TTCT - Hầu như mọi thành phố lớn trên thế giới đều gắn với một con sông mẹ. Con sông đó không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử, cội nguồn mà còn là nguồn nước, cảnh quan... Việc nhìn vào một con sông không chỉ ở khía cạnh “quy hoạch tổng mặt bằng” để sử dụng đất ven bờ... Thanh Khê Xuyên ở Seoul sau khi cải tạo Dự án 4 con sông lớnViệc quy hoạch các con sông và đất đai đi theo đó chỉ vì lợi ích trước mắt từng khiến không ít nước phát triển phải trả giá đắt, và sau đó phải chi tiêu rất lớn để sửa sai.Dự án phục hồi bốn con sông lớn ở Hàn Quốc là một ví dụ. Dự án này, được phát động dưới thời tổng thống Lee Myung Bak, là tầm nhìn toàn cục nhắm trước hết đến việc “xanh hóa” bốn con sông lớn nhất nước: Han (sông Hàn), Nakdong (Lạc Đông), Geum (Cẩm Giang) và Yeongsan (Vinh Sơn).Dự án bắt đầu từ tháng 1-2009, kết thúc tháng 10-2011, tiêu tốn tổng cộng 22,2 nghìn tỉ won (17,3 tỉ USD). Toàn bộ dự án chia làm ba giai đoạn: tái sinh các dòng sông, các dự án ở 14 cửa sông và các nhánh sông nhỏ, cuối cùng mới là việc xây dựng các khu vực dọc theo sông.Trong năm mục tiêu lớn của đại dự án thì việc phân chia đất đai ven bờ chỉ chiếm một phần nhỏ. Ưu tiên số 1 là đảm bảo về mặt nguồn nước cho các đô thị dọc sông, chuẩn bị cho tình trạng khan hiếm nước ngọt trong tương lai; thứ đến là kiểm soát lũ lụt; rồi cải thiện chất lượng nước và phục hồi hệ thống sinh thái cho sông.Chỉ trong hai mục tiêu cuối, các vấn đề quy hoạch đất đai mới được nhắc tới: tạo ra các không gian đa mục đích cho người dân địa phương và phát triển vùng, lấy trung tâm là những dòng sông.Cái nhìn quy hoạch mang tính bao quát đó khiến những con sông chảy qua đô thị không chỉ đơn thuần bị nhìn nhận là đất vàng, đất bạc nữa.Các lợi ích chồng chéo liên quan tới con sông cũng sẽ được tính đến đầy đủ và những bản vẽ lộng lẫy, ken đặc nhà cửa nhưng vô hồn sẽ không có chỗ trong cách nhìn toàn cục này.Hơn 929km đường sông của Hàn Quốc đã được phục hồi cùng với dự án, chưa kể 10.000km các dòng sông nhánh và 35 khu đầm lầy kết nối cả hệ thống.Dự án dễ hiểu cũng tạo ra không ít sự phản đối, nhất là bởi vai trò cựu CEO Tập đoàn xây dựng và kỹ thuật Hyundai của tổng thống Lee. Được đặt cho biệt danh “máy ủi” bởi kiểu làm việc quyết liệt đến cùng, ông Lee đã vận dụng mọi tài khéo léo chính trị cùng quyết tâm sắt đá của mình để dự án được thông qua ở quốc hội.Kế hoạch được bắt đầu không phải với những bản vẽ hoành tráng mà bởi điều cơ bản nhất từ một dòng sông: nguồn nước.Với sự tham gia của nhiều bộ ban ngành chính phủ, bản khái toán ước tính Hàn Quốc sẽ cần 800 triệu m3 nước ngọt để đối phó với tình trạng khan hiếm nước vào năm 2011, và con số đó sẽ là 1 tỉ m3 vào năm 2016.Các tính toán cũng cho thấy trong khi chính quyền phải chi ra 4,2 nghìn tỉ won để xử lý hậu quả lũ lụt trong một thập niên, đầu tư để ngăn lũ chỉ tốn 1,1 nghìn tỉ won. Ngoài số lượng, chất lượng nguồn nước là một vấn đề khác, với các chỉ số ô nhiễm được tính tới trước khi bất cứ hoạt động xây dựng nào diễn ra.Và một khi đã bắt tay vào quy hoạch, chính quyền ưu tiên trước hết không gian cho các hoạt động văn hóa và thể thao dưới nước, vốn chưa bao giờ đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân Hàn Quốc đang giàu lên nhanh chóng.Dự án cũng được đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế thực, khi kinh tế tăng trưởng chậm chạp và chính quyền cần tạo ra công ăn việc làm.Ưu tiên chính sách tuần tự là chất lượng nguồn nước; ảnh hưởng của quy hoạch đô thị ven sông với các vùng nông nghiệp; các khu vực công cộng và phúc lợi chung như công viên, khu phức hợp thể thao dưới nước, các hoạt động văn hóa, cảnh quan ven sông...; sinh thái của dòng sông; cuối cùng mới tới dự án cho các công ty tư nhân.Tới năm 2012, chất lượng nước các con sông chính đã được cải thiện đáng kể ở mức độ 2 theo tiêu chuẩn Hàn Quốc, nhờ vào việc mở rộng các cơ sở xử lý nước thải và cả xử lý sinh học bằng tảo xanh.Bộ Đất đai, hạ tầng và giao thông Hàn Quốc đã nỗ lực khôi phục hệ sinh thái trên sông, dành ra đất để tạo thêm những khu đất ngập nước, điều chỉnh lại quy hoạch nông nghiệp tương ứng trước khi bắt đầu với những quy hoạch trong đô thị, vốn là điều dễ làm nhất nhưng lại gây ra tác động lớn nhất, đôi khi là không thể lường hết với những đối tượng khác cùng sử dụng những dòng sông.Các con sông trong mắt nhà quy hoạch có trách nhiệm luôn có tính đa chức năng rất cao chứ không chỉ là cảnh quan cho tầng lớp thị dân.Dự án của chính quyền đã cố gắng tích hợp tối đa các chức năng đó, biến con sông thành một phong cách sống, nơi phục vụ du lịch, văn hóa và tăng trưởng xanh. 1.728km đường xe đạp đã được phát triển dọc theo các con sông, các chương trình du lịch sinh thái được trợ vốn và thúc đẩy tối đa, những lối đi bộ và cơ sở thể thao cũng được mở rộng và xây mới với tầm nhìn rõ ràng không để mặt sông, vốn là không gian công cộng từ bao đời, lọt cả vào tay các dự án tư nhân.Khoản tiền hơn 17 tỉ USD được chính quyền chi ra cũng được đảm bảo sẽ tiêu đúng mục đích, không rơi vào túi riêng của ai.12 tỉnh, thành Hàn Quốc đã nộp 836 đề án tương thích với tầm nhìn và kế hoạch tổng thể của chính quyền trung ương. Dự án ước tính tạo ra 340.000 công ăn việc làm và khoảng 31,1 tỉ USD cho nền kinh tế.Tất nhiên, một dự án ở quy mô như thế sẽ luôn phải nhận không ít chỉ trích và phản kháng. Ngay cả rất nhiều quyết tâm chính trị và những nỗ lực minh bạch hóa của chính quyền Seoul cũng không thể giúp họ tránh khỏi sức ép từ các tổ chức phản biện xã hội.Các nhóm môi trường như Friends of Earth (Những người bạn của Trái đất) đặt nghi ngờ về tính khả thi kinh tế, mục tiêu, cũng như các tác động môi trường với dự án. Cũng xuất hiện báo cáo về tình trạng ô nhiễm xảy ra với nước ngầm ở Changwon, Gyeongsangnam-do vì các công trình thi công liên quan.Chuyên gia về địa lý sông ngòi Matt Kondolf của Đại học California, Berkeley (Mỹ) thì nói dự án là cách làm đã lỗi thời. Một chuyên gia khác, Hans Bernhart của Viện Công nghệ Karlsruhe (Đức), nghi ngờ các đánh giá tác động môi trường.Trong khi đó, tiến sĩ Yamamoto Hirodake thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản) coi dự án là một chương trình tài trợ lãng phí từ chính quyền. Tuy nhiên, không ai nghi ngờ về vấn đề quy hoạch và phân bổ lợi ích.Thanh Khê Xuyên ở Seoul trước khi cải tạo Bài học Thanh Khê XuyênDự án cũng đã tạo nền tảng cho việc xây dựng các quy hoạch chi tiết hơn với những dòng sông lớn sau này.Chẳng hạn năm 2013, hai năm sau khi dự án khép lại, chính quyền thành phố Seoul đã dựa trên quy hoạch cũ để ban hành quy định mới hạn chế tầng cao của các tòa nhà dọc sông Hàn nhằm bảo vệ cảnh quan và môi trường.Quy hoạch tổng thể ven sông mới của Seoul bao gồm nhiều hơn các công viên thân thiện với môi trường và tăng khả năng tiếp cận chung của người dân với dòng sông.Cụ thể, mọi khu cao tầng ở gần một khoảng cách nhất định so với sông Hàn không được cao hơn 35 tầng, và những khu gần sông nhất không được quá 15 tầng.Nhiều cầu vượt và lối đi ngầm dọc sông đã được xây dựng, một sáng kiến công tư kết hợp với thiết kế và thi công do tư nhân đảm nhiệm, còn tài chính từ ngân sách nhà nước.“Chúng tôi cố gắng làm hài hòa các lợi ích, không hạn chế sự phát triển của thành phố, gia tăng giá trị nhưng vẫn quản trị tốt các không gian công cộng” - Lee Je Won, giám đốc Sở Quy hoạch Seoul lúc bấy giờ, nói trên Korea Herald. Quy hoạch cũng gồm việc bảo tồn toàn bộ những khu di tích lịch sử dọc theo bờ sông.Cũng ở Seoul, dự án quy hoạch lại và cải thiện sông Cheonggyecheon (Thanh Khê Xuyên), một nhánh sông Hàn chảy qua giữa thành phố, thành công tới mức được Trường thiết kế, Đại học Harvard đưa ra làm ví dụ về sự hợp lý với việc quy hoạch sông suối trong thành phố.Trong phần lớn lịch sử Seoul, Cheonggyecheon đã là một dòng sông bị ô nhiễm rồi bị lấp, nhất là giai đoạn kinh tế tăng trưởng mạnh đi kèm theo đô thị hóa tốc độ cao những năm 1970-1980.Năm 2000, Hiệp hội Kỹ sư dân dụng Hàn Quốc thấy rằng con đường trên cao bắc qua dòng sông này gặp vấn đề nghiêm trọng về kết cấu và có thể phải tiêu tốn tới 95 triệu USD mới sửa được. Thêm vào đó, Seoul bị kẹt xe, ô nhiễm không khí và thiếu các mảng xanh nghiêm trọng vì quá nhiều người sử dụng phương tiện cá nhân.Vì thế, thay vì sửa chữa đường cao tốc, chính quyền vùng đô thị Seoul quyết định sẽ tập trung vào hồi sinh, cải tạo và quy hoạch mới cho Thanh Khê Xuyên.Kế hoạch là giúp dòng chảy trở lại như trước khi đô thị hóa, tăng cường đa dạng sinh học ven sông, tạo ra không gian giúp con người và thiên nhiên có thể tương tác với nhau.Dự án cũng bao gồm việc phục chế nhiều khu vực lịch sử và văn hóa quan trọng dọc bờ sông, kèm theo một trung tâm kinh doanh và tài chính. Quy hoạch chung bao gồm việc phá bỏ đường cao tốc trên cao, xây một công viên kéo dài 5,84m hai bên bờ sông với diện tích tổng cộng khoảng 400ha.Dự án được triển khai từ tháng 7-2003 và hoàn tất tháng 10-2005, tiêu tốn của chính quyền 367 triệu USD và chi phí xã hội 1,9 tỉ USD, nhưng lợi ích mang lại được ước tính là 3,5 tỉ USD.Dòng sông được phục hồi bao gồm ba phần phân định rõ ràng: vùng đô thị, vùng tiếp giáp đô thị - tự nhiên và vùng tự nhiên hoàn toàn.Hai trong các cây cầu lịch sử bắc qua sông, Gwanggyo và Supyogyo, được phục dựng; các lễ hội truyền thống như lễ hội đèn lồng và lễ hội cầu Supyogyo được phục sinh. Nhấn mạnh vào các tiện ích cho người đi bộ và đi xe đạp, các dự án vận tải công cộng kèm theo được nâng cấp đáng kể so với quá khứ.Không hề trùng hợp, người lãnh đạo dự án này cũng lại là ông Lee Myung Bak, bấy giờ còn là thị trưởng Seoul.Dù lúc đó thủ đô Hàn Quốc còn thiếu sự tham gia của khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ, quyết tâm chính trị và cách làm minh bạch của ông Lee đã là chìa khóa cho thành công của dự án, điều tiếp tục tạo cảm hứng cho không ít công trình tương tự khắp thế giới, từ những nước giàu như Mỹ, Nhật Bản tới những nước kém phát triển hơn như Philippines, Nigeria.Nhưng tất nhiên, cố gắng cứu sống các con sông khi còn có thể bao giờ cũng tốt hơn là xé nát và giết chết chúng rồi lại tìm cách hồi sinh tốn kém sau đó. ■ Tags: Quy hoạchQuy hoạch đô thịQuy hoạch sôngĐô thị ven sôngSông trong thành phố
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.