TTCT - Xem lại một bộ phim mà Điêu Diệc Nam (Diao Yinan), thuộc thế hệ thứ 6 của Bắc Kinh Điện ảnh học viện, thực hiện, để thấy phim chính là đời. Thế hệ thứ 6 là một phản ứng với chiều hướng quay về tích xưa chuyện cũ của thế hệ đàn anh, tức thế hệ thứ 5 (Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca). Thế hệ 6 quay máy về đời sống hiện tại, không vua cũng chẳng thích khách hay sủng phi hoàng hậu. Những bộ phim đầu của họ được sản xuất ‘chui’, ngoài biên chế, với đầu tư be bé của các tổ chức nước ngoài. Các bộ phim này không được chiếu rạp mà phát hành đĩa VCD, tất nhiên là phần lớn sang lậu. Ngược lại, vào đầu thế kỷ 21, giá thành của một bộ phim cũng giảm nhờ video không dùng phim nhựa tốn kém, cho phép thế hệ thứ 6 vào nghề bằng phương tiện thu hình này. "Chế phục" - Chuyện tình yêu không đơn giản của người “bình dân” Chế Phục (Uniform, 2003), là bộ phim đầu tay của Điêu Diệc Nam. Chuyện ở Tây An nhưng hoàn toàn không thấy có mộ Tần Thủy Hoàng mà là trong một xóm nhỏ. Điêu Diệc Nam là người Tây An, làm phim đầu tay ít tiền thì ở đâu quay đó cho tiện. Ngoài các cảnh đường cao tốc vào tỉnh, cả bộ phim quanh quẩn xung quanh khu hộ tập thể của nhân vật Hoành Lí, một nhà máy cũ bị đóng cửa và lối vào của một nhà máy mới. Hoành Lí là một thanh niên ngoài 20 và thợ may tại gia, may một cái áo lấy tiền công 20 tệ (khoảng 70.000 đồng). Cha anh, một công nhân của nhà máy cũ, bị ốm liệt giường. Nhà máy này từ thời biên chế, được một công ty mới mua lại và bỏ đó, sa thải các công nhân cũ. Để cha có chút nắng, anh mua một cái gương lớn đặt trên mái nhà bên cạnh chiếu vào giường ông nằm liệt bằng cách phản quang. Anh nhận giặt ủi kiếm thêm tiền. Một hôm, một cảnh sát giao thông đến gửi một cái áo để giặt. Khi anh đi giao áo thì cảnh sát này bị tai nạn nằm viện, anh mang áo về. Trời mưa, anh ướt hết người, bèn trú ở dưới một đường hầm và thay áo, mặc vào cái áo cảnh sát giao thông. Hoành Lí thấy Tuyết Quỳnh đi qua. Anh theo dò, thấy cô làm nhân viên độc nhất tại một cửa hàng nhỏ bán băng nhạc và lân la lại tán tỉnh làm quen. Anh thành công, họ đi vỉa hè uống chai soda sủi (giá chừng 5.000 đồng) và hút thuốc lá con khỉ (giá 12.000 đồng) sau khi Tuyết Quỳnh hết việc ca buổi tối. Cảnh trong phim Chế Phục. Anh đến nhà máy mới đăng ký thay cho cha thì bị bảo vệ đuổi không cho vào. Đến nhà máy cũ, anh chứng kiến cảnh mấy đồng nghiệp của cha đến phản đối mất việc và đập phá. Cha anh lên cơn bệnh, phải đưa vào viện. “Lừa” được người yêu mới nhờ sắc phục cảnh sát giao thông, Hoành Lí nảy ra ý dùng sắc phục này ra cao tốc chặn xe khách, xe tải để kiếm tiền phạt, mỗi bận từ 300.000 đến nửa triệu đồng. Hoành Lí mặc sắc phục, chặn đường xe tải kiếm tiền Phí nằm viện của cha là 20 triệu đồng khiến anh ngày càng phải làm bạo. Quan hệ của anh với Tuyết Quỳnh tốt đẹp, họ đi nhà trọ tính tiền giờ. Bây giờ đã khá giả, khi bị đập cửa báo hết giờ, anh điềm nhiên trả tiền thêm để họ ở lại thêm. Anh mang cha khỏi viện về nhà. Nhưng vì có công an điều tra đến cửa hàng, Tuyết Quỳnh biết là anh đội lốt cảnh sát giao thông. Cô lờ đi không nói ra. Phần Hoành Lí, anh phát hiện ra cô giờ nhận việc làm gái gọi, cô có máy nhắn tin rồi sắm cả di động. Cô ăn diện đẹp hơn, son phấn vào và thôi làm việc ở cửa hàng băng nhạc. Hoành Lí bị công an khu vực gọi lên điều tra về chuyện đập phá tại nhà máy cũ. Anh phải khai báo các hàng xóm và đồng nghiệp của cha, cũng ở trong khu tập thể. Bà vợ một ông đến đập vỡ cái gương phản chiếu anh đặt ở trên mái và gây chuyện. Hoành Lí gọi điện cho công ty môi giới gái gọi (escort), và “đặt” người yêu cũ, hẹn trước một khách sạn. Anh đến đó gặp Tuyết Quỳnh, cả hai bên đều làm như không ai biết chuyện gì, tức là người thì cảnh sát giao thông giả và kẻ thì giờ là gái gọi. Em đứng đây đợi bạn và anh thì tình cờ đi ngang. Họ rủ nhau ra bờ Vệ Hà ngồi vẩn vơ. Hoành Lí đứng dậy đi mua thuốc lá. Khi đến quầy, anh bị công an thường phục nhận ra, bèn lấy một cái xe đạp chạy thoát. Tuyết Quỳnh không biết chuyện và ngồi đó đợi mãi. Đêm xuống, trời tối xẩm và đoàn thì không có đèn để đánh sáng cho nên hết phim. Khi ta chỉ có bút chì đen Khi Chế Phục vào sản xuất, khổ video chuyên nghiệp thông dụng là Beta ED. Máy quay lúc đó còn khá nặng và cồng kềnh, hình chỉ có 400-500 đường định rõ (tức là trên màn hình chỉ có 400-500 đường nét) và đầu kính chỉnh nét bằng tay. Ngày nay, ta có thể mua một máy quay HD (1080 đường định rõ) và chỉ to bằng một lon bia, chỉnh nét tự động và ít cần ánh sáng hơn, với giá 300 USD, dùng cái thẻ nhớ thu được cả tiếng và hình ảnh. Nói vậy, có nghĩa là một em học sinh cấp II năm 2019, về phương tiện thu hình hơn hẳn đạo diễn Điêu Diệc Nam vào năm 2003. Giờ, em học lớp 9 này, chỉ cần mướn Đổng Kính Tùng (Dong Jingsong) cầm máy, mượn Tử Văn (Wan Zi) đệm dàn guitar làm nhạc nền, và em hô “Action!”. Đại khái, Tăng Tuyết Quỳnh (Zeng Xueqiong) sẽ ngả đầu vào vai Lương Hoành Lí (Liang Hongli). “Cut! Quay lại!”. “Tuyết Quỳnh, em ngả đầu nhẹ hơn nhe, ngả từ từ như âu yếm chứ không phải như húc banh vào lưới! Hoành Lí, làm ơn giảm cái vẻ thờ thẫn cóc cần đi!”. “Nhưng đạo diễn mới nói phải làm mặt thờ thẫn cóc cần mà!”. “Đúng! Nhưng thờ thẫn nó có 10 nấc, làm ơn thờ thẫn nấc 2 thôi. Cóc cần cũng có 10 nấc, làm ơn chỉ dùng đến nấc số 1!”. Trước khi nói đến phần diễn xuất và tính cách chân, tự nhiên và đời thường của dòng phim này, xin trở lại về mặt kỹ thuật. Tất cả các cảnh trong phim là “on location”, tức là cảnh thật, ta vác máy vào một phòng trọ, một phòng ngủ, một cửa hàng bán băng cassette nhạc. Tất cả những cảnh này chật hẹp, không gian bị giới hạn, máy Betacam khá to và nặng phải đặt trên một cái chân ba càng lớn. Diễn viên trong phần lớn các cảnh diễn ngồi, diễn nằm, diễn đứng... mà không động đậy nhiều. Cảnh trong phòng trọ Tuyết Quỳnh nằm ôm Hoành Lí nói trên, cô chỉ được ngả đầu. Nếu cô duỗi chân ra thì đạp phải máy quay và làm đổ mất! Các diễn viên phải diễn xuất trong không gian chật hẹp Các cảnh ngoại thì dễ thở hơn, ta còn có vài cái lia phải lia trái nhưng lại có vấn đề khác. Cảnh Hoành Lí chạy xe đạp lúc cuối phim khi bị công an đuổi, máy đặt trên xe đi trước diễn viên nhưng quay phim không chỉnh nét bắt kịp trên xe con này nên gần như toàn cảnh bị mờ. Ta cũng không nên cười quay phim Đổng Kính Tùng vội, tuy đây hẳn là một cái lỗi. 11 năm sau ông chuộc lại khi cầm máy cho bộ phim được giải Gấu vàng vì đã biết chỉnh nét rồi. Khi diễn viên đi bộ thì không sao, theo “nét” còn dễ, nhưng khi họ lên cầu thang thì làm sao? Ta đâu có khiêng chân ba càng lên cầu thang mà đi theo họ được. Nên phải lấy cảnh rộng, đặt máy ở xa. Hình Beta, cảnh rộng diễn viên cách máy 15m, không thấy rõ mặt mày. Nhưng khung hình tĩnh của các cảnh rộng này, vì điều kiện bắt buộc, đã trở thành phong cách. Đạo diễn có sự lựa chọn trong giới hạn kỹ thuật này. Trong giới hạn nào thì đạo diễn cũng có sự lựa chọn chứ. Nếu chỉ có bút chì đen thì ta vẽ bút chì đen chứ không phải là chỉ có bút đen là ta không vẽ được. Ta chỉ không vẽ được màu thôi. Thiếu thiết bị thì phải càng tinh tế Khi Hoành Lí, trong phần đầu của bộ phim, còn tìm hiểu và yêu thương Tuyết Quỳnh, mỗi bận anh đến cửa hàng băng nhạc nơi cô làm việc, máy đặt bên trong cửa hàng hướng ra ngoài. Nó “ấm cúng” vì cô ở trong tim anh. Mỗi bận anh đến chầu chực, tán tỉnh, đợi chờ cô thì ta thấy anh từ ngoài đi vào cửa hàng. Khi anh phát hiện ra là cô còn làm gái nhảy, thì ta mới thấy cửa hàng này từ bên ngoài, máy đặt ngược lại, nó “lạnh lùng” và anh đi ra lạc lõng trong dãy phố. Nói cách khác, vị trí đặt máy bên trong và cảnh chật là “trái tim ngục tù” của nhân vật. Vị trí đặt máy bên ngoài và cảnh rộng hơn thì là “trái tim bỏ hoang”. Đạo diễn chỉ có hai chỗ đặt máy trong trường hợp này và đó là chọn lựa thành công và ý nhị của ông. Nếu có nhiều phương tiện, có phim trường dựng cảnh thì đã khác. Máy đổi góc 7 lần, và ra xa, rồi lại gần, lia ngang, lia dọc, đi tới đi lui, từ trên quay xuống, từ dưới quay lên, từ gương mặt của Hoành Lí chuyển động rất chậm sang đôi mắt của Tuyết Quỳnh... thì sẽ là một phong cách khác. Khi ta có một hộp 24 bút chì màu, ta phải dùng hết, màu nào ta không dùng nó phí mất. Phương tiện kỹ thuật, như đã nói, là một phần lớn trong việc làm phim. Băng Beta đã không rõ, lại cần nhiều ánh sáng (so với những phương tiện video ngày nay). Độ tương phản sáng/tối của băng nhựa rất thấp, so với phim nhựa và máy số hiện giờ. Đây có nghĩa là chỗ nào tối thì đen xì và chỗ nào sáng thì trắng bóc. Cảnh trong cửa hàng chẳng hạn, ta thấy các nhân vật vừa đủ, thì phần còn lại của cửa hàng tối hù và bên ngoài khung cửa, tức là ngoài đường thì thấy trắng bóc. Trong trường hợp này, thường quay phim phải đánh đèn (vào ban ngày) trong cửa hàng để hạ độ tương phản, hoặc đồng thời dán nhựa lọc ánh sáng (như kính đen xe con) lên cửa sổ, cửa ra vào. Thí dụ khác, khi cuối phim hai người đi dạo bờ sông (vào ban ngày ở bên ngoài), quay phim đúng ra cũng phải tăng sáng trên nhân vật để cho bằng với sáng ở bờ sông. Nhưng tăng sáng thì phải có đèn, mà có đèn thì phải có điện, đoàn lại không có những phương tiện đó. Đạo diễn dĩ nhiên là hiểu rõ những giới hạn này và lựa chọn đặt nặng về mặt khác. Trong thập niên 1970, nhà làm phim Pháp Agnès Varda từng thực hiện một bộ phim tài liệu thu hình chỉ trong chu vi 50m cách nhà bà. Tại sao là 50m? Vì đó là chiều dài tối đa của dây điện nối để bà đánh đèn. Nếu đã chân thật sẽ không sợ chậm Nhắc lại, Chế Phục là một phim dạng chui, không có cảnh sát ngăn đường để thả diễn viên quần chúng qua lại, nếu đánh đèn hẳn sẽ có nhà chức trách đến hỏi giấy phép quay phim đâu? Bộ phim dựa trên những mẩu thoại tủn mủn của đời thường và rất chậm, nhưng cái chậm này nó thấm và không làm người xem sốt ruột. Cái thật của nó là trên chi tiết. Khi nhân vật mua bao thuốc, anh bảo “Cho gói thuốc”, móc túi lấy tiền ra trả, 4 tệ. Người bán trả lại “Đây, 5 cắc!”, đặt lên quày, anh cầm lấy bỏ vào túi quần. Bằng ấy việc này có cần thiết lên phim không? Nếu ta không đợi chúa đảng đến trả thù cho đàn em, hay trung úy tìm ra thủ phạm vụ thảm sát, thì nó cần thiết. Nó cần thiết vì sau đó Hoành Lí ngồi xuống cạnh Tuyết Quỳnh, cả hai không nói gì và đây là quan hệ giữa họ. Anh đứng lên mua thêm gói thuốc, cô nhìn theo. Anh ngồi xuống đốt thuốc, cô nhìn thẳng trở lại. Cuộc đời của họ là vậy thôi, những hẹn hò giữa anh thợ may và cô bán băng nhạc tại một quán vỉa hè chai nước nhãn nội 1 tệ rưỡi... Sự kiềm chế, trong kịch bản, trong diễn xuất, trong hình ảnh và âm nhạc, ở đây là một đức tính.■ Nhảy vọt thời gian là 11 năm sau, đến bộ phim Bạch Nhật Diễn Hỏa được giải ở LHP Berlin, đạo diễn Điêu Diệc Nam đã qua 5-7 bộ phim rồi và quay phim Đổng Kính Tùng giờ đã biết chỉnh nét trúng. Đạo diễn Điêu Diệc Nam Dàn diễn viên xuất sắc hơn. Vai chánh do Liệu Phàm (Liao Fan) thủ khiến anh phải tăng cân lên 20 ký và mang cho anh giải Gấu bạc về diễn xuất tại LHP. Không rõ kinh phí là bao nhiêu, nhưng tại Trung Quốc, bộ phim chiếu rạp thu về 16,5 triệu USD. Một thập niên bể dâu điện ảnh, họ Điêu vẫn trung thành với các bạn của thế hệ thứ 6 và cùng họ lên những bục lãnh giải quốc tế. Ông vẫn trung thành với phong cách của mình khi đi lên. Phần tôi, có bận đi qua Bắc Kinh Điện ảnh học viện, thấy nó vẫn như vậy. Tags: Điện ảnh Trung QuốcĐiêu Diệc NamPhim Chế phụcĐiện ảnh đời thườngThế hệ thứ 6 điện ảnh Trung Quốc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.