TTCT - Tôi ngồi xuống bên cạnh anh Chung, cả hai tựa sát lưng vào tường, và tôi nhìn vẻ mặt anh chán nản. Minh họa: VIIP Đã thành lệ thường, cứ tối thứ năm, 8h30, chơi bóng đá ở sân Tao Đàn xong, tôi đi bộ sang quán của anh, đường Lý Tự Trọng, ăn chút gì đó và uống với anh chai bia hoặc chén rượu. Chung là chủ quán, 48 tuổi. Anh mở quán ăn hương vị Bắc này cũng đã được gần chục năm, bám vào cái vỉa hè ấy mà sống. Chỉ chừng chục phút sau, hai người trật tự phường tấp xe vào lề, nói gì không rõ vì đã bị át vào tiếng xe cộ phố phường, nhưng ra dấu hiệu là chúng tôi đủ hiểu. Họ muốn chúng tôi vào trong nhà mà ngồi. Lúc đó, chỉ có hai chiếc ghế nhựa, trước mặt mỗi người là một ly nước đậu đen rang đặt trên vỉa hè. Chung nói lớn: “Em ơi, nhà anh đây thì anh bày ghế ra ngồi uống cốc nước cho mát thôi chứ có buôn bán nhậu nhẹt gì đâu em”. Hai người trật tự bỏ đi. Tôi mới nhìn dọc theo lề đường Lý Tự Trọng. Vắng ngắt. Vợ chồng Chung kéo nhau từ Nam Định vào Sài Gòn lập nghiệp. Họ thuê cái mặt bằng nhỏ xíu, rộng 3m, sâu chừng 15m, để mở quán. Gần phân nửa diện tích bên trong đã dành cho khu bếp và một cái gác nhỏ cho mấy đứa nhân viên từ miền Tây lên rồi. Phần phía ngoài xếp được 2 bàn lớn (6 người ngồi) và 3 bàn nhỏ. Chi phí thuê nhà 2.500 đô mỗi tháng. Doanh thu trông cả ở vào cái vỉa hè - nơi khách vẫn kéo về ăn khuya. Hàng xóm láng giềng đều thông cảm với cái quán nhỏ ấy. Phần vì Chung không cho khách ồn ào. Đám hát rong Chung cũng tìm cách nói khéo bảo họ đi chỗ khác làm ăn. Phần vì Chung cũng giữ sạch sẽ cái vỉa hè. Khuya bán đồ ăn xong, anh dọn rửa sạch sẽ, tịnh không còn miếng rác nào. Sáng sớm ra các nhà mặt tiền lại mở ra bán quần áo, thời trang như thường. Và đã thành lệ, cứ 9h tối các hàng thời trang đóng cửa, tắt đèn, họ lại cho Chung bày dăm cái bàn, sát vào lưng tường, để làm chỗ câu cơm. Cái quán ấy là chỗ dựa của cả một gia đình, đủ trang trải để hai vợ chồng thuê chỗ ở, lo cho thằng lớn học đại học kiến trúc và con bé út học THCS. Chỗ dựa ấy, có những đận nửa đêm khách đang ngồi, công ty công trình đô thị đến khoan cắt mặt vỉa hè, đào cả một rãnh dài. Đận ấy quán anh vắng khách đến cả nửa tháng. Lại có đận, chuẩn bị vào dịp Quốc khánh, trật tự, công an xuống dẹp hàng đêm. Quán tịnh không một bóng người. Chung cứ ngồi thở dài thườn thượt. Trông vào đâu đây, tiền nhà, tiền lương nhân viên, tiền sinh hoạt phí gia đình bốn miệng ăn núi lở? Cũng như mọi người, tôi hào hứng với kế hoạch biến trung tâm quận 1 thành một Singapore thu nhỏ, hào hứng với hành động của một lãnh đạo quận nhất sẵn sàng đập bỏ bức tường vi phạm của cơ quan nhà nước, phạt lỗi đậu xe trái phép của một cán bộ đồng cấp mình ở quận 9... Nhưng tôi lại chạnh lòng khi nghĩ về những phận người phải bám vào vỉa hè mà sống, không phải lê la kiểu buôn thúng bán bưng, mà là những tiểu thương, với nền thương mại mặt đường vốn dĩ vẫn là xương sống của kinh tế nhỏ lẻ, hộ gia đình. Họ sẽ sinh nhai thế nào? Họ sẽ phá sản sao? Luật thì phải thi hành thôi, chẳng có thứ tình cảm nào được đặt trên pháp luật cả. Nhưng suy cho cùng, luật cũng để hướng con người ta đến cái nhân văn, và luật lại càng phải chặt chẽ và hợp lý. Dẹp để làm sạch cảnh quan đô thị là đúng quá rồi. Nhưng dẹp để dân hân hoan mà sống, mà ý thức gìn giữ cái cảnh quan ấy mới là khó. Chứ còn cứ công thức, đúng chừng ấy mét từ mép tường trở ra chỉ là chỗ để xe, còn không có xe thì cũng cấm bán bán buôn buôn, luật ấy chỉ mang lại tiếng thở dài. Ca khúc về Sài Gòn không nhiều, nhưng có một bài tôi rất ấn tượng, với cái câu: “Em ơi, hãy lắng nghe, em ơi hãy lắng nghe, nghe thành phố thở”. Tự dưng tôi muốn hỏi: Có bao giờ chúng ta thực sự biết hơi thở của Sài Gòn là gì không? Đó là một đô thị rộn ràng 24/24 giờ, một đô thị để người ta giải trí đúng nghĩa. Tiếng thở của Sài Gòn là tiếng thở hiện đại và nếu thành phố ấy cứ đều tăm tắp, đêm không có một sinh hoạt nào, nó sẽ là một thành phố chết. Khu ẩm thực bên hông chợ Bến Thành có đủ duy trì cái nhịp thở ấy không? Bao năm rồi, ngoài khu ẩm thực ấy, Sài Gòn vẫn đang thở bằng bao nhiêu khu khác đó thôi và kèm vào đó, là tiếng thở của những cư dân - những cư dân biết rằng nhờ có Sài Gòn mà họ và gia đình họ đang được sống. Tôi kéo Chung vào trong nhà uống rượu. Và trong cái không khí hầm hập của căn nhà bé xíu bị áp bức bởi hơi nóng từ bếp ra, tôi không còn nghe tiếng thở của thành phố nữa. Chỉ còn đọng lại, vẫn đó, những tiếng thở dài...■ Tags: Đô thịTạp bút TTCTGóc Sài GònSân Tao ĐànNghe thành phố thở
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.