Pearl Buck và bản saga về một đất nước Trung Hoa quen mà lạ

YÊN BA 13/06/2024 15:37 GMT+7

TTCT - Bộ trường thiên tiểu thuyết trong lần hội ngộ với độc giả Việt Nam này, một lần nữa mang tới vẻ đẹp văn chương xứng đáng với giải Nobel mà Pearl Buck đã nhận gần chín thập niên trước.

Chín năm sau khi giải Nobel văn chương ra đời năm 1901, lần lượt nữ văn sĩ người Thụy Điển Selma Lagerlof đoạt giải năm 1909, nhà văn nữ người Ý Grazia Deledda đoạt giải năm 1926 và Sigrid Undset, nữ nhà văn Na Uy, đoạt giải năm 1928.

Đến năm 1938, người phụ nữ thứ tư đoạt giải Nobel văn chương là một người Mỹ, Pearl S. Buck.

Pearl Buck - Định mệnh gắn kết với Trung Hoa

Sinh ngày 26-6-1892 tại Hillsboro, tiểu bang Tây Virginia, là con gái của một cặp vợ chồng nhà truyền giáo người Mỹ, chưa đầy 5 tháng tuổi Pearl Buck được cha mẹ đưa sang Trung Quốc.

Định mệnh đã gắn Pearl Buck với vùng đất phương Đông rộng lớn này, nơi mà đối với nhiều người phương Tây hồi đầu thế kỷ 20 vẫn là một thế giới lam lũ, đầy bí ẩn.

Pearl Buck và bản saga về một đất nước Trung Hoa quen mà lạ- Ảnh 1.

Năm 15 tuổi, Pearl Buck được cha mẹ gửi trọ học tại một trường dạy tiếng Anh ở Thượng Hải, hai năm sau quay về Mỹ học tại Trường đại học Randolph Malcon (bang Virginia).

Năm 1917, Pearl Buck kết hôn với một mục sư và theo chồng đi truyền giáo ở miền bắc Trung Quốc. Từ năm 1922, bà dạy học ở Đại học Nam Kinh, cố đô của Trung Quốc và Kim Lăng, nơi Tần Thủy Hoàng chôn vàng phá núi.

Ba năm sau, 1925, bà bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, East Wind West Wind (được Huyền Kiêu dịch sang tiếng Việt từ trước 1945 với tựa Gió Đông gió Tây, ở miền Nam Việt Nam trước 1975 được Nguyễn Sỹ Nguyên dịch với tựa đề Trung Hoa và bước chân người khách lạ).

Sau cuốn tiểu thuyết đầu tay, Pearl Buck không dừng lại mà tiếp tục viết với tốc độ mà đám đàn ông văn sĩ chỉ có tái mặt đi vì ghen tị. Lần lượt hơn sáu chục cuốn tiểu thuyết, thêm một số cuốn khảo cứu và hai cuốn tự truyện ra đời (Pearl Buck là người mê viết tự truyện và có tổng cộng tới bốn cuốn tự truyện; về mặt này chắc chỉ có nhà văn Tô Hoài của Việt Nam là ngang ngửa).

Những bản sử thi chân thực phong phú về cuộc sống nông thôn Trung Quốc

Viện hàn lâm Thụy Điển thường không trao giải Nobel văn chương cho một tác phẩm cụ thể nào của một nhà văn, nhưng ai cũng ngầm hiểu rằng giải thưởng Nobel văn chương 1965 trao cho văn hào Nga Mikhail Sholokhov là nhờ bộ tiểu thuyết sử thi Sông Đông êm đềm, còn kiệt tác Trăm năm cô đơn đã mang lại giải Nobel cho nhà văn người Colombia, Gabriel García Márquez năm 1982.

Ấn bản đầu tiên của Đất lành, NXB John Day, New York năm 1931, có một chú thích sửa lỗi của tác giả vì từ fleas (bọ chét) bị viết nhầm là flees (chạy trốn).

Ấn bản đầu tiên của Đất lành, NXB John Day, New York năm 1931, có một chú thích sửa lỗi của tác giả vì từ fleas (bọ chét) bị viết nhầm là flees (chạy trốn).

Với Pearl Buck, khi trao giải Nobel, Viện hàn lâm Thụy Điển nêu: "Do những bản sử thi chân thực và phong phú về cuộc sống nông thôn ở Trung Quốc và những kiệt tác tự truyện của bà". Phần "kiệt tác tự truyện" hiển nhiên là hai cuốn tự truyện The Exile (Người tha hương) viết về người mẹ và Fighting Angel (Thiên thần tranh đấu), viết về người cha của bà, cùng xuất bản trong năm 1936.

Còn phần "những bản sử thi chân thực và phong phú về cuộc sống nông thôn ở Trung Quốc" trong vinh danh của Viện hàn lâm Thụy Điển chính là tam bộ khúc House of Earth (Ngôi nhà đất) của Pearl Buck, gồm ba tiểu thuyết The Good Earth (Đất lành) xuất bản năm 1931, Sons (Những người con trai) xuất bản năm 1932 và A House Divided (Một nhà chia rẽ) xuất bản năm 1935.

Trước năm 1975, ở miền Nam, cả ba cuốn tiểu thuyết này đều đã được cùng một dịch giả Nguyễn Thế Vinh dịch sang tiếng Việt với các tựa đề Đất lành, Mấy người con trai Vương LongVương Nguyên.

Nay, một lần nữa tam bộ khúc nổi danh đã mang lại cho Pearl Buck giải Nobel văn chương gặp lại độc giả Việt Nam với những bản dịch mới, lần lượt là Đất lành, Đời con và Ly tán.

Dấu chân của một người khách quen

Bộ ba tiểu thuyết này của Pearl Buck là bản saga về một dòng họ nông dân, dòng họ Vương, tại một làng quê Trung Hoa, rộng hơn là về nhiều thập niên biến động trên đất nước mênh mông này.

Khởi đi từ phần Đất lành, anh nông dân nghèo khổ Vương Long trải qua bao thăng trầm trong đời sống, lấy vợ, đẻ con, lưu lạc khắp nơi, cuối cùng vẫn quay lại làng quê, sống nhờ đất, làm giàu lên nhờ đất rồi chết trên mảnh đất mà ông đã dành cả đời dành dụm để mua lại, cày cấy, trồng trọt trên đó.

Nhờ đất và sự làm lụng chăm chỉ trên đất cùng gặp may mỗi khi quê hương có biến, Vương Long trở nên giàu có, dựng nên một gia tộc bề thế. Với những người nông dân gắn liền với đất như Vương Long, việc bán đất là điều tối kỵ. Trước khi trút hơi thở cuối, ông đã dạy những người con trai của mình rằng "Một gia tộc sẽ chấm hết khi họ bắt đầu bán đất".

Phần hai, Đời con, chủ yếu kể về những biến động trong cuộc đời người con trai út của Vương Long, Vương Mãnh Hổ. Giận dữ bỏ nhà ra đi khi thấy người cha Vương Long nạp thiếp, Vương Mãnh Hổ tham gia một đội quân rồi sau những cuộc chinh phục, chém giết, trở thành lãnh chúa một vùng. Thế hệ thứ hai nhà họ Vương bắt đầu bị bứng ra khỏi gốc rễ đời sống gắn liền với đất của người nông dân Trung Hoa.

Phần ba, Ly tán, cho thấy lực ly tâm tiếp tục hất văng người con thứ ba dòng họ Vương là Vương Nguyên ra khỏi đời sống nông thôn Trung Quốc. Hai mươi tuổi, Vương Nguyên, con trai của Vương Mãnh Hổ đi du học ở Mỹ. Sống sáu năm ở Hoa Kỳ, cái cội rễ Trung Hoa vẫn nằm trong sâu thẳm tâm hồn chàng trai họ Vương mà ngay cả tình cảm thiết tha của một cô gái Mỹ vẫn không giữ được anh ở lại xứ cờ hoa.

Nhưng khi trở về Trung Quốc, Vương Nguyên phải chống chọi lại sự sa sút của gia tộc, chứng kiến các cuộc biến loạn mang danh cách mạng xảy ra liên tục trong đời sống đô thị cũng như mắc kẹt giữa những khuynh hướng quan điểm sống trái ngược nhau của những người thân trong gia đình…

Pearl Buck và bản saga về một đất nước Trung Hoa quen mà lạ- Ảnh 3.

Một phần ba cuộc đời sống ở Trung Quốc, hiểu biết sâu sắc đời sống người nông dân trong khi vẫn có một vốn văn hóa phương Tây nên viết bộ tiểu thuyết trường thiên về một gia tộc Trung Hoa, những dấu chân của Pearl Buck trong địa hạt văn chương không phải của một người khách lạ.

Người phụ nữ có cái tên Trung Hoa là Trại Trân Châu ấy đã mang các sắc thái tế vi của đời sống Trung Hoa vào trong bộ ba tiểu thuyết này. Cái dư vị hương xa trong bộ tiểu thuyết trường thiên này đã góp phần không nhỏ trong quyết định trao giải của Viện hàn lâm Thụy Điển.

Trong diễn từ tại lễ trao giải Nobel, Pearl Buck khẳng định rằng những kiến thức đầu tiên về thể loại truyện kể, về cách thức kể và cách viết đều đến với bà từ đất Trung Hoa, rằng chính tiểu thuyết Trung Hoa chứ không phải tiểu thuyết Mỹ đã làm khuôn mẫu cho bà trong việc viết văn.

Điều này in đậm nét trong kết cấu cũng như cách kể của tam bộ khúc Đất lành, Đời con Ly tán. Câu chuyện trường thiên với tiết tấu chậm rãi, màu trầm phương Đông, mang sắc thái những tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa, kể về các thế hệ trong một gia tộc Trung Hoa đã sinh ra, lớn lên, sống, yêu, ghét và chết trên mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn như thế nào.

Nếu Đất lành là giọng kể thủ thỉ, chân phương về sự ra đời, hình thành một gia tộc thì ở Đời con, những biến động xã hội, đặc biệt là tình trạng những cuộc nổi loạn, tranh giành quyền lực, cát cứ địa phương xảy ra liên miên trong xã hội Trung Hoa đã ảnh hưởng sâu sắc đến số phận các nhân vật.

Không khí tiểu thuyết của phần này mang hơi hướng của Thủy Hử, một tác phẩm cổ điển của văn học Trung Hoa mà chính Pearl Buck là người chuyển ngữ sang tiếng Anh với tựa đề All Men are Brothers: (Shui Hu Chuan). Phần Ly tán lại hội tụ vốn hiểu biết sâu sắc của Pearl Buck về đời sống nông thôn Trung Hoa hòa trộn với những tri thức của bà về đời sống phương Tây, cụ thể là ở Mỹ, quê hương của bà.

Với văn phong dịch của ba dịch giả khác nhau cho ba phần Đất lành, Đời conLy tán khá nhất quán, bộ trường thiên tiểu thuyết trong lần hội ngộ với độc giả Việt Nam lần này, một lần nữa mang tới vẻ đẹp văn chương xứng đáng với giải Nobel mà Pearl Buck đã nhận gần chín thập niên trước. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận