TTCT - Phía sau động thái trả lại đất cho dân của chính quyền một số địa phương như Long An, Tây Ninh là câu chuyện về trách nhiệm đối với những thiệt hại đã rõ của người nông dân và những thiếu hụt về luật pháp liên quan đến đất đai.Luật sư Nguyễn Tiến Lập, chuyên ngành luật kinh tế, chia sẻ với TTCT quan sát của ông về vấn đề này. * Quy hoạch “treo” dẫn đến tình trạng nông dân không còn đất canh tác, ruộng đất đã thu hồi thì bị bỏ hoang... Những thiệt hại cho nông dân khá rõ, thế thì việc trả lại đất mà không đi kèm với bồi thường hay trách nhiệm gì khác với nông dân có thỏa đáng không?- Lâu nay khi nói đến quy hoạch “treo” và dự án “treo”, chúng ta về cơ bản vẫn nhìn các hiện tượng bên ngoài. Nếu có phân tích và mổ xẻ thì cũng mới chỉ thấy các khiếm khuyết có tính “kỹ thuật”, chẳng hạn các cơ quan chức năng do tầm nhìn hạn chế dẫn đến lập ra các quy hoạch thiếu thực tế hay các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi khủng hoảng kinh tế nên không huy động được vốn để triển khai dẫn đến phải “treo” dự án... Logic và cách nhìn ấy đã dẫn đến tiếng thở dài muôn thuở là “Biết rồi khổ lắm nói mãi”, và rồi câu chuyện này cuối cùng chẳng đi đến đâu cả bởi cứ lặp lại mãi.Nhìn nhận vấn đề một cách bản chất để tìm ra căn nguyên, tôi thấy hai điều đáng lo ngại.Thứ nhất, với tình trạng quy hoạch “treo” khá phổ biến, đó chính là căn bệnh độc quyền và cửa quyền trong tư duy quản lý, tức sự áp đặt ý chí chủ quan trong việc lập quy hoạch mà không quan tâm đến cả hiệu quả lẫn hậu quả. Nói tới “hiệu quả” là phải đặt mọi toan tính trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, nhà quản lý kinh tế luôn phải đối mặt với các yếu tố khó hay không lường trước được, vốn luôn tác động vào quá trình điều hành và phát triển theo phương hướng định sẵn.Nói cách khác, quy hoạch trong nền kinh tế thị trường không thể giống với cách đã làm trong kinh tế kế hoạch, chẳng hạn như không thể lập các quy hoạch quá chi tiết và quá dài hơi được. Bởi càng chi tiết và càng dài hơi sẽ càng cách xa thực tế - vốn hay biến động bởi quy luật của sự dịch chuyển tự do. Còn nói tới yếu tố “hậu quả” thì căn bệnh nằm trong thái độ coi thường lợi ích của các bên tham gia và chịu tác động của các biện pháp chính sách nói chung và quy hoạch nói riêng.Trên thực tế, bao giờ và ở đâu cũng vậy, đa số người dân nghèo luôn là đối tượng chịu tác động nhiều nhất, và đương nhiên, nếu quy hoạch liên quan đến đất đai thì đối tượng đó chính là người nông dân. Nếu không chữa trị được hai căn bệnh này thì các khiếm khuyết trong công tác quy hoạch sẽ còn tiếp tục diễn ra.Thứ hai, với tình trạng dự án “treo” thì phải chăng xuất phát từ khó khăn khách quan gây ra cho chủ đầu tư do khủng hoảng kinh tế? Trên thực tế và xem xét từ góc độ các quan hệ thị trường thì không hẳn như vậy.Có rất nhiều dự án kinh tế chưa triển khai mà chủ đầu tư đã thu lãi rồi, đặc biệt là các dự án sử dụng nhiều đất bởi đất đai luôn gắn với thị trường đầu cơ. Nếu anh được cấp giấy phép thực hiện dự án và được cấp đất, dù có thể mới ở mức phê chuẩn chủ trương thì rất nhiều khả năng anh đã có thể kiếm được tiền rồi, chẳng hạn cổ phiếu của doanh nghiệp anh sẽ lên giá, giá trị doanh nghiệp tăng, vay nợ được nhiều hơn, thậm chí anh đã có thể bán dự án ở dạng “lúa non”, nhận tiền ứng trước...Và cuối cùng khi dự án bị thu hồi giấy phép do chậm thực hiện, mà việc chậm thực hiện lại do các yếu tố khách quan, thì đương nhiên anh sẽ dễ dàng biện hộ cho mình và được tha thứ, cùng lắm là bị lên án do năng lực quản lý kém (!). Như vậy, trong trường hợp dự án bị thu hồi thì nhà đầu tư cũng không mất gì cả, xét từ phương diện lợi ích và tài sản cá nhân.Với một logic tính toán làm ăn như vậy, các nhà đầu tư đã và đang luôn săn lùng các dự án, đi kèm với nó là hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hecta đất đai màu mỡ của người nông dân bị “treo” hoặc thu hồi để cấp cho các dự án kinh tế, từ dự án khu công nghiệp tới dự án sân golf.Dù sao việc cho người nông dân tiếp tục lưu canh trên đất thuộc quy hoạch “treo” hay trả lại cho họ đất của các dự án bị thu hồi cũng rất đáng hoan nghênh vì nó có giá trị như một sự sửa sai. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khung pháp luật hiện hành, rất tiếc phải thừa nhận rằng những thiệt thòi mà người nông dân mất đất phải gánh chịu sẽ không có cơ sở rõ ràng nào để được bồi hoàn cả. Lý do là trước đó, từ việc lập quy hoạch, cấp phép cho các dự án đến thu hồi và giải tỏa đất đều đã diễn ra một cách rất đúng các quy trình do luật định.Do đó, với một việc làm dù cho dẫn đến kết quả và hậu quả sai trái nhưng phù hợp với quy trình và thủ tục thì rất khó để tranh cãi và khiếu kiện về pháp lý.* Quy hoạch ruộng đất mà nông dân không được tham gia và cũng không còn lựa chọn nào khác có đặt ra bài toán gì về việc quy hoạch nhưng vẫn phải đảm bảo lợi ích của nông dân không? Như người dân vẫn nói: “Giờ họ quy hoạch thì chúng tôi chịu chứ biết làm sao”. Có cơ chế pháp lý nào đảm bảo hài hòa hơn các lợi ích này không?- Thực tế là các tranh chấp về đất đai vẫn tiếp tục gia tăng và chiếm tới gần 80% các khiếu kiện hành chính, theo như tổng kết của Thanh tra Chính phủ tháng 6 vừa qua. Trong số các tranh chấp đất đai, đa số lại liên quan đến chính vấn đề đền bù và thu hồi đất, một phần không nhỏ có nguyên nhân từ quy hoạch “treo” và dự án “treo”. Đặt trong bối cảnh đó, việc tiếp tục cho người dân sử dụng đất một cách tạm thời hay trả lại đất cho họ có thể chỉ là giải pháp tình thế mà thôi nếu những nguyên nhân cốt lõi vẫn chưa được đụng đến.Ở bất cứ quốc gia nào, trong quá trình phát triển đều có sự thu hồi đất từ người dân, dù đó là sở hữu tư hay sở hữu công. Và tại sao ở nhiều nước, nhất là các quốc gia phát triển đi trước, các tranh chấp đất đai đã không diễn ra như một hiện tượng phổ biến và nóng bỏng?Theo tôi, vấn đề có lẽ không hoàn toàn và trực tiếp nằm ở chế độ sở hữu, mặc dù nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng, mà ở tư duy phát triển kinh tế và cách thức thu hồi đất. Điều 23 của Hiến pháp năm 1992 đã rất tiến bộ khi khẳng định rằng: “Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân và tổ chức theo thời giá thị trường”.Nguyên tắc có tính chính sách này được áp dụng ở hầu hết các nơi trên thế giới. Tuy nhiên, chính nó lại không được thực thi một cách nghiêm túc trên thực tế ở nước ta. Bởi ngay tại Luật đất đai đã mở rộng lý do thu hồi đất ra “mục đích thực hiện các dự án phát triển kinh tế” rồi, không phân biệt là dự án của Nhà nước hay tư nhân, thậm chí tư bản nước ngoài, và để xây dựng nhà máy sản xuất hay làm sân golf.Về mặt định hướng, phải chăng chúng ta đã hiểu sai chủ trương “công nghiệp hóa” của Đảng? Bởi không ở đâu công nghiệp hóa được hiểu một cách giản đơn là xây nhiều nhà máy (không phụ thuộc vào nó sản xuất gì, vận hành bằng công nghệ nào và có gây ô nhiễm môi trường hay không), và lại tuyệt đối không ở đâu lại chỉ chọn đất trồng lúa ở đồng bằng mà không phải đất đồi núi để phát triển công nghiệp, để dẫn đến hậu quả người nông dân mất đất, mất nghề, thậm chí mất làng và đồng nghĩa với mất luôn không gian sống giàu văn hóa vốn tồn tại và được tích tụ từ nhiều đời.Từ góc độ tâm lý hoạch định chính sách, cũng cần nói đến một thực tế là thái độ xem thường và định kiến đối với người nông dân khi không coi họ cũng như việc canh tác nông nghiệp vẫn đang là các nhân tố kinh tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống phát triển của đất nước.Bảo đảm lợi ích của người nông dân một cách hài hòa trong quá trình phát triển, trong lúc này và hơn lúc nào hết, theo tôi, chính là thực thi đúng tinh thần và lời văn của điều khoản nêu trên trong hiến pháp. Ngoài ra, hãy cho họ thật sự được tham gia một cách dân chủ vào các giai đoạn của quá trình phát triển từ lập quy hoạch đến cân nhắc, xem xét và phê chuẩn các dự án và cuối cùng là triển khai cơ chế thỏa thuận bình đẳng giữa các chủ thể của hoạt động kinh tế, bao gồm cả người nông dân ở các thôn làng chứ không chỉ có các nhà công nghiệp và “đại gia” thành phố.“Trong Luật đất đai 2003, một trong những điều sửa đổi bổ sung là: trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền phải: 1/lấy ý kiến người dân ở khu vực quy hoạch, 2/lấy ý kiến HĐND cùng cấp, thông qua trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.Tuy nhiên, đấy mới chỉ là quy định rất sơ khai. Thực tế triển khai quy định này không như mong muốn vì thiếu rất nhiều những điều kiện cần, chẳng hạn: trong quá trình quy hoạch, cơ chế lấy ý kiến người dân như thế nào, bằng hình thức nào? Người dân sẽ tham gia bằng hình thức nào? Chính quyền, cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch sử dụng đất có tạo điều kiện, thật sự cầu thị để người dân tham gia ý kiến hay không, trong trường hợp không tạo điều kiện như vậy để lấy ý kiến thì trách nhiệm pháp lý xử lý người đứng đầu cơ quan đó ra sao? Có ai bị cách chức hay không?Lấy ý kiến đóng góp của người dân, quy hoạch là vấn đề rất phức tạp. Anh phải hiểu được quy hoạch tổng thể cả nước, từng khu vực, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương..., phải có thông tin, trình độ thì mới đóng góp được.Người nông dân nhận thức hạn chế, tiếp cận thông tin hạn chế, rất thật thà, ở đồng ruộng quanh năm, bây giờ bảo họ đóng góp quy hoạch sử dụng đất rất khó. Việc này phải có các chuyên gia, tổ chức tư vấn có đầy đủ trình độ giúp cho người nông dân làm điều đó. Pháp luật đất đai chỉ quy định một câu như vậy, mà không có các cơ chế tiếp theo hướng dẫn thi hành nên nói thẳng, nó chỉ nằm trên giấy. Tags: Quy hoạchNông dânDự án treoQuy hoạch treoTrà đất
Quốc hội chốt ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT là 200 triệu đồng/năm THÀNH CHUNG 26/11/2024 Luật mới được thông qua quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở xuống sẽ không phải chịu thuế VAT.
TP.HCM: 80 phường hoàn thành sáp nhập trong vòng 1 tháng THẢO LÊ 26/11/2024 Lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương đồng loạt tổ chức hội nghị công bố quyết định sắp xếp các phường (sáp nhập) từ ngày 28 đến 30-12-2024. Đến 1-1-2025, các phường mới chính thức đi vào hoạt động.
Clip cận cảnh Đàm Vĩnh Hưng gặp nạn ở Mỹ, chồng ca sĩ Bích Tuyền kiện ngược lại HOÀI PHƯƠNG 26/11/2024 Ca sĩ Bích Tuyền chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng chồng cô là ông Gerard Williams sẽ kiện ngược lại Đàm Vĩnh Hưng. Phía ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vẫn chưa có phản hồi về vụ việc này.
Ông Medvedev: Nga sẽ đáp trả hạt nhân nếu phương Tây chuyển giao vũ khí này cho Ukraine NGHI VŨ 26/11/2024 Theo ông Medvedev, một khi phương Tây chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Matxcơva có thể xem đó là một cuộc tấn công vào Nga.