lê Ngọc Thuận cho rằng chuyện rao bán khách sạn, villa tại Đà Nẵng, Hội An hiện nay không hề bất ngờ mà đã có cảnh báo từ trước. Đại dịch chỉ là một trong nhiều nguyên do. 

“Lượng phòng ốc dư thừa rất nhiều, nhà nhà làm khách sạn, người người đổ xô mua villa vì thấy người ta làm ăn được. Nhưng lưu trú không phải miếng bánh béo bở, nhiều chủ đầu tư sai lầm khi bỏ tiền quá lớn mà không tập trung vào xây dựng sản phẩm, mô hình linh hồn của cơ sở lưu trú nên khi dịch đến vừa chịu tổn thất lãi vay lớn, vừa không có khách thì buộc phải bán”, ông Thuận nói.

Cũng theo ông Thuận, dù không mong muốn, nhưng đại dịch chính là sự đào thải khắc nghiệt tất yếu đối với những chủ đầu tư không chuyên sâu về lưu trú. 

“Tôi nghĩ rằng người có rất nhiều tiền, có kinh nghiệm dày dạn trong kinh doanh sẽ đứng ở thế trên và ép gom mua các cơ sở nhỏ. Chính họ sẽ tổ chức mô hình lưu trú bài bản, khi dịch qua sẽ làm mới lại các cơ sở mà vốn trước đó hoạt động kém hiệu quả để tạo ra những sức bật cho lưu trú. 

Người không có tiền, vừa non kinh nghiệm chính là người phải nhường lại sân chơi. Như vậy nhìn ở góc độ tích cực mà nói thì chuyện mua bán khách sạn, villa là sự đào thải mang lại tín hiệu tích cực cho du lịch”, ông Thuận nhận định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận