Sốt xuất huyết, lưu ý gì?

BS LÊ TUYẾT HOA 18/10/2015 02:10 GMT+7

TTCT - Sốt xuất huyết lại hoành hành nhiều nơi, nhiều bệnh nhân tử vong do đến bệnh viện chậm trễ. Sau đây là một số dấu hiệu cơ bản mọi người cần lưu ý:

Sốt là triệu chứng sớm nhất, thường sốt rất cao đến 39-40,5°C trong 5-7 ngày. Đỏ phừng mặt cổ ngực thường thấy sớm. Luôn đau đầu, đau cơ cùng với giảm bạch cầu, tiểu cầu, tăng men gan, đôi khi có phát ban ngoài da. Thể nặng là giảm tiểu cầu, xuất huyết, thoát huyết tương ra ngoài mạch làm phù, ứ dịch trong màng phổi màng bụng và sốc trụy mạch.

Không khó nhận ra những dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết. Nhức đầu, đau nhức toàn thân, nhất là đau lưng, đau khớp, đau cơ. Đau hốc mắt mỗi khi cử động mắt cũng hay gặp. Triệu chứng về tiêu hóa rất nổi bật như chán ăn, ói, buồn ói, đau thượng vị.

Người bệnh thấy mệt lả, hoa mắt, xây xẩm, những biểu hiện này nhẹ hơn nhiều nếu chỉ là nhiễm siêu vi thông thường. Trong khi ho và đau họng (vốn hay gặp trong nhiễm siêu vi thông thường) lại rất ít gặp trong sốt xuất huyết.

Bệnh được phân thành ba mức độ: chỉ là nhiễm virút dengue, sốt xuất huyết, và hội chứng sốc do virút dengue. Diễn biến nặng thường rơi vào 3-4 ngày sau sốt, bệnh nhân phát ban dạng đốm mảng, xuất huyết chấm, chảy máu cam hoặc nướu răng, ói ra máu, đi cầu phân đen là nặng. Đau vùng gan, gan to. Có dịch trong bụng, trong màng phổi. Da xanh lạnh, mạch nhanh yếu, huyết áp thấp và kẹp, tiểu ít… báo hiệu sốc.

Những chỉ dấu nặng gồm: đau bụng, ói kéo dài, chảy máu cam, lừ đừ hoặc bứt rứt, đau vùng gan... luôn phải được người thân lưu ý.

Cần uống đủ nước, khuyến khích uống 2.500ml mỗi ngày nếu là người lớn, trẻ nhỏ uống lượng nước phù hợp độ tuổi. Nên uống các loại dịch dùng để bù nước hoặc nước trái cây, xúp loãng tốt hơn nước lọc. Tránh uống loại dịch có màu đỏ hay nâu để không nhằm với chất ói có máu trong diễn tiến bệnh. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận