TTCT - Tính từ ngày 30-1-2020, ngày mà đại dịch khởi phát bên ngoài Trung Quốc từ hai du khách Trung Quốc đang thăm thành Rome (Ý), thế giới đã trải qua đúng 6 tháng oằn mình trước hết làn sóng này tới làn sóng khác của dịch bệnh. Đối diện nguy nan, có những nhà nước dại dột, có những bộ phận dân chúng dại dột; nếu run rủi mà cả hai cùng dại dột, sẽ là đại họa khôn lường! Nước Ý giờ phải chuẩn bị cho một cuộc sống giãn cách xã hội lâu dài. Ảnh: hbr.com Chiều 27-7-2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức họp báo tại Phòng thí nghiệm sinh hóa Fujifilm Diosynth Biotechnologies ở Morrisville, tiểu bang North Carolina, nơi ông hoan hỉ loan báo vaccine Moderna nay đang trong giai đoạn 3 - giai đoạn thử nghiệm cuối trước khi được phê chuẩn. Theo ông, một vaccine khác cũng sẽ bước vào giai đoạn 3 trong vài ngày tới. Chưa hết, vài tuần nữa, còn có bốn loại vaccine khác sẽ bước vào giai đoạn 3, trong đó có vaccine hiệu Novavax sản xuất tại chính phòng thí nghiệm này. Đó cũng là những cái phao cứu hộ mà ông đặt cược cho sự tồn tại của mình trong vai trò một tổng thống Mỹ đang “thua” cuộc chiến chống COVID-19! Kể cả kịp “ra lò” ngay trước cuộc bầu cử tổng thống hôm thứ ba 3-11 tới, liệu các vaccine này có kịp nâng lại uy tín của ông hay không vẫn còn là một dấu hỏi! Chống dịch không phải để… lấy tiếng! Dẫu sao thì ông Trump cũng hơn chán vạn lãnh đạo toàn cầu khác ở chỗ đất nước ông có đủ tiềm lực để sản xuất vaccine nhanh cấp kỳ như vậy. Tờ Washington Post 27-7 đưa tin ông Trump thắc mắc “sao ông ta [bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia đầu ngành phụ trách chống dịch tại Mỹ] có tỉ lệ tín nhiệm cao, còn tôi lại không?”. Ông Trump dường như vẫn chưa “ngộ” rõ đại dịch này là gì, dù ông có khoe: “Nay chúng ta đã học được khá nhiều về nó, và về việc nó nhắm vào những ai”. Tất nhiên, học gì cũng phải đóng “học phí”. Đến 7 giờ sáng thứ tư 29-7-2020 tại Mỹ, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có hơn 4,2 triệu ca nhiễm cùng hơn 146.000 người chết vì dịch bệnh. Xếp thứ nhì là Brazil, nơi ông tổng thống Jair Bolsonaro giống y chang ông Trump ít nhất hai điều là kỵ đeo khẩu trang và mê sử dụng chloroquine làm thuốc phòng chống COVID-19. Brazil nay đã có hơn 2,4 triệu ca nhiễm và hơn 87.000 người chết trong một dân số khoảng 210 triệu người. Thật sự đã tới lúc gác qua mọi tiếng tăm, uy tín, và tín nhiệm chính trị, để thực sự rút kinh nghiệm những gì được làm và đừng làm, kẻo dân chúng sẽ lãnh đủ. Trước hết, chống dịch không hề là một tấn tuồng thành tích, mong tìm kiếm những khen ngợi, một cuộc đi câu những lời tán tụng (fishing for compliments), mà là trọng trách đòi hỏi sự sòng phẳng với nhau, giữa nhà nước - đội ngũ y tế, và dân chúng. Mãi tới ngày 21-7, ông Trump mới có vẻ thừa nhận một sự thật đau lòng. “Dịch bệnh, thật không may, có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn” - ông nói. Ông còn chua rằng mình vốn không thích nói như vậy, nhưng “đó lại là cách thức dịch đang diễn ra”. Mới 5 tháng trước, mẩu tweet có thể xem như đầu tiên của ông về đại dịch, đề ngày 26-2, có nội dung là: “CDC [Cơ quan Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ] và chính quyền của tôi đang làm rất TUYỆT VỜI [nguyên văn ông viết hoa] trong xử lý virus corona”. Hôm đó, ông chưa xem COVID-19 là gì: “Đến nay, chúng ta chưa có ca tử vong nào. Hãy cứ giữ như vậy!”. Hai ngày sau, 28-2, khi có tin công dân Mỹ đầu tiên chết vì dịch, ông còn tweet: “Dịch virus corona, bắt đầu ở Trung Quốc và lan rộng ra nhiều nước khác khắp thế giới, nhưng đã đến Mỹ rất chậm vì Tổng thống Trump đã đóng cửa biên giới của chúng ta và chấm dứt các chuyến bay, RẤT SỚM”. Đã qua rồi những ngày tháng mà ông tự cho phép loan báo sẽ hết dịch trong vài tuần nữa, rồi tới lễ Phục sinh (12-4) là hết giãn cách xã hội, rồi dời lại tới 30-4, và giờ là không biết tới bao giờ! Sòng phẳng với dân chúng còn là gì? Là đừng “cà giựt” - đừng thiếu nhất quán, điều đặc biệt dễ gây hoang mang. Một khi dịch đã buộc phải giãn cách xã hội thì đừng vì bất cứ lý do gì mà bày trò tập trung đông người, bất chấp những căn dặn của giới chức dịch tễ. Cuộc tập hợp quần chúng vận động tranh cử của ông Trump ở Tulsa tối 20-6 vẫn cứ diễn ra giữa lúc ở Mỹ, hơn 120.000 người đã thiệt mạng vì COVID-19. Hơn hai tuần sau, riêng hôm 8-7, trong hạt có thành phố Tulsa đã có đến 858 ca nhiễm mới! Làm thế nào, vì đâu, và do ai mà chỉ trong vòng năm tháng, từ một ca tử vong đầu tiên, đến nay nước Mỹ đã mất gần 150.000 sinh linh? Phải có người trả lời cho thực tế bi thảm này! Một nhà báo Mỹ trong họp báo hôm 21-7 đã hỏi thẳng ông Trump: “Cách nay mấy tháng, ông nói virus sẽ biến mất, và bây giờ ông nói dịch có khả năng trở nên tồi tệ hơn trước khi có thể trở nên tốt hơn. Nếu dịch cứ trở nên tồi tệ hơn, nếu người Mỹ tiếp tục chết, ông có chịu trách nhiệm với họ không?”. Thành ra, chống dịch hay dở tới đâu cũng chớ nên nói láo, kẻo tự biến thành khả nghi. Cũng trong họp báo hôm 21-7, một nhà báo khác “quay” ông Trump chuyện đeo khẩu trang: “Hôm qua, ông nói đeo khẩu trang là yêu nước. Nếu thực sự là vậy, tại sao ông không làm điều đó thường xuyên hơn?”. Không thể ở vị trí cầm quyền để hở ra những hớ hênh như chuyện ông không đeo khẩu trang là do có chế độ cao ngày mấy lần xét nghiệm virus, nên có gì chạy chữa ngay kịp. Một nhà báo khác hỏi vặn ông Trump chuyện này: “Thư ký báo chí của ông hôm nay nói đôi khi ông xét nghiệm hơn một lần mỗi ngày. Tại sao vậy? Ông xét nghiệm bao nhiêu lần một ngày?”. Trước những câu hỏi đó, do tiền hậu bất nhất, ông Trump đều phải ú ớ, hoặc trả lời cho qua, hoặc đùng đùng nổi giận. Sau nhiều tháng từ chối, cuối cùng ông Trump cũng đã chịu đeo khẩu trang. Ảnh: AP Sẽ không bao giờ như trước nữa? Tính từ ca đầu tiên hôm 31-1-2020, nay tại Ý đã có hơn 246.000 ca nhiễm, trong đó đang nhiễm là 12.565 ca, số tử vong là hơn 198.000, tức tỉ lệ tử vong lên tới hơn 14%. Từ hôm 15-7, phần lớn các biện pháp giãn cách xã hội dựa trên nghị định ngày 11-6 ở nước này đã được gia hạn tới 31-7 và nhiều khả năng sẽ kéo dài thêm 6 tháng nữa, sau khi được quốc hội thông qua. Các vũ trường bị đóng cửa, cấm chợ phiên cùng các sự kiện công cộng khác, theo Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza. Việc đeo khẩu trang vẫn là bắt buộc trên khắp nước Ý trong các văn phòng, cửa hàng, phương tiện giao thông công cộng, quán bar và nhà hàng, ngay cả khi không còn ngồi ở bàn, cả ở tiệm làm tóc, trung tâm làm đẹp và bảo tàng. Nói chung, việc tôn trọng các cử chỉ phòng dịch được tái khẳng định, từ đeo khẩu trang ở những nơi không gian kín, tới giãn cách xã hội ít nhất 1m và tuân thủ các quy tắc vệ sinh (rửa tay và sử dụng gel rửa tay nhanh). Tất nhiên, điều này đi đôi với khử trùng thường xuyên các nơi công cộng và không gian làm việc. Trên xe lửa, nếu các chỗ ngồi được xếp theo hàng dọc, khoảng cách có thể dưới 1m, song buộc phải có một hệ thống thông khí tăng cường. Dân Bỉ láng giềng cũng đang bị tái giãn cách. Hôm thứ hai 27-7 vừa qua, nữ Thủ tướng Sophie Wilmès loan báo tái lập các biện pháp cứng rắn do số ca nhiễm tăng mạnh trong tuần lễ từ 15 tới 21-7, những 63% với bình quân 215 ca nhiễm mới mỗi ngày, so với chỉ 131 ca nhiễm trong tuần lễ trước đó; nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên hơn 65.000 người và hơn 9.800 người chết trong một dân số 11,5 triệu người. Chính phủ Bỉ đặc biệt thận trọng do lẽ tỉ lệ tử vong vì COVID-19 ở Bỉ vào hàng cao nhất thế giới: 85 ca tử vong/100.000 dân. Từ đầu tháng 8, số người được tụ tập có tiếp xúc trực tiếp sẽ giảm từ 15 xuống còn 5 người, và kéo dài trong vòng 4 tuần; các sự kiện công cộng trong nhà giới hạn ở mức 100 người, còn ngoài trời là 200 người. Để đi chợ, dân Bỉ chỉ được đi một mình hay có kèm một trẻ vị thành niên, và mua sắm trong thời gian 30 phút mà thôi. Tại Đức, các viên chức y tế đang ra sức cảnh báo đợt dịch thứ nhì sau khi số ca nhiễm trong hai tuần qua đột ngột tăng. Hôm thứ ba 28-7, ở Đức có thêm 633 ca nhiễm mới. Chừng đó đủ gây lo ngại cho dù chưa là gì so với hơn 6.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong cao điểm của đại dịch ở nước này. Các quan chức y tế lo ngại về bản chất của các ca nhiễm mới này, vốn khác với trước kia tập trung ở các viện dưỡng lão hay nơi giết mổ gia súc. “Người dân đang bị lây nhiễm ở khắp mọi nơi - tiến sĩ Ute Rexroth thuộc Viện Robert Koch gióng lên hồi chuông cảnh báo - Đám cưới, gặp gỡ bạn bè, viện dưỡng lão hoặc điều dưỡng. Chúng tôi lo lắng rằng đây có thể là một sự thay đổi chiều hướng”. Giáo sư Dirk Brockmann của Đại học Humboldt tại Berlin chuyên về mô hình hóa đại dịch cho rằng người dân ngày càng thả lỏng hơn, tuy nay đã đeo khẩu trang để đi mua sắm hay xe điện, song sinh hoạt không khác gì bình thường. Ông cảnh báo: “Mọi người có thể sẽ phải thay đổi hành vi sâu sắc hơn”. Có thể hiểu ý ông cũng như ý nhiều chuyên gia y tế khác: mọi thứ sẽ vĩnh viễn không thể nào trở lại như cũ được nữa! Một khu nghĩa địa mới của các nạn nhân COVID-19 ở Manaus, Brazil. Ảnh: Getty Images Các đường biên giới rò rỉ Đây là nguy cơ mà đất nước nào cũng e ngại. Châu Âu có kinh nghiệm nhiều với vấn đề này. Từ hôm 3-6, Ý mở cửa biên giới với các nước láng giềng châu Âu. Thế là người Pháp nhào nhào lái xe qua. Đài France Info tường thuật: “Trước đồn biên phòng Menton (tỉnh Alpes-Maritimes), có một dòng xe vô tận, chỉ bắt buộc mỗi một điều là đeo khẩu trang, bằng không hình phạt là phải quay đầu trở lại. Chỉ cách đó vài trăm thước là cơn sốt thuốc lá. Dưới ánh mặt trời, cả trăm người đang xếp hàng. Hầu hết là cư dân dọc biên giới đang nối lại thói quen của họ”. Câu chuyện “tranh thủ mua sắm” này đã có từ thế kỷ trước với sôcôla và đồng hồ Thụy Sĩ (đeo một cái, mua một cái), cũng không xa lạ gì ở Singapore - lái xe qua Johor Bahru bên Malaysia vừa đổ xăng giá rẻ vừa đi chợ mua thức ăn giá chỉ bằng 1/3 ở Singapore! Song, chính những cuộc xâm nhập bán chính thức kiểu đó tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh tiếp tục lây lan và ngày càng khó dập. Tạp chí nghiên cứu The Conversation 2-4-2020 phân tích về làn sóng lây lan đầu tiên tại Ý và Pháp: “Mặc dù nguồn gốc của bệnh nhân F0 vẫn chưa được hiểu rõ ở mỗi quốc gia, song vẫn có một yếu tố xác định được: người đến từ các khu vực bị nhiễm bệnh (trường hợp đầu tiên ở Pháp và Ý là khách du lịch Trung Quốc). Đây là biểu hiện tột cùng của điều mà nhà sử học Emmanuel Le Roy Ladurie gọi là “vi khuẩn nhất thống thế giới”, diễn ra trong một ngàn năm, nhưng với tốc độ ngày càng nhanh chóng qua các biên giới”. Theo tập thể tác giả của Đại học Lorraine (Pháp), từ các trường hợp đầu tiên ở một quốc gia, virus nhanh chóng lây lan khắp quốc gia đó. Trường hợp của Ý chính là như vậy: sau khi xác định ổ dịch đầu tiên, một vành đai dịch tễ đã được khoanh bao gồm khoảng 11 xã vào hôm 24-2, trước khi nhanh chóng mở rộng đến các khu vực bị ảnh hưởng ở miền bắc đất nước, và cuối cùng ra cả nước từ ngày 10-3. Các tác giả so sánh đường biên giới như tường vách của một quốc gia, và mỗi quốc gia như một căn hộ trong tòa nhà thế giới. Do sự di chuyển trong nhà mình là điều nghiễm nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên khi virus lan nhanh: sự khuếch tán sẽ diễn ra trước hết giữa tất cả các phòng trong căn hộ. Thành ra, việc trám các “lỗ mọt” ở biên giới luôn là công việc cơ bản và thường xuyên trong tình hình hiện tại. Chính sự “chăm chút” đường biên sẽ làm chùn bước những kẻ hám lợi hay định xâm nhập, cũng như cổ võ tai mắt nhân dân, tuyệt đối không để xảy ra sự a tòng vì những lợi ích khác nhau.■ Nỗ lực cứu viện quy mô toàn cầu Tuyên bố chung ngày 3-5-2020 của các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và Thủ tướng Đức Angela Merkel đặc biệt nhấn mạnh: “Trong khi một số người thận trọng bước ra khỏi sự giam hãm cách ly, những người khác vẫn bị cô lập và thấy đời sống kinh tế - xã hội của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hậu quả có thể đặc biệt nghiêm trọng ở châu Phi và các quốc gia phương nam”. Vì thế, họ đưa ra một mục tiêu cụ thể trong nỗ lực hỗ trợ lẫn nhau vượt qua đại dịch: “Mục đích của chúng tôi rất đơn giản: Chúng tôi muốn gây quỹ thông qua lời kêu gọi quyên góp trực tuyến lớn, số tiền ban đầu là 7,5 tỉ euro (8 tỉ đôla) để lấp đầy khoảng trống viện trợ toàn cầu”. Kết quả của lời kêu gọi quyên góp này là 11 tỉ đôla nhận được trước cuối tháng 5, và một chiến dịch gây quỹ toàn cầu mới nhằm tài trợ cho sự phát triển và phân phối vaccine COVID-19 trên toàn thế giới. Những phương hại kinh tế của đại dịch sẽ để lại hậu quả không kém những hậu quả y tế, thậm chí còn có thể trầm trọng hơn. Tình hình khó khăn càng trầm trọng với các nước đang nợ nần nhiều nhất. Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) David Malpass hôm 8-7 đã tuyên bố tại hội nghị trực tuyến cấp cao về giãn nợ: “Tôi nghĩ chúng ta cần nỗ lực để kéo dài thời gian đình chỉ trả nợ đến năm 2021 do mức độ nghiêm trọng và kéo dài của cuộc khủng hoảng. Một số quốc gia IDA [Hiệp hội Phát triển quốc tế, tổ chức cho vay với nhiều nước đang phát triển] mắc nợ nhiều đã rơi vào khủng hoảng nợ. Nhiều nước nữa sẽ gặp nạn trước khi cuộc khủng hoảng này kết thúc. Trong hoàn cảnh như vậy, khó thể bắt họ trả nợ. Chúng ta không chỉ đơn thuần giảm nghĩa vụ nợ hiện giờ, mà còn là cả cho tương lai và vĩnh viễn. Điều này sẽ mở ra ánh sáng ở cuối đường hầm nợ với nhiều nước. Đối với một số quốc gia nghèo nhất, bị ảnh hưởng nặng nề nhất và mắc nợ nhiều nhất, việc giảm nợ cho họ là cách duy nhất để khởi động lại tăng trưởng, để đầu tư mới có thể có lãi, và tránh rơi vào bẫy nghèo bền vững”. Sân bay Changi bình thường tấp nập ở Singapore nay vắng lặng vì dịch bệnh. Ảnh: mustsharenews.com Khi nền kinh tế còn lại 8/10 Nếu ta thi tốt nghiệp cấp III, 8/10 điểm là kết quả chẳng tệ chút nào, nhưng với nền kinh tế, còn lại 8/10 cũng đồng nghĩa là ở trên bờ vực thảm họa. Đại dịch COVID-19 đã minh chứng điều đó ở nhiều nước. Trung Quốc là một ví dụ rõ ràng. Quốc gia này đã gỡ bỏ dần các biện pháp giãn cách xã hội từ tháng 2. Các nhà máy đã hoạt động trở lại và đường sá không còn vắng bóng người nữa. Nền kinh tế Trung Quốc thậm chí đã hoạt động được khoảng 7 hoặc 8/10 so với bình thường, nhưng còn lâu mới là bình thường. Nhiều mảng lớn của đời sống thường nhật giờ biến mất. Các chuyến đi bằng hệ thống xe lửa cao tốc khắp quốc gia và máy bay giảm 1/3. Tiêu dùng cá nhân chủ động - tức chi tiêu cho các khoản như ăn nhà hàng, du lịch, giải trí… - giảm 40% và các khách sạn chỉ hoạt động với 1/3 công suất. Số lượng doanh nghiệp phá sản và thất nghiệp đều tăng. Trong khi đó, làn sóng COVID-19 thứ hai đang tới. Nếu như có điều gì chúng ta học được từ các đợt giãn cách, nới lỏng, rồi giãn cách trở lại, thì đó là tất cả phải diễn ra thành một quá trình, thậm chí là một quá trình dài lâu, chứ không thể là một cột mốc của một ngày cụ thể trước và sau giãn cách. Ở Ý chẳng hạn, một tháng sau khi số ca tử vong vì dịch bệnh lên tới đỉnh điểm là 900 ca mỗi ngày, số người chết vẫn đang là 300 mỗi ngày. Sự bất trắc là một bài học thứ hai, kéo dài từ dịch bệnh sang kinh tế. 1/3 người Mỹ nói họ vẫn thấy không thoải mái khi tới một trung tâm mua sắm đông người. Đức đã phải phát phiếu mua hàng miễn phí cho người dân vì khi các cửa hiệu mở cửa trở lại sau giãn cách, người tiêu dùng vẫn tránh xa. Dân Đan Mạch khi giãn cách đã cắt giảm chi tiêu của hộ gia đình cho các dịch vụ, như du lịch và giải trí, tới 80%. Ở Thụy Điển, một nước không thực thi giãn cách, cắt giảm chi tiêu cũng ở mức tương tự. Ta không có con số thống kê cụ thể ở Việt Nam, nhưng rõ ràng đợt dịch thứ hai ở miền Trung vừa qua đã giáng một đòn nữa vào những lĩnh vực như du lịch và vận tải hành khách, khi mà sự hồi phục vẫn còn yếu ớt. Nhiều doanh nghiệp sẽ bước ra từ giãn cách xã hội trong cảnh thiếu tiền mặt, buộc phải cắt giảm lao động, và mức cầu yếu ngoài thị trường. Trong một cuộc thăm dò của Goldman Sachs, gần 2/3 các chủ doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ nói họ chỉ đủ tiền mặt để duy trì được 3 tháng. Đó có lẽ là số phận chung của hầu hết các doanh nghiệp nhỏ trên toàn cầu. Ở Anh, các doanh nghiệp thuê mặt bằng muộn hạn chi trả tiền thuê đã tăng 30 điểm phần trăm. Tình trạng tương tự có thể thấy ở nhiều khu vực buôn bán - kinh doanh lớn tại những đô thị lớn Việt Nam hiện giờ. Tình trạng nền kinh tế chỉ vận hành ở mức 8/10 kéo dài càng lâu, sự hồi phục sau đại dịch sẽ càng khó khăn. Và tình hình hiện giờ cho thấy chúng ta rất có thể nên bắt đầu chuẩn bị cho điều đó rồi. CHIÊU VĂN Tags: Trung QuốcCOVID-19Giãn cách xã hộiNguyên ngữLatin
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Công an yêu cầu Mr. Hunter Lê Khắc Ngọ ra đầu thú, nộp lại tài sản lừa đảo đã chiếm đoạt DANH TRỌNG 10/12/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội yêu cầu Mr. Hunter Lê Khắc Ngọ ra đầu thú, nộp lại tài sản do lừa đảo chiếm đoạt để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Xây dựng thương hiệu gạo cho Việt Nam là xây dựng niềm tin KHẮC TÂM 10/12/2024 Theo ông Phạm Thái Bình - chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - xây dựng thương hiệu gạo thành công là xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Nguy cơ ngừng hoạt động vì nợ tiền thuê đất hàng trăm tỉ đồng, Thảo cầm viên Sài Gòn nói gì? LÊ PHAN 10/12/2024 Với việc đứng trước nguy cơ bị truy thu gần 800 tỉ đồng tiền nợ thuê đất, Thảo cầm viên Sài Gòn có nguy cơ phải ngừng hoạt động vì không đủ kinh phí.
Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu bắt Tổng thống Yoon MINH KHÔI 10/12/2024 Quốc hội Hàn Quốc vừa thông qua nghị quyết yêu cầu nhanh chóng bắt giữ 8 nhân vật chủ chốt, trong đó có Tổng thống Yoon Suk Yeol.