Quan hệ Nga - Trung: Một mối tâm giao mới

DANH ĐỨC 02/11/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Ngày càng có nhiều động thái cho thấy mối quan hệ gắn bó giữa Nga và Trung Quốc không chỉ qua ngôn từ mà cả trong hành động. Quan hệ này hiện thể hiện gì? Có cùng nhìn về một hướng? Và hướng đó là hướng nào?

Trả lời câu hỏi của CNBC News hôm 14-10: “Chủ tịch [Trung Quốc] Tập [Cận Bình] nói rằng ngài là bạn tốt nhất của ông ấy”, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thừa nhận mối quan hệ đặc biệt mang tính chiến lược này cùng lợi ích của nó: “Tôi cũng tin rằng Chủ tịch Tập Cận Bình là bạn của tôi. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau trong nhiều năm và đạt được những kết quả tốt đẹp trên cả phương diện chính trị và kinh tế. Tôi tin rằng điều này có lợi cho người dân Trung Quốc và Nga, đồng thời mang lại sự cân bằng hơn và cảm giác ổn định hơn trong các vấn đề quốc tế”.

Ảnh: Fortune

 

Tìm lại uy danh xưa

Quan hệ tốt đẹp Nga - Trung đem lại cân bằng và cảm giác ổn định cho thế giới như thế nào? 20 năm hơn, qua bốn nhiệm kỳ tổng thống, trong đó hai nhiệm kỳ đầu là lo thoát khỏi nợ mà người tiền nhiệm đã vay thời hậu Liên Xô, xen kẽ bởi một nhiệm kỳ thủ tướng, hai nhiệm kỳ sau để khôi phục “đại Nga”, ông Putin thừa đủ kinh nghiệm và thời gian để khẳng định tính ưu việt của mối quan hệ Nga - Trung.

Không phải tổng thống Nga nào cũng có cái thế đủ lớn để nói như thế. Cái thế của ông Putin khác với cái thế của ông Boris Yeltsin từng bị chê là phải “bị gậy” trước phương Tây và các định chế tài chính của họ, do ông thừa kế một nước Nga hầu như phá sản!

Nay ông Yeltsin đã ra người thiên cổ và tình hình nước Nga cũng như thế giới đã khác hoàn toàn. The Moscow Times 11-9-2019 hãnh diện loan tin: “Nợ công ròng của Nga giảm xuống zero. Tính đến ngày 1-8, tổng nợ nhà nước là 16,2 nghìn tỉ rúp (248 tỉ USD) hay 15% GDP, tương đương tiền thuế thu được của chính phủ mỗi năm. Ở Nga, tổng nợ trên đầu người chỉ là 900 đôla, tức cao hơn mức lương tháng bình quân một chút”. 

Ông Putin không chỉ chẳng nợ nần ai, mà nay còn đang “bợ bạc”. Giá dầu thô Brent giao sau hôm thứ hai 25-10 đã vượt mốc 85 USD/thùng, cao nhất trong 7 năm qua, theo CNBC. 

Ông Putin giải thích tại Tuần lễ Diễn đàn năng lượng Nga hôm 13-10 vừa qua rằng lý do cơ bản là các nước sản xuất dầu đã tự giảm sản lượng vì đại dịch khiến việc đi lại giảm mạnh trên toàn cầu, làm nhu cầu xăng dầu xuống thấp. 

Ông cũng chỉ rõ mức giá đã giảm rất sâu trước khi tăng trở lại: Năm 2020, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu giảm 60% xuống còn 113 USD/1.000m3 so với mức 282 USD năm 2018. Như một CEO dầu khí thứ thiệt, ông đánh giá: “Cả các bạn lẫn chúng tôi, không ai tin nổi [mức giảm như thế]. Thậm chí không ai tưởng tượng nổi dầu mới mùa xuân năm ngoái đã lần đầu tiên trong lịch sử có mức giá âm. Việc lưu trữ dầu trở nên đắt hơn so với mua dầu. Tình huống này đơn giản là có một không hai”. 

Nhưng theo ông, Nga cũng không nhân giá dầu tăng mà hốt bạc. Ông giải thích: “Nga là một thành viên OPEC+ có trách nhiệm... Hiện trong giai đoạn kinh tế toàn cầu phục hồi và nhu cầu dầu ngày càng tăng, chúng tôi đang ổn định thị trường và giá dầu... Các nước đang nhanh chóng tăng sản lượng và vận chuyển dầu. Các nước OPEC và ngoài OPEC đã nỗ lực hợp tác hiệu quả, đảm bảo sự ổn định của ngành dầu mỏ trong thời kỳ đại dịch và quan trọng nhất là tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư”.

Tiếp đó, trong diễn văn hôm 21-10 ở Câu lạc bộ Valdai, ngay giữa lúc châu Âu đang phát rét vì thiếu dầu và khí đốt cho mùa đông tới sớm, ông Putin đã cho thấy một hình ảnh khác của nước Nga như một “người Samaritan tốt bụng”, đi đường thấy người bị nạn dừng lại cứu giúp. 

Ông cho biết: “Nga, trong đó có Gazprom, đã tăng giao hàng tới thị trường châu Âu lên 8,7% và giao hàng cho các nước không thuộc CIS [Cộng đồng Các quốc gia độc lập] là 12%”. Các nước không thuộc CIS đó bao gồm Trung Quốc. Và Nga đang là bạn hàng bán khí đốt lớn nhất của cả thế giới, với mức cung ứng hơn 11 tỉ m3, so với 9 tỉ m3 của các công ty Mỹ và Trung Đông, theo lời ông Putin.

Một đoạn đường ống Sức mạnh Siberia. Ảnh: Euronews

 

Năng lượng trong quan hệ Nga - Trung

Trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay, Trung Quốc là một điểm nóng. Moscow Times 15-10 cho biết vào cuối tháng 9, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu Hãng phát điện Inter RAO của Nga tăng cường cung cấp cho Trung Quốc. Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh những tuần gần đây, 19 tỉnh lớn của Trung Quốc bắt đầu hạn chế phân phối điện.

Thật ra, trị giá xuất khẩu Nga qua Trung Quốc cũng không có gì ghê gớm lắm, nhất là so trên bình diện dân số (Nga 140 triệu dân, Trung quốc 1,4 tỉ dân, năm 2020). Năm 2019, Nga xuất khẩu qua Trung Quốc 58 tỉ USD, chủ yếu là tài nguyên: dầu thô (33,7 tỉ USD), dầu đã lọc (3,34 tỉ USD), gỗ xẻ (2,52 tỉ USD)... 

Để tiện so sánh, Việt Nam (chưa đầy 100 triệu dân) xuất khẩu qua Trung Quốc 48,8 tỉ USD cũng trong năm đó (thống kê của Trading Economics). Trung Quốc thì xuất sang Nga 47,1 tỉ USD với các mặt hàng sản xuất chế tạo rất đa dạng, mà nhiều nhất là các thiết bị vô tuyến 4,1 tỉ USD, rồi đến máy tính 2,31 tỉ USD và phụ tùng xe hơi 1 tỉ USD.

Đó thực sự là một cặp đôi hoàn hảo. Từ khi thế chỗ Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới, Trung Quốc ráo riết tìm kiếm những nguồn cung năng lượng mới, nhất là khi nay họ đã tuyên bố dứt khoát chia tay với than đá để đảm bảo các cam kết môi trường (kịch bản các nhà máy chạy than chuyển sang các nước còn chưa có quy định quản lý môi trường chặt chẽ, bao gồm Việt Nam, là có thể thấy trước).

Dầu nhập khẩu chiếm 70% nhu cầu trong nước của Trung Quốc và đa số từ những nguồn cung xa xôi đi qua các tuyến đường biển mà Trung Quốc không có vai trò kiểm soát. Nga thì đang là nhà xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới và khách hàng thân thiết châu Âu của họ lại vướng mắc đủ thứ vấn đề chính trị. 

Nga còn muốn đầu tư phát triển các khu vực phía đông Siberia và Bắc Cực, trong đó khai thác dầu khí là trọng tâm và về mặt địa lý lẫn kinh tế, Trung Quốc trở thành thị trường thật tự nhiên.

Việc phương Tây cấm vận Nga vì vấn đề Ukraine năm 2014 càng làm Nga cần đến láng giềng châu Á của mình. Hệ quả là cái bắt tay tất yếu của nhà xuất khẩu và nhập khẩu dầu khí lớn nhất thế giới. 

Phải nói là Trung Quốc nhìn xa khi từ năm 2019, trước mọi khủng hoảng, họ đã đảm bảo được việc đưa đường ống Sức mạnh Siberia vào vận hành, và tới đây sẽ là Sức mạnh Siberia 2. Đổi lại, Trung Quốc ngày càng tăng đầu tư, cho vay và cung cấp thiết bị trong các dự án khí hóa lỏng (LNG) mới ở Bắc Cực của Nga (Yamal LNG và Arctic LNG 2).

Các đường ống này đem đến sự an toàn khác cho nước Nga: an toàn về mặt chính trị. Họ sẽ không phải e ngại những chống đối như với dự án Dòng phương Bắc qua EU hay những cấm vận qua lại này nọ.

Đồng khí tương cầu

Trong các phát biểu của ông Putin còn nổi lên một ấp ủ khác: thay thế đồng USD trong thanh toán quốc tế. Ai cũng rõ các lệnh trừng phạt gây khó khăn thế nào. 

Trong phỏng vấn với CNBC, ông Putin nói: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang các loại tiền tệ khác trong những thỏa thuận của chúng tôi. Đây là điều đầu tiên tôi muốn thực hiện. Điều thứ nhì là... giảm tỉ trọng của đôla Mỹ trong dự trữ của chúng tôi cũng như trong các thanh toán”.

Ông hy vọng khi các nước khác cũng thấy việc thanh toán hay dự trữ ngoại tệ cứ phải bằng đồng USD là phiền toái, thậm chí là nguy cơ với quốc gia, thì họ “sẽ bắt đầu thu nhỏ tài sản bằng USD, không sử dụng đồng đôla trong các thanh toán như trước đây họ vẫn hăng hái làm nữa... Ngay cả các đối tác và đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ cũng đang giảm tỉ trọng đồng đôla trong kho dự trữ của họ”.

Về phần mình, Trung Quốc cũng ra sức phi đôla hóa các thanh toán, trao đổi thương mại của họ. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui (Trương Hán Huy) cho biết trong bối cảnh Nga nỗ lực phi đôla hóa, tỉ trọng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong thương mại song phương Trung - Nga đã tăng từ 3,1% năm 2014 lên 17,5% năm 2020. Đồng nhân dân tệ cũng đã chiếm 30,4% Quỹ Tài sản quốc gia của Nga và 12,8% tài sản dự trữ của Nga, theo Đại sứ Zhang.

Ông Zhang cho biết một số quốc gia khác đã bắt tay vào nỗ lực phi đôla hóa những năm gần đây bằng cách sử dụng đồng tiền của họ trong các giao dịch thay vì đôla Mỹ, khi họ phải đối mặt với một loạt lệnh trừng phạt gây tổn hại của Washington và khả năng bị phong tỏa do đồng đôla chi phối.

Đại sứ Zhang kết luận: “Những thay đổi này cho thấy Trung Quốc và Nga đã đạt được tiến bộ tích cực trong việc đa dạng hóa thanh toán thương mại song phương”, và “việc mở rộng thanh toán nội tệ là chìa khóa quan trọng của khía cạnh hợp tác tài chính Trung Quốc - Nga và có lợi cho việc xây dựng một hệ thống tiền tệ quốc tế linh hoạt và bền vững hơn” (Global Times 30-7-2021).

Dựa trên những lợi ích hỗ tương không có gì xung khắc đó, dễ hiểu vì sao ông Putin quả quyết quan hệ Nga - Trung mang lại sự cân bằng và cảm giác ổn định hơn trong các vấn đề quốc tế. Tất cả sẽ tạo thêm tiền đề cho ông Tập xây “Trung Quốc”, còn ông Putin tạo ra “Sự rung chuyển toàn cầu trong thế kỷ 21”, chủ đề diễn đàn Valdai năm nay ở Sochi từ ngày 21-10 vừa qua. Ông cũng không giấu giếm chút “hướng Trung” trong diễn văn của mình khi nhắc rằng người Trung Quốc có chữ “nguy cơ”, ý nói trong nguy nan vẫn có cơ hội.

Cơ hội đó bao gồm những gì? Một ví dụ là việc “Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ về sức mua tương đương”, mà ông khẳng định là “chúng ta nhận thức rõ điều đó”. 

Ông cho rằng đây là sự thay đổi mang tính toàn cầu, điều càng hiển lộ trong đại dịch khi mô hình tư bản chủ nghĩa không còn hợp thời, như gợi ý của điều phối viên diễn đàn Fyodor Lukyanov: “Khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp và ổn định, các chủ thể kinh tế trên toàn thế giới đòi hỏi nhiều tự do hơn cho bản thân và một vai trò nhỏ hơn của nhà nước trong nền kinh tế. Tuy nhiên, khi các thách thức nảy sinh, đặc biệt là ở quy mô toàn cầu, họ muốn chính phủ can thiệp”.

Có thể thấy Nga và Trung Quốc đang “tay trong tay” không vì chung một ý thức hệ như vào đầu thập niên 1950, cũng không tranh chấp nhau vai trò thủ lãnh “chính tông” hay “xét lại” như hồi thập niên 1960, mà vì cùng chung một đối thủ và có chung nhiều lợi ích sát sườn. Sự đồng quy của những thôi thúc này đã gắn hai láng giềng với nhau và với hy vọng thế kỷ 21 sẽ là của họ.■

Năm 2020, Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu than lớn nhất của Nga, chiếm 15% (29,4 triệu tấn) tổng lượng than xuất khẩu của Nga. Tới đây, một dự án hiện đại hóa tuyến đường sắt Baikal - Amur và Xuyên Siberia trị giá 10 tỉ USD sẽ được liên doanh giữa đường sắt Nga với Tập đoàn GH-Shipping của Trung Quốc lo liệu. Tuyến đường này sẽ tạo thuận lợi hơn nhiều cho việc vận chuyển than từ mỏ Elga ở Yakutia, đông Siberia, một trong những mỏ than chất lượng cao có sản lượng lớn nhất thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận