Tàu người ngoài hành tinh ghé thăm?

NGUYỄN VŨ 22/11/2018 02:11 GMT+7

TTCT - ​Hai người bạn rảnh việc, kháo chuyện tầm phào. Một người hỏi: Cậu nghĩ có chút khả năng nào nàng diễn viên Angelina Jolie một ngày nào đó đồng ý đến Sài Gòn đi uống cà phê với tớ? Người kia bĩu môi: Một phần ngàn tỉ mới có chuyện đó. Người bạn cười: Thế là vẫn có khả năng.

Minh họa

Tờ Time dùng chuyện tiếu này để diễn tả khả năng vật thể bí ẩn hình xì gà vừa bay qua Thái Dương hệ của chúng ta là một con tàu vũ trụ mà người ngoài hành tinh phái đến để thăm dò - một khả năng rất rất, rất, rất chi là nhỏ bé.

Thế nhưng kết luận gây xôn xao báo chí vào tuần qua không phải của tờ Time, mà của hai nhà vật lý thiên văn Đại học Harvard trong một nghiên cứu vừa công bố. Một người, ông Avi Loeb, là trưởng khoa thiên văn học, còn người kia, Shmuel Bialy, là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ. Nhà khoa học mà đưa ra giả thuyết người ngoài hành tinh ghé thăm, dù với khả năng rất nhỏ, cũng là điều đáng quan tâm.

Chúng ta biết được những dữ kiện (facts) nào? Tháng 10 năm ngoái, một viễn vọng kính ở Hawaii phát hiện vật thể này, được đặt tên là Oumuamua (tiếng Hawaii có nghĩa “kẻ thăm dò, sứ giả”), chiều dài chừng 400m, chiều ngang dưới 40m, màu đỏ sậm, bay với tốc độ kinh khủng 70.000 dặm/giờ, tức nhanh gấp đôi tốc độ tàu Voyager 1 đang lao vút vào vũ trụ.

Quỹ đạo của nó cho thấy đây không phải là một vật thể bên trong Thái Dương hệ, mà từ ngoài bay vào, rồi tiếp tục bay ra mà không bị sức hút của Mặt trời giữ lại. Sau đó nó mất hút, kính viễn vọng mạnh nhất cũng không còn nhìn thấy bóng dáng nó nữa và giới thiên văn học bắt đầu bàn tán về nó với đủ giả thuyết, mới nhất là cái giả thuyết vừa gây sự chú ý với báo chí của hai giáo sư Harvard nọ.

Điều làm mọi người sững sờ là Oumuamua bay gần đến chúng ta thì tăng tốc! Những người nói nó chỉ là sao chổi lập luận sao chổi cũng có thể tăng tốc khi tới gần Mặt trời, vì sức nóng của Mặt trời làm một phần băng giá của sao chổi bốc hơi, tạo sức đẩy và tạo thành đuôi sao chổi chúng ta thường thấy. Nhưng Oumuamua hoàn toàn không có mẩu đuôi nào; nó lại vừa bay thẳng vừa đảo tròn đều đặn nên không thể tăng tốc nhờ lực đẩy của đuôi.

Nếu không phải là sao chổi, vật thể lạ chỉ có thể tăng tốc nhờ gió mặt trời hay áp lực bức xạ mặt trời. Gió mặt trời, tức sức đẩy của các hạt liên tục phát ra từ Mặt trời, là quá nhỏ, không thể tạo ra lực đẩy giải thích được sự tăng tốc của Oumuamua.

Áp lực bức xạ, từng được nghiên cứu để tạo ra các cánh buồm ánh sáng cho các chuyến du hành vũ trụ trong tương lai, thì quá đủ, nhưng trong trường hợp này Oumuamua phải có một cấu trúc kỳ lạ: vỏ nó phải thật mỏng, mỏng đến 0,3 - 0,9 milimet thì khối lượng nó mới đủ nhỏ để bay được với tốc độ kinh khủng như thế.

Vỏ mỏng, Oumuamua có khả năng bị bụi vũ trụ đâm thủng hay làm cháy tiêu. Tuy nhiên, vì bụi vũ trụ rất hiếm nên cũng có khả năng vật thể bay vút qua không gian, tránh hết mọi chướng ngại một cách kỳ diệu.

Thế thì có thể kết luận Oumuamua chỉ là một vật thể như một tiểu hành tinh nhưng tình cờ rỗng ruột, vỏ cực mỏng nên tự biến mình thành tấm buồm đón ánh sáng và bay mãi - tới gần nguồn sáng thì tăng tốc, bay ra xa thì giảm tốc chờ một nguồn sáng khác.

Nhưng nếu thế, thiên văn học còn gì là huyền ảo, còn gì là sự mơ mộng về những thế giới kỳ bí ở các thiên hà cách xa chúng ta hàng triệu năm ánh sáng.

Tại sao không đặt ra một giả thuyết khác, khả năng cũng nhỏ như các giả thuyết kia nhưng hấp dẫn hơn nhiều: Oumuamua là một cánh buồm do người ngoài hành tinh tạo ra và gửi đến Thái Dương hệ của chúng ta để thăm dò, như kiểu chúng ta gửi tàu vũ trụ Voyager 1 ra khỏi Thái Dương hệ bay vào vũ trụ xa xăm kia để tìm hiểu.

Đó là lý do vì sao hai vị giáo sư Harvard vào cuối bài nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết người ngoài hành tinh này.

Hơn nữa, chính ông Avi Loeb từng nghiên cứu về cánh buồm ánh sáng nhiều năm nay, từng làm chủ tịch hội đồng tư vấn cho dự án Breakthrough Starshot với tham vọng làm chiếc buồm ánh sáng nhỏ, cực mỏng, rồi dùng một tia laser cực mạnh để phóng nó vào không gian liên hành tinh.

“Trí tưởng tượng của chúng ta thường bị hạn chế bởi những điều chúng ta biết - ông nói - Vì tôi liên quan đến một dự án dùng cánh buồm ánh sáng nên mới nghĩ đến khả năng [Oumuamua là cánh buồm của người ngoài hành tinh]”.

Có lẽ mọi nhà thiên văn đều thiếu dữ liệu như nhau vì chỉ có thể quan sát Oumuamua trong vòng hai tuần vào cuối năm ngoái, nên có thêm một giả thuyết người ngoài hành tinh cử tàu vũ trụ đến tìm hiểu chúng ta cũng là chuyện thú vị vô hại.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận